"Lá mặt lá trái" (Bài suy niệm Tin mừng Chúa nhật Lễ Lá năm B)

Thứ bảy - 23/03/2024 15:34      Số lượt xem: 763

Để biểu thị sự tráo trở, lật lọng, người Việt Nam chúng ta có thành ngữ "lá mặt lá trái". Lá mặt tức là mặt phải của lá, lá trái là mặt trái của lá. Thành ngữ này bắt nguồn từ phương thức làm các loại bánh bọc vỏ bằng lá, thường gọi là bánh lá, rất phổ biến.

screenshot 1711183060
Lá mặt lá trái
Để biểu thị sự tráo trở, lật lọng, người Việt Nam chúng ta có thành ngữ "lá mặt lá trái". Lá mặt tức là mặt phải của lá, lá trái là mặt trái của lá. Thành ngữ này bắt nguồn từ phương thức làm các loại bánh bọc vỏ bằng lá, thường gọi là bánh lá, rất phổ biến.
 
Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi... Nhưng để phân biệt bánh ngon hay không ngon, để bán cho khách quen hay khách vãng lai, hầu kiếm lời bất chính, có những chủ quán đã gói bánh bằng cách để "mặt phải" (lá mặt) hay "mặt trái" (lá trái) của lá ra ngoài để đánh dấu. Từ thói xấu này mà thành ngữ "lá mặt lá trái" ra đời và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con người.

Theo dõi diễn tiến của Thánh lễ Lá, chúng ta nhận thấy một sự trùng hợp đến bất ngờ nhưng lại mang  chiều sâu ý nghĩa rất đáng mỗi người phải suy nghĩ về nhân tình thế thái và về chính con người của mình. Đó là sự trùng hợp cả về tên gọi và nội dung giữa ngày lễ Lá với thành ngữ "lá mặt lá trái" khi chứng kiến những hình ảnh diễn tiến.

Thánh lễ Lá có một diễn tiến hết sức đặc biệt, có thể nói là duy nhất trong năm phụng vụ, với hai bài đọc Tin Mừng. Một bài đọc khi rước lá, một bài đọc trong phần Phụng vụ Lời Chúa gọi là Bài Thương Khó. Hai đoạn trích Tin Mừng này mang bầu khí hoàn toàn trái ngược nhau: Bài Tin Mừng đọc khi rước lá là một bầu khí chúc tụng vô cùng náo nhiệt dành cho Đức Giêsu khi Ngài tiến vào thành thánh Giêrusalem: "Khi Đức Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.” (Mt 21, 10-11). Tác giả Tin Mừng còn trình thuật chi tiết: "Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt cành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời." (Mt 21, 8-9). Thế nhưng sang bài Tin Mừng trong phần Phụng vụ Lời Chúa, đổi lại là một bầu khí ảm đạm sôi sục lòng hận thù cũng của những người dân ấy với Đức Giêsu, đến nỗi trong một bài suy niệm của mình, Đức TGM Giuse Nguyễn Năng phải thốt lên: "Ðức Giêsu được rước vào thành thánh cách long trọng, nhưng cũng chính trong vinh quang này lại mở màn cho cuộc khổ nạn đau thương! Thật không thể hiểu nổi một Ðấng Cứu Thế lại có thể bị ngược đãi, nhục hình! Cũng không thể tin nổi được lòng dạ con người mau đổi trắng thay đen! Tung hô đó để rồi đả đảo ngay."

Lòng dạ con người đổi trắng thay đen trước tiên là đám đông dân chúng, vừa mới reo hò vang dậy: "Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời." (Mt 21, 9).  thì lại cũng chính những con người ấy trước dinh tổng trấn Philatô la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (x. Mc 15,13-14). Thậm chí không chỉ dân chúng, ngay các tông đồ cũng có vẻ thay lòng đổi dạ. Sau bữa tiệc Vượt Qua, khi lên núi Ôliu, lúc Chúa Giêsu tiên báo cuộc khổ nạn sắp xảy đến, Phêrô và các môn đệ thề sống chết trung thành với Thầy: "'Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy." và "Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy" (Mc 14,41), thì ngay sau đó ít phút, khi quan quân tới, các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn đi hết (x. Mc 14,50), còn Phêrô trong sân nhà thượng tế "thốt lên những lời độc địa và thề rằng: "Tôi thề là không có biết người các ông nói đó !" (x. Mc 14, 66-72). Giuđa, thì khỏi nói, dùng nụ hôn tỏ dấu yêu thương làm dấu chỉ phản bội bán đứng Thầy. Nhìn theo lẽ thông thường, tình cảnh này quả thật là cay đắng!

Quan sát cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn thấy tình cảnh này tồn tại nơi này nơi kia, thậm chí ngay trong con người chúng ta. Sự thay đổi lòng dạ, thái độ làm sao thật dễ! Và, hậu quả của nó không hề nhẹ nhàng, vì đôi khi làm cho nhiều người đánh mất niềm tin vào cuộc sống.

Lời Chúa ngày lễ Lá vừa là kinh nghiệm để trong cuộc sống, chúng ta "biết mà lường", đồng thời cũng là bài học quý giá cho người tín hữu tập tành nhân đức. Nghe bài Thương Khó, chúng ta chê trách cách hành xử của dân Dothái, của tông đồ Giuđa, Phêrô và các tông đồ ư? Nhìn kỹ lại xem, biết đâu chính tôi, chính mỗi người chúng ta, cũng đã từng hoặc đang mang tâm tính như thế với Chúa và với anh chị em mình? Tôi có đang trung thành với Chúa và trung thành trong các mối tương quan  không hay là tôi đang "lá mặt lá trái"? Ước gì tôi luôn giữ được một lòng sắt son, chứ "đừng xanh như lá, bạc như vôi."

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 228
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 216
 
  •   Hôm nay 60,019
  •   Tháng hiện tại 1,304,028
  •   Tổng lượt truy cập 81,236,928