Tổng quan về tiến trình văn học Công giáo Việt Nam (Phần 1)

Thứ hai - 24/04/2023 10:00      Số lượt xem: 384

Bài viết này trình bày tổng quan về tiến trình văn học Công giáo, từ đó chia sẻ với bạn đọc những vấn đề cần quan tâm.

 

TỔNG QUAN VỀ
TIẾN TRÌNH VĂN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM
***
 
 
Bài viết này trình bày tổng quan về tiến trình văn học Công giáo, từ đó chia sẻ với bạn đọc những vấn đề cần quan tâm.
 
Thừa hưởng thành quả nghiên cứu của những người đi trước, kết hợp với những gì tác giả quan sát được về đời sống văn học Công giáo, bài viết là một góc nhìn riêng về những vấn đề mà cho đến nay việc nghiên cứu Lịch sử Văn học Công giáo mới chỉ là những bước khởi đầu. “Góc nhìn riêng” có thể khám phá những giá trị độc đáo, song không tránh được những thiếu sót, nghiêng lệch chủ quan. Dù vậy, con đường phía trước vẫn mời gọi bước chân, đặc biệt, mời gọi sự dấn thân của các nhà nghiên cứu trẻ.
 
NỘI DUNG
 
Văn học nhìn theo tiến trình lịch sử:
 
Phần I: Thời kỳ gieo trồng đức tin
 
(văn học Công giáo thế kỷ 17,18,19)
 
Phần II: Thời kỳ khai mở văn học hiện đại
 
(đầu thế kỷ XX đến 1975)
 
Phần III: Thời kỳ hội nhập (từ 1975 đến nay)
 
Tổng quan
 
***
 
VĂN HỌC CÔNG GIÁO NHÌN THEO TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ

PHẦN I
“THỜI KỲ GIEO TRỒNG ĐỨC TIN”
(Văn học Công giáo thế kỷ 17, 18, 19)

 
Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng gọi văn học Công giáo thế kỷ 16-17 là “Chặng đường “Vỡ đất-gieo trồng”, và văn học Công giáo thế kỷ 18-19 là “Chặng đường đâm chồi nảy lộc”.
 
Ts Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông thì phân chia thành văn học Chữ Nôm và văn học Chữ Quốc ngữ từ 1820 đến 2019[[1]].
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh không phân chia thời kỳ văn học Công giáo, song ông nhận xét: “Các thế kỷ XVII, XVIII, giới tu sĩ Công giáo đã viết chữ Nôm nhiều hơn chữ quốc ngữ thì từ nửa cuối thế kỷ XIX, các tác giả Thiên Chúa giáo đã là những người đầu tiên tiếp nhận những hình thức diễn tả văn hóa của Tây phương, họ đi những bước khởi đầu”[[2]]
 
Tôi gọi văn học thế kỷ 17, 18, 19 là văn học “thời kỳ gieo trồng đức tin”, bởi nội dung và mục đích của văn học thời kỳ này là truyền giáo. Văn chương chỉ là phương tiện, là công cụ loan báo Tin Mừng. Majorica nói rõ việc soạn sách: “đã soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn”. Còn A. Rhodes soạn “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh đức Chúa Blời”. Hình thức, ngôn ngữ, thể loại, thi pháp (chữ Hán, chữ Nôm, Lục bát, Song thất lục bát, thơ Đường luật) vẫn nằm trong thi pháp văn học trung đại Việt Nam (văn học dân tộc chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc).
 
Chỉ khi các tác phẩm văn học chữ Quốc ngữ viết theo hình thức văn học phương tây xuất hiện (nửa cuối thế kỷ 19 với Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của Nguyễn Trọng Quản), lúc ấy văn học Công giáo mới chuyển sang thời kỳ mới, tôi gọi là Văn học“Văn học khai mở thời kỳ hiện đại”.
 
Các nhà nghiên cứu văn học Công giáo hầu như đã thống nhất về các khuôn mặt tiêu biểu của Văn học Công giáo của các thế kỳ 17, 18, và 19:
 
1.Girolamo Majorica (1691-1656): Maiorica đã soạn 48 tác phẩm chữ Nôm thuộc 4 thể loại: sách truyện hạnh thánh, phỏng tác kinh thánh, sách giảng thuyết, và sách giáo lý. Nhìn chung đây đều là văn xuôi (Wiki). Trong bức thư hàng năm cho năm 1637 (viết vào tháng tư năm 1638), Majorca cho biết:“Tuân lệnh bề trên, tôi đã soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn. Tôi đã viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê và cũng có viết về phép lạ mà thánh Phanxicô đã ban ở Napoli, cho thánh tử đạo Marcello. Tôi đã viết tiểu sử của Á thánh Phanxicô Borgea, của các bà thánh Engrace, Olaya và 7 vị thánh khác…”(dẫn theo Georg Schurhammer)[[3]]
 
2.Alexandre de Rhodes (1593-1660): Năm 1651, A. Rhodes đã in Từ Điển Việt-Bồ-La và cuốn “Phép Giảng Tám Ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh đức Chúa Blời” bằng văn xuôi Quốc ngữ (1651).
 
3.Thầy giảng Phan Chi cô (?-1640) soạn kinh Cảm tạ niệm từ bằng chữ Hán (cụ Phạm Trạch Thiện diễn Nôm thành “Kinh cao sang”)
 
4.Raphael Đắc Lộ (1611-1687), người soạn Vãn thánh Giuse và Vãn ông Tôbia.
 
5.Thầy cả Lữ Y Đoan (1613-1678): Tác giả sách Sấm truyền ca: Lục bát chữ Nôm diễn ca Kinh thánh, mở đầu cho dòng “Phúc âm Diễn ca” về sau với các tác giả: Thánh Phan Văn Minh, Hồ Ngọc Cẩn, Tống Viết Toại, Trần Đức Hân, G. Gagnon, Nguyễn Thế Thuấn, Đoàn Văn Hàm, Mai Lâm, Nguyễn Xuân Văn, Vũ Ngọc Bích, Phạm Đình Tụng, Long Giang Tử, Xuân Ly Băng, An Sơn Vị, Cao Vĩnh Phan, Hoàng Diệp, Đinh Cao Thuấn, Bách Huyền, Phạm Xuân Thu, Trăng Thập Tự, Kim Chi, Lê Quang Trình[[4]].
 
6.Inê tử đạo vãn: 564 câu thơ Nôm lục bát và Song thất lục bát kể chuyện bà Inê Huỳnh Thị Thanh chết rũ tù vì đạo năm 1700 ở đàng trong. Lê Đình Bảng gọi Inê tử đạo vãn là “bản trường ca tuyên xưng đức tin”, và cho rằng tác giả là Lôren Huỳnh Lâu (1656-1712) [đd, tr.134]
 
7.Felippe do Rosario Bỉnh (1759-1832): Bỉnh và ba người đồng hành đến Lisbôa ngày 20/6/1796 và mất ở đó năm 1832. Năm1818, ông viết tiểu sử thánh Phanxicô Xaviê. Năm 1819, viết tiểu sử của thánh Inhatiô đờ Loyola. Năm 1820, viết tiểu sử của Phanxicô Borgia. Năm 1822-23, viết bộ lịch sử Việt Nam gồm có hai quyển. Năm 1830, viết về bà thánh Anna. Ông tiếp tục tập ký ức cho đến năm 1831 (Sách sổ sang chép các việc -1822-1832). Các tác phẩm ấy được lưu trữ tại thư viện tòa thánh Vaticanô. Georg Schurhammer nhận xét: “ông đã tận dụng những năm đợi chờ để sáng tạo một nền văn chương công giáo Việt Nam, có thể giúp ích cho các giáo sĩ sau này và cho các đồng bào của ông” (đd)
 
8.Lm Gioakim Đặng Đức Tuấn (1806-1874): Wiki ghi nhận: “là một linh mục Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam. Ông từng giữ vai trò thông ngôn cho phái đoàn do vua Tự Đức cử gồm sứ bộ Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Định thương nghị rồi ký hòa ước với Thực dân Pháp vào năm 1862. Ông góp phần quan trọng trong việc khiến vua Tự Đức ra "Chỉ dụ bãi bỏ lệnh phân sáp" cấm đạo Kitô bằng những bảng điều trần ông viết gửi cho triều đình thời đó. Ngoài ra, ông còn được ghi nhận là một danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà Hán Nôm với nhiều tác phẩm có giá trị trong lĩnh vực Công giáo và xã hội” [[5]].
 
Vũ Thu Hà và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Viện nghiên cứu tôn giáo) nhận xét [[6]]:
 
“Những di thảo của Linh mục Đặng Đức Tuấn để lại cho thấy tinh thần yêu nước của một người Công giáo Việt Nam, biết kết hợp hai lý tưởng Thiên Chúa và Tổ quốc…Đặng Đức Tuấn còn để lại nhiều bài văn thơ chữ Hán liên quan đến vấn đề quốc sử và giáo sử như Nguyễn vương phục quốc, Gia Long thống nhất, Những ngày truyền giáo đầu tiên, Việc cấm đạo thời Minh Mạng, Thiệu Trị… và các bài văn tế kể về hoạn nạn của ông như Trên đường lâm nạn, Phụng chỉ lai kinh điều trần việc nước việc đạo, các bài văn tế khóc giáo dân tử nạn, Thuật tích việc nước Nam… Cuốn sách Thuật tích việc nước Nam được viết bằng chữ Nôm, thể văn vần.
 
9.Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853): Sau hai chiếu chỉ tháng 8/1848 và tháng 3/1851 của vua Tự Đức (1847-1883), cuộc bách hại đạo Công giáo càng trở nên khốc liệt hơn. Ngày 26/2/1853 Lm Phan Văn Minh bị bắt. Ngày 3/7/1853 Ngài chịu án trảm quyết tại pháp trường Đình Khao, gần Vĩnh Long. Ngày 19/6/1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc hiển thánh (Wiki).
 
Tác phẩm: Phi năng thi tập.
 
Trong tập khảo cứu Phi Năng thi tập - Văn bản hiệu đính, Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm đã sưu tập được 35 bài thơ của thánh nhân và 100 bài thơ họa của các thi hữu và người hâm mộ. Khối lượng sáng tác này khiến hai nhà nghiên cứu gọi đây là “thi đàn của đức tin”[[7]].
 
10.Lm Phêrô Trần Lục (1825-1899): người xây dựng quần thể nhà thờ Phát Diệm, là tác giả của dòng Huấn ca. Tác phẩm: Hiếu tự ca, 1088 câu song thất lục bát giáo dục con cái; Nữ tắc thường lễ, 1066 câu lục bát khuyên dụ người phụ nữ Việt Nam; Nịch ái vong ân, 440 câu song thất lục bát dạy vợ chồng. (Văn học Công giáo Việt Nam-những chặng đường. tr.174, đd)
 
11.Nguyễn Trường Tộ (1822-1871): Nguyễn Trường Tộ đã liên tiếp gửi lên triều đình Huế 30 bản điều trần (theo tập hợp của Linh mục Trương Bá Cần) đề xuất canh tân xây dựng đất nước. Nội dung các bản điều trần đề cập đủ mọi lĩnh vực (Wiki).
 
12.Huỳnh Tịnh Của (1834-1907). Nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà báo, người vun đắp cho văn học chữ Quốc ngữ. Tác phẩm: Chuyện giải buồn (1880), Đại Nam quốc âm tự vị (1895, 1896), Vãn cha Minh, 636 câu Lục bát; Vãn lái Gẫm, 540 câu lục bát (1902); Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1904); ….
 
13.Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898): Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Trương Vĩnh Ký là một nhà văn-hóa lớn của Việt-Nam vào thời tiếp xúc với người phương Tây – trong hoàn cảnh triều đình Việt-Nam thua trận và mất đất vào tay người Pháp; ông còn là một nhà báo và là một nhà văn tiên khởi của nền văn-học chữ quốc-ngữ”[[8]].
 
Ông bị phê phán về sự tận tụy hợp tác với Pháp. Ông được chính phủ Pháp ban tặng huy chương Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh, và bỏ tiền mua sách, cấp cho tiền lương..
 
Ông để lại 121 tác phẩm chữ Việt và chữ Pháp đề cập đến nhiều vấn đề. Theo TS Liễu Trương, tác phẩm của Trương Vĩnh Ký gồm 7 thể loại: Sách giáo khoa, Tự điển, Ngôn ngữ học, nghiên cứu lịch sử, địa lý; dịch sách chữ Hán [[9]]. Nội dung những gì ông viết được trình bày trong Thư đề ngày 12.1.1882 như sau: (thư từ Chợ Quán "Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc Địa", Bao-ti-xi-ta Trương Vĩnh Ký). (Wiki).
 
Các tác phẩm thuộc loại sáng tác có:
 
Chuyện Đời Xưa (1866), gồm 74 truyện, được Trương Vĩnh Ký sưu tầm, biên soạn).
 
Chuyến Đi Bắc-Kỳ Năm Ất-Hợi 1876,(xuất bản 1881). Nguyễn Vy Khanh nhận xét: “Đây là du-ký đầu tiên viết bằng chữ quốc-ngữ của văn-học Việt-Nam” (đd)
 
Chuyện Khôi Hài (sưu tập thêm một số chuyện dân gian và xuất-bản năm 1882)
 
Kiếp phong trần: kể chuyện “Anh Trương Đại Chí đi ra kinh học, rồi về đi xứ kia xứ nọ chơi cho phỉ chí, đâu cũng vài mươi năm mới về thăm quê nhà. Bữa kia mới đi tới nhà anh Lê Hào Học là bạn chơi với nhau thuở nhỏ mà thăm” (Phần mở đầu chương I)
 
Bất cượng chớ cượng làm chi: Sau lần tái-ngộ trước, Trương Đại-Chí sau khi về thăm gia-đình đã tìm gặp trở lại Lê Hảo-Học. Với tiểu tựa “Chớ có cượng làm chi”, Trương Vĩnh Ký kể tiếp chuyện hai nhân-vật này nói qua chuyện khiêm tốn và an-phận. (dẫn theo Nguyễn Vy Khanh-đd)
 
14.Phạm Trạch Thiện (1818-1903). Các tác phẩm bằng chữ Nôm: Cảm tạ niệm từ diễn ca (Kinh Cao sang); Nghinh hoa tụng kỳ chương (Vãn dâng hoa Đức Bà); Thánh mẫu thi kinh (Vãn kinh cầu Đức Bà)…(theo Lê Đình Bảng-đd)
 
15.P.J.B. Nguyễn Trọng Quản (1865-1911): Truyện thầy Lazarô Phiền (1887), truyện Quốc ngữ đầu tiên của văn học Việt Nam.
 
16.Linh Mục Sảng Đình Nguyễn văn Thích (1891-1978). Tác phẩm: “Sảng Đình Thi tập”, gồm 153 bài thơ Việt văn, Hán văn và Pháp văn. Thơ của cha rất đa dạng, từ những câu vè 4 chữ, những câu thơ lục bát, tứ tuyệt và thơ Đường, đến những bài Thánh ca, Thánh thi ca tụng Đức Mẹ. Cha còn là sáng lập viên tuần báo “Vì Chúa”, xuất bản từ 1936[[10]].
 
MỘT VÀI ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ “GIEO TRỒNG ĐỨC TIN”
 
1.Các thế kỷ 17, 18, 19 ở Việt Nam là thế kỷ tranh chấp quyền lợi của các vua chúa phong Kiến. Sau nội chiến Lê-Mạc (15331677) là Trịnh - Nguyễn phân tranh (từ 1627 đến 1785). Chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn (1777-1802) và từ 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta.
 
Ba thế kỷ này cũng là thế kỷ của đạo Công giáo truyền vào Việt Nam. Năm 1550 Linh mục Gaspar da Cruz, thuộc Tỉnh dòng Thánh Giá Đông Ấn, từ Malacca đổ bộ lên Hà Tiên. Sau đó hai linh mục Luis de Fonseca, O.P. (Bồ Đào Nha) và Grégoire de la Motte, O.P. (Pháp) cũng từ Malacca tới truyền giáo tại Quảng Nam (1580-1586). Các giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha, sau đó là các thừa sai Paris (1664) là những người dấn thân vì đạo Chúa đến đây, họ ở lại đây và tạo nên một một nền văn hóa mới, văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc (chữ Quốc ngữ, những công trình kiến trúc nhà thờ, thánh ca, lễ hội, nếp sống bác ái, đạo đức, luân lý Công giáo…)
 
Trong giai đoạn này, cuộc đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt giữa các triều đại phong kiến theo Nho giáo chống lại đạo Công giáo. Các cuộc bách đạo đã diễn ra suốt từ thời Tây Sơn đến thời Tự Đức (hòa ước 1862). Công giáo bị coi là “Tả đạo”. Người ta ước lượng: dưới thời các chúa Trịnh, Nguyễn, và Tây Sơn, chừng 30,000 giáo dân bị giết; dưới thời ba vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức, chừng 40,000 tín hữu bị xử tử hay chết trong lao tù; thời Văn Thân có tới trên dưới 60,000 người dân Công Giáo bị sát hại, [[11]]. Tất cả tình hình ấy đều dội vào trong văn học Công giáo thời kỳ này. (xin đọc Phép giảng tám ngày, Inê tử đạo vãn, Thuật tích việc nước Nam…).
 
Đồng thời cũng có một nỗ lực hội nhập văn hóa mạnh mẽ giữa các vị thừa sai và văn hóa Việt Nam. Sự ra đời của chữ Quốc ngữ là kết quả của sự hội nhập ấy. Các Kinh văn hay các tác phẩm chữ Nôm đều được viết bằng ngôn ngữ của công chúng bình dân, đồng thời tạo ra một lớp ngôn ngữ “nhà đạo” trong vốn từ tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ mở ra một thời đại văn hóa, văn học mới trong lịch sử văn học Việt: thời đại tiếp xúc với phương Tây mở đầu bằng truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887).
 
2.Nội dung, mục đích chính của văn học thời kỳ này là truyền giáo.
 
Điều mới mẻ văn học Công giáo đem vào văn học dân tộc là tư tưởng Thần học Kitô giáo, thay cho tư tưởng phong kiến của văn học trung đại Việt Nam (tư tưởng Phật, Nho, Lão). Hiện thực Việt Nam (xin đọc Inê tử đạo vãn, Thuật tích việc nước Nam) cũng trở thành nội dung tác phẩm văn học khác với nội dung điển ngữ Trung Quốc trong Đoạn trường Tân Thanh của Nguyễn Du (Truyện Kiều viết về “năm Gia Tĩnh triều Minh”), hoặc hiện thực Trung quốc trong Lục Vân Tiên (1851?) của Nguyễn Đình Chiểu.
 
3.Các hình thức thể loại văn học Công giáo của thời kỳ này là Truyện các thánh, thể Diễn ca, Huấn ca, Vãn, Kinh nguyện. Những thể loại này đã có trong văn học dân tộc. Huấn ca của Trần Lục (Hiếu tự ca, Nữ tắc thường lễ, Nịch ái vong ân) chẳng khác gì Gia huấn ca của Nguyễn Trãi. Sấm truyền ca là một hình thức Diễn ca như Đại Nam quốc sử diễn ca (1870) của Lê Ngô Cát-Phạm Đình Toái (Trương Vĩnh Ký diễn âm Quốc ngữ 1870). Inê tử đạo vãn nằm trong thể Vãn, thể Ngâm khúc của văn học dân tộc[[12]]. Việc sử dụng các thể loại này vừa là hội nhập văn hóa, vừa thể hiện tính dân tộc của văn học Công giáo thời kỳ đầu.
 
4.Điều mới mẻ là văn học Công giáo đem đến cho văn học dân tộc là những hình tượng mới, thí dụ: nhân vật trong truyện các thánh, hình tượng người phụ nữ tử đạo trong Inê tử đạo vãn. Đây là nhân vật hiện thực, một phụ nữ Việt Nam, trung kiên trong đức tin, khác hẳn với nhân vật Thúy Kiều (Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du) và nhân vật Kiều Nguyệt Nga (trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) là những người phụ nữ Trung Quốc được xây dựng theo tư tưởng và chuẩn mực đạo đức phong kiến.
 
Sự xuất hiện của những tác phẩm văn học viết bằng chữ Quốc ngữ, tuy còn ít (của A. Rhodes, Felippe do Rosario Bỉnh) là những đóng góp hết sức giá trị cho văn học Việt đương thời. Đúng như nhận xét của Georg Schurhammer về tác phẩm của Felippe Bỉnh: “ông đã tận dụng những năm đợi chờ để sáng tạo một nền văn chương công giáo Việt Nam, có thể giúp ích cho các giáo sĩ sau này và cho các đồng bào của ông”.
 
5. Các ông Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của là những trí thức Công giáo, là nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ, nhà biên khảo, nhà chính trị. Các sáng tác của họ có đóng góp cho văn học Việt Nam, song họ không phải là “nhà văn Công giáo”. Chẳng hạn, các sáng tác văn học của Trương Vĩnh Ký như: Chuyện đời xưa, Chuyện Khôi hài, Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi 1786, Kiếp phong trần, Bất cượng chớ cượng làm chi, không hề có yếu tố Ki tô giáo.
Ba thế kỷ đạo Chúa đã được gieo trồng ở Việt Nam, làm phát sinh một nền văn học hết sức mới mẻ trên đất nước này. Tuy số tác phẩm, tác giả là hết sức ít ỏi và mục đích sáng tác là để truyền giáo, song văn học Công giáo đã gắn bó với hiện thực truyền giáo và lan tỏa sâu trong cộng đồng Công giáo góp phần làm nên bộ mặt văn hóa Công giáo trong lòng văn hóa dân tộc. Nếu xét ở mục đích “soạn và viết ra nhiều tác phẩm với mục tiêu cứu rỗi linh hồn” như Majorica đã xác định, thì văn học Công giáo thời kỳ này đã góp phần tích cực vào công cuộc truyền giáo. Điều này đã được nghiên cứu trong nhiều hội thảo. Thí dụ: Hội thảo Văn hóa: Bốn Trăm Năm Hình Thành Và Phát Triển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ngày 25 và 26/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn.
 
Bùi Công Thuấn

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 253
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 249
 
  •   Hôm nay 95,110
  •   Tháng hiện tại 794,564
  •   Tổng lượt truy cập 80,727,464