Tùy bút: Tiền xin khấn - Tác giả: Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS

Thứ ba - 08/11/2022 10:00      Số lượt xem: 462

Do vậy không có quy định phải xin khấn bao nhiêu tiền, vì THÁNH LỄ LÀ VÔ GIÁ. Nhiệm vụ hàng đầu của linh mục, dù người ta xin lễ ít hay nhiều tiền, hoặc thậm chí không có ai cho tiền thì cũng phải DÂNG LỄ, CẦU NGUYỆN cho giáo dân

xu
 
Nhớ ngày còn là tập sinh, trước những thánh lễ lớn của nhà dòng, khi mà có đông người đi dự thánh lễ hơn, chúng tôi thường được phân công để ngồi bàn ghi sổ khấn, và ghi ý lễ. Tôi háo hức với công việc này lắm.

Ngày đó, cộng đoàn nhà tập chúng tôi một năm có một hoặc hai lần lễ lớn như thế. Giáo dân đến hành hương đông lắm. Tất cả các ý khấn được ghi vào sổ cẩn thận. Còn tiền xin khấn thì cha quản lý góp vào quỹ chung để lo cho đời sống của chúng tôi. Trong suốt một năm sau đó, trước mỗi giờ chầu, một anh em tập sinh sẽ đứng lên, đọc ý khấn để tất cả cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện theo ước nguyện của người đã xin, mong Chúa thương nhận lời.

Có lần nọ, lễ lớn lắm, tôi may mắn được phân công ngồi bàn ghi sổ khấn. Hầu hết những người đến xin khấn là các ông bà cụ già, những người nghèo khổ. Chủ yếu là xin cho con cháu mình được ngoan hiền, hiếu thảo, chăm lo đi lễ, hoặc xin cho chồng được ơn hoán cải, hoặc xin trả được nợ nần... Những lúc như thế, tôi có dịp được nghe giáo dân tâm sự, chia sẻ về những nỗi niềm, những mong ước, hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn hiện tại. Tôi cũng thường chia sẻ đôi chút kinh nghiệm thiêng liêng còn non nớt của mình với những người xin khấn, hy vọng họ sẽ bớt lo lắng và tín thác vào tình yêu thương quan phòng của Thiên Chúa.

Trong lúc thưa người, tôi đang miên man suy nghĩ về đời người, về những hy sinh âm thầm của ông bà cha mẹ với con cháu, thì có một bà cụ trông bề ngoài nghèo nàn, tàn tạ, đội cái nón lá rách đi đến, bà rút trong người ra mấy đồng bạc cuộn tròn, lấy ra tờ hai chục ngàn đồng đưa cho tôi rồi nói: "Thầy ơi, thầy khấn cho con trai của con đi tu được ơn bền đỗ!" Chỉ nghe bấy nhiêu thôi mà cổ họng tôi nghẹn ứ, nước mắt trực trào ra. Bất chợt tôi nhận ra đây chính là mẹ tôi, là người thương yêu nhất của tôi. Ắt hẳn mẹ tôi cũng đã từng đến chỗ này chỗ kia, chạy đến các thầy các cha, các đền đài để cầu xin cho tôi ơn bền đỗ trong ơn gọi như người đàn bà này. Số tiền xin khấn cũng chỉ là những đồng chắt chiu, gom góp với mong ước hy sinh một chút để cầu nguyện cho con... Từ lúc đó trở đi, tôi tự hứa với lòng là dù bất kỳ ý nguyện nào, dù người ta xin khấn có cho nhiều tiền hay ít tiền thì cũng là tấm lòng của họ muốn dâng lên Chúa, tôi cố gắng bao nhiêu có thể hiệp ý cầu nguyện theo ý nguyện của họ, như thể họ là những người thân yêu nhất của tôi.

Thời gian dần trôi qua, tôi lớn lên trong ơn gọi và rồi ra trường, trở thành linh mục. Dĩ nhiên, làm cha rồi, nhiều người đến xin khấn, xin lễ. Xem ra "danh xưng linh mục" mang lại nhiều ưu thế hơn. Số tiền vì thế mà cũng ngày càng lớn. Tất nhiên theo Giáo luật và Lời Khấn Khó Nghèo tôi phải giao lại bổng lễ cho nhà dòng, thế nhưng đâu phải lúc nào cũng rõ ràng rành mạch. Chuyện tiền bạc luôn là "một cám dỗ ngọt ngào" và ma quỷ luôn gieo vào đầu tôi làm cách nào để có nhiều tiền hơn, được nhiều người xin khấn hơn.

Thế nhưng, chuyện người ta xin khấn cũng không quan trọng bằng việc bản thân tôi đã thay đổi và không còn chú trọng đến những lời cầu nguyện của người khác. Ngày mới làm linh mục, tôi còn có quyển sổ nhỏ để ghi lại ý khấn, ý lễ để nhớ và cầu nguyện theo ý người xin. Nhưng rồi, nhiều khi nhận tiền xong quên chẳng ghi vào sổ, lắm khi miệng thì nói con sẽ cầu nguyện theo ý ông bà, nhưng rồi lại quên mất. Thời gian sau gặp lại tôi, họ nói nhờ cha cầu nguyện mà gia đình con vượt qua khó khăn, tạ ơn Chúa, cảm ơn cha nhiều lắm... và thế là lại gửi tiền tạ ơn cha... và cứ thế, cứ thế có lẽ như tôi quen dần với việc nhận tiền khấn, hơn là hy sinh hãm mình để hiệp ý cầu nguyện cho họ; hoặc cũng có thể tôi quên mình đã khấn khó nghèo... lối sống dần thay đổi, đời tu có thật sự đúng với ý nghĩa ban đầu mà tôi mong ước? Đôi khi tôi cũng chẳng trả lời được.

Những ngày này, rằm tháng Bảy, lễ Vu Lan của Phật Giáo, trên mạng đâu đâu cũng thấy người ta chia sẻ các video, hình ảnh về các nhà sư đang nhận tiền từ các Phật tử xin dâng cúng. Nhiều người lên án, chỉ trích nói ham tiền, tham quyền, thậm chí có những lời thóa mạ nặng nề. Nhưng với tôi, khi nhìn những hình ảnh như thế, tôi tin chắc chắn rằng, trong đức tin của mình, các Phật tử, cũng như giáo dân, cũng tin rằng những người tu hành là những người gần nhất với các thần linh, họ có một chút lòng thành, được thể hiện qua tiền bạc dâng cúng, với hy vọng rằng nhờ lời cầu nguyện của các nhà tu, họ sẽ được thần Phật nhận lời.

Xem những hình ảnh như thế, đọc những lời bình luận lên án nặng nề từ cư dân mạng, tôi chẳng lên án hay nhận xét đúng sai, nhưng bất chợt tôi nhận ra chính tôi cũng là kẻ đang dơ tay cầm tiền xin khấn của bá tánh mà chẳng có một chút cảm thông với thân phận khổ đau của kiếp người. Tôi cũng đã có xuất phát điểm muốn trở nên thánh thiện tốt lành, là người nối kết giữa Thiên Chúa và dân của Ngài. Nhưng rồi khi trở thành "cha thiên hạ" tôi đã để cho tiền bạc che mắt và lòng tham dần lấn chiếm con người. Quả thật, đã rất nhiều lần tôi nhận tiền xin khấn của ai đó như một thói quen và cũng chẳng quan tâm đến nỗi khổ họ muốn được Thiên Chúa ban ơn.

Hầu hết những người xin khấn, dâng góp tiền của lại là những người nghèo. Họ vốn đã nghèo, nhưng lại phải để chắt chiu chút ít tiền còn lại, dâng cúng cho các cha, xin khấn hầu mong mình thoát nghèo, hoặc ra khỏi những nổi khổ đang mang. Nếu linh mục nhận tiền mà quên, hay không dành hết tấm lòng để dâng lễ, cầu nguyện cho họ, thì không chỉ lỗi đức khó nghèo, mà quan trọng hơn là lỗi đức bác ái với tha nhân cách trầm trọng. Đó là tiền lửa, tiền sẽ thiêu rụi linh hồn của những kẻ u mê như tôi trong hỏa ngục.

Nhiều khi tự hỏi lòng mình, mày đang làm gì vậy? Thiên chức linh mục chỉ đơn thuần là một nghề để mày kiếm tiền thôi sao? Không! Chắc chắn Thiên Chức Linh Mục không phải là một nghề, chính xác hơn là MỘT ƠN GỌI – MỘT LỐI SỐNG, mà qua đời sống của mình, linh mục là người thay mặt dân Chúa, dâng của lễ, những nỗi khổ đau, ước nguyện... của toàn dân lên Thiên Chúa – là Cha giàu lòng thương xót con cái mình. Vì thế, tiền mà người giáo dân gửi cho linh mục để xin khấn ý nguyện nào đó đơn giản chỉ là chứng tỏ lòng thành, sự hy sinh của họ, và cũng là dịp người giáo dân góp phần chia sẻ cho đời sống của linh mục. Do vậy không có quy định phải xin khấn bao nhiêu tiền, vì THÁNH LỄ LÀ VÔ GIÁ. Nhiệm vụ hàng đầu của linh mục, dù người ta xin lễ ít hay nhiều tiền, hoặc thậm chí không có ai cho tiền thì cũng phải DÂNG LỄ, CẦU NGUYỆN cho giáo dân. Vì đó là ơn gọi mà linh mục đã tự nguyện dâng hiến đời mình phục vụ Chúa và tha nhân.

Sống ở nước Ý này, người ta không xin lễ như ở Việt Nam nữa, tôi có dịp nhìn lại chính đời sống của mình, nhìn lại chặng đường mình trải qua, nhìn lại lòng nhiệt thành của giáo dân Việt Nam, nhìn lại lòng ao ước có một linh mục thánh thiện để có thể chuyển cầu cho Thiên Chúa những ước nguyện tự đáy lòng của biết bao nhiêu người đau khổ khốn cùng; để thấy mình cần phải "tu" nhiều hơn, "sửa" nhiều hơn nữa. Tu đơn giản chỉ là sửa, vậy bao lâu còn tu là còn sửa. Tôi không sợ mình sai phạm gì, chỉ sợ mình không nhận ra sai phạm và sửa đổi. Hy vọng rằng, từ rày về sau, tôi luôn ý thức về ƠN GỌI TƯ TẾ của mình, để luôn vô tư lợi trong việc dâng lên Chúa ước nguyện của giáo dân mà không bao giờ bị tiền bạc chi phối.

Tạ ơn Chúa đã gìn giữ con trong ơn gọi trong hành trình trở thành người nối kết Thiên Chúa và dân Người.


 

Tác giả bài viết: 【Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 262
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 253
 
  •   Hôm nay 48,813
  •   Tháng hiện tại 1,080,821
  •   Tổng lượt truy cập 79,829,505