Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Sợi chỉ đỏ Chúa nhật VII Thường niên - Năm C

CHỦ ĐỀ : YÊU THƯƠNG KẺ THÙ

“Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”
(Lc 6,27)
Sợi chỉ đỏ :
Bài đọc I kể chuyện Đavít tha chết cho vua Saun đang lùng bắt mình. Bài đáp ca mô tả Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, “chậm giận và giàu tình thương”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến,
Lời Chúa hôm nay đề cập đến một vấn đề rất thực tế, đó là đối xử với những kẻ thù ghét mình. Trong cuộc sống nhiều va chạm, ai trong chúng ta mà không có lần bị người khác ganh ghét, làm hại ? Nhưng, là môn đệ Chúa, chúng ta phải đối xử với những người ấy thế nào.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu Chúa muốn chúng ta sống thế nào.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng con phạm rất nhiều tội nghịch đức yêu thương, như nói hành nói xấu, giận hờn, ganh ghét, trả đũa, lên án anh chị em…
- Chúng con ít biết tha thứ, nhường nhịn…
- Hiện giờ trong lòng chúng con vẫn còn ác cảm với một số người…
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (1 Sm 26,2.7-9.12-13.22-23)
Vua Saun dẫn một đạo quân đông tới ba ngàn người đi lùng bắt Đavít. Một đêm, Saun nằm ngủ mê mệt trong trại thì Đavít đột nhập vào. Người tùy tùng của Đavít thấy đây là dịp may hiếm có nên xúi Đavít giết chết Saun. Nhưng Đavít không nghe theo. Ông chỉ lấy cây giáo của Saun rồi sang phía bên kia hô lớn bảo Saun thức dậy cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Saun cảm động và phải thừa nhận Đavít là người sau này sẽ hoàn thành nghiệp lớn.
2. Đáp ca (Tv 102)
Thánh vịnh 102 ca tụng Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu : tha thứ muôn ngàn tội lỗi, chữa lành các vết thương, chậm giận và giàu tình thương, không trả báo ta xứng với lỗi lầm…
3. Tin Mừng (Lc 6,27-38)
1. Những lời Chúa Giêsu dạy về cách đối xử với kẻ thù ghét mình :
- Đừng thù ghét lại nhưng hãy yêu thương, làm ơn, chúc phúc và cầu nguyện cho họ.
- Đừng trả đũa nhưng hãy nhường nhịn.
2. Những lời dạy về cách đối xử với tha nhân cách chung :
- Làm ơn và cho đi mà không cần đáp trả.
- Cư xử nhân hậu
- Đừng xét đoán và kết án.
- Hãy tha thứ.
3. Lý do của tất cả những cách cư xử trên là vì Cha trên trời : “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” ; “Đừng xét đoán thì các con sẽ khỏi bị (Cha trên trời) xét đoán, hãy tha thứ thì các con sẽ được (Cha trên trời) tha thứ ; hãy cho thì (Cha trên trời) sẽ cho lại các con…”
4. Bài đọc II (1 Cr 15,45-49) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô so sánh Chúa Giêsu với nguyên tổ Ađam : Ađam bởi đất mà ra, Chúa Giêsu từ trời mà đến; Ađam chỉ có sinh khí, còn Chúa Giêsu có cả thần khí. Rồi thánh Phaolô cho tín hữu biết rằng họ chẳng những được mang hình ảnh của Ađam mà còn được mang hình ảnh của Chúa Giêsu nữa.
IV. GỢI Ý GIẢNG
* 1. Tình huynh đệ, nghĩa cha con
Phải công nhận rằng những điều Chúa Giêsu dạy trong đoạn Tin Mừng này là quá khó : khi bị người khác làm hại, chúng ta chẳng những không được trả thù mà còn phải tha thứ, và hơn nữa còn phải làm ơn cho họ.
Nhưng sở dĩ khó là vì chúng ta coi “người ấy” chỉ là “người dưng”. Nếu chúng ta coi người ấy là “anh em” thì sẽ dễ hơn một phần. Và nếu chúng ta biết nghĩ đến “Cha chung” thì lại càng dễ hơn nữa.
Thực ra, tình thương mà người môn đệ đem ra đối xử với kẻ làm hại mình không phải là tình thương nghèo nàn có sẵn trong tim mình, mà là tình thương bắt nguồn từ con tim của Cha mình, tức là Thiên Chúa, “Đấng vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.
Khi chúng ta đối xử bằng tình thương của Thiên Chúa như thế thì chúng ta càng là con của Ngài hơn, và càng là anh em của tha nhân hơn. Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Chúng con sẽ là con của Đấng tối cao”.
Và khi chúng ta rộng lượng với anh em mình như thế, thì Cha trên trời sẽ càng rộng lượng hơn đối với chúng ta : “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo anh em”.
Giáo huấn của Tin Mừng không phải dành cho những kẻ muốn làm anh hùng hay siêu nhân, mà dành cho những ai muốn làm con Thiên Chúa và làm anh em của nhau.
* 2. Tình yêu mặc khải
Chúa Giêsu không phải là một nhà huấn đức, mà là một Đấng mặc khải. Nói cách khác cho dễ hiểu hơn, Ngài không nhằm dạy cho chúng ta biết những điều tốt, việc tốt, mà nhằm cho chúng ta biết Đấng tốt lành vô cùng.
Muốn thực sự hiểu biết ai thì phải thử sống như người đó, nghĩ như người đó và làm như người đó.
Khi chúng ta thực hành những điều Chúa Giêsu chỉ dạy trong bài Tin Mừng này thì chúng ta sẽ hiểu Thiên Chúa là thế nào. Chẳng những thế, chúng ta còn trở nên giống như Thiên Chúa.
Và khi chúng ta sống như Thiên Chúa, chúng ta sẽ mặc khải cho người khác biết Thiên Chúa là thế nào.
* 3. Tha thứ là trao ban hai lần
Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên toà như sau :
Có hai người anh em ruột bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ đem tên sát nhân đến trước quan toà và yêu cầu xử theo luật “mắt đền mắt răng thế răng”. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật định.
Trước mặt quan toà, tên sát nhân nhận tội và sẵn sàng chịu hình phạt. Chỉ xin hoãn ba ngày để hắn về giải quyết vấn đề liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Giữa lúc quan toà đang do dự, thì từ trong đám đông dự phiên toà có một người giơ tay cam kết : “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thay cho hắn”.
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Đúng kỳ hạn, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang tiến ra pháp trường, dõng dạc tuyên bố : “Tôi đã giải quyết việc gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tôi xin trở lại để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của mình để người ta sẽ không nói : Chữ tín không còn trên mặt đất này”.
Sau lời phát biểu hùng hồn của tử tội, người đàn ông bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông tuyên bố : “Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này vì tôi không muốn để cho người ta nói : Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này”.
Sau hai lời tuyên bố trên, đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong trái tim con người.
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra nói với quan toà : “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói : Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này”.
*
Tha thứ là một cử chỉ anh hùng, là một nỗ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, phản ứng thường tình của con người, để bước vào thế giới siêu nhiên của những người con Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.
Tha thứ là thể hiện cao cả nhất của tình yêu. Nếu yêu thương là trao ban thì tha thứ còn lớn hơn cả trao ban, vì tha thứ là trao ban cho kẻ thù của mình.
Quả thật, tha thứ là trao ban hai lần. Nếu chúng ta có thể cho đi của cải mình, có thể cho đi chính mạng sống mình vì người mình yêu, thì tha thứ còn cao cả hơn rất nhiều, vì tha thứ là trao ban cho kẻ thù của mình.
“Hãy yêu kẻ thù”. Đó là lệnh truyền đã được Chúa Giêsu nhắc lại hai lần trong bài tin Mừng hôm nay. Đó cũng là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Người. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Người đã làm gương cho chúng ta khi Người xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình. Hơn nữa, Người còn minh oan cho họ : “Vì họ lầm chẳng biết”.
Chính hành vi cao cả này mà Chúa Giêsu đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Và đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo của Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người, Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân, để tái tạo và phục sinh với Người.
Nhưng tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù ? Yêu người yêu mình thì dễ, ai lại đi yêu kẻ làm hại mình bao giờ. Theo triết gia Nietzsche thì lời khuyên “Hãy yêu kẻ thù” chỉ dành cho người bạc nhược, nhát đảm. Và Chúa Giêsu chính là con người quá lý tưởng, thiếu thực tế.
Không, Chúa Giêsu không phải là con người quá lý tưởng để quên mất thực tế, Người là con người thực tế đích thực.
Người xưa có câu : “Ác giả ác báo”, làm điều ác thì sẽ gặp điều ác. Lấy oán báo oán chỉ tăng thêm hận thù mà thôi. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu chúng ta không sống theo lời dạy của Chúa Giêsu thì phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm hận thù, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố sâu diệt vong như cơn lốc xoáy ập tới tiêu diệt mọi người.
Hận thù gây tác hại cho chính con người oán ghét kẻ khác. Nó làm tổn thương tinh thần của người oán thù, đồng thời, huỷ diệt nhân cách của chính họ. Bacon viết : “Khi trả thù, người ta biến mình bằng kẻ thù. Còn khi tha thứ, người ta vượt cao hơn họ”.
Tâm lý học ngày nay khẳng định : “Hận thù thì huỷ diệt, còn yêu thương thì phát triển nhân cách hết sức lạ lùng và hữu hiệu”.
Cuối cùng, tình yêu có phép mầu sẽ biến kẻ thù thành bạn hữu. Nếu hận thù là huỷ diệt, thì tình yêu là xây dựng. Abraham Lincoln có nói : “Biến thù thành bạn, phải chăng là tiêu diệt kẻ thù rồi ?” Đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có tính sáng tạo và cứu độ.
Đối với người tín hữu Kitô, lý do căn bản nhất để chúng ta yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa trong Luca đoạn 6 câu 35 : “Anh em hãy yêu kẻ thù... Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao”. Chúng ta sẽ không bao giờ là con cái đích thực của Cha trên trời, nếu chúng ta không yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi chúng ta.
*
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một trái tim nhân từ như Chúa, để chúng con vượt qua mọi oán hờn nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện, hầu mặc lấy tâm tình bao dung nhân hậu của Người.
Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu sâu xa của Chúa, để chúng con thật tình tha thứ cho nhau. Amen. (TP)
* 4. Yêu thương kẻ thù
Ở Belfast có một gia đình kia. Người chồng bị bắn chết đang khi lái xe đến nhà thờ dự lễ. Sau đó ít lâu, người vợ cùng đứa con đến nhà thờ cầu nguyện. Đứa con hỏi :
- Mẹ ơi, không biết người đã bắn chết cha con có được lên thiên đàng không hở mẹ ?
Câu hỏi khiến người mẹ bị bất ngờ. Suy nghĩ một lát, bà trả lời :
- Nếu người đó thành thật sám hối thì Chúa cũng tha thứ và cho lên thiên đàng.
Đứa con rất khó chịu :
- Nếu có người đó trên thiên đàng thì con không muốn lên thiên đàng đâu.
Người mẹ càng bối rối hơn nữa. Bà lại suy nghĩ, rồi nói :
- Nếu Chúa đã tha cho ông ta, thì Ngài cũng sẽ đổi lòng ông ta, khiến ông ta không còn dễ ghét nữa mà thành dễ thương.
Lúc đó đứa con mới thoả mãn. Nó nói với mẹ :
- Vậy thì mẹ con mình hãy cầu nguyện cho ông ta đi.
Bài học quan trọng nhất của đoạn Tin Mừng hôm nay là làm thế nào để chống lại sự ác mà không cần trả thù.
Hầu hết chúng ta nghĩ rằng chỉ cố gắng đừng trả thù là đủ rồi. Nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta nhiều hơn thế, Ngài còn muốn chúng ta yêu thương kẻ thù nữa. Mặc dù việc này rất khó, nhưng chúng ta thấy bà mẹ Belfast đã làm được, và đứa con nhỏ của bà cũng làm được.
Chỉ xét trên bình diện nhân loại thôi thì giáo huấn của Chúa Giêsu cũng rất hữu ích : đà leo thang của sự ác chỉ có thể bị dừng lại bằng việc tiêu hủy nó chứ không phải bỏ qua nó. Trả thù và trả đũa là lấy ác báo ác. Khi chọn thái độ báo thù thì chúng ta bị thù hận làm nhiễm độc. Khi nuôi lòng hận thù trả thù, chúng ta phải tiêu hao nhiều năng lực. Trả thù chỉ thỏa mãn được sự tức giận của ta nhưng lại làm cho con tim ta trống rỗng. Oscar Wilde viết : “Khi Chúa Giêsu dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là Ngài không nhằm đến lợi ích của kẻ thù mà nhắm đến lợi ích của chính bản thân ta. Hơn nữa yêu thương thì đẹp hơn thù hận rất nhiều”.
Nếu lòng thù hận làm tiêu hao năng lực thì ngược lại lòng yêu thương tăng cường nghị lực trong chúng ta. Một trong những việc khó làm nhất là yêu thương kẻ ghét mình. Nhưng tình yêu chân thật là yêu thương cả người khó thương hay không thể thương được. Chỉ người nào rất giàu năng lực mới làm được như thế. Mà việc này có thể làm được, bởi vì sức mạnh của yêu thương lớn hơn sức mạnh của hận thù.
Dù sao thì tha thứ cho kẻ đã làm hại mình là một việc rất khó. Khi bị làm hại, làm sao trong lòng ta không có những cảm giác đau đớn, đắng cay và ý định muốn trả thù ? Muốn vượt thắng cảm giác và ý định đó, cần phải chiến đấu rất nhiều. Cầu nguyện chính là sức tăng viện giúp ta chiến thắng. Bởi đó Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy cầu nguyện. (FM)
* 5. Đừng xét đoán
Chúng ta rất dễ xét đoán người khác. Thế nhưng Chúa Giêsu khuyến cáo rằng khi ta xét đoán người khác tức là ta xét đoán chính mình : “Anh em đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán”.
Câu chuyện sau đây có thật :
Một buổi sáng, vị linh mục đang dâng Thánh lễ thì thấy một người đàn bà đến trễ. Cha rất bực bội nên khi bà này lên rước lễ thì cha không trao Mình Thánh Chúa. Điều này làm cho bà rất đau lòng.
Thực ra bà là người rất ham dự lễ. Từ trước tới nay bà không bao giờ đi trễ. Nhưng hôm nay chồng bà đột ngội ngã bệnh ; đứa con gái tàn tật lại lên cơn. Bà phải nán lại để chăm sóc chồng con. Nguyên việc trễ lễ đã là một mất mát rất lớn đối với bà rồi. Thế mà cha lại không cho bà rước lễ !
Sở dĩ vị linh mục làm thế là vì ngài đã xét đoán một cách hồ đồ. Và cách làm của ngài chính là lời kết án tính hồ đồ của ngài.
Câu chuyện trên phải là một sự cảnh cáo chúng ta đừng xét đoán cách hồ đồ. Thực ra, xét đoán là một điều rất khó. Muốn xét đoán cho đúng thì ta phải thấy đầy đủ hết mọi khía cạnh của sự việc. Thấy mọi khía cạnh của sự việc cũng chưa đủ, cần phải hiểu thêm về hoàn cảnh và động cơ thâm sâu của sự việc đó nữa. Trong khi đó, thường chúng ta chỉ thấy một phương diện thôi, và chỉ thấy bề ngoài thôi. Tóm lại, chúng ta chưa có đủ yếu tố để xét đoán.
Chắc ai trong chúng ta cũng có lần là nạn nhân bị người khác xét đoán. Hãy nhớ lại xem khi đó chúng ta đau khổ như thế nào. “Điều gì bạn không muốn người khác làm cho bạn thì bạn đừng làm cho người khác” (Hillel).
Vả lại, ai trong chúng ta mà không cần được Thiên Chúa xét đoán khoan hồng, bởi vì “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được ?” Vì thế chúng ta cũng phải khoan hồng với anh em chúng ta. “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (FM)
* 6. Hãy cho mà không mong được đáp trả
“Thiên Chúa sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và tràn đầy mà đổ vào vạt áo của anh em”.
Trong câu nói trên, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc trong nghề nông. Hay nói rõ hơn, đó là trong việc đong lúa : những người gian lận hoặc keo kiệt thì dùng loại đấu thiếu dung lượng ; chẳng những thế khi đong thì đong vội vã để lúa chưa kịp lóng xuống mà đấu đã đầy tới miệng. Còn người công bình và rộng lượng thí dùng đấu chính xác, lại còn dằn, còn lắc để lúa trong đấu càng nhiều càng tốt.
Chúa Giêsu đã dùng hành ảnh ấy để khuyến khích chúng ta đối xử rộng lượng. Nếu chúng ta rộng lượng thì sẽ được Thiên Chúa rộng lượng lại gấp bội.
Viktor Frankl là một tù nhân trong trại tù Auschwitz thời Quốc Xã Đức. Ông kể lại rằng một người trong trại tù mà ông lấy làm sung sướng nhất mỗi khi được gặp, đó là anh đầu bếp F. Khi tới giờ ăn, mỗi tù nhân bưng một cái tô, xếp hàng tới lãnh cháo nơi các đầu bếp. Các đầu bếp kia thường nhìn mặt tù nhân, hễ gặp người nào mà hắn có cảm tình thì hắn múc cho một tô đầy, còn người nào mà hắn không ưa thì chỉ được một tô lưng. Riêng anh đầu bếp F này thì chẳng nhìn mặt ai cả, ai đưa tô ra anh cũng đều múc đầy.
Tại sao anh F làm như thế ? Viktor Frankl không biết. Nhưng ta có thể đoán là anh F cũng là một tù nhân, trước đây cũng đã phải bưng tô chờ các đầu bếp đong cháo, một số lần bị đong lưng và một số lần được đong đầy. Nay anh được làm đầu bếp và được trao trách nhiệm đong cho người khác, anh làm theo lời Chúa Giêsu nói “Anh em muốn người ta làm gì cho mình thì hãy làm cho người ta như vậy”.
Chúng ta càng mở rộng cửa lòng cho người khác thì lòng chúng ta càng được mở rộng để đón nhận ơn ban của Chúa. Cái đấu chúng ta dùng để đong cho người khác cũng là cái đấu Chúa dùng để đong cho chúng ta. (FM)
* 7. Chuyện minh họa
Solzhenitsyn kể một chuyện sau đây xảy ra trong thời Thế chiến thứ hai :
Khi đó là tháng 12 năm 1943. Chiến sự đang diễn ra ác liệt trong lúc tuyết rơi tầm tã đến nỗi người ta không nhìn rõ mặt nhau. Có hai người lính nằm bên cạnh nhau. Phía trước có bóng một người mà họ nghĩ là quân địch. Hai người lính này chĩa súng về phía đó nhả đạn. Họ khuyến khích nhau bắn cho hăng, họ chuyền đạn cho nhau, thỉnh thoảng còn chia nhau khi thì chai nước khi thì gói thuốc hút.
Một lúc sau, cái bóng phía trước biến mất. Hai người lính tạm nghỉ, bỏ súng trường xuống, cởi nón sắt và áo khoác ra. Lúc đó họ mới có dịp nhìn rõ nhau. Một anh đeo quân hiệu con đại bàng, anh kia đeo ngôi sao. Thì ra một anh là lính Đức, một anh là lính Nga, tức là hai kẻ thù của nhau. Lập tức hai người nhảy một bước ra xa nhau, rút súng ngắn chĩa về phía người kia. May là súng không nổ vì trời quá lạnh. Hai người xông vào ôm nhau vật lộn. Vật chán rồi mệt quá nằm lăn ra tuyết.
Diễn biến sự việc có nhiều điều đáng ta suy nghĩ : a/ Hai người lính ấy đã vật lộn với nhau không phải vì chính trị, cũng chẳng phải vì lòng yêu nước, mà chỉ vì họ đều là nạn nhân của một suy nghĩ sai lầm và mù quáng “Nếu ta thương xót kẻ thù thì kẻ thù sẽ giết chết ta” ; b/ Câu chuyện còn cho thấy một sự thật khác nữa, đó là : kẻ thù cũng dễ thành bạn, mà bạn cũng dễ thành kẻ thù, bởi vì trong kẻ thù cũng có một cái gì đó mà ta thích, và trong người bạn cũng có một cái gì đó mà ta không ưa. (FM)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người làm cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên kẻ dữ cũng như người lành. Tin tưởng vào tình thương hải hà của Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh luôn kêu gọi con cái mình triệt để tuân giữ luật bác ái của Chúa./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình Hội thánh / luôn chân thành yêu thương nhau.
2. Trên thế giới ngày nay,/ hận thù và bạo lực vẫn còn đang ngự trị trong đời sống của nhân loại./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho đức bác ái Kitô giáo / thâm nhập vào mọi sinh hoạt trần thế,/ để hết thảy mọi người được sống trong hòa bình và an vui.
3. Anh em phải có lòng từ bi như Cha anh em là Đấng từ bi./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho người Kitô hữu biết chân thành lắng nghe / và cố gắng sống theo Lời Chúa Giêsu đã dạy trong Tin mừng.
4. Anh em đừng xét đoán / thì sẽ khỏi bị Thiên Chúa xét đoán./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết can đảm từ bỏ tật xấu hay xét đoán người khác cách bất công,/ vì không ai là người hoàn toàn vô tội trước mặt Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện.

Chủ tế : Lạy Chúa, xin hãy dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa, để chúng con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Chúng con cầu xin…
VI. TRONG THÁNH LỄ
– Trước kinh Lạy Cha : Trong số bảy lời xin trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đặc biệt nhấn mạnh đến lời xin ơn biết tha thứ. Chúng ta cũng hãy tha thiết xin Cha trên trời giúp chúng ta biết tha thứ cho anh chị em chúng ta.
VII. GIẢI TÁN
Thánh lễ đã xong, anh chị em hãy ra về và nhớ thực hiện lời Chúa dạy : “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.
 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái