Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Đánh giá tiến trình Thượng Hội đồng sau 3 tháng khai mạc

Hôm thứ Tư 26/1/2022, Hội đồng Thường kỳ XV của Thượng Hội đồng Giám mục đã nhóm họp, với sự hiện diện trực tiếp và trực tuyến của các tham dự viên, để xem xét tiến triển của tiến trình Thượng Hội đồng và soạn một thông cáo cho việc thực hiện các “báo cáo” của các giáo phận, các Hội đồng Giám mục, Thượng hội đồng của các Giáo hội Đông phương hoặc các tổ chức Giáo hội khác.
ĐTC gặp Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục (Vatican Media)
ĐTC gặp Ban Thư ký Thượng Hội đồng Giám mục (Vatican Media)

Theo đánh giá ban đầu của Hội đồng Thường vụ của Thượng Hội đồng Giám mục, ba tháng sau khi khai mạc tiến trình Thượng Hội đồng, đã có 98% các Hội đồng Giám mục và Công đồng của các Giáo hội Đông phương trên toàn thế giới đã chỉ định một người hoặc nhóm để thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng.

Có nhiều giáo phận và các tổ chức Giáo hội đã bắt đầu tiến trình Thượng Hội đồng. Người giáo dân và đặc biệt là đời sống thánh hiến thể hiện lòng nhiệt thành to lớn, và điều này được chuyển thành vô số sáng kiến nhằm thúc đẩy sự tham vấn và phân định của Giáo hội. Đặc biệt, tiến trình được hoan nghênh nhiệt tình ở các nước Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Á. Việc kéo dài giai đoạn lắng nghe của Dân Chúa, đặc biệt được đánh giá cao.

Các tài liệu do Văn phòng Tổng Thư ký xuất bản đã được đón nhận nồng nhiệt và các địa phương đã nỗ lực dịch tài liệu này. Ở một số quốc gia, nhiệm vụ này khá phức tạp bởi khoảng cách và bởi sự đa dạng của các ngôn ngữ địa phương.

Những khó khăn

Tiến trình Thượng Hội đồng cũng có những khó khăn. Trên thực tế, có sự lo sợ và dè dặt giữa một số nhóm tín hữu và giữa các giáo sĩ; cũng có một số giáo dân nghi ngờ về việc đóng góp của họ có thực sự được xem xét. Tình hình đại dịch hiện nay cũng tạo thành một trở ngại đáng kể, hạn chế rất nhiều các cuộc gặp mặt trực tiếp. Việc tham vấn với Dân Chúa không thể chỉ giới hạn thành một bảng câu hỏi đơn giản vì thách đố thực sự của tính hiệp hành chính là sự lắng nghe lẫn nhau và sự phân định của cộng đồng.

Những thách đố

Tiến trình Thượng Hội đồng cũng cho thấy một số thách đố thường gặp, ví dụ như:

1) nhu cầu đào tạo, đặc biệt là trong việc lắng nghe và phân định để Thượng Hội đồng thực sự là một tiến trình thiêng liêng và không bị thu hẹp thành một cuộc tranh luận nghị viện;

2) tránh tự quy chiếu trong các buổi họp nhóm vì việc lắng nghe lẫn nhau, vốn là nền tảng của việc cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa, chỉ có thể dẫn đến việc mở lòng cho người khác để loan báo Tin Mừng; 

3) nhu cầu tìm ra những cách thức mới để cải thiện sự tham gia của giới trẻ;

4) sự tham gia của những người không thuộc các tổ chức Giáo hội;

5) sự mất phương hướng được thể hiện bởi một bộ phận giáo sĩ. (CSR_422_2022)
 

Tác giả bài viết: Hồng Thủy

Nguồn tin: www.vaticannews.va