Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng: Lắng nghe các Tin Mừng

Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội Đồng “Vì một Giáo Hội hiệp hành” do Đức Phanxicô triệu tập có những đoạn dưới tiêu đề “Lắng nghe Kinh Thánh” (§16-24). Tách khỏi phần suy tư về ơn gọi của viên bách quan Cornêliô trong Công vụ chương 10, những đoạn này tập trung vào các tin mừng và đặc biệt là ba tuyến nhân vật, cụ thể là Đức Giêsu, những đám đông và các tông đồ. Những nhận xét sau đây trình bày ba tuyến nhân vật này theo từng Tin Mừng. Vậy thì ba nhân vật này xuất hiện trong Marcô, Matthêô, Luca và Gioan như thế nào?
xxx

Nhân vật thứ nhất: Đức Giêsu

Bốn cuốn Tin Mừng mời gọi chúng ta nhìn vào Đức Giêsu theo cái nhìn của từng tác giả. Như bốn nhiếp ảnh gia, mỗi người có thể cho chúng ta hình ảnh của cùng một người, tuy khác nhau song tất cả đều là những hình ảnh đúng, thì mỗi một trong bốn tác giả tin mừng cũng cho chúng ta bức chân dung đặc biệt về Đức Giêsu chiếm vị trí vượt trội trong các trình thuật của họ.

Marcô giới thiệu Ngài như là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa” (1,1). Phêrô sẽ là người đầu tiên nhận biết Ngài là Đức Kitô hay “Đấng Cứu Thế” (8,29). Viên bách quan dưới chân thập giá sẽ là người đầu tiên nhận biết Đức Giêsu chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa (15,39).

Câu chuyện của Marcô cho chúng ta thấy Đức Giêsu vừa là con người vừa là Thiên Chúa. Nhân tính của Ngài tỏa ra trong cảm xúc của mình trước sự hiện diện của người phong cùi (1,41), trong cơn giận dữ vì sự cứng lòng của giới thẩm quyền hội đường (3,5), trong sự không biết về căn tính của người phụ nữ chạm đến mình (5,30), trong cơn đói (11,12). Là con người thật sự, Ngài cần cầu nguyện, không chỉ trước khi bị bắt ở vườn Giếtsêmani (14,32-42) nhưng vào cuối ngày làm nhiệm vụ ở Capharnaum (1,35) và sau khi nuôi ăn năm ngàn người (6,46).

Chúng ta thấy thần tính của Ngài trong khi tha thứ tội lỗi cho người bại liệt (2,5), trong quyền năng chế ngự thiên nhiên điển hình là bão tố (4,39), thống trị trên cả ngàn tên quỷ ở miền Ghêrasa (5,13), chữa trị căn bệnh mà thuốc thang của con người phải bó tay (5,26), thống trị cái chết (5,41). Giống như Thiên Chúa (Tv 77,19), Ngài đi trên mặt biển (6,48). Cuối cùng, Ngài đã chỗi dậy từ cõi chết (16,6) khi các độc giả của Tin Mừng Marcô, cùng với Phêrô và các bạn đồng hành của ông, được mời gọi đến gặp lại Ngài ở Galilê (16,7) và kinh nghiệm câu chuyện cũng như giáo huấn của Ngài một lần nữa, lần này là dưới ánh sáng của sự phục sinh.

Câu mở đầu của Tin Mừng Matthêô đồng hóa Đức Giêsu là “Con vua Đavít, Con của Abraham” (1,1). Ngài hoàn tất sự trông đợi của cả dân Do Thái lẫn dân ngoại: dân Do Thái mong chờ một Đavít mới, người hiện thực sấm ngôn của Nathan (2 Sm 7,13); trong ông Abraham, tất cả mọi dân tộc, dân ngoại, sẽ tìm thấy lời chúc phúc (Stk 12,3).

Khi thi hành sứ vụ, chúng ta thấy Ngài “giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (4,23; 9,35). Đức Giêsu là thầy dạy vĩ đại đã thách thức độc giả của mình qua năm diễn từ dài giải thích trong những bối cảnh khác nhau về sự thịnh vượng và bản tính của Nước Trời (5,1-7,29; 9,35-10,42; 13,1-52; 18,1-35; 24,1-25,46).

Đức Giêsu của Matthêô là một nhân vật uy nghi được các đạo sĩ thờ lạy lúc mở đầu tin mừng (2,11) và các môn đệ cũng thờ lạy Ngài ở cuối tin mừng (28,17). Ngài trò chuyện thân mật với Cha mình: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi”  (11,27). Cha của Ngài sẵn sàng gởi đến “mười hai đạo binh thiên thần” (26,53). Tuy nhiên, Ngài vẫn dễ gần, dịu dàng và khiêm nhượng trong lòng: “Ách của ta thì êm ái, gánh của ta thì nhẹ nhàng” (11,30). Sứ vụ của Ngài phản chiếu sứ vụ của Isaia (12,17-21 trích dẫn Is 42,1-5). Giống như người tôi tớ của  Isaia, qua những phép lạ của mình vì những kẻ ốm đau, “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (8,17 trích dẫn Is 53,4).

Matthêô kết luận với Đức Giêsu trên núi ở Galilê, áp dụng vào chính mình lời ngôn sứ Đanien về sự thống trị, vinh quang và vương quyền được ban cho Con Người (Đn 7,14). Chính Đức Giêsu phục sinh giờ đã nhận những điều này: “Tất cả quyền hành trên trời dưới đất đã được ban cho Ta” (28,18), không phải vì Ngài đã quy phục Satan như nó hối thúc khi cám dỗ Ngài (4,8-10), mà vì Ngài đã chấp nhận ý của Cha mình (26,39).

Trong Luca, các thiên thần báo cho chúng ta biết căn tính của Đức Giêsu. Thần sứ Gabrien nói với mẹ Ngài rằng Ngài sẽ là Giêsu “con của Đấng Tối Cao” (1,32). Một thiên thần vô danh đã báo cho các mục đồng rằng hôm nay đã sinh ra một “Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô Đức Chúa” (2,11). Những lời nói về nội bộ gia đình đầu tiên, Đức Giêsu nói về “nhà Cha” của mình  (2,49). Những lời công khai đầu tiên Ngài trích dẫn Is (61,1): Ngài là người được Thần khí Thiên Chúa ngự xuống (4,18). Ngài là “một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân” (24,19), như lời một môn đệ đã nói trên đường Emmau. Sau khi làm cho con trai bà góa thành Nain sống lại, đám đông đã hô lên “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta” (7,16).

Đức Giêsu được Luca phác họa là một hình bóng để bắt chước, Đấng đã hóa thân trong chính mình tất cả những phẩm chất được mọi Kitô hữu xem trọng. Ngài đi vào trong các tương quan cá nhân với mọi tầng lớp, thậm chí với những người thu thuế và tội lỗi (15,1). Khi chết, Ngài đã hứa một chỗ trong nước trời cho một tội phạm thống hối (23,42). Khi chết, Ngài trao thần khí mình vào tay Cha (23,46).

Tin Mùng Luca cho chúng ta trình thuật dài nhất về hành trình cuối cùng của Đức Giêsu lên Giêrusalem (9,51-19,44). Luôn chuyển dịch, Ngài dạy dỗ các môn đệ, chạm trán với những chỉ trích, thu hút đám đông. Ở đây chúng ta gặp thấy người Samaritô Nhân hậu (10,29-37), Đứa con hoang đàng và cha mình (15,11-32), người thu thuế trong Đền thờ (18,9-14) và ông Giakêu (19,1-10). Ngài là một Đức Giêsu cho toàn thế giới.

Tin Mừng Gioan bắt đầu bằng những từ ngữ bắt đầu bộ Kinh Thánh, “Từ nguyên thủy” (1,1 trích dẫn Stk 1,1). Đức Giêsu là nhân vật tiền hữu. Ngài là lời thành xác phàm (1,14). Ân sủng và chân lý thông qua Ngài (1,17). Ngài đã nói với ông Nicôđêmô: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (3,13). Ngài đã có vinh quang với người Cha trước khi tạo thành vũ trụ (17,5.24). Ai thấy vinh quang Ngài tức thấy vinh quang của Cha Ngài (1,14). Đây là một Đức Giêsu không cần biến hình.

Những hành động lạ lùng của Ngài là những dấu hiệu mời gọi mà ý nghĩa của chúng thể hiện trong những cuộc đối thoại và diễn từ tiếp theo đó. Chẳng hạn, cuộc gặp gỡ kéo dài giữa Đức Giêsu và các đám đông tiếp theo cuộc Nuôi Ăn Năm Ngàn Người (6,1-65). Thị giác được phục hồi cho người mù bẩm sinh là dấu hiệu biểu trưng cho cái nhìn thiêng liêng (9,1-41). Sự sống được phục hồi cho Ladarô là dấu hiệu tượng trưng cho sự sống đời đời mà Ngài hiến tặng cho thế gian (11,1-44).

Thật dễ dàng khi đồng hóa Đức Giêsu của Tin Mừng Gioan là Đấng chẳng phải là con người gì hết. Nhưng nói như thế là đã bỏ qua việc Ngài đã mệt mỏi như thế nào vì cuộc hành trình đến phải ngồi nghỉ bên bờ giếng, nơi Ngài gặp chị phụ nữ Samari (4,6), trước khi cho Ladarô sống lại, người Do Thái đã nói như thế nào về Ngài: “Kìa xem Ngài thương ông ấy như thế nào” (11,36). Khi rửa chân cho các một đệ, Ngài đã thể hiện tình thương của con người đối với họ (13,1). Cuộc đối thoại giữa Ngài và Philatô là cuộc gặp gỡ giữa người với người (18,33-39). Cái chết của Ngài không thập giá không phải là chuyện giả vờ (19,30).

Nhân vật thứ hai: đám đông trong sự đa dạng của nó

Chúng ta đọc thấy đám đông trong hầu hết các chương của Tin Mừng Marcô (ngoại trừ chương 1, 13 và 16). Họ ngồi quanh Đức Giêsu (3,32), họ xúm lại quanh Ngài (4,1; 5:21). Đức Giêsu chạnh lòng thương đối với họ (8,2), họ “rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Ngài” (11,18), nhưng họ chẳng bao giờ được nói là “hoán cải và tin vào tin mừng”, những lời đầu tiên mà Đức Giêsu nói trong Tin Mừng này (1,15). Họ vẫn luôn là những người ngoài mà “cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu" (4,11-12). Một đám đông cùng đến với Giuđa “ với gươm giáo và gậy gộc” để bắt Đức Giêsu (14,43). Khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Ngài” (15,29). Đám đông không đóng vai nào trong chương nói về sự phục sinh của Marcô (chương 16).

Nhưng có những cá nhân thán phục nổi lên từ trong đám đông, những người nói hay làm những điều tích cực mà những ai theo đường lối nước trời (10,52) có thể bắt chước. Chúng ta gọi họ là “những người bé mọn” của Tin Mừng Marcô. Họ gồm những phụ nữ như người đàn bà Syro-Phênici (7,24-30), bà góa trong Đền thờ (12,41-43) và phụ nữ thành Bêtani (14,3-9); những ông có tên gọi như ông Giairô (5,22-24, 35-43) và Bartimê; và những người không tên như cha của thằng bé bị động kinh (9,14-29) và ông kinh sư trong Đền thờ (12,28-34). Độc giả có thể vào con số của họ.

Trong Matthêô, cử tọa của Bát Phúc và bài Giảng Trên Núi là một đám đông gồm “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt” (4,24); trước khi nuôi ăn năm ngàn người, Đức Giêsu nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông” (15,32). Đức Giêsu dấng tặng chỗ nghỉ ngơi cho “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” (11,28).

Vào thời gian khủng hoảng, Đức Giêsu trách mắng các thành phố Khoradin và Béthsaiđa vì họ không hối cải (11,20). Đám đông của Matthêô nổi danh vì đã la lên trước mặt Philatô: “Máu ông ấy cứ đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (27,25). Song ở những câu cuối cùng trong tin mừng, họ chắc chắn được kể trong số các dân tộc mà Đức Giêsu sai các môn đệ mình đến (28,19).

“Những người bé mọn” của Marcô lại xuất hiện trong Matthêô dưới hình thức ngắn gọn hơn. Chúng ta có thể thêm vào danh sách của Marcô: các đạo sĩ ngoại giáo (1,18-25) viên bách quan có lòng tin được Đức Giêsu ca ngợi (8,5-13). Viên bách quan của Marcô đứng dưới chân thập giá đã trở thành, trong Matthêô, người lĩnh xướng của dàn đồng ca loan báo rằng: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa” (27,54).

Trong Luca, dân Nazarét từ chối “Đấng được xức dầu để đem tin mừng đến cho người nghèo” (4,18) nhưng dân Capharnaum lại “muốn ngăn cản Ngài rời khỏi họ” (4,42). Sau khi cho con trai của bà góa thành Nain sống lại, đám đông tôn vinh Thiên Chúa, họ nói: “Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người” (7,16), vang vọng lời ông Zacharia (1,68). Cũng thế, sau khi chữa lành người mù ở Giêricô, “Thấy vậy toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” (18,43).

Nhưng sau đó, khi Ngài bắt đầu hành trình cuối cùng lên Giêrusalem, Đức Giêsu đã khiển trách đám đông: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác” (11,29); và ở nơi khác: “nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (13,5). Nhưng có một vài người đã chịu đáp trả. Những người thu thuế và tội lỗi “đến gần để nghe Ngài” (15,1). Chỉ có Luca mới kể cho chúng ta rằng sau biến cố khổ nạn, tất cả đám đông “đấm ngực trở về nhà” (23,48), biểu tượng cho sự thống hối.

Trong Luca, chúng ta gặp lại “những người bé mọn” của Marcô, ngoại trừ người phụ nữ Syro-Phênici. Ông thêm vào những nhân vật tích cực đáng ghi nhớ khác, vài người trong câu chuyện thời thơ ấu của Đức Giêsu như ông Zacharia (1,5) và bà Êlisabét (1,41), Giuse (2,4) và mẹ Đức Giêsu (1,38), các mục đồng (2,8); những người khác trong sứ vụ công khai của Đức Giêsu như 72 môn đệ (10,1) và người phong cùi biết ơn (17,16), các tội nhân và người thu thuế (15,1); những người khác trong các dụ ngôn của Đức Giêsu như người Samaritanô Nhân hậu (10,33) và dĐứa con hoang đàng (15,12).

Đám đông nổi bật lên trong hai chương của Gioan; ta có thể nói rằng có hai đám đông trong Gioan. Chúng ta gặp đám đông đầu tiên ở Galilê trong chương 6. Đám đông này đồng hóa với năm ngàn người được Đức Giêsu nuôi ăn. Họ muốn tôn Ngài làm vua (6,15). Đức Giêsu cáo buộc họ chỉ quan tâm đến của ăn vật chất hơn là bánh hằng sống, được đồng hóa với chính Ngài (6,26). Lời dạy của Đức Giêsu đã thất bại trong mục đích của nó, đã đưa cử tọa đến chỗ tranh luận với nhau (6,52).

Đám đông thứ hai là đám đông ở chương 7, ở Giêrusalem. Kết quả cuộc gặp gỡ của họ với Đức Giêsu một lần nữa lại là sự chia rẽ vì Ngài. Niềm tin của họ vào Đức Giêsu bị người Pharisiêu phản bác khi nói: “Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (7,49). Tuy nhiên, khi Đức Giêsu tiến vào Giêrusalem để dự lễ, đám đông tung hô Ngài với cành lá và tiếng hô Hosanna (12,13). Sự thán phục của họ thiếu gốc rễ và chẳng bao lâu sau đó thì họ hô hào lên để đóng đinh Ngài (19,15).

Đúng ra Gioan quan tâm hơn đến các cá nhân. Ông Nicôđêmô, một thủ lãnh trong dân Do Thái, đã đến gặp Ngài ban đêm (3,1) và vẫn còn là một nhân vật bí ẩn khi cùng với ông Giuse Arimathêa chôn cất Đức Giêsu (19,39). Một người ngoại quốc, người phụ nữ Samari, đã trở nên người loan tin mừng cho Ngài (4,25). Người mù bẩm sinh đã nên mẫu gương cho thị giác thiêng liêng lẫn thể lý (9,39). Ta nghe được cuộc đối thoại thân mật giữa Đức Giêsu với Mátta và Maria, những bà chị của Lazarô (11,27.33). Sau phục sinh, Ngài gọi Maria Mađalêna bằng tên (20,16).

Nhân vật thứ ba: các tông đồ

Đức Giêsu hiếm khi ở một mình trong câu chuyện tin mừng. Ngài luôn đồng hành với các môn đệ, vài người trong số họ Ngài phân ra làm tông đồ. Giống như chân dung của Đức Giêsu, chân dung của họ cũng khác nhau trong mỗi tin mừng. Những thay đổi này vừa phục vụ cho tính tò mò của chúng ta đồng thời đưa ra một sứ điệp cho tư cách tông đồ của chính chúng ta.

Hành động công khai đầu tiên của Đức Giêsu trong Marcô là kêu gọi bốn ngư phủ rời bỏ thuyền chài của họ để trở thành những ngư phủ lưới người (1,16-20); chẳng bao lâu sau đó trên một đỉnh núi thì Ngài đã gọi ra mười hai người làm tông đồ để “ở với Ngài” (3,14). Ngài sai họ đi làm nhiệm vụ (6,7.30). Họ đồng hành với Ngài, nhưng rồi họ trở thành những người đồng hành gây bực bội mà cách cư xử xem ra đáng cảnh báo hơn là một mẫu gương. Một lần kia trên chiếc thuyền, Đức Giêsu đã phàn nàn: “Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (8,18). Trong cơn khủng hoảng khi Đức Giêsu bị bắt, tất cả họ đều bỏ Ngài và chạy trốn (14,50). Giuđa phản bội Ngài (14,10) còn Phêrô thì chối chưa từng quen biết Ngài (14,71). Nhưng chính Đức Giêsu đã có những lời nói cuối cùng. Ngài hứa gặp lại họ ở Galilê dù Phêrô đã chối Ngài đến ba lần. Họ sẽ thấy Ngài ở đó (16,7). Với việc quay trở lại Galilê, họ có thể bắt đầu một lần nữa.

Matthêô dành một chương cho ơn gọi và sứ vụ của các môn đệ (10,1-42). Khi phác họa họ thì Matthêô xem ra tử tế hơn Marcô. Ông loại bỏ hay sửa đổi những tường thuật tiêu cực của Marcô. Ông thuật lại rằng sau khi Đức Giêsu khiển trách họ trên thuyền thì “họ đã hiểu” (16,12). Phêrô được đặt tên là đá mà trên đó Đức Giêsu sẽ xây dựng hội thánh của Ngài (16,18) và Phêrô cũng được nói rằng: “anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (19,28). Tuy nhiên, đôi khi Đức Giêsu nói họ như “những kẻ kém lòng tin” (6,30; 8,26; 14,31). Cử tọa của tin mừng nhận ra chính mình trong câu chuyện của họ. Sứ vụ cuối cùng của họ, được Đức Giêsu phục sinh long trọng trao ban, là làm cho tất cả các dân tộc trở thành môn đệ (28,19).

Luca kể lại câu chuyện kêu gọi Phêrô theo kiểu kịch tính với ngôn ngữ gợi lại ơn gọi của Môisê tại bụi gai rực cháy (Xh 3,1-6) và ơn gọi làm ngôn sứ của Giêrêmia (Gr 1,4-8). Hai lần Đức Giêsu sai các môn đệ đi thi hành sứ vụ; đầu tiên là nhóm Mười Hai (9,1-6) và sau đó là nhóm 72 môn đệ (10,1-12). Đức Giêsu tỏ sự quan tâm đến các môn đệ. Trước khi gọi họ, Ngài cầu nguyện suốt cả đêm (6,12). Tại bữa ăn cuối cùng với họ, Ngài cầu nguyện cho Phêrô và căn dặn ông củng cố anh em mình (22,32). Sự thất bại của họ do Marcô tường thuật đã được làm nhẹ đi hay bỏ đi. Không có lời khiển trách trên thuyền về chuyện mắt không thấy và tai không nghe (12,1). Chuyện họ chạy trốn khi Đức Giêsu bị bắt cũng không được đề cập đến.

Có thể nói tin mừng Gioan bắt đầu với hai tựa ngôn, lời đầu tiên là về Đức Giêsu, “Ngôi Lời thành xác phàm”(1,1-18), và lời thứ hai là về các môn đệ (1,19-51). Anrê và một người vô danh, Simon Phêrô, Philipphê và Nathanaen đến với Đức Giêsu, ở với Ngài, học biết về Ngài, và chia sẻ tin tức với các bạn mình. Bắt đầu chương cuối cùng, bảy người được nói đến, ba người được nêu danh (21,1). Họ chia sẻ bánh với Ngài (21,13) và Simon Phêrô được long trọng ủy nhiệm chắn dắt các con chiên của Đức Kitô (21,15-17).

Sau diễn từ về Bánh Hằng Sống, nhân danh nhóm Mười Hai, Phêrô đã bày tỏ lòng tin vào Ngài. “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai?” (6,68). Vào Bữa ăn tối cuối cùng, Ngài gọi họ là “những kẻ thuộc về mình” (13,1). Nếu Đức Kitô là cây nho, họ là cành nho (15,5). Nếu trước đây họ là tôi tớ Ngài thì giờ họ là bạn hữu Ngài (15,15). Sau này, Đức Giêsu gọi họ là anh em mình (20,17). Khi bị bắt, Đức Giêsu bảo những người đi bắt rằng “nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người này đi” (18,8). Sau phục sinh, Tôma tuyên xưng Đức Giêsu là Đức Chúa và là Thiên Chúa của mình (20,28). Chúng ta phải thêm mẹ Đức Giêsu, người phụ nữ của lòng tin tại tiệc cưới Cana (2,5), vào danh sách các môn đệ, người đứng gần thập giá của con mình, một môn đệ gương mẫu đi cùng với môn đệ vô danh mà Đức Giêsu yêu mến (19,25-26).

Đoạn 20 của Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng bắt đầu với câu: “Chúa Giêsu, đám đông đủ mọi hạng người, các Tông đồ: đây là hình ảnh và là mầu nhiệm mà Hội thánh phải không ngừng chiêm ngắm và đào sâu để có thể trở nên chính mình ngày một hơn”. Những ghi chú này được đưa ra để hỗ trợ cho việc chiêm ngắm và đào sâu này.

Tác giả: Peter Edmonds, SJ
Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Từ: thinkingfaith.org (19.01.2022)
Nguồn: gpquinhon.org (02.3.2022)