Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Lược sử Giáo xứ Xuân Điện

Theo giải thích của các bô lão trong làng thì “Xuân" là chỉ mùa xuân, mùa mang lại sức sống mới cho vạn vật; “Điện" chỉ chỗ thờ thần thánh. Xuân Điện nghĩa là nơi thờ tự và trổ sinh sức sống tốt tươi.
 
z2753753374934 2f9ae757908b5e9f2ff95b208b5b4cb7

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ XUÂN ĐIỆN
 
I. TÊN GỌI VÀ VỊ TRÍ

Xuân Điện là một giáo xứ mới nhưng có lịch sử hình thành dài lâu và cũng nhiều lần đổi tên. Ban đầu là họ Ngãi Am, sau đó được đổi thành Đền Am và giờ đây là Giáo xứ Xuân Điện. Theo giải thích của các bô lão trong làng thì “Xuân" là chỉ mùa xuân, mùa mang lại sức sống mới cho vạn vật; “Điện" chỉ chỗ thờ thần thánh. Xuân Điện nghĩa là nơi thờ tự và trổ sinh sức sống tốt tươi.

Giáo xứ Xuân Điện thuộc giáo hạt Nam Am có nhà thờ xứ tọa lạc tại xã Hòa Bình huyện Vĩnh Bảo, phía Đông Nam giáp xã Trấn Dương, phía Tây giáp xã Lý Học, phía Bắc và Đông Bắc giáp xã Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng), phía Nam Giáp xã Vĩnh Tiến; cách Tòa Giám mục Hải Phòng 30km về phía Nam.

- Năm thành lập: 1775 (thiết lập Giáo xứ năm 2006)
- Số giáo dân: 985 người
- Quan thầy: Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (Họ nhà xứ: thánh Tôma tông đồ)
- Linh mục chính xứ: Giuse Nguyễn Văn Tùng
- Giáo họ trực thuộc: Lôi Mía, Địa Linh, Xuân Am
- Địa chỉ: Thôn Ngãi Am, xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
cong chinh
 
Theo lời truyền kể của các cụ, mảnh đất Xuân Điện xưa là bãi bồi ven sông Thái Bình, vùng đất hoang sơ. Giai đoạn trước năm 1775, cụ Hậu Thao cùng gia đình từ Đại Lộ (Hải Dương) đến đây lập nghiệp, khai khẩn đất đai canh tác ruộng vườn. Dần dần với thời gian, kể từ khi cụ Hậu Thao đến khai hoang, vùng đất này trở nên sầm uất hơn với nhiều hộ gia đình và dòng họ lần lượt đến đây sinh sống làm ăn.

Vào đầu thế kỉ XVII, Tin Mừng được loan báo ở vùng đất Vĩnh Bảo. Lúc này các cộng đoàn đức tin như Nam Am, Lôi Trạch, Hội Am, Trại Đồng, An Quý… đã được hình thành. Tại Xuân Điện, năm 1775, những người theo đạo tại vùng lân cận cũng đến đây truyền giáo, như: cụ Đaminh Nguyễn Văn An và Phêrô Đỗ Văn Thái (ở Địa Linh) và có khoảng 12 gia đình tin theo. Cùng với thời gian này, nhiều gia đình thuộc các dòng họ, như: Nguyễn, Đỗ, Hoàng, Đoàn… đã tin theo Chúa và hợp thành cộng đoàn đức tin lấy tên là Ngãi Am, trực thuộc xứ Nam Am. Gia đình cụ Hậu Thao hiến hai sào đất để dựng lên ngôi nhà nguyện bằng mái tranh vách đất.

Từ khi quy tụ thành giáo họ Ngãi Am, cộng đoàn nơi đây ngày một lớn mạnh, số người được rửa tội thêm đông, đời sống đức tin ngày một tăng triển. Trong thời kì bách hại đạo khốc liệt của các đời vua Nguyễn, họ Ngãi Am có nhiều tấm gương trung kiên với đức tin, điển hình là cụ Phêrô Đỗ Đức Phương đã được phúc tử vì đạo tại Khu Năm Mẫu Hải Dương, vào năm 1862 thời vua Tự Đức.

Sau thời gian các sắc lệnh cấm đạo được dỡ bỏ, đời sống đạo nơi giáo họ dần ổn định, lòng tôn kính thờ phượng Thiên Chúa vẫn một lòng son sắt. Năm 1887, giáo họ đã xây dựng ngôi nhà thờ bằng gỗ đục trạm hoa văn gồm 7 gian với 6 hàng cột. Cụ Hậu Đôn đã dâng cúng toàn bộ tòa vàng và một cỗ kiệu vàng. Cũng thời gian này, giáo họ Ngãi Am đổi tên thành họ Đền Am. Đến năm 1893, Đức cha Giuse Torres Hiến ban sắc đổi tên họ Đền Am thành giáo họ Xuân Điện và nhận thánh Tôma tông đồ làm đấng bảo trợ.

tượng đài

Trong suốt những thập niên cuối thế kỉ XIX đến năm 1954, giáo họ Xuân Điện được các cha xứ Nam Am quan tâm săn sóc về đời sống đức tin cũng như cơ sở vật chất: mở rộng và chỉnh trang khuôn viên nhà thờ. Nhờ vậy, cộng đoàn ngày một lớn mạnh, sống chan hòa, lương giáo đoàn kết cùng nhau xây dựng làng xã.

Năm 1950 đã xảy ra một biến cố đau buồn trên mảnh đất Xuân Điện. Cha Micae Nguyễn Văn Nghĩa coi sóc Nam Am đã về dâng thánh lễ thánh Tôma quan thầy và nghỉ đêm tại giáo họ. Nhưng do hiểu lầm hay thù ghét mà quân cách mạng đã sát hại cha cách dã man cùng một số giáo dân canh gác bảo vệ cho cha. Hiện ngài được an táng trong khuôn viên Đền thánh Mân Côi Nam Am.

Từ năm 1954 đến năm 1975, rất nhiều xứ họ trong giáo phận đã di cư vào Nam nhưng tại Xuân Điện bà con vẫn bám trụ với mảnh đất của cha ông. Dù trong giai đoạn này, người dân bị chính quyền o ép nhiều mặt song lòng đạo luôn sốt sắng, vẫn sớm tối đọc kinh cầu nguyện duy trì nếp đạo, giữ gìn cơ sở vật chất nhà Chúa. Các cha xứ và quản xứ Nam Am vào mỗi dịp thuận tiện hay vào ngày lễ ông thánh Tôma đều sắp xếp về dâng lễ cho dân họ.

Năm 1978, cha Giuse Phạm Văn Dương được bề trên sai về làm chính xứ giáo xứ Nam Am và coi sóc các họ trực thuộc trong đó có Xuân Điện. Cha cho kiện toàn Ban hành giáo, củng cố và lập mới hội đoàn, gây dựng các phong trào, nhất là phong trào thanh niên Công giáo hết sức sôi nổi. Vì thế diện mạo của giáo xứ Nam Am nói chung, cách riêng giáo họ Xuân Điện thay đổi tích cực. Mọi người hăng say công việc nhà Chúa, sốt sắng tham dự cử hành các Bí tích.

CUNG THÁNH

Trước nhu cầu đức tin và số giáo dân ngày thêm đông, dưới sự hướng dẫn của cha xứ Antôn Nguyễn Văn Ninh dân họ Xuân Điện đã xây nhà thờ mới vào ngày 14/01/1994. Nhà thờ mới bằng sắt lợp tôn gồm 9 gian diện tích là 558m, tháp chuông cao 37m, sau 5 năm thi công, đã hoàn thành vào ngày 19/01/1999, Cũng từ đây Xuân Điện cũng không ngừng thăng tiến về đức tin và đổi mới về cơ sở vật chất. Nơi đây hiện cũng là quê hương của hai linh mục đang phục vụ tại giáo phận: Toma Nguyễn Hữu Khang và Toma Đỗ Đức Lượng.

Sự lớn mạnh của Xuân Điện đã được khẳng định qua quyết định thành lập giáo xứ Xuân Điện vào ngày 15/10/2006 với các giáo họ trực thuộc: Lôi Mía, Địa Linh và Xuân Am. Niềm vui nối tiếp niềm vui, sau gần 6 năm lên xứ, ngày 04/8/2012, Bề trên Giáo phận đã đặt cha Isiđôrô Phạm Văn Toản về làm cha xứ tiên khởi Xuân Điện và quản nhiệm xứ Tiên Am. Từ những ngày đầu về nhận xứ, cha Isiđôrô đã cho kiện toàn cơ cấu tổ chức theo Lề luật họ đạo, xây dựng nhà mục vụ, thành lập hội đoàn, chăm lo giáo dục đức tin. Tiếp nối, cha Phêrô Vũ Văn Thìn, và hiện này là cha Giuse Nguyễn Văn Tùng, cũng đang từng bước đưa giáo xứ không ngừng thăng tiến.

III. TÌNH HÌNH HIỆN NAY
 
trung tâm mục vụ
Hiện nay, giáo xứ Xuân Điện đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Cơ cấu tổ chức giáo xứ được hoàn thiện theo Quy chế của Giáo phận, gồm: Ban Chánh trương, Ban hành giáo các giáo họ. Các sinh hoạt đức tin của giáo xứ được duy trì, các hội đoàn đạo đức được kiện toàn và lập mới, có thể kể đến như: Huynh đoàn giáo dân Đaminh; Liên hội Mẫu Tâm giáo xứ; Ban Giới trẻ; Ban Giáo lý; Thiếu Nhi Thánh Thể; Gia đình Phạt tạ Thánh tâm; Hội Legio Mariae; Hội Kim Nhạc; Hội Nam Nhạc; Các ca đoàn… Tất cả đang góp phần làm cho đời sống đức tin nơi đây ngày thêm sinh động, đánh dấu bước thăng tiến không ngừng của cộng đoàn đức tin nơi đây.

Nhìn lại lịch sử của mình biết bao nhiêu thăng trầm, nhưng, dù khi thuận lợi hay lúc gian nan, người Xuân Điện vẫn luôn một lòng gắn bó với Chúa, trung thành với đức tin và nhiệt thành trong đời sống đạo làm chứng cho Chúa. Dòng lịch sử của cộng đoàn đức tin nơi đây đã minh chứng điều ấy. Đây là niềm tự hào cho người tín hữu Xuân Điện, đồng thời cũng là lời mời gọi người dân nơi đây hãy nhiệt tình chung tay góp sức để xây dựng giáo xứ quê hương, hầu tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền nhân và góp phần đưa Giáo xứ ngày một lớn mạnh như chính tên gọi Xuân Điện.
 
Dữ liệu: Giáo xứ Xuân Điện
Biên soạn: BTT GP
 
* Ghi chú:
Tài liệu lịch sử giáo xứ Xuân Điện đang được hoàn thiện. Ban biên tập mong nhận được sự góp ý chân thành của quý Đấng bậc và quý Độc giả, để Lược sử Giáo xứ sớm hoàn thành. Email liên hệ:
[email protected]. Xin trân trọng cám ơn!