Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Đặc sủng dòng tu

Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng.
  •  

ĐẶC SỦNG DÒNG TU

Lm. JB. Trần Hữu Hạnh, CSF

 

Mục lục

I. ĐẶC SỦNG NÓI CHUNG

       1. Đặc sủng là gì?

       2. Đặc sủng của đời sống Thánh hiến

II. ĐẶC SỦNG DÒNG TU

       1. Căn tính của một dòng tu

              a. Linh đạo

              b. Sứ vụ

       2. Sống, giữ gìn, đào sâu và phát triển đặc sủng

              a. Trung thành với đặc sủng/sứ vụ

              b. Đào tạo theo đặc sủng/sứ vụ

              c. Canh tân/thích nghi vào trong bối cảnh hiện tại

              d. Đặc sủng/sứ vụ luôn hướng đến truyền giáo

 

I. ĐẶC SỦNG NÓI CHUNG

1. Đặc sủng là gì?

Trong Tân ước, từ đặc sủng (charism) được tìm thấy 17 lần: 16 lần trong các thư của thánh Phaolô (Rm 1, 11; 5, 15.16; 6, 23; 11, 29; 12, 6; 1 Cr 1,7; 7,7; 12, 4.9.28.30.31; 2 Cr 1, 11; 1Tm 4, 14; 2Tm 1, 6) và 1 lần trong 1Pr 4, 10.

Đặc sủng được coi là ân huệ mà Thần Khí ban cho mỗi người vì lợi ích chung. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người (x. 1 Cr 12, 4-7. 11; LG 12). “Người thì được ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1 Cr 12, 8-10).

Mỗi người được Thiên Chúa ban cho đặc sủng riêng, kẻ thế này, người thế khác. Ngài phân chia cho mỗi người mỗi cách tùy theo ý của Ngài. Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất (x. 1 Cr 12, 13. 18).

Đặc sủng thường gắn liền với chức vụ, thừa tác vụ hoặc với hoạt động. Một người nắm giữ một chức vụ nào đó có thể nhận được một hoặc nhiều đặc sủng và một người nhận được nhiều đặc sủng có thể thi hành một hoặc nhiều tác vụ. Thánh Phaolô đã nhận mình là tiên tri, thầy dậy và là người nói các tiếng lạ (x. 1 Cr 14, 6. 18). Như vậy, đặc sủng có thể linh động việc thực hành các chức vụ chính thức trong Hội thánh. Các tác vụ trong Hội thánh được trao phó từ Chúa Kitô; các đặc sủng đến từ Thần khí, Đấng được Chúa Kitô sai đến để hoạt động trong lòng mỗi người. Do đó, đặc sủng và tác vụ bổ túc cho nhau.

Đặc sủng được ban cho cá nhân, nhưng là để phục vụ cộng đoàn, Thân Thể Chúa Kitô. Thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến điều này khi ngài nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” (1Pr 4, 10) Thật vậy, đặc sủng được ban là để phục vụ Lời Chúa (x. Cv 6, 4) và để xây dựng Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô (x. Ep 4, 12. 26; Gl 4, 7, 11-12; 1Cr 14, 12; 12, 7). Các đặc sủng được sắp đặt để xây dựng Hội thánh, sinh ích cho con người và thỏa mãn những nhu cầu của trần thế (x. CL 24).

Ơn của Thần Khí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Kitô hữu, bởi vì “không ai có thể nói Chúa Giêsu là Chúa mà không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12:3). “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1Tx 5, 19-22).

2. Đặc sủng của đời sống Thánh hiến

Trước công đồng Vatican II, ý tưởng về đặc sủng của đời sống thánh hiến chưa được biết đến. Từ công đồng, theo Lumen Gentium, đời sống thánh hiến được xem như không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Hội thánh, nhưng thuộc về cơ cấu đặc sủng hay cơ cấu Thần khí[1]. Đời sống thánh hiến là một ân huệ của Chúa Thánh Thần, Ngài khơi dậy nơi các tín hữu lòng khao khát nên trọn lành, bước theo Chúa Kitô qua việc sống các lời khuyên Phúc âm cách triệt để (x. LG 43; PC 1).

Nếu đặc sủng là một ơn gọi đối với một bậc sống nào đó của Kitô hữu như là độc thân hoặc hôn nhân (x.1 Cr 7, 7-9), hoặc được đồng hóa với một thừa tác vụ trong Giáo hội (x. 1 Cr 12; Rm 12; Ep 4), thì công đồng cũng gọi các lời khuyên Phúc âm là những đặc sủng (x. LG 12, 13, 42, 43; PC 12). Công đồng cũng nói lên tính cách đa dạng của các hội dòng tùy theo đặc tính riêng của chúng (x. PC 1, 7, 8, 9, 10, 11). Tuy nhiên công đồng không đưa ra một định nghĩa hay giải thích một cách đầy đủ đặc sủng của đời sống thánh hiến. “Mỗi dòng, qua sự cộng tác của đấng sáng lập, đã đem lại một ơn gọi đặc biệt, như một ân huệ do Chúa Thánh Thần khơi dậy (x. LG 45; PC 1, 2) và được hàng giáo phẩm chính thức công nhận.” (MR 11) Nói chung, đời sống thánh hiến chính nó là một đặc sủng. Đó là một ân huệ đặc biệt được ban cho toàn thể Giáo hội (x. LG 43; ET 2, 11; MR 2, 11). Đời thánh hiến, bám rễ sâu trong gương mẫu và lời dạy của Chúa Kitô, là một ân huệ của Chúa Cha ban cho Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Thật vậy, các lời khuyên Phúc âm biểu lộ tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần (x. VC 1, 20, 21).

II. ĐẶC SỦNG DÒNG TU

1. Căn tính của một dòng tu

Theo Tông huấn về Đời sống thánh hiến, căn tính của đời sống thánh hiến là thánh hiến (mục đích của thánh hiến là nên thánh qua việc bắt chước Đức Kitô sống trinh sạch, khó nghèo và vâng lời) và sứ vụ (x. VC 32- 35, 76). Thánh hiến và sứ mệnh bổ túc cho nhau và đan quyện vào nhau, tạo nên căn tính của đời sống thánh hiến. Không thể hiểu cái này nếu không có cái kia. Thánh hiến bao hàm sứ mệnh: thánh hiến để được sai đi. Sứ mệnh lại dẫn đến thánh hiến, vì chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (số 32 - 35). Sự thánh hiến, trước tất cả, là hành động của Chúa Cha; bước theo Chúa Kitô trên con đường đến với Chúa Cha và phục vụ kế hoạch cứu độ của Chúa Cha; Chúa Thánh Thần, nguồn gốc mọi đặc sủng, cụ thể hóa sứ mệnh của đời sống thánh hiến trong những tình huống lịch sử của nhân loại. Mỗi dòng tu cũng có căn tính riêng, được định hình bởi đặc sủng của Đấng sáng lập: Linh đạo (con đường nên thánh) và sứ vụ.

Văn kiện của Bộ Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ và Bộ Giám mục đã nói về đặc sủng của đấng sáng lập như sau: “Đặc sủng của các Đấng sáng lập biểu lộ như là một kinh nghiệm về Thần Khí, được truyền lại cho các môn đệ của họ để sống, giữ gìn, đào sâu và không ngừng phát triển trong sự hài hòa với Thân Thể Chúa Kitô đang không ngừng lớn lên.” (MR 11) Đây là một cảm nghiệm đặc biệt về Thần Khí của Đấng sáng lập; qua đó, giúp vị này nhận thức một hướng đi mới trong đường nên thánh và hoạt động tông đồ.[2] Khi ban đặc sủng lập dòng, Chúa Thánh Thần không nói trực tiếp với Đấng sáng lập, nhưng Ngài soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy Đấng sáng lập chọn sống một con đường nên thánh riêng (linh đạo); và đồng thời, Ngài cũng soi sáng, hướng dẫn và thúc đẩy Đấng sáng lập đáp ứng một nhu cầu nào đó trong xã hội hoặc trong Giáo hội (sứ vụ). Như thế, đoàn sủng của mỗi dòng tu bao gồm hai khía cạnh: linh đạo và sứ vụ.

Mỗi Hội dòng chỉ nhận được một đặc sủng, được ban qua Đấng sáng lập. Khi thành lập Hội dòng, Đấng sáng lập chia sẻ, truyền lại đặc sủng (đoàn sủng)[3] này cho cả Hội dòng để mọi thành viên cùng sống đặc sủng ấy và làm phong phú thêm đặc sủng ấy qua dòng thời gian. Đặc sủng là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa hội dòng này với hội dòng khác. Đặc sủng chính là sức sống, là nguồn mạch của mọi hoạt động tông đồ của mỗi hội dòng. Một hội dòng mà không sống theo đặc sủng của đấng sáng lập sẽ đánh mất đi căn tính của nó, và như một hệ quả, mất đi phương hướng của nó. Chìa khóa cho sự phát triển của mỗi hội dòng là trung thành với đặc sủng của đấng sáng lập. Bởi đó, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã kêu gọi các cộng đoàn tu trì phải trung thành với tinh thần, với những ý hướng Phúc âm và gương thánh thiện của đấng sáng lập. Chính ở đây mà các hội dòng tìm thấy nguồn gốc của họ (x. ET 11-12).

a. Linh đạo

Linh Đạo là con đường thiêng liêng, con đường nên thánh. Trong các dòng tu, mỗi Hội dòng đều có một con đường nên thánh riêng do Vị sáng lập đề ra qua ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Các Vị sáng lập hoặc dựa vào Tin Mừng để hướng dẫn đời sống thiêng liêng, hoặc chọn sống một mầu nhiệm nào đó để nên thánh, như mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Truyền Tin, mầu nhiệm Thập giá, mầu nhiệm Thánh Thể,...hoặc chọn một mẫu gương như Mẹ Maria, thánh Giuse, gia đình Thánh Gia Nazareth, thánh Phaolô,. Như vậy, các tu sĩ đều có chung một con đường nên thánh: càng bắt chước Đức Kitô, càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua việc sống 3 Lời Khuyên Phúc Âm, càng thánh thiện. Mỗi dòng tu lại có một con đường nên thánh riêng (linh đạo): càng bắt chước một khía cạnh nào đó trong cuộc đời Đức Giêsu, càng thánh thiện.

b. Sứ vụ

Mỗi dòng có sứ vụ riêng biệt. Đây chính là mục đích của vị sáng lập khi thành lập dòng. Mỗi dòng được thành lập để đáp ứng nhu cầu nào đó của Giáo hội hoặc xã hội: dòng Lasan: giáo dục; dòng Gioan Thiên Chúa: phục vụ bệnh nhân; Tu hội Xuân Bích: đào tạo linh mục; dòng Phaolô Thiện Bản: rao giảng Đức Kitô bằng sách báo và các phương tiện truyền thông,... Cách chung, đặc sủng thường được đồng hóa sứ vụ/ mục đích của dòng.[4] Đây là yếu tố chính tạo nên sự khác biệt giữa dòng này và dòng khác.

2. Sống, giữ gìn, đào sâu và phát triển đặc sủng

Giáo hội tha thiết mời gọi các dòng tu sống theo đặc sủng của mình:

a. Trung thành với đặc sủng/sứ vụ

Công đồng Vatican II kêu gọi các dòng tu phải khám phá lại tinh thần và mục đích của Đấng sáng lập (x. PC 2b). Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Nhân Dịp Năm Về Đời Sống Thánh Hiến 2015 kêu gọi những người sống đời thánh hiến “dấn thân canh tân đoàn sủng, kiểm điểm sự trung thành đối với sứ mạng đã được ủy tháctiếp tục làm phong phú và thích nghinhưng không đánh mất đi căn tính của mình. Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, trong cuộc gặp gỡ Liên Tu sĩ TGP. Sài Gòn, dịp Tất Niên năm Kỷ Hợi (2020), cũng nhắc nhở các dòng tu chú tâm, phát triển đặc sủng của dòng mình, trở về với đặc sủng của Đấng sáng lập, nếu không sẽ đi chệch đường: trong Giáo hội không có tu sĩ chung chung, trong Giáo hội có nhiều nhu cầu, nhiều điều tốt, nhưng có thể tốt cho người khác chứ không tốt cho mình, có thể mình làm công việc của người khác, không phải đặc sủng của mình.

Mọi Hội dòng được thành lập là để phục vụ Giáo hội, làm cho Giáo hội thêm phong phú qua đặc tính và sứ vụ riêng biệt của mình (MR 14b). “Cùng với hàng giáo sĩ của mình, các Giám mục phải là những người xác tín về đời sống thánh hiến, che chở những cộng đoàn tu sĩ, giáo dục ơn gọi và bảo vệ một cách hữu hiệu đặc tính của mỗi gia đình Hội dòng trong lĩnh vực thiêng liêng cũng như hoạt động tông đồ.” (MR 28; x. MR 46, 52) Các Giám mục dùng lề luật mà hướng dẫn một cách khôn ngoan việc thực thi các Lời khuyên Phúc âm; phê chuẩn những luật dòng (x. LG 45); thừa nhận và trao phó cho các Hội dòng sứ mệnh riêng biệt của họ, khuyến khích họ dấn thân thành lập các cộng đoàn mới (x. AG 18, 27); giúp cho các hội dòng phát triển và sinh hoa trái theo tinh thần của đấng sáng lập bằng cách lấy quyền bính của mình mà săn sóc, bênh vực và nâng đỡ (x. LG 45).

Dù nhu cầu mục vụ cấp bách thế nào đi nữa, chúng ta luôn phải nhớ rằng sự đóng góp tốt nhất mà một Hội dòng có thể đem lại cho Giáo hội là sự trung thành với đoàn sủng của họ. Hội dòng càng hiện diện theo đoàn sủng của mình, càng đem lại nhiều hoa trái (x. FLC 61; MR 49- 50).

b. Đào tạo theo đặc sủng/sứ vụ

Mỗi Hội dòng cần tập trung đào tạo theo sứ vụ của mình để tất cả các thành viên đều có thể thi hành sứ vụ chính của dòng.

Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II yêu cầu các hội dòng chú tâm vào việc đào tạo theo đoàn sủng riêng biệt của họ, để họ có thể thực hiện sứ mệnh loan báo Tin mừng tùy theo đoàn sủng của mình (x. VC 68, 72).

Trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu, Đức Gioan Phaolô II viết: “Tôi hiệp ý với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng mà kêu gọi những người sống đời thánh hiến, canh tân sự nhiệt thành của họ trong việc loan báo chân lý cứu độ của Chúa Kitô. Tất cả phải được huấn luyện và đào tạo xứng hợp; nền huấn luyện này cần tập trung vào Chúa Kitô và trung thành với đoàn sủng nền tảng của họ, nhấn mạnh đến sự thánh thiện và chứng tá cá nhân; tu đức và lối sống của họ phải nhạy cảm với gia sản tôn giáo của dân tộc mà họ đang sống và phục vụ.” (EA 44)

Thánh bộ Các Hội dòng tận hiến và các Tu đoàn tông đồ đã nhấn mạnh đến một trong các khía cạnh của thường huấn là: “Trung thành với đoàn sủng riêng, qua việc luôn tìm hiểu sâu xa về đấng sáng lập, về lịch sử của hội dòng, về tinh thần và sứ vụ của hội dòng, và cùng hỗ trợ nhau sống đoàn sủng ấy, xét về phương diện cá nhân cũng như cộng đoàn.” (PI 68)

c. Canh tân/thích nghi vào trong bối cảnh hiện tại

Các Hội dòng chỉ có thể trung thành với đặc sủng nguồn gốc khi họ biết thế nào để đọc được những dấu chỉ của thời đại và biết thế nào để đáp ứng lại những nhu cầu của Giáo hội và xã hội trong thời hiện tại. “Các Bề trên và các phần tử hãy trung thành duy trì sứ mệnh và các công tác riêng của dòng. Tuy nhiên, họ hãy biết thích ứng chúng cách khôn ngoan chiếu theo nhu cầu của thời thế và địa phương, kể cả bằng việc sử dụng các phương tiện mới mẻ và thích ứng.” (Can 677 §1).

Trong mỗi Tổng hội, Hội dòng cần nhìn lại quá khứ của mình, đọc và giải thích nó để để tìm ra hướng đi cho tương lai của mình. Điều này có nghĩa là họ phải luôn duy trì ký ức sống động về đấng sáng lập của họ và luôn tiến tới một sự hiểu biết rõ hơn về đặc sủng nguồn gốc của họ, về sứ mệnh của họ trong Giáo hội và trong thế giới.[5]

Đặc sủng của Hội dòng diễn tả căn tính tinh thần của các môn đệ dọc theo những đường nét được dự định bởi đấng sáng lập. Căn tính này phải được xem xét trong ánh sáng của những môi trường thay đổi. Qua đó, nó trải qua một sự đổi mới năng động, nhưng không đánh mất lòng trung thành của nó đối với những điểm xuất phát ban đầu. Chỉ có thể kéo dài sự hiện diện của nó bằng sự trung thành sáng tạo, một sự trung thành được bám chặt vào nguồn gốc của nó, nhưng đồng thời mở ra đối với dấu chỉ của thời đại. Trung thành mà không thích nghi vào bối cảnh mới, sẽ dẫn đến chỗ suy tàn; đổi mới mà không bám vào gốc của nó, sẽ dẫn đến chỗ lập nên một hội dòng mới. Đó là lý do tại sao sự đổi mới đời sống tu trì không bao giờ được làm một lần cho tất cả.[6]

Sai lầm có thể xảy ra là khi chúng ta “hiện đại hóa” đặc sủng, thay mới hoàn toàn để cho nó hấp dẫn hơn, hoặc sử dụng đặc sủng của đấng sáng lập để phục vụ cho chính chúng ta, để biện minh cho những quyết định và hành động của chúng ta. Điều này có thể là tốt, nhưng nó không phải là mục đích của đấng sáng lập. Nó có thể phá đi những gì đã được dày công xây dựng và làm mất đi đặc tính và căn tính của Hội dòng. [7]

Trong bối cảnh xét lại các hình thức hoạt động tông đồ, văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu” (số 27) đã đưa ra những khuyến cáo về ba cơn cám dỗ khi xây dựng kế hoạch hoạt động tông đồ: (i) muốn ôm đồm mọi hình thức hoạt động tông đồ, (ii) bỏ đi những hình thức hoạt động truyền thống theo đặc sủng của dòng, để chạy theo những hoạt động đáp ứng nhu cầu xã hội tức thời, nhưng lại không hợp với đặc sủng của dòng, (iii) phân tán nhân lực dòng vào những hoạt động ngắn hạn, chỉ liên hệ đến đặc sủng một cách mơ hồ; do đó, với thời gian, tính cách đồng nhất trong việc thực hiện đặc sủng của dòng sẽ bị tổn thương.[8] Mỗi hội dòng cũng có thể có thêm một số hoạt động khác với sứ vụ chuyên biệt của mình, nhưng không nên để cho những hoạt động này trở thành những hoạt động chính. Nên để cho một số phần tử nào đó phụ trách mà thôi.

Muốn có đổi mới, chúng ta cần biết chúng ta là ai. Mỗi hội dòng phải ra sức giữ lấy căn tính của mình để khỏi rơi vào tình trạng mập mờ, không xác định được vị trí và nhiệm vụ của mình trong đời sống Giáo hội (x. FLC 46).

Trước năm 1975, các dòng tu đã có nhiều cơ sở để phục vụ theo đặc sủng của mình. Sau năm 1975, tất cả các phương tiện để thi hành sứ vụ của các dòng tu đã được quốc hữu hóa như: trường học, bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà cô nhi, trại phong, . ..Iloat động tông đồ của các dòng tu bị hạn chế tối đa. Bên cạnh đó, đời sống kinh tế nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, các dòng tu chỉ cố gắng sao cho có thể sống còn. Không còn phương tiện để thi hành sứ vụ chính, các tu sĩ làm bất cứ công việc gì để có thể tồn tại. Đây thực sự là giai đoạn khủng hoảng về căn tính của các dòng tu. Bối cảnh ngày hôm nay có nhiều thuận lợi để các Hội dòng chú tâm vào sứ vụ chính của mình. Điều quan trọng là thích nghi vào môi trường mới thế nào mà vẫn giữ được căn tính của Hội dòng.

d. Đặc sủng/sứ vụ luôn hướng đến truyền giáo

Mỗi Hội dòng có một vị trí trong đời sống Giáo hội và một sứ mệnh phải hoàn thành. Khi được thiết lập, Hội dòng đương nhiên trở thành pháp nhân công trong Hội thánh. Họ hoạt động nhân danh Hội thánh để đạt được mục đích nhằm tới lợi ích chung của Hội thánh (x. PC 8; Can 116, §1; 675, §3).

Đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh truyền giáo, mỗi hội dòng có một sứ mệnh truyền giáo riêng biệt, tùy theo đặc sủng của mình (x. VC 19, 72, 46; PC 10, 20; Can 673, 674, 676, 677). Đặc sủng chính là “tiêu chuẩn chắc chắn nhất cho sự quyết định về loại hoạt động của mỗi hội dòng.” (ET 11) Được hướng dẫn bởi Thần khí, nguồn gốc của mọi ơn gọi và đặc sủng, đời sống thánh hiến, chính nó, trở thành một việc truyền giáo (x. SAFC 9). Văn kiện “Những Yếu tố Cốt yếu của Đời tu” cũng khẳng định: “Sự thánh hiến luôn đi kèm theo một sứ mệnh.” (EE 23; x. EE 24, 25) Căn tính đời sống thánh hiến ngày nay dựa trên sứ mệnh truyền giáo, bởi vì đó chính là lý do cho sự hiện diện của họ (x. EE 23-24). “Tinh thần truyền giáo phải được tuyệt đối duy trì trong các hội dòng và tùy bản chất riêng của mỗi dòng mà thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, để việc rao giảng Phúc âm giữa muôn dân được hữu hiệu.” (PC 20) Người tu sĩ phải bước theo Chúa Kitô trên những con đường mà Ngài đã đi: cầu nguyện trên núi, rao giảng cho đám đông, chữa lành những người bệnh, khuyên nhủ các tội nhân ăn năn sám hối, chúc lành cho trẻ em và ban ơn lành cho mọi người, trong tinh thần vâng phục thánh ý Chúa Cha (x. LG 46; PC 14; Can 577). Như vậy, dù làm bất cứ công việc gì theo sứ vụ của dòng, người tu sĩ luôn ý thức phải làm chứng cho Chúa, làm vinh danh Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho các đối tượng mình phục vụ.

Đối với các hội dòng chiêm niệm, Bộ Giáo luật, điều 674, viết: Các tu sĩ sống đời chiêm niệm thuần túy thì tham gia vào hoạt động tông đồ theo đường lối riêng của họ: “Họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ ngợi khen tuyệt vời, họ trang điểm dân Chúa với những hoa trái dồi dào của sự thánh thiện, họ thúc đẩy dân Chúa bằng gương sáng và làm cho nó phát triển nhờ sự phong nhiêu kín nhiệm của mình.” Trong những hội dòng hoạt động tông đồ, yếu tố đầu tiên để đặc sủng xuất hiện là sự nhận thức về một nhu cầu thiết yếu nào đó trong Giáo hội và ơn gọi để đáp ứng lại nhu cầu đó. Những đặc sủng khác nhau của các hội dòng làm phong phú đời sống của Giáo hội và góp phần vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội theo tính cách riêng của mỗi hội dòng.[9] Chính Thần khí thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh của Chúa Kitô. Thật vậy, ý thức về truyền giáo thấm sâu vào tận huyết mạch của mọi hình thức tu trì. Nó bao trùm mọi khía cạnh của đời sống họ. Sự thánh hiến luôn ẩn chứa một sứ mệnh và đặc sủng luôn gắn liền với sứ mệnh đặc biệt của mỗi hội dòng. Bởi đó, việc truyền giáo là điều cốt yếu đối với mọi hội dòng, cả những hội dòng chuyên lo làm việc tông đồ, lẫn những hội dòng sống đời chiêm niệm. Ý thức truyền giáo luôn là ưu tiên số một của mọi hình thức tu trì (x. VC 19, 25, 72).

Các Giám mục và các tu sĩ đều có bổn phận phải truyền giáo, một bổn phận gắn liền với chính tác vụ và đặc sủng của họ. Bổn phận này mỗi ngày một trở nên khẩn trương, cấp bách hơn trong bối cảnh văn hóa, chính trị, xã hội ngày càng biến chuyển nhanh chóng. Những biến chuyển này đòi hỏi việc canh tân nhiều sinh hoạt mục vụ truyền thống, đòi hỏi nhiều sáng kiến mới trong các hoạt động tông đồ (x. MR 19, 41). “Một giáo phận không có đời sống thánh hiến sẽ thiếu nhiều ơn huệ thiêng liêng, thiếu những nơi dành riêng cho việc tìm kiếm Thiên Chúa, thiếu các hoạt động tông đồ và những phương thức mục vụ chuyên biệt; hơn nữa, giáo phận đó có thể suy yếu đi rất nhiều, vì thiếu vắng tinh thần truyền giáo vốn là đặc điểm của hầu hết các hội dòng (x. AG 18[10]). Vì thế, cần biết đón nhận, với lòng tri ân và quảng đại, hồng ân của đời sống thánh hiến mà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội địa phương.” (VC 48)

Có thể nói rằng sứ mệnh truyền giáo là chìa khóa để hiểu được đời sống thánh hiến ngày nay và mọi việc xảy ra trong nó. Không có một nhận thức mạnh mẽ về sứ mệnh truyền giáo, đời tu không còn ý nghĩa, không còn lý do để tồn tại. Do đó, họ cần ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của Thần Khí để trở thành dụng cụ hữu hiệu cho Ngài trong sứ mệnh loan báo Tin mừng. [11]

Mỗi hội dòng có một sứ mệnh riêng trong Thân Thể Chúa Kitô mà không ai khác có thể thay thế được. Nếu họ không thực hiện nó, họ khước từ kế hoạch của Thiên Chúa trao cho chính họ.

Tóm lại, linh đạo và sứ vụ chính là đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ của một tu sĩ. Đời sống thiêng liêng và hoạt động tông đồ đan quyện vào nhau: thi hành sứ vụ (phục vụ) với tư cách là một tu sĩ chứ không như một viên chức ngoài đời. Người tu sĩ cần ý thức việc truyền giáo bằng chính đời sống của mình. Chứng tá quan trọng nhất của đời sống thánh hiến là sự thánh thiện (x. VC 32- 35).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 122 (Tháng 01 & 02 năm 2021)

[1] “Đời sống thánh hiến và các cơ cấu trong Giáo hội không phải là 2 thực tại tồn tại riêng biệt, như thể một thực tại thuộc về ân sủng và thực tại kia thuộc về cơ cấu. Trái lại, 2 yếu tố ấy, tức ân sủng thần thiêng và cơ cấu trong Giáo hội, làm thành một thực tại duy nhất, tuy phức tạp (x. LG 8)” (MR 34)

[2] X. Phan Tấn Thành. Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 577- 578; X. John Manuel Lozano, CMF, Foundresses, Founders and Their Religious Families (Chicago: Claret Center for Resources in Spirituality, 1983), tr. 29-30.

[3] Các đặc sủng được ban là để phục vụ lợi ích chung, phục vụ cộng đoàn, nên còn được gọi là Đoàn sủng.

[4] Thí dụ: đặc sủng/Sứ vụ của dòng Lasan là giáo dục: không thi hành sứ vụ giáo dục, thi không phải là Lasan.

[5] X. Futrell, J.C., Discovering the Founder's charism, in The Way Supplement 14 (1971) 62,70.

[6] X. Antonio Romano. The Charism of the Founders: The person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection (Ireland: St Pauls, 1994)tr.151-156; Teresa Ledóchowska Osu. In Search of the Charism of the Institute of the Ursulines of the Roman Union (Roma: Ursulines of the Roman Union Via Nomentana 236, 1976), tr. 17.

[7] X. Antonio Romano, The Charism of the FoundersThe person and Charism of Founders in Contemporary Theological Reflection (Ireland: St Pauls, 1994), tr. 171.

[8] Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo Luật Quyển 2- Dân Thiên Chúa, tập 4, Các Hội Dòng Tận Hiến và các Tu Đoàn Tông Đồ (Rôma, 1993), tr. 762-763.

[9] X. Jesus Alvarez Gomez, New Evangelization for the Third Millennium (Quezon City: Claretian Publications, 1997), tr. 78; VC 19.

[10] Sắc lệnh về truyền giáo, Ad Gentes (AG) nói về các hội dòng: số 15i (vai trò bất khả thay thế), số 18- 19 (phát huy đời tu ở các xứ truyền giáo), số 20 (lòng nhiệt thành của các tu sĩ), số 27 (các tu hội truyền giáo), số 32- 33 (hợp tác với Giáo hội địa phương trong hoạt động truyền giáo), số 40 (nhiệm vụ truyền giáo của các tu sĩ).

[11] X. Jose Cristo Rey Garcia Paredes, CMF, “Mission: The Key to Understand Consecrated Life Today.” Religious Life Asia 6 (January-March 2004): tr. 59- 77; Marcello Azevedo, SJ, Vocation for Mission- The Challenge of Religious Life Today (New York: Paulist Press, 1988), tr. 138.