Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Ai qua là bao chốn xa - Phi Dương

Mỗi khi nghe hay cất lên câu hát “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà” cũng là lúc tôi và bạn dâng lời cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi, được Chúa thương thanh tẩy, dẫn đàng chỉ lối về với “Mái Nhà đích thực”. Và mời gọi chúng ta cùng nhau rảo bước trên Con Đường Giêsu trong cuộc lữ hành trần thế này hầu được gặp lại anh chị em mình trong Nhà Cha.
chốn xa van tho cong giao copy

“Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”
 
Mỗi lần nghe hay cất lên câu hát trên, tâm hồn tôi thấy lâng lâng khó tả. Câu hát như muốn dẫn đưa tôi đến một thực tại xa xa nhưng cũng rất đỗi thân quen, gần gũi.
 
Khi nói về mái nhà, chúng ta thường liên tưởng ngay đến căn nhà vật chất với nhiều lối kiến trúc Á – Âu với những tiện nghi hiện đại để phục vụ cuộc sống; hoặc có thể là ngôi nhà ngói ba gian, năm gian với ao - sân - vườn, nơi chúng ta được thỏa sức vui chơi thuở thiếu thời; đôi khi lại nhớ đến những mái nhà rách nát trong xóm lao động nghèo, nơi cánh cửa không bao giờ khép vì không có vật dụng nào đáng giá để… sợ bị mất! Có lẽ ai trong chúng ta cũng lớn lên dưới một mái nhà và nơi đó chất chứa trong ta bao kỉ niệm vui buồn của kiếp người.
 
Tuy nhiên khi nói về mái nhà, chúng ta không chỉ liên tưởng đến ngôi nhà vật chất được làm bằng đủ thứ vật liệu với mọi lối kiến trúc mà còn giúp nhớ đến mái nhà tình người nơi đó có những người thân thuộc cùng chung sống mà chúng ta gọi là gia đình. Có người đã ví von rằng: “Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc”. Thật tuyệt vời nếu ai trong chúng ta có một mái nhà để trở về, một tổ ấm tràn ngập yêu thương như thế. Nơi ấy chắc hẳn sẽ là món quà tuyệt diệu, là chỗ dựa vững chắc, là bờ bến bình an trong hành trình cuộc đời.
 
Nhưng cuộc sống này vận động không ngừng, ở đó chúng ta luôn thực hiện cho mình những chuyến đi, như cách của người trẻ thường nói với nhau ‘cuộc đời là những chuyến đi’. Khi còn bé thơ, chúng ta chơi đùa quanh quẩn nơi ngõ xóm bé nhỏ và nhìn mọi thứ thật to tát, rộng lớn. Không ít người từng ước mơ được khám phá, được đặt chân đến những miền đất xa xăm như trong những câu chuyện cổ tích. Rồi lớn lên, những bước đi chập chững vào đời ở độ thanh xuân giúp ta khám phá ra biết bao điều mới lạ của cuộc sống với những mối tương giao bạn bè, đồng nghiệp, giữa những người cùng sở thích, giữa những con tim cùng nhịp đập yêu thương; hay mở ra những chân trời tri thức, những trải nghiệm, kĩ năng sống, miền đất mới, chinh phục những khát vọng của bản thân… Mọi mơ ước ‘vĩ đại, xa xăm’ từ thuở nhỏ dần được khám phá. Và sau mỗi hành trình, ta học được biết bao điều kì thú.
 
Tuy nhiên, hành trình cuộc đời chưa bao giờ là một chuyến đi êm ả mà nơi ấy chất chứa đầy rẫy những khó khăn, chông gai, cạm bẫy… dễ làm cho ta âu sầu, chán nản, chùn bước. Những lúc như thế, chúng ta lại ước mong trở về với ‘mái nhà’ với khoảng không gian thân thuộc, với tổ ấm tình thương, nơi những người thân yêu luôn dang tay chờ đón, chở che, bao bọc. Thật ‘thấy đâu vui cho bằng mái nhà’!
 
Vẫn biết ‘cuộc đời là những chuyến đi’ nhưng thật khó có thể chấp nhận một cuộc ra đi không ngày gặp lại (dù đó là quy luật bất tận: sinh-lão-bệnh-tử), nhất là lại xảy đến với những nam thanh nữ tú mười tám đôi mươi, độ tuổi đang căng đầy sức sống và hoài bão. Họ đang ở ngưỡng thanh xuân của cuộc đời, nhưng lại ‘vẫy tay chào’ tất cả, phải lìa xa ngôi nhà thân quen, xa rời tổ ấm tình thương mà về với vĩnh hằng. Một sự trống trải dường như không thể khỏa lấp nơi những người ở lại. Hàng ngàn, hàng vạn câu hỏi ‘tại sao’ được đặt ra? Biết bao những cụm từ ‘giá như’, ‘biết thế’, ‘nếu có thể’ được nhắc đến…, nhưng tất cả không thể thay thế được sự thật về sự ra đi mãi mãi của người thân yêu. Có lẽ chúng ta sẽ khóc than, nhung nhớ, thương tiếc…, thậm chí tuyệt vọng. Đó là những tình cảm rất ‘người’, bởi Đấng Tạo Hóa đã đặt để nơi con người một trái tim bằng ‘thịt’ chứ không phải bằng kim cương hay gỗ đá.
 
Nếu người ta ví ‘cuộc đời là những chuyến đi’ thì tựu chung những chuyến đi ấy gộp lại thành một hành trình về “Mái Nhà” đích thật đó là “Nhà Cha Trên Trời”. Nơi ấy, chúng ta được diện đối diện với Nguồn Sự Sống là Thiên Chúa - Đấng đã tác sinh nên muôn vũ trụ vạn vật. Như thế, khi không còn hiện diện ở cõi đời này nghĩa là chúng ta hoàn tất cuộc lữ hành trần thế để trở về Nhà Cha. Đức tin Công Giáo dạy chúng ra rằng, chết không phải là hết, không phải là đi vào cõi hư vô nhưng là một sự chuyển đổi từ cuộc sống trần gian sang một cuộc sống khác. Chết là lúc được sinh ra (sinh thì). Đức tin Công Giáo cũng dạy rằng, con đường về Nhà gần nhất và nhanh nhất không phải là con đường cao tốc hay siêu tốc nhưng là Con Đường mang tên Giêsu bởi chỉ có Ngài là Đường dẫn đến Chân Lý và Chân Lý đó dẫn đến Sự Sống đời đời (x.Ga 14,6). Đi trên Con Đường Giêsu chúng ta được nhận những biển báo, những chỉ dẫn cặn kẽ, tận tình từ chính Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng Thần Lương là chính Mình và Máu thánh Chúa. Do đó, nếu có được niềm cậy trông và tin yêu đủ lớn thì chúng ta sẽ chứa chan niềm hi vọng sẽ gặp lại người thân yêu nơi “Mái Nhà đích thực” ở trên trời, nơi không còn sự chia cắt, không còn khổ đau và nước mắt, nhưng được sống cùng nhau trong tình yêu viên mãn là Thiên Chúa, bởi Ngài là Tình Yêu (x.1Ga 4,16).
 
Mỗi khi nghe hay cất lên câu hát “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà” cũng là lúc tôi và bạn dâng lời cầu nguyện cho những người thân yêu đã ra đi, được Chúa thương thanh tẩy, dẫn đàng chỉ lối về với “Mái Nhà đích thực”. Và mời gọi chúng ta cùng nhau rảo bước trên Con Đường Giêsu trong cuộc lữ hành trần thế này hầu được gặp lại anh chị em mình trong Nhà Cha.
 
-Phi Dương-