Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Bài 11 : Lịch sự trong cách giới thiệu

Nơi công cộng – khi em đang đi với anh chị mà gặp thầy dạy, em muốn đứng lại nói chuyện, trước hết cần giới thiệu anh chị của em cho thầy giáo: Thưa thầy, đây là anh chị con. Rồi giới thiệu thầy lại cho anh chị: Đây là thầy A, dạy văn ở trường em.
LICH SU CHAO HOI
Lời giới thiệu lớp học Nhân bản
Các em thiếu nhi thân mến,
Trước  khi là người tin hữu tốt, cần phải là một công dân tốt, một người trưởng thành về nhân bản. Chính vì thế, đường hướng của Ủy ban mục vụ Giáo lý – Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận đã rất đúng đắn khi ghép đôi chương trình Giáo lý và Nhân bản trong các cấp học giáo lý (Theo thông báo của Cha trưởng Ban Giáo lý – Thiếu nhi Thánh Thể trong cuộc họp Thường huấn tháng 10/2021).

Để hỗ trợ cho chương trình đào tạo của Ủy Ban Giáo lý – Thiếu nhi Thánh Thể vừa nêu, trang web Giáo phận mở thêm chuyên mục Giáo dục Nhân bản. Chuyên mục này sẽ đăng theo hình thức từng bài như một lớp học, mỗi tuần đăng 1 bài vào thứ Hai hàng tuần. Khi thuận tiện hơn và có sự chuẩn bị chu đáo  hơn, Ban biên tập sẽ làm các video lớp học để việc học được tiếp nhận dễ dàng hơn.

Để phù hợp với khả năng tự học của các em thiếu nhi, mỗi tiết học (tương đương mỗi bài học được đăng một lần) chỉ mất thời gian khoảng 5 phút. Chỉ với 5 phút đọc, các em thiếu nhi sẽ có những gợi ý áp dụng thực tập cả ngày và có thể ảnh hưởng lên cuộc sống cả một đời! Xin phó thác các em cho bàn tay dìu dắt từ ái của Chúa Giêsu, Đấng rất yêu mến các em.

Giáo trình Nhân bản này được sử dụng lại từ những tài liệu có sẵn. Ban biên tập xin cảm ơn các tác gải và soạn giả.

Xin giới thiệu cùng các em thiếu nhi và mong rằng lớp học này mang lại đôi chút ích lợi cho các em.
Ban Văn hóa – Truyền thông
 

BÀI 11 : LỊCH SỰ TRONG CÁCH GIỚI THIỆU

 
Lời Chúa: “Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philipphê, người Bếtxaiđa, miền Galile, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu”. Ông Philipphê đi nói với ông Anrê. Ông Anrê cùng với ông Philipphê đến thưa với Đức Giêsu.” (Ga 12,20-22).
 
100. Tại gia đình – theo sự lễ độ, khi em dẫn một người bạn vào nhà, em phải đưa người đó tới chào ba má. Đồng thời, khi đến nhà một người bạn, em nhớ nhắc người bạn dẫn em tới chào ba má của người bạn.
 
101. Trong bữa ăn – những dịp đặc biệt, em mời ba bốn người đến tham dự bữa cơm thân mật, nếu họ chưa biết nhau, thì em giới thiệu tên và chức vị của mỗi người để tiện cho việc xưng hô và trò chuyện.
 
102. Giới thiệu người dưới với người trên trước – thí dụ: em dẫn người bạn đến thăm thầy giáo, hai người chào thầy xong, em nói: Thưa thầy, đây là anh T…, bạn con đang học lớp 9 trường Ngô Quyền. Hoặc em đang đi đường với ba má, gặp một chị bạn cùng lớp, sau khi chào nhau, em giới thiệu chị bạn với ba má: thưa ba má, đây là chị H… học cùng lớp với con. Nói thế, tức là chị H đã biết người đi chung với em là ai rồi. Như vậy, thường chỉ giới thiệu người dưới với người trên là đủ.
 
103. Nơi công cộng – khi em đang đi với anh chị mà gặp thầy dạy, em muốn đứng lại nói chuyện, trước hết cần giới thiệu anh chị của em cho thầy giáo: Thưa thầy, đây là anh chị con. Rồi giới thiệu thầy lại cho anh chị: Đây là thầy A, dạy văn ở trường em.
 
104. Khi được giới thiệu – hai người cúi đầu chào nhau, hoặc có thể bắt tay nhau và nói: “hân hạnh được biết…”. Nếu là người trên và người dưới, thì người trên đưa tay ra và người dưới mới được bắt. Không cần giới thiệu hai người đã quen nhau. Trong trường hợp này, em chỉ cần nói: chắc hai anh chị đã quen nhau.
 
105. Cách giới thiệu chức danh – em giới thiệu tên người đó trước và danh vị họ sau. Thí dụ: xin giới thiệu ông Nguyễn Văn A, giáo viên Anh văn. Trong một buổi lễ, đối với một vị khách đặc biệt, chỉ cần giới thiệu danh vị cho mọi người tham dự. Thí dụ: xin giới thiệu, Cha quản hạt X.
__________          __________