Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XXIX Thường Niên - Năm C

Chúng ta có thể lấy lời mời gọi của Chúa Giê-su: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, làm chủ đề cho Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này.
CN 29 TN C 4
Xh 17: 8-13
Sách Xuất Hành thuật lại ông Mô-sê chuyển cầu cho dân suốt ngày đến mệt nhoài trong cuộc chiến chống quân A-ma-lếch, và kết quả là dân Do Thái đã chiến thắng.
2Tm 3: 14-4: 2
Thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho Ti-mô-thê nhắm đến một chủ đề hơi khác biệt: thánh nhân nhắc nhở ông Ti-mô-thê về ơn linh hứng Kinh Thánh, nhờ đó, người của Thiên Chúa được trang bị đầy đủ cho công việc mục vụ.
Lc 18: 1-8
Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn về viên quan tòa bất chính và một bà góa. Dù ông quan tòa bất chính nhất quyết từ chối, bà góa vẫn một mực khẩn khoản nài van, cuối cùng ông đành phải chịu đứng ra bênh vực cho bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa giàu lòng xót thương lại không bênh vực cho những kẻ vẫn cứ ngày đêm liên lỉ khẩn cầu Ngài, không hề nản chí sao?

BÀI ĐỌC I (Xh 17: 8-13)
Chuyện tích Xuất Hành không nói rõ cho chúng ta biết ông Mô-sê cầu nguyện; nhưng đôi tay ông giơ lên trời diễn tả thái độ cầu nguyện. Đôi tay biểu tượng quyền lực của lời cầu nguyện: hễ khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Ít-ra-en thắng thế; còn khi nào ông hạ tay xuống, thì người A-ma-lếch thắng thế. Ông Mô-sê là hình ảnh tuyệt vời của người chuyển cầu cho dân.
1. Cây gậy của ông Mô-sê:
Thật ra, ông Mô-sê cầm trong tay một cây gậy. Trên đỉnh đồi, ông cầm gậy giơ lên cao để mọi người có thể nhìn thấy dấu hiệu tập họp này, bằng chứng về sự bảo vệ che chở của Đức Chúa.
Trong Cựu Ước, có những giai thoại dân gian về cây gậy, ngọn lao và thậm chí cả những mũi tên nữa. Như là cây gậy của ông A-ha-ron, tức là cây gậy của gia tộc Lê-vi, “đã đâm chồi, trổ bông và kết trái hạnh đào”, còn mười một cây gậy của các gia tộc kia vẫn là khúc gỗ (x. Ds 17: 16-23); còn là ngọn lao của ông Giô-suê đang cầm trong tay hướng về thành Ai, nhờ đó, dân Ít-ra-en chiếm thành này mà không phải giao tranh (x. Gs 8: 18-19); đó cũng là mũi tên mà vua Ít-ra-en theo lệnh của ngôn sứ Ê-li-sa đập xuống đất trong cuộc chiến chống quân A-ram (x. 2V 13: 18-19).
Cây gậy của ông Mô-sê là cây gậy mà Chúa đã trao cho ông ở núi Khô-rếp, khi Ngài ủy thác cho ông sứ mạng giải phóng dân Do Thái ra khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai Cập. Cây gậy này đã giúp ông Mô-sê chiến thắng chiếc đũa thần của những phù thủy của Pha-ra-ô (x. Xh 7: 12) và thực hiện một loạt những điềm thiêng dấu lạ hầu cho toàn thể triều thần Ai Cập phải khiếp đảm (x. Xh 7: 20; 9: 23; 10: 15). Sau cùng chính với cây gậy này mà ông Mô-sê đã “rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào” (Xh 14: 16). Chính cũng cây gậy này mà ông Mô-sê giơ lên trời với đôi tay chuyển cầu cho dân Ít-ra-en được chiến thắng. Sau này, vài bản văn được tu chỉnh cho thấy một phản ứng chống lại những mê tín dị đoan thời xưa. Như trong sách Xuất Hành, quyền năng của cây gậy mà ông Mô-sê gõ vào tảng đá khiên tảng đá phun vọt nước lên cho dân uống (x. Xh 17: 5-6); trái lại, trong sách Dân Số, chính “lời” của ông Mô-sê mới thực hiện phép lạ (x. Ds 20: 7-8).
2. Người A-ma-lếch:
Việc người A-ma-lếch tấn công dân Do Thái là cuộc đối kháng đầu tiên mà dân Do Thái gặp phải trong cuộc hành trình băng qua sa mạc. Dân chưa đến chân núi Xi-nai thì phải giao chiến rồi. Cuộc chiến đầu tiên này được lưu truyền trong ký ức của dân Ít-ra-en qua nhiều thế kỷ.
Người A-ma-lếch là những bộ tộc du mục xuất xứ từ miền Nam đất Pa-lét-tin; tổ tiên của họ là A-ma-lếch, hậu duệ của ông Ê-sau. Người A-ma-lếch này còn được kể lại trong vài giai đoạn lịch sử của dân Ít-ra-en (x. Ds 14: 40-45; Tl 3: 12-13; 6: 1-7; Sm 15: 30), nhưng truyền thống đã làm cho họ trở thành kẻ thù điển hình của dân Ít-ra-en. Một đoạn văn sách Đệ Nhị Luật long trọng công bố: “Anh em hãy nhớ A-ma-lếch đã xử thế nào với anh em trên đường, khi anh em ra khỏi Ai-cập: nó đã đón đường anh em và đánh tập hậu mọi kẻ lết theo sau, trong khi anh em mệt lả và kiệt sức; nó đã không kính sợ Thiên Chúa. Vậy khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, cho anh em được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em làm gia nghiệp để anh em chiếm hữu, thì anh em sẽ xóa hẳn tên tuổi A-ma-lếch, khiến dưới gầm trời, không còn ai nhớ đến nó nữa: anh em đừng quên!” (Đnl 26: 17-19).

BÀI ĐỌC II (2Tm 3: 14-4: 2)
Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi cho ông Ti-mô-thê. Đây là một trong những bức thư được gọi là “Thư Mục vụ”. Trong cảnh giam cầm ở Rô-ma, thánh Phao-lô biết rằng giờ chết của mình sắp đến gần rồi, nên đã truyền ngọn lửa đức tin cho những người kế nghiệp ngài, như ông Ti-mô-thê ở Ê-phê-sô. Thánh nhân diễn tả ước muốn không nhân nhượng của ngài, đó là ông Ti-mô-thê phải tôn trọng tính toàn vẹn của sứ điệp. Đức tin phải được cắm sâu vào hai điểm tựa vững chắc: giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được, bởi vì giáo huấn này bắt nguồn từ các Tông Đồ, và Kinh Thánh, bởi vì đây là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng.
1. Giáo huấn mà ông Ti-mô-thê đã học được:
Thánh Phao-lô khuyên bảo ông Ti-mô-thê, người môn đệ và là cộng tác viên của thánh nhân, phải kiên vững trong chân lý chặt chẽ của sứ điệp mà ông đã học được và đã tin chắc, không được thêm vào đây bắt cứ điều gì theo sở thích của riêng mình: “Phần anh, hãy giữ vững những gì anh đã học được và đã tin chắc”. Thánh Phao-lô là một trong số những thầy dạy của ông Ti-mô-thê: “Anh biết anh đã học với những ai”. Rõ ràng, thánh nhân vừa mới nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ lại mọi điều mà ông đã thụ huấn khi được ở bên cạnh thánh nhân trong suốt cuộc đời truyền giáo với thánh nhân: “Phần anh, anh đã theo sát đạo lý, cách sống, dự định của tôi; anh đã thấy lòng tin, sự nhẫn nại, lòng yêu mến, sự kiên trì của tôi; anh đã biết những cơn bắt bớ, những sự đau khổ tôi đã gặp ở An-ti-ô-khi-a, I-cô-ni-ô, Lýt-ra, đã biết tôi chịu bắt bớ như thế nào…” (2Tm 3: 10-11).
Nhưng thánh Phao-lô đã không là thầy dạy duy nhất của ông Ti-mô-thê. Chính không phải nhờ thánh nhân mà ông Ti-mô-thê đã lãnh nhận đức tin của mình. Khi thánh nhân gặp ông ở Lýt-ra, thì ông Ti-mô-thê đã là người Ki-tô hữu rồi và thậm chí một người Ki-tô hữu được toàn thể cộng đồng đánh giá cao. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng việc loan báo Tin Mừng ở Ê-phê-sô và những vùng phụ cận đã được thực hiện ngay sau khi Hội Thánh Giê-ru-sa-lem bị phân tán do cuộc bách hại của giáo quyền Do Thái đối với những người Ki-tô hữu gốc Do Thái theo văn hóa Hy Lạp (thánh Tê-pha-nô được phúc tử đạo đầu tiên vào dịp này). Trong cuộc trốn chạy khỏi Giê-ru-sa-lem, những người Ki-tô hữu gốc Do Thái theo văn hóa Hy Lạp này mang Lời Chúa ra bên ngoài xứ Pa-lét-tin; họ là những nhà truyền giáo đầu tiên.
2. Ơn linh hứng Kinh Thánh:
Bản văn này của thánh Phao-lô là lời khẳng định Ki-tô giáo đầu tiên liên quan đến ơn linh hứng Kinh Thánh: “Tất cả những gì được viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”. Diễn ngữ “do Thiên Chúa linh hứng” có nghĩa “dưới tác động của thần khí Thiên Chúa”. Do Thái giáo từ lâu đã công bố rằng Sách Luật (Ngũ Thư) là Lời Thiên Chúa, tiếng nói của Đức Khôn Ngoan. Bên cạnh Sách Luật, còn có các Ngôn Sứ, những phát ngôn viên của Thiên Chúa. Vì thế, khi khẳng định ơn linh hứng Kinh Thánh, thánh nhân nhận ra sự liên tục của Do Thái giáo và Ki-tô giáo.
Thánh nhân nhắc cho ông Ti-mô-thê nhớ rằng ông đã được thụ hưởng biết bao điều hữu ích khi ông đã được biết Kinh Thánh và đã được Kinh Thánh nuôi dưỡng “từ thời thơ ấu” như thế nào. Cha ông là người Hy Lạp còn mẹ ông là người Do Thái. Vì thế, mẹ ông và bà ngoại của ông rất am tường những bản văn Kinh Thánh. Bà ngoại của ông đã theo đạo Ki-tô giáo trước, rồi đến mẹ ông: “Tôi hồi tưởng lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lô-ít, bà ngoại anh, nơi bà Êu-ni-kêu, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy” (2Tm 1: 5). Nhờ họ, ông Ti-mô-thê phải nhận ra rằng Kinh Thánh “có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô” và là dụng cụ “hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục  để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”.
3. Công việc mục vụ lớn lao:
Thánh Phao-lô tiếp tục những lời khuyên của mình khi long trọng tuyên bố giá trị của những lời khuyên của mình như những lời trăn trối sau cùng của người sắp chết: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Giê-su Ki-tô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh”. Và thánh nhân khẩn khoản nài van ông Ti-mô-thê tuân theo chương trình mà thánh nhân đề ra cho ông về công việc mục vụ: “Hãy rao giảng Lời Chúa”, đây là công việc cốt yếu nhất của người đảm nhận trọng trách trong Giáo Hội. Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến một sự cố xảy ra trong cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi về việc các bà góa trong nhóm các Ki-tô hữu gốc Do Thái theo văn hóa Hy Lạp bị bỏ quên. Bởi thế, nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa (Cv 6: 2-4).
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lãnh đạo cộng đoàn không được nại đến bất cứ lý do gì mà tránh né chu toàn những trách nhiệm của mình: “Hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”, phải là người hướng dẫn luân lý và tinh thần: “Hãy biện bác, ngăm đe”, phải là người mục tử có tấm lòng từ bi nhân hậu, đầy nhiệt huyết và chú tâm “khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại”.
Đây là bản tóm lược quyền giáo huấn của Giáo Hội mà thánh nhân đề ra. Thánh nhân không chỉ đề ra mà còn thực thi quyền giáo huấn của Giáo Hội này đối với các cộng đoàn Ki-tô hữu như trong các thư của thánh nhân, và ngay cả đối với thánh Phê-rô, người đứng đầu Giáo Hội, như trong sự cố đáng tiếc xảy ra ở An-ti-ô-khi-a, ở đó thánh nhân không ngại “cự lại” thánh Phê-rô khi quở trách thái độ của thánh Phê-rô là “giả hình giả bộ” (x. Gl 2: 11-14). Bởi vì đối với thánh Phao-lô quyền giáo huấn của Giáo Hội là “đi đúng với chân lý của Tin Mừng” (Gl 2: 14), vì thế, đòi buộc mọi người phải tuân theo, không ai được phép tự cho mình là đứng trên “chân lý của Tin Mừng”.

TIN MỪNG (Lc 18: 1-8)
Trong số các tác giả Tin Mừng, thánh Lu-ca là tác giả nhấn mạnh nhiều nhất lời cầu nguyện: Chúa Giê-su cầu nguyện vào tất cả những giờ phút quan trọng trong sứ vụ của Ngài, những người bất hạnh cầu xin được chữa lành, sau cùng Chúa Giê-su dạy cầu nguyện hoặc trực tiếp qua Kinh Lạy Cha, hoặc gián tiếp qua các dụ ngôn.
1. Bối cảnh:
Ba dụ ngôn có đối tượng cầu nguyện: dụ ngôn “người bạn quấy rầy” (11: 5-8), dụ ngôn “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” (18: 1-8) và dụ ngôn “người Pha-ri-sêu và người thu thuế” (18: 9-14).
Dụ ngôn về một người bạn giữa đêm khuya quấy rầy người hàng xóm của mình để xin được giúp đỡ đưa ra những điểm chung với dụ ngôn về một bà góa quấy rầy ông quan tòa bất chính để xin ông bênh vực cho bà. Cả hai đều đạt được điều mình mong muốn. Chắc hẳn hai dụ ngôn này, tự nguồn gốc đã hình thành nên một tập hợp. Thánh Lu-ca thường xếp các dụ ngôn cứ hai dụ ngôn một thành một nhóm và đặt một hành động của phái nam song đối với một hành động của phái nữ. Quả vậy, Nước Thiên Chúa được ví với hạt cải ông nọ gieo trong vườn, đoạn với nắm men bà kia vùi vào ba thúng bột; niềm vui của Nước Thiên Chúa được sánh ví với niềm vui của người chăn chiên tìm được con chiên lạc, tiếp đó với niềm vui của người phụ nữ tìm được đồng bạc bị thất lạc, v.v...
Vì thế, người ta có thể nghĩ rằng giáo huấn về lời cầu nguyện bao gồm hai dụ ngôn này thành một bức tranh bộ đôi: dung mạo của người bạn quấy rầy đối xứng với bà góa quấy rầy. Khi thánh Lu-ca tách rời hai dụ ngôn này, là thánh nhân muốn dành riêng cho dụ ngôn bà góa quấy rầy một chỗ đặc biệt với những điểm nhấn đặc thù. Quả thật, phải phân biệt hai bài học được rút ra từ dụ ngôn này: bài học thứ nhất liên quan đến thái độ của bà góa và bài học thứ hai liên quan đến cách hành xử của ông quan tòa bất chính; bài học thứ nhất nhắm đến lời cầu nguyện, bài học thứ hai nhắm đến việc Thiên Chúa trì hoãn được nối kết với toàn cảnh, tức bối cảnh cánh chung. Chúa Giê-su vừa mới nói nhiều lời với các môn đệ về cuộc trở lại của Con Người vào ngày Phán Xét.
2. Cầu nguyện luôn mãi:
Lời khuyên: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”, gợi nhớ lời khuyên của thánh Phao-lô trong các thư của thánh nhân, trong đó thánh nhân mời gọi hãy chuyên tâm cầu nguyện, kiên vững trong lời cầu nguyện, cầu nguyện trong mọi lúc (x. Rm 12:12; Ep 6:18; Cl 1:3, v.v…). Đôi khi Tin Mừng Lu-ca được đặt nhan đề là “Tin Mừng thánh Phao-lô”; quả thế, những dấu nhấn của thánh Phao-lô không thiếu trong sách Tin Mừng này. Điều này chẳng có gì là lạ, bởi vì thánh Lu-ca đã từng là môn đệ và là bạn đồng hành của thánh Phao-lô: sự cộng tác của họ, tình bạn trung thành và thân thiết giữa họ.
Lời khuyên khởi đầu này dẫn vào dụ ngôn và trước tiên hướng sự chú ý đến bà góa. Theo truyền thống Kinh Thánh, bà góa gợi lên một con người cô thân cô thế, được liệt vào hàng những người nghèo khổ, những kẻ bé mọn, những người phận nhỏ. Chính những người thua thiệt này mà Thiên Chúa lắng nghe những lời kêu cứu của họ và đứng ra báo oán cho họ.
Dụ ngôn giản dị này không xác định phải chăng bà góa chịu hàm oan; điều này chỉ là phỏng đoán. Vả lại chẳng quan trọng gì. Chính đức tính kiên trì bền bỉ của bà được đưa ra làm gương và rốt cuộc đã thắng cách hành xử nhất quyết từ chối của ông quan tòa bất chính. Đó là hiệu quả của lời khẩn khoản nài van, cứ lập đi lập lại không biết mệt, cho đến Chúa phải mệt.
3. Tin tưởng vào sự công minh chính trực của Thiên Chúa:
Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giê-su khai triển cách hành xử của ông quan tòa hơn là thái độ của bà góa. Trọng điểm của dụ ngôn là ông quan tòa bất chính “chẳng kính sợ Thiên Chúa và chẳng coi ai ra gì”. Ấy vậy, ông đành phải chịu thua trước những lời khẩn khoản nài van của bà góa cứ đêm ngày xin ông bênh vực cho bà. Những động từ trong bản văn đều được dùng ở thì vị hoàn muốn nói rằng ông quan tòa vẫn một mực từ chối, nhưng cuối cùng ông đành phải nhượng bộ trước những lời khẩn khoản nài van liên lỉ của bà góa mà đứng ra bênh vực cho bà. Chúa Giê-su thốt lên: “Anh em nghe quan tòa bất chính ấy nói đó!”.
Người ta gặp thấy trong giáo huấn của các kinh sư những ví dụ thuộc loại này, được chọn lựa một cách rõ ràng ngõ hầu câu kết có thể bắt đầu với liên từ “huống chi”, “huống hồ gì”. Đây là trường hợp dụ ngôn này. Nếu viên quan tòa bất chính đành phải đứng ra bênh vực cho bà góa vì những lời khẩn cầu van xin liên lỉ của bà; “huống hồ gì” Thiên Chúa vị quan tòa rất mực tốt lành, Ngài sẽ không kiềm lòng được nữa trước những lời khẩn khoản nài van của những người được tuyển chọn, “ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”.
Chung chung, thánh Lu-ca không dùng từ “người được tuyển chọn”, duy chỉ một lần duy nhất nhưng được viết hoa: “Người Được Tuyển Chọn”, tước hiệu được các vị thủ lãnh Do Thái gán cho Đức Ki-tô trên thập giá (x. Lc 23: 35). Tuy nhiên, thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô thường dùng danh xưng này cho những người được chấp nhận vào trong Nước Thiên Chúa. Vì thế, phần cuối dụ ngôn là quay trở lại những viễn cảnh cánh chung. Ở phần này, Chúa Giê-su trả lời cho sự nôn nóng của những người mong đợi ngày Quang Lâm của Con Người mau đến, đây là sự nôn nóng của thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên. Thiên Chúa nghe những tiếng kêu cứu của họ, dù trì hoãn đi nữa, thì chắc chắn Ngài cũng sẽ mau chóng bênh vực cho họ.
Nhưng một vấn đề được nêu lên: tại sao Thiên Chúa bắt họ phải chờ đợi? Trong khi ông quan tòa bất chính chậm trễ là do lòng chai dạ đá của ông, còn Thiên Chúa trì hoãn là do tấm lòng nhẫn nại và xót thương của Ngài. Những từ “trì hoãn” hay “mau chóng” là thuật ngữ Kinh Thánh được dùng để diễn tả Thiên Chúa chắc chắn can thiệp để cứu độ, mà không xác định một thời điểm nào. Thiên Chúa ở ngoài thời gian, như lời dạy của thánh Phê-rô: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn sám hối” (2Pr 3:8).
4. Đức tin:
“Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. Câu nói bí ẩn này là một trong những câu gây sửng sốt của sách Tin Mừng. Được đặt vào mạch văn ở đây, câu này ám chỉ đến tội bội giáo, tội này phải đi trước ngày Thiên Chúa ngự đến, theo những viễn cảnh được phát triển thông thường trong các sách khải huyền. Một nỗ lực kháng cự sau cùng của Xa-tan là đặt đức tin của các tín hữu vào trong sự thử thách dữ dội. Thánh Mát-thêu viết: “Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người” (Mt 24:10-12).
Trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô cũng kể ra: “Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng” (2Tx 2: 3). Đề tài này không hẳn hoàn toàn chịu ảnh hưởng ngoại giáo, đặc biệt thần học về nhị nguyên của I-ran, theo đó thần Ác sẽ mở một cuộc chiến khốc liệt sau cùng chống lại thần Thiện, trước khi bị đánh bại vĩnh viễn. Các bản văn Qum-ran cũng đã nói về cuộc chiến giữa con cái Ánh Sáng chống lại con cái Bóng Tối, cuộc chiến này sẽ đạt đến cực điểm. Trong Tin Mừng hôm nay, tư tưởng của Chúa Giê-su chính là mời gọi “hãy cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông