Lỡ chuyến tàu ngang

Thứ tư - 10/01/2024 05:59      Số lượt xem: 303

Nhưng lòng tôi lạ lắm. Trễ một chuyến tàu nhưng tôi không trễ một chuyến hành trình tâm linh nào đó của họ cũng như của tôi. Mất một tiết học nhưng tôi vẫn kịp cho một bài học quý giá.

T
 
1.
Một sáng sớm tất bật với đủ thứ công việc phải chu toàn trước giờ đi học. Tôi lê cái xác mệt mỏi rã rời hướng về phía Tây nhà ga, cách nhà tôi một khoảng 20 phút đi bộ. Chạy hổn hển cho kịp bến tàu sớm nhất nhưng khi vừa lao thẳng xuống cầu thang đã thấy tuyến tàu khởi bánh chuyển mình.

Tiến đến hàng ghế chờ, tôi hổn hển thở như muốn ngắt quãng từng hơi một phì phò. Mười lăm phút nữa mới có chuyến tiếp theo, nếu vậy tôi sẽ chỉ đủ giờ để chạy bặt mạng cho kịp tiết học sáng nay. Đương khi ngồi chờ, một cụ ông trông vẻ đã ngoài 80 tiến tới. Dáng cao gầy, bước đi vội vã, ánh mắt hằn lên nét đáng sợ hướng về phía tôi chằm chằm. Tôi chưa kịp định hình, ông đã lao tới, nắm lấy bắp tay tôi, hỏi với cung giọng đanh thép: "Thiên Chúa có hiện diện không?"

Tôi run rẩy, sợ hãi nhưng cố che đậy đi cái hình hài yếu nhợt. Biết mình rơi vào thế bí, nhưng không thể ú a ú ớ câu dài, câu mất được. Lấy hết can đảm, tôi nhìn thẳng vào ông, cũng thưa lại với cung giọng cứng rắn, rằng: "Ngài có!"

Bấy giờ, ông bắt đầu nới sức ghì lòng bàn tay ra, thong thả đưa hai bàn tay khép lại về phía trước, ánh mắt cụ bỗng trở nên dịu lại, rồi cúi đầu kính cẩn cách của một người rất Nhật, đáp: "Cảm ơn cô!"

Tiếng còi hú lên. Giật mình! tôi đánh rơi thêm một chuyến tàu! Nghĩa là tôi phải nộp phạt và đăng ký lại tiết học ấy cho đủ số giờ.

Nhưng lòng tôi lạ lắm. Trễ một chuyến tàu nhưng tôi không trễ một chuyến hành trình tâm linh nào đó của họ cũng như của tôi. Mất một tiết học nhưng tôi vẫn kịp cho một bài học quý giá. Dường như tôi đã gieo gì đó. Nó cứ như một tia sáng nhỏ, chầm chậm len lỏi vào đêm đen cuộc đời của một người lạ mặt mà tôi hoàn toàn không hay biết. Không phải là "dĩ nhiên Ngài có thật, vì...", cũng không phải "tôi là một tín hữu Công Giáo, nên tôi tin vào điều ấy" mà là "Ngài có đó". Nhường ấy thôi đủ để cho một niềm tin dứt khoát được sống lên bằng ngôn từ, và đủ sức để đưa cái ngôn từ ấy biến hình thành một niềm tin chuyển hóa thiêng liêng.

Vâng, Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn.
Ngài nghe con khi chẳng ai đáp lời.
Ngài yêu con khi mọi người lìa bỏ xa con.
Khi tình đời là mối dây oan,
ân tình Ngài ngàn năm chan chứa!

Ngài có đó như bóng hình nào trong con tim.
Ngài bên con thế mà con vẫn tìm.
Ngài thương con xoa dịu hồn đầy vết thương đau,
tha tội tình nhẹ gánh gian nan, con tin Chúa là tình yêu.
(x. bài hát Ngài có đó)


"Thiên Chúa ở đâu?" và "ông Trời có mắt không?" phải chăng ấy là câu hỏi thường trực nổi lên bên trong mỗi người chúng ta khi cuộc sống đương gặp những phong ba, thất vọng. Thiên Chúa có đó, nhưng vọng động của con tim, vẽ vời của lý trí, cùng những tạp âm của cuộc sống lại quá lớn và lấn áp đi âm thanh nhỏ bé mà hết sức tinh tế của Thiên Chúa. Cuộc sống như những cơn lốc đang xô đẩy chúng ta đến với những hòn đảo lo toan, cô độc và lạc lõng. Và đôi khi, cả chúng ta nữa, chỉ vì chính nghĩa, vì bổn phận phải làm mà quên đi những giá trị khác cũng hết sức cần thiết, như tình yêu, lòng tha thứ, bao dung, niềm tin và hy vọng.
Có lẽ cụ ông cũng đang rời vào tình thế lạc bước, cạn quệ hy vọng. Ông cần một động lực, cần một ai đó nói cho ông nghe về một Thiên Chúa thường trực nhưng vô hình, để niềm tin ấy được tiếp sức trên đường xa vắng.

Tôi trộm nghĩ, tại sao con người lại cảm thấy bơ vơ và lạc lõng khi trong mình không có lấy một niềm tin? Khi còn trẻ có thể họ không cần, người ta cho đó là một điều vớ vẩn, xa xôi và phi lý đến nực cười. Nhưng khi về già, khi cuộc sống phải đụng chạm với biết bao tang thương, những biến cố liên quan đến sinh - tồn, thì họ lại cảm thấy trống trải, hoang mang nếu không muốn nói là mất phương hướng?

Thiên Chúa ở đâu và tôn giáo ở đâu nếu không phải là ở chốn cùng tận của tăm tối ấy để vực dậy một tâm hồn, để gieo niềm hy vọng và để đồng hành cùng với họ trên đường lữ thứ trần gian này!

2.
Tan giờ học, trời đã tối. Tôi vội vã bước mau về cho kịp giờ kinh cộng đoàn. Sương mù xuống phủ cả lối về và gió lạnh nổi lên. Con đường trước mắt như không còn xa nữa, vì tấm lòng thấy ấm nồng là lạ. Vén vạt áo lại cho đỡ lạnh, tôi lần theo bờ cỏ bước ra về.

Tôi nhớ lại hình ảnh trong đem đen Giuse thức giấc, vội đưa hai mẹ con ra đi trốn sang Ai-cập. Đời người là chuỗi ngày tranh tối - tranh sáng. Là chập chờn của niềm tin và lạc lối. Đức tin không là con đường để đi, nhưng đức tin là ánh sáng chiếu soi cho biết phải đi lối nào. Trong đêm đen Giu-se đã lên đường để sống Thánh Ý Chúa. Đường đi ấy và tiếng Xin Vâng ấy không miễn trừ khó khăn cho gia đình thánh, nhưng niềm tin và niềm hy vọng ông bà mang theo bên mình trở nên một ngọn đước cho bước đi bạo dạn, cho lối đi an yên và cho tâm hồn mạnh mẽ.

Vâng, cuộc sống thiếu gì những bước đi sai lạc, lầm lỡ. Chính những tháng ngày lạc lối ấy, chính những khoảnh khắc xa rời ấy làm cho đường về trọn vẹn, thênh thanh, làm cho trái tim thêm thổn thức, mong chờ, đúng không? Nếu đời người là một cuộc mạo hiểm hãy cứ sống cho thật rực rỡ mọi khoảnh khắc. Trọn vẹn không phải là không lầm lỡ. Nếu lạc bước hãy cứ lạc bước như một kẻ chưa từng lạc lối. Nếu thất vọng, hãy cứ nếm cho đủ đắng chát thất vọng trong đời. Nếu đau thương hay cứ nuốt trọn những bi ai lúc đó. Ấy mới là trọn vẹn.
 

Tác giả bài viết: 【Phù Tang ngày cuối năm, Xuân Tân Phong】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 163
  •   Máy chủ tìm kiếm 7
  •   Khách viếng thăm 156
 
  •   Hôm nay 9,231
  •   Tháng hiện tại 1,197,488
  •   Tổng lượt truy cập 81,130,388