Chú giải Lời Chúa Chúa nhật V Thường niên - Năm B

Thứ sáu - 02/02/2024 17:32      Số lượt xem: 984

Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật này, cả Bài đọc I và Bài đọc II đều gặp thấy âm vang trong đoạn Tin Mừng hôm nay.

G 7: 1-4, 6-7
Ông Gióp là nhân vật chính của sách này, một người công chính phải chịu muôn vàn đau khổ. Trong đoạn trích hôm nay, ông than vãn với Thiên Chúa về những đau khổ mà mình phải chịu mà không hiểu tại sao.
1Cr 9: 16-19, 22-23
Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô gợi lên lòng nhiệt thành hăng say truyền giáo của thánh nhân là một bổn phận mà thánh nhân phải chu toàn.
Mc 1: 29-39
Đoạn Tin Mừng hôm nay như lời đáp trả cho Bài đọc I, Đức Giê-su vừa là Đấng chữa lành đích thật cả về thể lý lẫn tâm hồn vừa là Đấng đem lại ý nghĩa cho những đau khổ của con người. Đồng thời Ngài cũng là mẫu gương đầu tiên về sứ mạng truyền giáo: “Vì Thầy đến cốt để làm việc đó”.
 
BÀI ĐỌC I (G 7: 1-4, 6-7)
Gióp là nhân vật chính của sách chứ không là tác giả (giống như sách Giô-na, sách Tô-bi-a, sách Giu-đi-tha). Ông là người tôi trung “đức độ vẹn toàn” của Thiên Chúa, vui hưởng một cuộc sống hạnh phúc giàu sang phú quý, nhưng rồi những tai họa bất ngờ ập xuống. Ông mất tất cả: tài sản, con cái; đoạn, bị ung nhọt lở loét khắp người. Trong cơn cùng khốn, ông than thân trách phận nhưng không nổi loạn chống Thiên Chúa.
Tại sao người công chính phải chịu đau khổ trăm chiều, vấn đề này được đề cập đến dưới nhiều khía cạnh khác nhau, được lý giải dưới nhiều gốc độ khác nhau trong cuộc tranh luận dài giữa ông và các bạn của ông. Văn thể chính yếu là đối thoại.
Bài học cốt yếu mà sách đưa ra, đó là người công chính vẫn một mực trung thành với Thiên Chúa trong mọi gian nan thử thách, cuối cùng nhận được phần thưởng của mình: ông Gióp được tăng gấp bội những gì ông đã có trước kia: tài sản, con cái, cháu chắt.
1. Nguồn gốc của sách Gióp:
Đề tài được khai triển trong sách không mới. Vấn đề người công chính phải chịu đau khổ được nêu lên rất xa xưa trong những chuyện tích dân gian truyền khẩu cũng như trong những bản văn thuộc thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên của các dân tộc chung quanh dân Do Thái. Một bản văn Ba-by-lon thuộc thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên chứng nhận rằng miền Lưỡng Hà Địa cũng có một vị anh hùng công chính chịu đau khổ. Văn thể ở trong những câu chuyện đó đã là đối thoại rồi. Ai Cập cũng đã gẫm suy vấn đề này trong một bài thơ rất trữ tình: “Một con người chán sống đối thoại với tâm hồn của mình”. Cuối cùng, ở Hy Lạp, đề tài này được gặp thấy ở nơi thi phẩm “Odyssée” nổi tiếng của thi hào Homère. Nhân vật chính, Ulysse, là người công chính phải lang thang phiêu bạt. Ông đã mất tất cả: tổ quốc, gia đình, của cải, các bạn đồng hành cùng với con thuyền, một mình cô quạnh trong một hoang đảo. Cuối cùng, ông lấy lại tất cả những gì ông đã mất trước đó.
Chúng ta chỉ có thể đoán những vết tích của chuyện tích dân gian ở nơi đoạn kết có hậu: “ở hiền gặp lành”. Tác giả đã không ngại duy trì “đoạn kết có hậu” này, cho dù có nguy cơ làm yếu đi những viễn cảnh tinh thần thi phẩm của ông. Quả thật, “lời mở”“lời kết” của sách Gióp được viết bằng văn xuôi và rất có thể là chứng tích của một chuyện tích dân gian. Chắc chắn trên nền chuyện tích dân gian này, văn sĩ thánh đã xây dựng một ngụ ngôn mang chiều kích thần học và luân lý rất cao.
Tác giả đã viết những gẫm suy về sự đau khổ này cho ai? Những suy đoán về lịch sử và tâm lý khiến người ta nghĩ rằng sách Gióp được biên soạn trong thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lon. Vì thế, ai đã mất tất cả, ai đã sống trong cảnh đời vô vọng, ai đã nêu lên cho Thiên Chúa những nghi vấn và không hiểu tại sao mình phải chịu một sự thử thách dài lâu đến như thế, nếu không phải là những người bị lưu đày ở Ba-by-lon? Vả lại, tác giả không phải là không biết sách “Ai Ca” của Giê-rê-mi-a, từ sách này ông đã đón nhận nguồn cảm hứng sáng tác của mình.
2. Người công chính phải chịu đau khổ.
Đoạn văn hôm nay được trích từ lời than vãn thứ hai trong số những lời than vãn dài của Gióp. Trong đoạn trích này, Gióp than vãn về những đau đớn đang hành hạ thân xác của ông. Bản văn được chọn để chuẩn bị cho chúng ta đọc đoạn Tin Mừng hôm nay. Suốt ngày ở Ca-phác-na-um, Chúa Giê-su đối mặt với những bệnh nhân mà người ta đem đến với Ngài. Động lòng thương, Ngài chữa lành tất cả. Quyền năng của Ngài chữa lành những bệnh hoạn thể xác là dấu chỉ loan báo quyền năng của Ngài chữa lành những bệnh hoạn tâm hồn.
Gióp sánh ví cuộc sống con người với khổ dịch, đoạn với chuỗi ngày của kẻ làm thuê và của người nô lệ, cả hai đều nôn nóng chờ đợi ngày kết thúc, người làm thuê đợi tiền công, kẻ nô lệ mong được giờ phút nghỉ ngơi. Đoạn, Gióp bất hạnh nói đến mình phải trằn trọc suốt đêm thâu không chợp mắt vì cơn đau hành hạ.
Tuy nhiên, trong khi trằn trọc đau đớn trên giường, Gióp hướng mắt về Thiên Chúa và nói lên những lời than vãn đến xé lòng của mình với Thiên Chúa: “Xin Chúa nhớ cho: đời con chỉ là một hơi thở, mắt con sẽ không được thấy lại hạnh phúc bao giờ. (7: 7). Bất chấp tất cả, Gióp giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa, dù ông không hiểu được.
Đây chỉ là một đoạn trích ngắn của một trong số những cuốn sách bi thương nhất đã từng viết về nỗi đau khổ của nhân loại. Sách không đề nghị bất kỳ giải pháp nào (vào thời kỳ này những niềm hy vọng bên kia nấm mồ chưa được biết đến ở Ít-ra-en): vấn đề người công chính phải chịu đau khổ là một mầu nhiệm của Thiên Chúa.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 9: 16-19, 22-23)
Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô này có thể hiểu được chỉ khi đặt nó vào lại trong văn mạch, vì hai dữ kiện được đặt chồng lên nhau ở đây.
1. Một nghĩa vụ buộc phải chu toàn.
Dữ kiện đầu tiên mặc nhiên nhắc nhớ cuộc trở lại của thánh Phao-lô trên đường Đa-mát và nhiệm vụ mà Đức Ki-tô trực tiếp giao phó cho thánh nhân, khi thánh nhân xuất thần trong Đền Thờ: “Hãy đi, vì Thầy sẽ sai anh đến với các dân ngoại ở phương xa” (Cv 22: 21). Thánh nhân nghĩ rằng mình chẳng có gì phải tự hào khi loan báo Tin Mừng, bởi vì ngài không tự nguyện làm việc ấy. Nếu ngài đơn giản là một tín đồ tự mình tận tâm tận lực thi hành công việc này, chắc chắn Thiên Chúa sẽ thưởng công cho ngài; ấy vậy, thánh nhân phải thi hành một nhiệm vụ mà ngài không thể thoái thác, một nghĩa vụ mà ngài buộc phải chu toàn.
2. Tinh thần vô vị lợi.
Thánh nhân bày tỏ không chỉ thái độ khiêm hạ trong việc phụng sự Chúa, nhưng còn tinh thần vô vị lợi nữa. Quả thật, đây là dữ kiện thứ hai tất yếu để hiểu đoạn trích này. Trong vài hàng trước đó, thánh nhân phát biểu: “Anh em không biết rằng người lo các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng” (9: 13-14). Dù thế, thánh nhân không muốn mình trở thành gánh nặng cho bất cứ ai: “Vậy đâu là công sá của tôi? Đó là đem Tin Mừng mà rao giảng không công, chẳng sử dụng quyền lợi Tin Mừng ban cho tôi”.
3. Nhà truyền giáo mẫu mực.
Thánh Phao-lô tự nguyện tước bỏ đặc quyền đặc lợi của mình, chia sẻ mọi hoàn cảnh của mọi người, làm đầy tớ mọi người để chinh phục được nhiều người “bằng bất cứ giá nào”. Phần thưởng mà thánh nhân mong ước đó là “cứu độ được một số người”. Như vậy, thánh Phao-lô chẳng những thiết lập mà còn chứng thực đức tính truyền giáo của Giáo Hội.
 
TIN MỪNG (Mc 1: 29-39)
Tin Mừng Chúa nhật hôm nay nối tiếp Tin Mừng Chúa nhật trước đó thuật lại cho chúng ta một ngày hoạt động của Đức Giê-su tại thành Ca-phác-na-um: Sáng sớm, trong hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su giảng dạy cho dân chúng và trục xuất thần ô uế ra khỏi một người bị quỷ ám (Chúa nhật trước: 1: 21-28); ban trưa, tại nhà ông Si-môn, Đức Giê-su chữa lành bà mẹ vợ ông Si-môn, và chiều tối, trước cửa nhà ông Si-môn, Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh tật và trừ quỷ (Tin Mừng Chúa nhật hôm nay: 1: 29-39).
1. Đức Giê-su chữa lành bà mẹ vợ ông Si-môn (1: 29-31):
Ngay khi vừa rời hội đường, Đức Giê-su đến nhà của hai anh em Si-môn và An-rê. Khi người ta nói cho Ngài biết bệnh tình của bà mẹ vợ ông Si-môn, Đức Giê-su tiến đến bên giường bệnh nhân và theo đúng nguyên văn: “cơn sốt rời bỏ bà”. Đây là diễn ngữ rất mạnh. Cơn sốt vào thời đó không là một trong những chứng bệnh thông thường như chúng ta nghĩ hiện nay. Cơn sốt gây tác động rất mạnh trên những người xưa. Thiên Chúa ngăm đe những ai không thi hành các huấn lệnh của Ngài, là Ngài sẽ trút xuống những người ấy nỗi kinh hoàng, sự suy mòn, cơn nóng sốt, khiến mắt họ mờ đi và phải kiệt sức (x. Lv 26: 14-16). Cơn sốt là một trong những tai ương ngang bằng với sự chết mà chỉ một mình Thiên Chúa mới làm chủ được nó (x. Kb 3: 5).
Đức Giê-su “cầm lấy tay bà mà đỡ bà dậy”. Đó cũng là cử chỉ của Đức Giê-su khi Ngài cho con gái ông Gia-ia sống lại: “Người cầm lấy tay cô bé…và lập tức, cô bé chỗi dậy (Mc 5: 41-42). Trong cả hai trường hợp, chúng ta lưu ý đến cử chỉ của Đức Giê-su: “Cầm lấy tay” nói lên mối quan tâm của Ngài đối với bệnh nhân và động từ “đỡ dậy” theo đúng nguyên ngữ là “chỗi dậy”, động từ này được Tân Ước dùng để chỉ cuộc Phục Sinh của chính Đức Giê-su. Như vậy, Đức Giê-su chuẩn bị cho các môn đệ cuộc Phục sinh sau này của Ngài.
Để đáp lại ân tình cứu chữa của Đức Giê-su, “bà phục vụ các ngài”. Chức năng chính yếu của chi tiết này chính là nhằm minh chứng rằng bà hoàn toàn bình phục ngay tức khắc; đó là bằng chứng cho thấy bản chất kỳ diệu của hành động chữa lành mà Đức Giê-su vừa mới thực hiện. Trong Lc 8: 1-3, khi đề cập đến nhóm phụ nữ cùng với nhóm Mười Hai cùng đi với Đức Giê-su trên mọi nẻo đường truyền giáo, thánh Lu-ca kể ra việc các bà được Đức Giê-su “trừ quỷ và chữa bệnh”. Để đáp lại ân tình của Ngài, “các bà đã lấy của cải mình mà phục vụ Đức Giê-su và các môn đệ”. Chúa Giê-su cứu giúp chúng ta để chúng ta cứu giúp người khác.
2. Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh tật và trừ quỷ (1: 32-34):
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn”, tức là ngày sa-bát chính thức chấm dứt (người Do Thái tính một ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn như biểu thức được lập đi lập lại ở trang đầu của sách Sáng Thế: “vào một buổi chiều và một buổi sáng, ấy là ngày thứ…”), người ta có thể tự do đem các bệnh nhân đến trước cửa nhà ông Si-môn mà không vi phạm lệnh truyền giữ ngày sa-bát. Đức Giê-su chữa lành mọi bệnh tật và trừ quỷ.
Nhiều lần thánh Mác-cô kết hợp bệnh tật với trừ quỷ, vì theo quan niệm thời đó bệnh tật là do ma quỷ gây nên (1: 34; 3: 10-11; 6: 13). Trong Tân Ước, quỷ thường được nói đến dưới khía cạnh tác hại của chúng trên thế gian, nhưng công việc của Đức Giê-su chấm dứt ảnh hưởng tác hại ấy. Trong những lần Đức Giê-su chữa lành bệnh tật và trừ quỷ, chúng ta nên để ý đến hai điều: một là lời của Đức Giê-su rất giản dị, nhưng hiệu nghiệm, khác hoàn toàn với những câu thần chú và những điệu bộ ma thuật phức tạp của các thầy trừ quỷ thời ấy. Hai là phép lạ của Đức Giê-su là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa can thiệp một cách dứt khoát, con người không chỉ được khỏi bệnh tật, nhưng còn được cứu độ. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật thể lý nhằm chuẩn bị một dấu chỉ khác mà Đức Giê-su không bao lâu sau sẽ thực hiện cũng trong chính thành Ca-phác-na-um này, khi Ngài nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi” (Mc 2: 5). Đức Giê-su biết rằng dân chúng tin có một mối dây liên kết giữa bệnh tật và tội lỗi. Khi chữa lành đám đông khỏi mọi bệnh tật, Ngài loan báo ơn tha thứ tội lỗi.
Việc Đức Giê-su “không cho quỷ nói” thông thường được hiểu như “bí mật Thiên Sai” theo thần học Tin Mừng Mác-cô. Trong khi những đối thủ siêu phàm của Đức Giê-su biết Ngài là ai, thì phàm nhân (như các môn đệ) cần thời gian để có được một bức chân dung đầy đủ hơn về Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a chịu chết và sống lại. Vì thế, quỷ muốn công bố Ngài là Đấng Thiên Sai không nhằm mục đích tốt lành, nhưng cố ý để con người hiểu sai lạc chân tính Thiên Sai của Ngài. Người Do Thái mong chờ một Đấng Thiên Sai toàn thắng về phương diện chính trị và quân sự, trong khi Đức Giê-su đến để thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha theo hình ảnh của “người tôi trung chịu đau khổ”, tức là “dâng hiến mạng sống để đem lại ơn cứu độ cho muôn người”.
3. Đời sống nội tâm của Đức Giê-su (1: 35):
Điều đáng chú ý nhất của bản văn này là vén mở đời sống nội tâm của Đức Giê-su: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Đức Giê-su đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng mà cầu nguyện”. Thánh Mác-cô nhấn mạnh “nơi hoang vắng”. Diễn ngữ “nơi hoang vắng” rất giàu ý nghĩa. Chính là nơi mà các nhà chiêm niệm vĩ đại gặp gỡ Thiên Chúa như ông Mô-sê, ngôn sứ Ê-li-a, vân vân. Đó cũng là nơi mà Đức Giê-su cầu nguyện với Cha Ngài trong suốt bốn mươi đêm ngày trước khi khởi sự sứ vụ công khai của Ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, đây cũng là nơi Ngài cầu nguyện trong khi các môn đệ ngủ… và điều này sẽ được tái diễn vào một đêm khác bi thảm hơn, đêm trước cuộc Tử Nạn của Ngài trong vườn Cây Dầu.
Thánh Mác-cô cho chúng ta biết ngay từ rất sớm “Người ra đi cầu nguyện”, mà không nói rõ ra Người cầu nguyện với ai và về vấn đề gì, nhưng mẩu đối thoại sau đó sẽ hé mở cho chúng ta thấy Đức Giê-su đối thoại với Chúa Cha về sứ mạng Ngài đang thực hiện. Cầu nguyện vào lúc sáng tinh mơ và vào lúc chiều hôm buông xuống trong những nơi thanh vắng sẽ là một nếp gấp trong cuộc đời thi hành sứ mạng của Đức Giê-su. Dù rất bận rộn, Chúa Giê-su vẫn dành thời giờ để cầu nguyện; dù bị đám đông ồn ào bao vây suốt ngày, Chúa Giê-su vẫn tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện.
4. Đức Giê-su thi hành sứ vụ khắp miền Ga-li-lê (1: 36-39):
Việc “ông Si-mon và các bạn kéo nhau đi tìm Đức Giê-su” cho thấy một ngày hoạt động của Ngài ở Ca-phác-na-um rất thành công ngoài mong đợi; vì thế, ông Si-môn, một trong bốn môn đệ đầu tiên, nghĩ rằng Đức Giê-su nên nắm lấy cơ hội lớn lao này (x. 1: 37). Đức Giê-su biết rằng nhiệm vụ của Ngài là loan báo Triều Đại Thiên Chúa đã và đang hiện diện ở đây rồi qua sự hiện diện của Ngài không chỉ ở Ca-phác-na-um nhưng còn ở khắp nơi. Chính Đức Giê-su xác định mục đích sứ mạng của Ngài: “Vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Do đó, Đức Giê-su không để cho bất kỳ ai hay một nơi nào cố định giữ chân Ngài lại.
Cuối cùng, bằng hai động từ: “rao giảng” và “trừ quỷ”, thánh Mác-cô tóm lược sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su khắp miền Ga-li-lê: “Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ”.
Đoạn Tin Mừng hôm nay âm vang những gẫm suy về đau khổ của sách Gióp (Đức Giê-su là Đấng chữa lành đích thật, Ngài sẽ đem lại ý nghĩa cho những đau khổ mà con người phải chịu), đồng thời ca ngợi tinh thần truyền giáo mà thánh Phao-lô nêu gương (Đức Giê-su là mẫu gương đầu tiên).

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 178
  •   Máy chủ tìm kiếm 5
  •   Khách viếng thăm 173
 
  •   Hôm nay 47,039
  •   Tháng hiện tại 152,259
  •   Tổng lượt truy cập 81,460,235