Từ CỔ trong Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng

Thứ hai - 02/10/2023 10:45      Số lượt xem: 4839

Khi đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng, chúng ta nhận thấy một số từ, cụm từ: 'hỉ hoan khoái lạc' (một số giáo phận đã đổi là 'hỉ hoan vui mừng'), 'thiên hạ'; 'hưởng phúc vui vẻ'. Chúng ta cần hiểu những từ đó như thế nào? Ban biên tập xin gửi tới quý độc giả cách giải thích của Nữ tu Maria Thérèsa Bùi Thị Minh Thùy.

Kinh Cổ từ ngữ
 
 
TỪ NGỮ CỔ TRONG KINH 'NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG'
 
Tác giả: Nữ tu Maria Thérèsa Bùi Thị Minh Thùy
 
Kinh Nữ Vương Thiên Đàng

- Xướng: Lạy Nữ Vương Thiên Đàng hãy vui mừng, Alleluia

* Đáp: Vì đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng, Alleluia      

- Xướng: Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa, Alleluia

* Đáp:  Xin cầu cùng Chúa cho chúng con, Alleluia

-Xướng: Lạy Nữ Đồng Trinh Maria hãy hỉ hoan khoái lạc, Alleluia

* Đáp: Vì Chúa đã sống lại thật, Alleluia

- Lời nguyện: Lạy Chúa, là đấng đã làm cho thiên hạ vui mừng qúa bội bởi Đức Chúa Giêsu Kitô là Con Chúa cùng là Chúa chúng con đã sống lại; xin vì Đức Nữ Đồng Trinh Maria là Thánh Mẫu Người nguyện cầu cho chúng con được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời. Vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con.  Amen.
 

- Trong Kinh này chúng ta gặp từ ghép đa tiết song song hỉ hoan khoái lạc.” Từ điển tiếng Việt đương đại không có từ hỉ hoan” nhưng có từ tương ứng “hoan hỉ” với nghĩa rất vui mừng; có từ khoái lạc (thuần Việt) với nghĩa “cảm giác thỏa mãn, thích thú về hưởng thụ vật chất.” Từ điển ViệtBồ-La có từ “hoan hỉ” với nghĩa “vui vẻ, vui mừng”; không có từ “khoái lạc.” Từ khoái lạc là một từ nguyên gốc Hán với nghĩa “rất vui mừng.”

Trong tiếng Việt chúng ta thấy rất nhiều từ ghép song tiết gồm một yếu tố thuần Việt cộng với một yếu tố Hán Việt như: giá cả, hỏi han, tuổi tác... Trong đó: “cả” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “giá”; “han” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “hỏi”, “tác” là yếu tố Hán Việt đồng nghĩa với “tuổi”; các yếu tố “cả, han, tác” hiện nay đã mờ nghĩa hoặc có thể tiếng Việt hiện đại đã thay vào đó bằng các từ đồng âm thuần Việt tương ứng với nghĩa hoàn toàn khác.

Trường hợp cụm từ hỉ hoan khoái lạc” là cụm từ ghép hai từ song tiết gồm một từ là thuần Việt “hỉ hoan” và một từ là Hán Việt “khoái lạc”, cả hai đều mang nghĩa “rất vui mừng.” Muốn hiểu từ “khoái lạc” phải tra từ điển Hán Việt hoặc từ điển Từ nguyên Hán Việt. Ngặt một nỗi là tiếng Việt hiện đại đã có từ “khoái lạc” thuần Việt với nghĩa hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa của lời kinh. Cụm từ “hỉ hoan khoái lạc” là loại từ ghép hội nghĩa trong tiếng Việt, đặc điểm của nó là tạo nghĩa khái quát do hai yếu tố cộng lại, hỉ hoan - khoái lạc” là “một sự vui mừng rất lớn lao.” Trong tiếng Việt nếu từ ghép có nghĩa tích cực thì bao giờ yếu tố mang nét nghĩa tích cực hơn, biểu cảm hơn cũng được đặt sau[1]. Yếu tố “khoái lạc” là yếu tố có nét nghĩa tích cực hơn, biểu cảm hơn vì bản chất Hán Việt của chúng nên nó được đặt ở sau.

Tự vị Annam Latinh của Đức Cha Bá Đa Lộc ra đời sau Từ điển Việt-Bồ-La hơn 100 năm, từ điển này có từ “khoái” với nghĩa “hoan hỉ, bằng lòng”, thiết nghĩ với ý nghĩa này sẽ giúp cho hiểu rõ ý nghĩa của Kinh này hơn.

 
- Trong Kinh này và rất nhiều Kinh khác chúng ta gặp đi gặp lại từ thiên hạ.” Từ “thiên hạ” theo tiếng Việt hiện đại giải thích là “người đời, trừ mình và những người thân ra” nghĩa này hoàn toàn không phù hợp với lời Kinh. Từ điển ViệtBồ-La giải thích thiên hạ nghĩa là “tất cả mọi người dưới bầu trời này”, có cả mình và người thân trong đó. Nếu hiểu từ này theo nghĩa hiện đại thì câu Kinh đọc chẳng có ích gì cho chúng ta, nhưng nếu hiểu rằng “thiên hạ” dưới bầu trời này có cả chúng ta và những người thân ở đó, thì lúc đọc Kinh chúng ta mới cảm thấy vui vì mình đang hiện diện trong đám người vui niềm vui Chúa sống lại và hy vọng được sống lại với Chúa.
 
Trong Kinh này cũng có cụm từ “hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời.” Từ vui vẻ” theo Từ điển tiếng Việt hiện đại có nghĩa là “có vẻ ngoài lộ rõ tâm trạng vui.” Nếu sử dụng nghĩa này của tiếng Việt hiện đại thì sẽ không phù hợp với lời Kinh chúng ta đọc. Bởi vì ý của câu Kinh xin cho được hưởng phúc vui vẻ là cái phúc của đời sau, hoàn toàn không phải phúc của đời này, vì thế “cái vẻ bên ngoài tỏ lộ tâm trạng vui” chỉ là cái nhất thời, trong khi lời Kinh dạy chúng ta xin điều vĩnh cửu.
 
- Từ điển Việt-Bồ-La, Tự vị Annam Latinh, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị  đều có mục từ vui vẻ.” Từ điển Việt-Bồ-La chỉ giải nghĩa vui vẻ” là “vui mừng”; Tự vị Annam Latinh cũng giải thích “vui vẻ” là “vui mừng”; Đại Nam Quấc Âm Tự Vị giải thích vui vẻ” nghĩa là “vui mừng, là được thỏa lòng mong ước (thỏa thích), được toại nguyện (khoái ý)”, tác giả còn thêm một nét nghĩa như tiếng Việt hiện đại đó là “tỏ lộ ra bên ngoài (hớn hở).”

Như vậy, cụm từ được hưởng phúc vui vẻ hằng sống đời đời” nghĩa là được hưởng một niềm hạnh phúc, mà niềm hạnh phúc ấy làm thỏa lòng mong ước của chúng ta, đó là được sống đời đời.” Đây là niềm vui của đời sau. Nghĩa cổ của từ “vui vẻ” như thế mới phù hợp với lời Kinh chúng ta đọc, và điều chúng ta xin trong Kinh ấy quả thật là điều có giá trị lớn lao, xứng đáng giá máu của Chúa Giêsu đã đổ ra, để cho chúng ta được “thỏa lòng mong đợi sự sống đời đời”, được phục sinh như Chúa.

Nguồnhttp://daminhrosalima.net/

 

 











 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 209
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 199
 
  •   Hôm nay 13,428
  •   Tháng hiện tại 1,323,742
  •   Tổng lượt truy cập 81,256,642