Chứng từ Giáo Hội hiệp thông – truyền giáo

Thứ hai - 15/05/2023 09:34      Số lượt xem: 362

Tôi gặp cha Andrew Nguyễn Trung Tín, Salêdiêng Don Bosco, đang truyền giáo tại đất nước Mông Cổ trong dịp Đại hội Liên Hội đồng Giám mục Á châu vừa qua (12–30/10/2022), qua giao lưu trực tuyến giữa một nhóm các Giám mục FABC với giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (Mary Auxilium Church) ở Darkhan, Mongolia. Xin giới thiệu với mọi người công cuộc truyền giáo của cha Tín và anh em Salêdiêng Don Bosco tại đây.

chung tu giao hoi hiep thong truyen giao

Cha Tín rời Việt Nam sang đất nước của Thành Cát Tư Hãn năm 2000. Đến vùng đất ngày nay là giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ năm 2005.

Chúng ta nghe cha Tín nói:

“Các thừa sai Salêdiêng, khi lần đầu đặt chân đến đây chưa thấy có một người Công giáo nào. Và hiện nay, sau 17 năm, chúng tôi là cộng đoàn Công giáo truyền giáo duy nhất ở đây, trong Thành phố Darkhan khoảng 75 ngàn cư dân này, với khoảng 300 tín hữu Công giáo thuộc giáo xứ này. Rất vui và thú vị, các nhà thừa sai bắt đầu truyền giáo bằng quả bóng tròn, nghĩa là các cha các thầy chơi đá bóng với bọn trẻ trên sân bóng, từ đó mời họ đến thăm giáo xứ, làm quen với chúng tôi tại Trung tâm học vấn Don Bosco, nơi chúng tôi phục vụ dân chúng vùng này trong công tác giáo dục.

Hiện tại có 3 linh mục Salêdiêng đang phục vụ ở đây, và cách đây 15 phút có một cộng đoàn Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêxa Calcutta gồm 4 nữ tu. Như vậy chúng tôi có 7 thừa sai tại thành phố này, cách Ulaanbaatar 220 km về phía Bắc.

Hoạt động của giáo xứ:

Mỗi sáng ngày cuối tuần chúng tôi phải đi đến thôn làng trên một chiếc xe hơi 30 chỗ để đón người dân đi đến nhà thờ giáo xứ, vì họ không có phương tiện di chuyển.

Trên xe, họ đọc kinh Mân Côi. Đến nhà thờ, chúng tôi đọc kinh sáng, xong rồi tập hát, và bắt đầu dâng thánh lễ. Thánh Quan Thầy của chúng tôi thăm giáo xứ cách rất đặc biệt với sự kiện xuất hiện một bức tượng Đức Mẹ được tìm thấy từ một đống rác. Giáo dân hát một bài hát kính Đức Mẹ rất sốt mến say sưa.

Sau thánh lễ, cha xứ gặp giáo dân hướng dẫn một chút về đời sống đức tin. Giáo xứ cung cấp một ít bánh ngọt và nước trà nóng cho giáo dân trong gặp gỡ, chia sẻ, thăm hỏi nhau sau thánh lễ cuối tuần. Đến thời gian cha giúp cho các thầy cô giáo lí viên chuẩn bị bài học giáo lí. Các lớp giáo lí cho trẻ vào ngày thứ Bảy, đôi khi vào Chúa nhật.

Vào mùa hè, cuối tuần các thừa sai chơi bóng với các bạn trẻ trên sân bóng đất sinh hoạt mục vụ của giáo xứ. Mùa hè chúng tôi có nhiều hoạt động cho giới trẻ và người lớn trong giáo xứ, như đi cắm trại dã ngoại. Các cha chen vào chương trình vui chơi những lời khuyến dụ trẻ sống nhân bản và đạo đức sao cho tốt hơn.

Vào đầu năm học, giáo xứ cung cấp áo quần cho bọn trẻ mặc đi học và để giữ ấm.

Các bạn trẻ cũng giúp chúng tôi lao động xây dựng sân chơi cho chúng tại trung tâm bên ngoài.

Thỉnh thoảng chúng tôi đi thăm các gia đình, nhất là vào tháng Mân Côi, chúng tôi đến gia đình và cùng nguyện kinh với họ.

Thời gian mùa hè là lúc các bạn trẻ học lao động với anh em Salêdiêng trong nông trại, trồng cây, rau quả, học hành và nhiều sinh hoạt khác. Nguồn lợi thu được giúp cho tiền học phí của các bạn trẻ, và một vài nhu cầu khác. Năm nay, kỉ niệm 30 năm thành lập Giáo hội công giáo Mongolia, chúng tôi đóng góp gần 6 ngàn cây trồng cho Giáo hội công giáo.

Giáo xứ cũng có các nhà hảo tâm ân nhân giúp đỡ để xây dựng nhà tình thương cho những người nghèo nhất trong vùng. Trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, anh chị em cố gắng đi thăm các gia đình ủy lạo, chia sẻ thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Thời gian phải bị giãn cách xã hội, trẻ không đi học ở trường được, chúng tôi đi đến các nhà của bọn trẻ, cung cấp sách vở cho chúng đọc và học.

Các thừa sai Salêdiêng chia sẻ tóm tắt:

- Những thách đố khi truyền giáo tại đây:

1. Sau khi rửa tội, còn có người rời bỏ Giáo xứ, Giáo hội.
2. Rất nhiều người nghèo thiếu thốn vật chất.
3. Những người theo đạo không có gia đình họ ủng hộ.
4. Giáo xứ và các linh mục thừa sai còn gặp khó khăn trong vấn đề giấy tờ, phép tắc luật pháp.

- Những vấn đề mục vụ ở đây:

1. Cố gắng thăm viếng người dân và lắng nghe họ.
2. Tìm kiếm các ân nhân, nhất là ở nước ngoài, có thể giúp đỡ các gia đình để người trẻ ở đây được học hành.
3. Thỉnh thoảng cho các gia đình đến thăm và tham dự sinh hoạt giáo xứ, chẳng hạn vào dịp lễ Giáng sinh và Năm Mới.
4. Cố gắng cập nhật, học hỏi nhiều hơn nữa về hoàn cảnh sống và cầu nguyện.[1]
Video giới thiệu về một giáo xứ ở Mông Cổ tại Đại hội FABC 50, năm 2023

Tâm tình chia sẻ của cha Andrew Nguyễn Trung Tín SDB, sau 20 năm truyền giáo tại Mông Cổ

– Riêng đối với ơn gọi cá nhân nhà truyền giáo, đâu là những khó khăn và thách đố tại môi trường truyền giáo ở đây?

Cha Tín nói khi được phỏng vấn cách nay 2 năm:

– Khó khăn thì rất đa dạng và về mọi mặt. Nói chung, anh em chúng tôi phải hy sinh rất nhiều. Hy sinh thứ nhất, đó là phải rời xa quê hương, gia đình, bạn bè, nhất là phải lìa xa cha mẹ khi các ngài đã khá lớn tuổi và ốm yếu. Thật không dễ chút nào khi phải bỏ lại tất cả sau lưng để lên đường đến một nơi chốn xa xăm. Khó khăn kế tiếp, đó là phải sống và tương tác với một nền văn hóa hoàn toàn mới, không có gì quen thuộc đối với mình. Mọi sự đều trở nên khác lạ, từ ngôn ngữ, đồ ăn, phong hóa đến cả cách sống thường ngày. Sau đó, khó khăn đặc biệt đối với các anh em truyền giáo như chúng tôi là phải sống khá cô đơn, không ai thân thiết, không có ai tri kỷ hay tin tưởng để có thể tâm sự hoặc trao đổi… Vì những khó khăn đó, chúng tôi rất dễ bị hiểu lầm và ít khi được cảm thông.

Đặc biệt, rào cản về ngôn ngữ luôn là khó khăn đầu tiên mà chúng tôi phải cố gắng để vượt qua. Nếu không rành rẽ ngôn ngữ bản địa, chúng tôi phải dùng đến ngôn ngữ tay chân (body language), và sẽ rất phức tạp khi phải sử dụng loại hình ngôn ngữ này.

Ngay việc sống chung và làm việc chung với nhau trong cộng đoàn cũng không phải là chuyện giản đơn. Các hội viên ở đây gồm nhiều quốc tịch khác nhau (7 quốc tịch), và đương nhiên sự dị biệt đó nơi các anh em hội viên cũng không phải là chuyện đơn giản. Đôi khi, có anh em tỏ ra khá dửng dưng, lầm lỳ, ít nói… bởi vì có nhiều điều họ không thể nói ra hết được do sự dị biệt về ngôn ngữ.

Sau cùng, tôi cũng muốn chia sẻ về một khó khăn khác, đó là khó khăn trong việc truyền giảng Tin mừng. Muốn rao giảng Tin mừng có hiệu quả, anh em chúng tôi phải hiểu rõ về văn hóa của người Mông Cổ, phải sống chết với họ và chia sẻ cuộc sống giống như họ.

Ngoài ra, vấn đề về sức khỏe cũng là một khó khăn rất đáng kể. Thời tiết ở đây rất khắc nghiệt. Mùa đông có năm nhiệt độ xuống tới âm 40 độ C. Nếu bạn có sức khỏe kém, bạn không thể trụ lại ở vùng đất này được. Vì thế, nhiều khi chúng tôi bị cám dỗ muốn quay trở về Việt nam.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự che chở của Chúa. Cho dầu sức lực con người rất mỏng manh và yếu đuối, nhưng quyền năng của Thiên Chúa luôn thắng vượt tất cả. Ngài sẽ biến đổi tất cả mọi sự theo thánh ý của Ngài.

– Xin cha chia sẻ đôi chút về sự phong phú của những cộng thể quốc tế ở những vùng truyền giáo như tại Mông Cổ

– Quả đúng là có những sự phong phú và đa dạng nơi các cộng thể của chúng tôi, nhưng ngược lại cũng có nhiều thách đố. Phụ tỉnh Mongolia của chúng tôi có 2 cộng thể gồm 9 hội viên, nhưng thuộc 7 quốc tịch khác nhau. Vì thuộc những nền văn hóa đa dạng nên anh em có rất nhiều sáng tạo và anh em cũng phát huy được nhiều khả năng trong sứ mạng tông đồ. Các anh em hội viên trong cộng thể luôn trân trọng lẫn nhau, biết cách lắng nghe nhau và tìm cách tốt nhất để cộng tác với nhau trong bầu khí gia đình hầu phát huy đoàn sủng Salêdiêng, biến cuộc sống cộng thể thành cuộc sống gia đình và đem lại hạnh phúc cho nhau cách thực sự.

Tuy nhiên, những thách đố xảy đến không phải là ít. Nhiều khi, có hội viên nói không rõ ý, khiến các anh em khác không hiểu hoặc dễ hiểu lầm. Anh em sử dụng tiếng Anh để thông tri với nhau, nhưng trình độ Anh ngữ của nhiều anh em cũng khá bị hạn chế. Vấn đề sửa lỗi cho nhau cũng vậy, đó là cả một nghệ thuật. Đôi khi một sự việc rõ ràng bị coi là một lầm lỗi khá nghiêm trọng, nhưng đối với não trạng của cá nhân ấy, đó lại là một điều rất bình thường.

– Sau 20 năm truyền giáo ở Mông Cổ, cha có ước mơ gì cho tương lai?

– Đó là những ước mơ. Chúng ta là con cái của Don Bosco, một vị thánh nổi tiếng với những giấc mơ. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cần phải có những ước mơ.

Trước hết, tôi mơ ước về các anh em Salêdiêng truyền giáo nơi đây. Ước gì họ luôn là những hội viên mẫu mực, luôn là những nhà truyền giáo nhiệt thành và hạnh phúc, biết yêu thương nhau và biết quan tâm đến nhau. Chớ gì anh em chúng tôi luôn mang nơi mình một con tim truyền giáo, biết cùng nhau làm việc và biết hoạch định chương trình để cùng tiến tới một hướng đích chung, nhằm phục vụ cho phần rỗi của các bạn trẻ tại đây.

Sau đó, tôi cũng mơ ước về sứ mệnh Salêdiêng ở đây. Làm sao để sứ mệnh giáo dục các thanh thiếu niên tại Mông Cổ đạt được kết quả tốt nhất, không phải chỉ là truyền đạt về tri thức hay về kỹ thuật, nhưng là giáo dục các bạn hướng tới sự phát triển toàn diện. Làm sao để giáo dục các bạn trẻ ở đây trở nên những công dân lương thiện và nên những Kitô hữu tốt lành hầu phục vụ cho xã hội và cho Giáo hội.

Chúng tôi cũng mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Mông Cổ. Ước mong sao tất cả mọi người đều có công ăn việc làm, no cơm ấm áo và có một mái ấm gia đình để hưởng nhận tình yêu thương.

Cuối cùng, chúng tôi cũng ước mơ một tương lai tươi sáng cho Giáo hội tại đây. Chớ gì Giáo hội tại Mông Cổ ngày càng phát triển, Tin mừng Chúa Giêsu được loan báo rộng rãi, để ánh sáng Tin mừng sẽ giúp cải biến xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.[2]

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 133 (Tháng 1 & 2 năm 2023)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 417
  •   Máy chủ tìm kiếm 7
  •   Khách viếng thăm 410
 
  •   Hôm nay 26,423
  •   Tháng hiện tại 725,877
  •   Tổng lượt truy cập 80,658,777