Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Đâu là sự khác biệt giữa Kinh Thánh Công giáo và Kinh Thánh Tin Lành?

Vì bảy mươi học giả này được cho là đã mất bảy mươi ngày để chuyển ngữ bản Kinh Thánh Do Thái sang tiếng Hy Lạp, thuật ngữ Bản Bảy Mươi (Septuaginta) trong tiếng Latinh hoặc chữ số La mã LXX được dùng để chỉ bộ tuyển tập của 46 cuốn sách này (39 cuốn dịch từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp, cộng với 7 cuốn nguyên văn Hy Lạp).
kinh thanh

Bộ Kinh Thánh của Công giáo có 73 cuốn, trong khi đó Kinh Thánh của Tin Lành có 66 cuốn. Cả hai có cùng số lượng sách trong phần Tân Ước (27 cuốn); nhưng trong phần Cựu Ước có sự khác biệt. Kinh Thánh Công giáo có nhiều hơn 7 cuốn (Giuđitha, Huấn ca; Khôn ngoan, Barúc, Maccabê 1 và 2, và Tôbia) bởi vì Công giáo sử dụng danh mục Hy Lạp cổ (Alexandria) các sách được công nhận, được gọi là quy điển, vào những năm 250 tr.C.N. Tại thời điểm đó, bảy mươi học giả được ủy nhiệm để dịch 39 cuốn sách trong Cựu Ước đã có sẵn từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp. Họ cũng tính luôn 7 cuốn sách khác (gọi là đệ nhị quy điển) được những người Do Thái viết bằng tiếng Hy Lạp trong thời Lưu Đày.

Vì bảy mươi học giả này được cho là đã mất bảy mươi ngày để chuyển ngữ bản Kinh Thánh Do Thái sang tiếng Hy Lạp, thuật ngữ Bản Bảy Mươi (Septuaginta) trong tiếng Latinh hoặc chữ số La mã LXX được dùng để chỉ bộ tuyển tập của 46 cuốn sách này (39 cuốn dịch từ tiếng Hípri sang tiếng Hy Lạp, cộng với 7 cuốn nguyên văn Hy Lạp). Do Thái giáo và Kitô giáo đã chấp nhận và sử dụng tất cả 46 sách của Bản Bản Mươi cho đến năm 90, khi các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái quyết định sửa đổi danh mục các sách đã được thừa nhận.
 
Sau khi Đền thờ Giêrusalem bị người La mã phá hủy năm 70, các Kitô hữu và người Do Thái tách rời nhau và thành lập các tôn giáo riêng biệt. Hai mươi năm sau, khi các học giả Do Thái cho rằng ảnh hưởng của Kitô giáo Hy Lạp phải bị loại bỏ ra khỏi bộ sách thì 7 cuốn sách của Cựu Ước, nguyên gốc được viết bằng tiếng Hy Lạp chứ không phải bằng tiếng Hípri, đã bị loại khỏi danh mục. Đôi khi, danh mục mới này của người Do Thái còn được gọi là Quy điển Palestine vì đó là tên của Đất Thánh vào thời ấy.
 
Tuy nhiên, các Kitô hữu giờ đã độc lập nên giữ lại danh mục 46 cuốn sách của họ bằng tiếng Hy Lạp cổ (theo Quy điển Alexandria), trong khi người Do Thái vẫn chỉ có 39 cuốn. Năm 400, Thánh Giêrônimô đã được Đức Giáo Hoàng Đamasô I ủy thác dịch toàn bộ bản Do Thái và Hy Lạp của Cựu Ước và Tân Ước sang một ngôn ngữ và làm thành một bộ. Tại thời điểm đó, tiếng Latinh là ngôn ngữ chính thức của Đế quốc. Thánh Giêrônimô đã sử dụng bản Hy Lạp [Bản Bảy Mươi – LXX] và đã giữ tất cả 46 cuốn sách của Cựu Ước với 27 cuốn sách của Tân Ước để hình thành nên ấn bản đầu tiên của Kinh Thánh Kitô giáo, tổng cộng gồm 73 cuốn.
 
Những điều này không thay đổi cho đến thể kỷ XV, khi có phong trào Cải Cách Tôn giáo của Tin Lành. Martin Luther, một tu sĩ Dòng Augustinô, linh mục Công giáo, một học giả Kinh Thánh, biết Do Thái giáo có một danh mục sách ngắn hơn (39 cuốn) so với danh sách dài hơn (46 cuốn), và ông biết rằng có một số lạm dụng và căng thẳng trong Giáo hội vào cuối thời Trung cổ, vốn có nguồn gốc từ một giáo thuyết dựa trên một trong những cuốn sách của đệ nhị quy điển (các sách Maccabê vốn được sử dụng để giải thích cho giáo lý của Công giáo về luyện ngục). Tội buôn bán ân xá (mại thánh) quá nhiều đến nỗi Luther không chịu đựng nổi, và ông đã phản ứng bằng việc chống đối lại chẳng những việc lạm dụng ấy mà còn cả giáo lý cho rằng người chết cần được cầu nguyện để lên thiên đàng. Ông đã chọn theo quy điển Palestine với 39 cuốn sách trong Cựu Ước. Luther đã dịch một bản Kinh Thánh mới qua tiếng Đức, gồm 66 cuốn mà không có những sách thuộc đệ nhị quy điển. Với việc bỏ đi các sách Maccabê, Luther hy vọng các lạm dụng cũng sẽ được loại bỏ.
Trái lại, Giáo hội Công giáo, kể từ Công đồng Trentô, đã quyết định giữ quy điển Hy Lạp (Alexandria) với 46 sách trong Cựu Ước, bởi vì đó là quy điển mà các Kitô hữu biết và đã sử dụng từ thời Chúa Giêsu và các Tông Đồ. Nó cũng tương tự như danh mục các sách được Thánh Giêrônimô dùng trong bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgata Bible) của ngài và đã được sử dụng từ trước đó. Thế nên, từ thời kỳ Cải Cách ở thế kỷ XVI, có hai loại Kinh Thánh: Tin Lành và Công giáo, vốn giống nhau 99% trong thứ tự và nội dung ngoại trừ 7 cuốn sách được viết vào thế kỷ III tr.C.N. Một số nhà Kinh Thánh Tin Lành ngày nay gộp chúng vào phần được gọi là Ngụy thư (Apocrypha), vốn xuất hiện vào cuối thời Cựu Ước trước các Tin Mừng trong Tân Ước. Kinh Thánh Công giáo đã luôn luôn có những cuốn sách này, và được gọi là đệ nhị quy điển. Cả Kinh Thánh Công giáo lẫn Tin Lành đều bắt đầu với sách Sáng Thế và kết thúc với sách Khải huyền; cả hai đều có 4 Tin Mừng. Sự khác biệt duy nhất là việc kể vào hoặc loại ra 7 cuốn sách được thêm vào trong bộ Kinh Thánh Do Thái (Cựu Ước của Kitô giáo).

 
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,