Giới thiệu tập thơ "Muộn mằn" của tác giả Pr. Phạm Văn Thân

Thứ bảy - 25/06/2022 18:30      Số lượt xem: 1213

Lần đầu tiên trong đời... Vâng, lần đầu tiên, tôi gặp một trường hợp khá lý thú, hơi khó tin, nhưng đúng là có thật 100% . Đó là cái bìa sách (bản thảo) với hàng chữ rõ ràng: Pr. Phạm Văn Thân. Muộn Mằn. Đương nhiên, đây chỉ là một tập đánh máy thủ công, nghe đâu, do mấy cô con gái khéo tay hay làm, trình bày bằng vi tính cho bố ngâm nga đỡ buồn.

HKS04772 copy
Tự nhiên, tôi có cảm giác mình là người đi xa đã lâu, nay đang lặn lội về nhà thờ-xứ đạo làng quê xưa, đến gõ cửa cha xứ, để xin một tờ giấy chứng nhận đã chịu phép rửa tội. Chúa ôi, cái cảm giác ấy sao ngây ngất, lâng lâng đến khó tả. Sung sướng trào nước mắt. Thì ra, giữa thời buổi hàng hóa ê hề của kinh tế thị trường, giữa nhịp sống gấp gáp, vô cảm và ồn ã của đô thị công nghiệp hóa này, vẫn còn đó những người con Chúa bền đỗ đến cùng. Họ dám tuyên xưng đức tin trước mặt cả và thiên hạ. Chữ nghĩa mộc mạc và thái độ minh bạch, dũng cảm ấy của ông Phêrô Phạm Văn Thân khiến tôi vừa xót xa, vừa cảm phục. Chạnh nghĩ tới trường hợp rất đặc thù phải núp dưới những ký hiệu ẩn danh, khuyết danh hoặc vô danh của bao thế hệ đi trước, trong cơn giông bão bách hại-cấm cách ở buổi hừng đông đạo Chúa vào Việt Nam. Làm sao tôi quên được những J.M.J. (Jésus, Marie, Joseph); A.M.D.G. (Ad Majorem Dei Gloriam/de vinh danh Thiên Chúa); Catarina, Phanchicô, Gioan Thanh Minh, Bento Thiện, Lữ Y Đoan, Lôren, Anrê Phú Yên...
 
Muộn mằn con tiến dâng Cha
Chút hương còn lại nhành hoa muộn mằn.
 
Đại khái, tôi đang nói tới chuyện cái bìa sách sắp được đưa đi in, để ra mắt họ hàng. Đó là cái mặt tiền căn nhà ở cuối ngõ ngách phố Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng hoặc ở phường Máy Chai, thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng. Chỉ là cấp 4 hay cấp 3. Chỉ là bà con của xóm nhà lá. Tôi thành thật khai báo về gốc tích, ngọn nguồn căn cơ, về hoàn cảnh xuất thân của Pr.Phạm Văn Thân. Muộn Mằn. Nó có đầu có cuối, là con cá lá rau vườn nhà, chứ chẳng phải là thứ tập tàng mọc hoang đâu. Nó có khai sinh hộ tịch, có máu mủ da thịt của cha mẹ. Chứ đâu phải là của bá vơ? Liệu có cường điệu chăng, khi tôi ví von rằng Muộn Mằn. Thơ. Pr.Phạm Văn Thân như là một con dấu có chữ “tả đạo” mà vua chúa quan quyền phong kiến ngày trước đã đóng chết lên trán những người Công giáo Việt Nam? Dấu ấn ấy còn khắc sâu vào da thịt, hơn cả giấy tờ tùy thân hoặc thẻ căn cước, chứng minh nhân dân. Nói cho vui miệng thì đây là cái bảng hiệu đã đăng ký, trình tòa; là cái quân bạ của một người lính già đã về hưu. Nó đã đóng đinh vào cuộc đời người ấy, không nhổ lên được, vì đã đào sâu chôn chặt. Không tẩy xóa được, vì đã ăn vào xương tủy. Dấu ấn đức tin ấy  – vô tình hay hữu ý - chứng tỏ tác giả đã bước lên bước chân của tổ tiên cha ông mình, đã đi trên con đường tơ lụa đức tin văn hóa có nhiều người đã đi.
HKS04793 copy
Hỏi thật ông Phêrô Phạm Văn Thân nhé, ông không ngại người ta nói ra nói vào ư? Hỏi để mà hỏi thôi. Tôi biết, vì tôi đã đọc thấy lời quả quyết của ông, như Phêrô vội vã đi theo Chúa Giêsu ngay trên bờ biển hồ, một ngày không định trước.
 
“Tôi đi tìm cái vô vi
Dù cho có được cái gì cũng không
Một lòng thờ Chúa tín trung
Mặc cho đời bảo “chỗ không có gì”.
(Dòng sông, 41)

Tôi lại xin phép hỏi ông, ông không sợ, vẫn còn đó một số người cay cú vốn sẵn định kiến về Công giáo, lại có dịp báng bổ ông là “văn nhà thờ-thợ nhà đạo” có nghĩa lý gì? Y như cái thái độ ganh ghét và mặc cảm tự ty của họ trước đây đã dám ngang nhiên phủ nhận một sự thật lịch sử rành rành về sự ra đời và giá trị đi trước thời đại của chữ Quốc Ngữ (phiên âm theo mẫu tự Latinh), cái thứ chữ mà hơn 90 triệu người Việt chúng ta - ở nước trong cũng như nước ngoài – đã, đang, và chắc chắn sẽ mãi mãi sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống này? Nghe đâu, đến lúc này, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản vẫn còn đang mày mò, loay hoay để tìm một con đường hiện đại hóa thứ ngôn ngữ tượng hình của họ. Như thế, nhờ Quốc Ngữ đã hình thành hằng mấy trăm năm trước đây, dân tộc ta đã đi trên đôi hia nghìn dặm? Phải chăng thứ chữ viết và lời nói ấy đã là hồn vía rất “linh ư vạn vật” của dân tộc ta vậy? Bởi thế, hôm nay, dù muộn mằn, tập thơ mà ông cũng sử dụng thứ chữ ấy sắp ra đời. Muộn mắn, nhưng kịp thời, đúng lúc.
 
Thử đặt câu hỏi “tại sao tác giả lại đặt cho đứa con của mình một cái tên cúng cơm là Muộn Mằn?”

Rõ ràng là Muộn Mằn, chứ không phải muộn màng. Chắc là phải có lý do gì đây? Không chỉ là cái thể phách, cái vỏ bề ngoài. Mà còn là cái ruột, cái tinh anh chất chứa ở bên trong. Dù nhà quê, vườn tược, đồng áng, nhưng vẫn là cái cốt lõi, cái xương tủy. Cần gì phải tìm kiếm đâu xa, để trả lời câu hỏi trên? Đây rồi:

Muộn mằn con tiến dâng Cha
Chút hương còn lại nhành hoa muộn mằn.
 
Tất cả trong ngoài, gần xa, vỏ ruột đều tập trung ở cặp thơ lục bát này. Từ nỗi đến niềm. Từ gói ghém đến chuyên chở. Từ gửi gắm đến trao nhận. Từ hoa thơm đến mật đắng. Tất cả là trọn vẹn thay cho lời muốn nói. Muộn mằn, nhưng đã đủ, không nuối tiếc gì.
HKS04797 copy
Dù hiểu Muộn Mằn là chậm trễ (Điềm hùng chưa ứng, chút trai Muộn Mằn. Nhị Độ Mai) thì cũng chẳng sao. Bởi vì, muộn còn hơn không. Muộn mà vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn nứt lộc đâm chồi, vẫn sinh hoa ra trái. Đọc thơ Muộn Mằn, tôi vẫn thấy ngời ngời một tình yêu, với những sắc màu lung linh. Từ hẹn hò, nhớ nhung, bồi hồi, da diết, cồn cào, nụ cười, nước mắt. Kể cả những giận hờn, nôn nao, đỏng đảnh, chông chênh của lứa đôi, của gối chăn, son sắt vợ chồng:
 
Yêu em rạo rực trong lòng
Như yêu đất phượng Hải Phòng quê em
 (Mùa hoa phượng quê em, 66)
 
Hạnh phúc là gì? Nếu không phải là:
Ai xui em gọi mình ơi
Để tôi đáp lại “có tôi đây mình”
Hai ta nên một mối tình
Chúa thương tác tạo là thành một đôi.
(Mình ơi, 64)
 
Lại là chuyện ngôn ngữ Việt. Gọi nhau bằng “mình ơi!”thật tuyệt vời. Cũng như khi mở miệng dịu dàng “nhà tôi/nhà em”. Có ngôn ngữ nào trên trái đất này mềm mỏng, ngọt ngào mà tình tứ như“tiếng nước tôi”?

 
Mình là một nửa đời tôi
Mà sao thương cả một đời vẫn thương
Đêm nằm nghe tiếng kẹt giường
Mình chưa ngủ, xót xa thương phận nghèo.
(Vẫn thương, 39)

Muộn Mằn có tội tình gì đâu ? Kìa, như bà tổ mẫu Evà đã già yếu, Chúa thương, vẫn hạ sinh Abel. Như Abraham và Sara đã sang bên kia sườn dốc cuộc đời. Như Rebecca và Isaac đã xế bóng hoàng hôn, mà vẫn cưu mang được. Như Rakhen vợ Giacóp và Elizabeth với Zacaria để hạ sinh cậu quý tử Gioan Tẩy Giả, người con trai “được trọng vọng” hơn mọi đàn ông con trai ở cõi thế gian này. Mới hay, việc gì mà Thiên Chúa không làm được? Chỉ cần một lòng tin, một lòng tin sắt đá, phó thác, để mặc Chúa an bài.

Muộn Mắn có tội tình gì đâu ? Hãy cứ là cây lau dập dưới chân người qua lại. Hãy cứ là ngọn tim đèn còn ngút khói. Hãy cứ là những vụn bánh còn vương vãi đó đây trên bàn tiệc. Hãy cứ là tiếng kêu rất nhẹ của đồng xu lẻ lấy ra từ ruột tượng của bà già góa để dâng cúng vào đền thờ. Cứ là lời nguyện cầu thầm thỉ, ăn năn thống hối của người thu thuế ở gian cuối thánh đường. Như Giakêu thấp bé nhẹ cân, phải trèo lên cành cây vả, đợi nhìn được Chúa đi ngang qua. Xin cho con được ngồi vào chỗ cuối hết trong tiệc cưới. Cứ như cây vả kia vẫn nứt lộc đâm chồi, báo hiệu mùa hè đến. Hãy cứ là lời khẩn cầu tha thiết ở giờ thứ 25 của người trộm lành, mong được cứu rỗi, trên đồi Golgota. Muộn Mằn như Phaolô, sau cái ngã ngựa choáng váng đui mù trên đường Damas, để ta có được Công Vụ Tông Đồ đầy ắp lửa cháy của lòng tin. Và Muộn Mằn cứ như Phêrô, mau mắn bỏ cả thuyền lưới, bỏ cả vợ con, bè bạn, một lòng đi theo Chúa để “thả lưới người”...

Tình yêu ấy, hạnh phúc ấy, đã có lúc trái gió trở trời, ai còn lạ gì ? Cuộc sống chung của những khác biệt nam nữ, tuổi tác, thành phần là một đòi hỏi chia sẻ đến tận cùng. Không có tính toán. Chẳng thể so đo. Giận đấy, rồi thương đấy. Vơi rồi đầy. Mưa rồi tạnh. Trời sẽ sáng hơn, mây sẽ bay qua. Những khoảng trời riêng trong một bầu trời chung. Lại nghe “mình ơi”.

 
Hôm qua lỡ giận nhau rồi
Để mỗi đứa ngủ một nơi riêng phòng
Đêm dài bằng mấy mùa đông
Rét cắt da, lại lạnh lòng, đơn côi
Đời nghèo đã khổ lắm rồi
Giận nhau thêm khổ, khô tôi, khổ mình
Mong gà gáy sớm, tàn canh
Để tôi sang gọi làm lành “mình ơi”
Thế mà mình đã sang tôi
Ngọt ngào mình gọi “mình ơi, ơi mình.
(Mình ơi, 64)
 
Là kẻ phần đời khô khan nguội lạnh, tôi chẳng dám bén mảng tới ngôi đền thiêng Thánh Kinh của các đấng bậc, giáo phụ, bề trên. Chỉ xin được chợt nhớ tới câu nói của một vị thánh nào đó, rằng : “Sao tôi không biết Chúa sớm hơn?” Lục lọi trí khôn từ hồi còn mang nặng nợ sách đèn, tự nhiên tôi bắt nhớ tới Kinh Lạy Cha của nhà thơ Jacques Prévert mà nữ văn sĩ Francoise Sagan rất thích đọc to tiếng mỗi ngày: "Notre Père qui êtes aux cieux, restez-y. Et nous resterons sur terre qui est si jolie.” Như thế, cũng có tội tình chi đâu ? Chẳng lẽ Chúa từ bi và nhân hậu vô cùng lại chấp tội chúng con?

Nếu hiểu Muộn Mằn là buồn sầu, u uất, là dồn nén, bế tắc, là bể dâu, đoạn trường, là ủ ê, muộn phiền ư? (“Sầu làm rượu nhạt, muộn làm hoa ôi”, Đoàn Thị Điểm. Chinh Phụ Ngâm Khúc).

Không. Đọc Muộn Mắn của Pr.Phạm Văn Thân, tôi không hề thấy. Thú vị biết bao, khi tôi nghe được chuyện vị chủ chiên đáng yêu của giáo phận Hải Phòng - Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên – đã bày tỏ những cảm nhận thật lòng : “Muộn Màn của ông Phêrô Phạm Văn Thân tuy có nhiều đau khổ, nhưng rất tích cực và đặc biệt vững lòng tin vào Chúa quan phòng...”

 
Ai làm đau khổ, héo hon
Nửa thân còn lại chất dồn nỗi đau
Nửa đời đứt nửa nhịp cầu
Nửa đời ngập chốn bể dâu nửa đời
(Một mình, 18)

Hai bàn tay trắng vào đời
Mẹ bồng trong tã vải sồi trắng phau
Sau thềm rụng trắng hoa cau
Con cò trắng lượn trong câu ru hời.
(Trắng, 24)

Đau có đau. Khổ có khổ. Nghèo có nghèo. Tan có tan. Nhưng lại hợp. Khóc có khóc. Nhưng vẫn tươi cười. Vẫn lãng mạn.
Tiếng gà gáy mạn thuyền ai
Bing boong chuông chốn đền đài ngân nga.
Lời nguyện cầu, khúc thánh ca
Lung linh đèn nến, sao sa làng chài.
(Nhớ làng chài, 6)
 
Lòng tin ấy càng lúc càng rõ rệt. Lúc sống cũng như lúc chết. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan. Lời đoan hứa tình yêu ấy khi đôi lứa chúng con dắt nhau lên trước bàn thánh hôm lễ cưới. Khi ấy, lòng tin đã trở thành núi đá vững chắc, chốn nương náu, dung thân một đời.

 
Trăm năm gây dựng cơ đồ
Ra đi rồi nắm xương khô chẳng còn
Chúa ơi, con gửi xác hồn
Chút mến tin Chúa còn con cậy Ngài.
(Bạn tôi chờ Chúa gọi, 93)
 
Trong lúc cô đơn nhất là mình với mình, chẳng còn ai. Chỉ thấy bên kia là một cõi xa mờ...
Tàn đêm trăn trở niềm riêng
Lời kinh dâng Chúa linh thiêng cõi trời
Chúa ơi, Ngài chẳng xa vời
Ngài trong tôi, chợt hồn tôi ngỡ ngàng.
(Ngỡ ngàng, 89)

Tôi phải ngừng ở đây thôi. Còn phải để dành chỗ và thời gian tự do cho bạn đọc yêu thơ nữa chứ. Dẫn chứng thơ Muộn Mằn cũng nhiều rồi. Toàn là thơ lục bát, 53 bài trên tổng số 109 bài đủ loại của toàn tập Muộn Mằn. Tôi nghĩ, lục bát vừa là sở trường, đồng thời cũng là sở đoản, là đường chân trời hoặc cửa mở của ông đấy. Có điều lạ, khi đọc lục bát của ông, tôi không hề có cảm giác cả thèm chóng chán. Kìa xem 3254 câu lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du vẫn cứ mới, vẫn cứ lôi cuốn mãi. Đến tận ngày nay, ông Nguyễn Du ơi, ông không còn ngậm ngùi để thốt lên:
 
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Làm sao tôi dám so sánh lục bát Muộn Mằn với lục bát hàng hàng châu ngọc của Truyện Kiều, dù một mảy may. Nhưng trong một chừng mực nào đó, nói như nhà văn Nguyễn Tuân, lục bát rất dễ làm, thậm chí bà già nhà quê cũng làm được, nhưng khó vô cùng, cực kỳ khó, bởi nó là thơ, hơi thở, nhịp tim, bước đi gồng gánh tang bồng nhẹ tếch của dân tộc ta. Nếu không hay, không đẹp và không giàu cảm xúc, theo tôi, lục bát chỉ là vè để nghêu ngao hát chơi, để chuyện vãn đãi bôi ở đầu thôn cuối xóm, nhạt nhẽo, chả nghĩa lý gì.
 
HKS04799 copy

Đến đây, có lẽ tôi phải trở lại “cái thuở ban đầu” của tập thơ này. Chả là, những ngày trung tuần tháng 9 vừa qua – nhân chuyến hành hương về Tòa Giám mục Qui Nhơn để tham gia lễ trao giải Viết Văn Đường Trường 2015 – linh mục GP.Võ Tá Khánh-nhà thơ Trăng Thập Tự đã nhắn gửi tôi thế này: “Cảm ơn anh đã nhận viết lời giới thiệu. Xin Chúa chúc lành... Trong bối cảnh Đại Hội Gia Đình ở Philadelphia, với sự hiện diện trìu mến đặc biệt của Đức Thánh Cha Francis, được đọc tập thơ này cũng lý thú...”
 
Đấy là suy nghĩ nghiêm túc của một vị linh mục, của một nhà chân tu có làm thơ, đã có tên có tuổi. Nhưng chẳng hiểu sao, ngài lại chuyền quả bóng vào chân tôi để tôi sút vào cầu môn? Có lẽ vì tôi dễ đồng cảm, đồng điệu hơn với ông Pr.Phạm Văn Thân chăng? Suy cho cùng, vì cả hai chúng tôi sống đời gia đình, cùng có vợ, Có con, có cháu. Nghĩa là bầu đàn thê tử. Cả hai đến ngần này tuổi đầu, tức là đã “đá vàng”lắm, đã nằm gai nếm mật với tất cả những buồn vui, sướng khổ, đói no của cuộc đời rồi. Chả còn thiếu điều gì, có chết thì cũng cười khì một cái, thở hắt ra là xong, đứt phim. Nhưng ông Phêrô Phạm Văn Thân có diễm phúc hơn tôi nhiều, vì ông còn đủ cả vợ, con và cháu để gánh vác, chia sẻ, giận thì giận, mà thương thì thương. Còn tôi bây giờ, muốn giận muốn thương, hoặc đôi khi gió chướng trở trời, muốn lớn tiếng phiền trách xa gần một tí, cũng không còn nữa. Cái cảm giác cô độc và cô đơn cứ đeo đuổi tôi mãi, cho đến ngày giỗ đầu nhà tôi (16.12.2012), tôi mới cầm bút lên được. Vừa khóc thầm, vừa nhớ thương, vừa viết được mấy câu như thế này:

 
Từ hôm em bỏ đi xa
Ngẩn ngơ, tôi cứ vào ra...như là
Con tàu về cuối sân ga
Chúa ôi mưa nhạt mưa nhòa, vắng không
Cái ngày khăn gói qua sông
Mênh mang một dải quê chồng xa xôi
Quạt nồng, ấp lạnh chưa vơi
Tóc tơ đã rối một đời vào nhau.
(Requiem. Kinh buồn. 2014)
 
Các bạn thử đọc coi. Nỗi niềm của tôi và lời thở than của tác giả Muộn Mằn, khác hay giống?
Tôi, mình chia cắt đôi đường
Mình ở lại, tôi ngắm phương quê trời
Xa nhau, đừng khóc mình ơi
Chúa Trời vẫn mãi thương đôi chúng mình
 (Gửi mình ở lại, 77)
 
Tóm lại, Muộn Mằn của Pr.Phạm Văn Thân chủ yếu là thể loại lục bát. Thơ ông có đủ cả hương sắc, mùi vị tân toan cam hàm khổ của lam lũ, mùa màng, thời vụ, quê nhà, cảnh đời, vợ con, cháu chắt, hàng xóm láng giềng. Có cả nhà thờ nhà thánh, bến nước, cầu ao, cây đa, đầu đình, kinh hạt, chầu lễ. Bàng bạc chất quê đằm thắm của Nguyễn Khuyến. Một chút lãng mạn trữ tình kiểu Nguyễn Bính. Nhiều, khá nhiều ngôn ngữ, hình ảnh, con người, tình tự của tục ngữ, ca dao, phong dao trong văn học dân gian Việt Nam. Nhưng tựu chung, sạch từ bên trong sạch ra, như lời Chúa phán. Tất cả ngôn ngữ, vần điệu, gửi gắm của ông đã được rửa tội, đã được Chúa chúc lành. Như những lời kinh nguyện sốt sắng, ấm áp, đêm đêm tối lửa tắt đèn trong ổ rơm thơm mùa đông giá rét ở xứ đạo làng quê đất Bắc. Tôi tin, chỉ có được một điều ấy thì đã đủ, quá đủ rồi, vì Chúa đã rủ lòng thương, nhậm lời ông.
 
Muộn mằn con tiến dâng Cha
Chút hương còn lại nhành hoa muộn mằn.

Hóa ra, mấy lời vụng dại của tôi để tạm gọi là giới thiệu tập thơ này của ông Phêrô Phạm Văn Thân cũng là những lời muộn mằn. Bởi vì hôm nay là ngày cuối cùng của tháng các đẳng linh hồn, của năm phụng vụ 2015. Cả hai chúng ta đều là những người chậm chân, nhưng có Chúa phù hộ độ trì, hỏi chứ mình còn sợ chi?
 
Gò Dầu, cuối tháng các đẳng linh hồn
LÊ ĐÌNH BẢNG

 
Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 280
  •   Máy chủ tìm kiếm 41
  •   Khách viếng thăm 239
 
  •   Hôm nay 35,169
  •   Tháng hiện tại 1,022,086
  •   Tổng lượt truy cập 79,770,770