Mục tử đích thực và con chiên đích thực

Chủ nhật - 21/04/2024 06:46      Số lượt xem: 1436

Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra Đức Giêsu, vị Mục tử đích thực, luôn bảo vệ, thấu cảm, tìm kiếm từng người chúng ta đưa về với Chúa Cha là nguồn mạch yêu thương. Và, để đón nhận được tình yêu tận cùng ấy, chúng ta cũng phải trở nên những con chiên đích thực biết Chúa, yêu Chúa và nghe theo tiếng Chúa.

COVER BAI TIN

SUY NIỆM LỜI CHÚA CHÚA NHẬT IV MÙA PHỤC SINH 
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
MỤC TỬ ĐÍCH THỰC VÀ CON CHIÊN ĐÍCH THỰC

 
Chúa nhật IV mùa Phục sinh được gọi là Chúa nhật Mục Tử Nhân Lành. Lý do bài Tin Mừng của cả ba năm A, B, C đều được trích đoạn từ chương 10 Tin Mừng Gioan có chủ đề về “Người Mục tử nhân lành".

Mục tử là từ Hán Việt. Từ vựng tiếng Hán có tám chữ khác nhau đọc là "mục": 鉬, 苜, 艒, 穆, 睦, 目, 牧, 缪. Chữ "mục" trong "mục tử" là chữ thứ bảy (牧) kể trên, là chữ hội ý kết hợp bởi chữ phác 攵 có nghĩa là "đánh khẽ", ý nói việc điều khiển, hướng dẫn, chăn giữ; và ngưu 牛  nghĩa là con trâu, con bò hay gia súc nói chung. Từ đó, mục 牧 có nghĩa là chăn nuôi gia súc, sau phái sinh ra nghĩa "chăm lo người dân" như "mục dân" (cai trị, chăm lo cho dân), "châu mục" (chức quan coi sóc một châu huyện ngày xưa).

"Tử" là âm đọc của bảy chữ Hán khác nhau: 子, 死, 紫, 仔, 籽, 梓, 啙. Chữ "tử" trong "mục tử" là chữ thứ nhất (子) kể trên. Từ này có nhiều nghĩa: con trai (tứ tử nhị nữ 四子二女 bốn con trai hai con gái); Người có đức hạnh học vấn (Khổng Tử 孔子, Mạnh Tử 孟子); Từ gọi thông thường dành cho người đàn ông gắn liền với một số loại nghề nghiệp, có thể dịch là ông, anh, chú, cậu... (chu tử 舟子 ông lái đò, sĩ tử 士子 cậu học trò)... Như thế, mục tử 牧 子 là người chăn giữ gia súc.
Vị Mục tử trong Tin Mừng theo thánh Gioan có gì đặc biệt?

Vị Mục tử ấy, Chúa Giêsu khẳng định, chính là Ngài và Ngài là Mục tử nhân lành (x. Ga 10,11). Tính từ nhân lành “καλός” trong tiếng Hy Lạp, vừa có nghĩa là đẹp bề ngoài, vừa có nghĩa là tốt bề trong, và là đích thực, mẫu mực. Như thế, Mục tử nhân lành không chỉ hiểu là một mục tử tốt nhưng còn có thể hiểu là mục tử mẫu mực đích thực. Chính Chúa Giêsu là Mục tử mẫu mực đích thực.

Sự đích thực mẫu mực ấy được thể hiện ở việc sẵn sàng "hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” để bảo vệ đoàn chiên. Đây là điểm khác biệt rất rõ ràng với người làm thuê. “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy” do đó “sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên” (Ga 10, 11-13).

Sự đích thực mẫu mực ấy được thể hiện ở việc "biết" các con chiên của mình: "Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi".  Động từ biết (γινώσκω) trong Kinh Thánh diễn tả một sự hiểu biết sâu sắc, tường tận. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu còn tháp thêm cho động từ "biết" ý nghĩa thần học sâu sắc khi Ngài mang đặt trong mối tương quan giữa Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha: "như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha." (x. Ga 10,14-15). "Biết" chính là kết quả của một chuỗi các cảm xúc quan tâm, chú ý, chăm sóc, lo lắng, yêu thương, quý trọng, bởi vì có các thái độ như thế, người ta mới dành thời gian, công sức tìm hiểu để biết về nhau.

Sự đích thực mẫu mực ấy được thể hiện ở việc không bỏ rơi các con chiên khác nhưng "đưa về" với ràn chiên:  “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10, 16). Người  mục tử đích thực làm sao có thể an lòng khi biết có những con chiên lạc đàn, nguy cơ đối diện trước sói dữ và kẻ cướp. Tin Mừng cho biết Đức Giêsu rất ý thức đây là "nỗi lo" của Chúa Cha “ý định của Chúa Cha là không để cho một trong những kẻ bé mọn này bị lạc mất” (Mt18,14), và cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu: “Tôi chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Ítrael” (Mt 15,24).

Mặc dù chủ đề của bài Tin Mừng về Vị Mục tử đích thực là chính Đức Kitô, nhưng chúng ta cũng thấy thấp thoáng, Chúa Giêsu đề cập đến những con chiên đích thực.
Chúa Giêsu nói: "Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi" (Ga 10,14). Như thế, con chiên đích thực trước hết phải là con chiên "biết" Mục tử của mình. "Vô tri bất mộ" (không biết thì làm sao yêu), tôi không biết Chúa hoặc biết Chúa hời hợt, thì làm sao tôi có thể yêu Chúa, xác tín vào Chúa!?

Chúa Giêsu lại nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử." (Ga 10,16). Con chiên đích thực lại phải là con chiên "nghe" vị Mục tử của mình. Hàng ngày Chúa gọi chúng ta bằng nhiều cách: qua Kinh Thánh, giáo huấn của Giáo Hội, lương tâm, dấu chỉ của thế giới tự nhiên và xã hội, qua người này người kia...Tôi có nhận ra tiếng Chúa và nghe theo tiếng gọi của Ngài không? Một trong những biểu lộ của việc nghe tiếng Chúa là siêng năng đến với Ngài, thay đổi đời sống, để thực sự trở về với Ngài trong sự hiệp thông với cộng đoàn và vâng phục Thiên Chúa, bởi vì "chỉ có một đoàn chiên và một Mục tử."

Ước  mong Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra Đức Giêsu, vị Mục tử đích thực, luôn bảo vệ, thấu cảm, tìm kiếm từng người chúng ta đưa về với Chúa Cha là nguồn mạch yêu thương. Và, để đón nhận được tình yêu tận cùng ấy, chúng ta cũng phải trở  nên những con chiên đích thực biết Chúa, yêu Chúa và nghe theo tiếng Chúa.

Linh mục Giuse Vũ Văn Khương
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 130
  •   Máy chủ tìm kiếm 23
  •   Khách viếng thăm 107
 
  •   Hôm nay 9,043
  •   Tháng hiện tại 168,977
  •   Tổng lượt truy cập 81,476,953