Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


Tìm hiểu luật tiệm tiến trong luân lý và mục vụ gia đình ​

Câu hỏi đặt ra là làm sao dung hòa những đòi hỏi của tình yêu chân thật và vẹn toàn, với sự yếu đuối của con người và của các đôi vợ chồng, sự yếu đuối mà Giáo Hội là Mẹ và là Thầy không thể không biết đến trong vai trò giáo dục yêu thương của mình?

Đức Giáo hoàng Phanxicô - Người môn đệ của Humanae Vitae, Hình: wherepeteris.com 

TÌM HIỂU LUẬT TIỆM TIẾN TRONG LUÂN LÝ VÀ MỤC VỤ GIA ĐÌNH

Nữ tu Bác sĩ Trần Như Ý Lan, CND


Mục lục

I. VÀI NÉT LỊCH SỬ

II. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II VỚI “FAMILIARIS CONSORTIO”

       1. Luật Tiệm Tiến

       2. Con đường tiệm tiến của các đôi vợ chồng

       3. Phân biệt Luật Tiệm Tiến với sự tiệm tiến của luật

       4. Tóm lại

III. CHÚ GIẢI CỦA ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI

IV. VÀI CHÚ GIẢI CHÍNH THỨC KHÁC

       1. Chú giải của Đức ông Cox Huneeus

       2. Chú giải của Đức Hồng Y Lustiger

       3. Một ví dụ khác về Luật tiệm tiến

V. ĐGH PHANXICÔ VỚI TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

VI. KẾT LUẬN VÀ MỞ RỘNG VẤN ĐỀ

 

I. VÀI NÉT LỊCH SỬ

Được ban hành cách nay nửa thế kỷ (25/7/1968), thông điệp Sự Sống Con Người, Humanae Vitae (HV) vẫn mang tính thời sự. Trọng tâm của HV là giáo huấn về tính hợp luân lý của việc làm cha mẹ có trách nhiệm theo phương pháp tự nhiên, và tính trái luân lý của việc ngừa thai nhân tạo. Huấn quyền ngày nay vẫn tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của giáo huấn HV dựa trên hiểu biết về sự liên kết bất khả phân ly của ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa truyền sinh của hành vi vợ chồng. Tuy nhiên, ngay từ khi ra đời cho đến hiện tại, Thông điệp gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của các mục tử và thần học gia. Một số coi giáo huấn can đảm của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Phaolô VI là một sứ điệp ngôn sứ cho thời đại này. Một số khác đã tỏ ra bất đồng quan điểm với thông điệp HV. Một số thần học gia luân lý và tín hữu cho rằng giáo huấn này xa rời thực tế, Huấn quyền đặt gánh nặng trên vai các cặp vợ chồng, thiếu sự đồng cảm với những khó khăn của các cặp vợ chồng trong việc nuôi dạy con cái. Câu hỏi đặt ra là làm sao dung hòa những đòi hỏi của tình yêu chân thật và vẹn toàn, với sự yếu đuối của con người và của các đôi vợ chồng, sự yếu đuối mà Giáo Hội là Mẹ và là Thầy không thể không biết đến trong vai trò giáo dục yêu thương của mình?

Dường như có một khoảng cách không thể xóa bỏ, giữa giáo thuyết và thực hành. Một mặt, các giáo thuyết với kết cấu chặt chẽ, trong đó mỗi yếu tố được xếp vào các phạm trù rõ ràng, sự liên hệ giữa các yếu tố với nhau được định nghĩa một cách chính xác, các loại thiện và ác đều được phân định rõ. Mặt khác, thực tế hết sức phức tạp, không sao sắp xếp được vào trong các loại phạm trù mà các sách giáo khoa luân lý đã định nghĩa rõ. Các nhà luân lý, các vị linh hướng, các vị giải tội…luôn phải dùng đức khôn ngoan, trên nền tảng đức ái, biện phân tìm giải pháp thích đáng cho từng trường hợp.[1]

Là một giáo sư thần học luân lý, cách riêng trong lãnh vực luân lý tính dục và luân lý y sinh học hơn mười năm nay, góp phần đào tạo các linh mục trẻ tương lai cho Giáo hội Việt Nam, tôi yêu cầu các học trò phải có khả năng trình bày giáo huấn Giáo hội một cách khả tín. Nhưng đồng thời cũng thực hành y khoa hơn 30 năm nay, đồng hành với nhiều phụ nữ Công giáo Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực hành giáo huấn Giáo hội trong đời sống hôn nhân gia đình, tôi thao thức các học trò của tôi phải có được trái tim thấu cảm và thực thi lòng thương xót của Chúa Giêsu mục tử trong mục vụ giáo dân và gia đình!

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Thượng Hội Đồng Giám Mục (THĐGM) thế giới về gia đình họp tại Roma vào tháng 10/1980 nhắm tới, là làm sao xóa bỏ được sự cách biệt nói trên giữa giáo thuyết và thực tại, vì sự cách biệt này vừa gây đau khổ cho nhiều người vừa làm cho giáo huấn luân lý của Giáo Hội bị suy giảm tính khả tín. Vì thế các nghị phụ đã đi tới chỗ xác định sự hiện hữu cần thiết của luật tiệm tiến (La loi de gradualité).

Nếu hiểu biết thấu đáo và áp dụng luật tiệm tiến trong mục vụ, hy vọng ước mong của tôi đối với các học trò sẽ có cơ may trở thành hiện thực: trình bày giáo huấn Giáo hội một cách khả tín, và có được trái tim thấu cảm và thực thi lòng thương xót của Chúa Giêsu mục tử trong mục vụ giáo dân và gia đình.

Luật tiệm tiến là gì? Đó là luật quan tâm đến những giới hạn của con người: là những con người sống trong lịch sử, yếu đuối và ảnh hưởng bởi tội lỗi, cùng lúc phải chu toàn nhiều trách nhiệm! Điều đó có nghĩa rằng ta không thể đòi hỏi người tín hữu áp dụng tất cả luật luân lý, hoàn toàn và ngay lập tức, nhưng cần phải kiên nhẫn giúp họ tiến tới trên con đường tăng trưởng, từng bước trong thời gian.[2] Luật này nhìn nhận rằng sự hoán cải đòi hỏi thời gian. Đứng trước một quy luật chưa thể áp dụng ngay được trong lúc này, hoàn cảnh này, con người này, vì có một số giá trị khác cũng bị đe dọa, thì nhiều khi người ta có thể chấp nhận một thời hạn nào đó với một số điều kiện.[3]

Nhưng dường như vừa khi luật được nêu lên, ngay trong khóa họp đó của THĐGM, đã có vài điểm mơ hồ xuất hiện liên quan đến luật này. ĐGH Gioan Phaolô II, trong diễn văn bế mạc,[4] lần đầu tiên đã nhìn nhận sự hiện hữu của luật này, nhưng đồng thời Ngài nhấn mạnh sự khác biệt của luật tiệm tiến với một lập trường có vẻ tương tự nhưng không thể chấp nhận được, đó là sự tiệm tiến của luật (la gradualité de la loi): “Điều mà người ta gọi là luật tiệm tiến hay là con đường tiệm tiến, không thể được đồng nhất hóa với sự tiệm tiến của luật, như thể có những cấp bậc và những hình thức luật khác nhau tùy theo mỗi cá nhân và hoàn cảnh khác nhau” (số 8).

Sau khóa họp của THĐGM, Đức Hồng Y Ratzinger, khi ấy còn là Tổng Giám Mục Munich, đã làm một bản tổng kết về THĐGM cho các linh mục trong giáo phận của ngài. Đức Hồng Y(ĐHY) đã gọi luật tiệm tiến là một “ý tưởng mới mẻ của THĐGM. Ý tưởng này đã trở thành một trong những viễn tượng sâu xa nhất của THĐGM và luôn hiện diện trong các vấn đề đặc thù của công nghị”[5].

Gần mười năm sau khóa họp THĐGM ấy, cha B. Haering đã viết một bài xin Tòa Thánh dành sự nâng đỡ nhiều hơn cho các thần học gia biết quan tâm cách riêng đến sự yếu đuối của con người trong giáo huấn của họ. Cha B. Haering đã được Tòa Thánh trả lời đăng trên báo L’Osservatore Romano trong số ra ngày 16/2/1989.[6] ĐHY Ratzinger thật nhạy bén khi trả lời: cốt yếu và trọng tâm là sự hiện hữu của luật tiệm tiến, được Huấn Quyền chính thức công nhận, với điều kiện không được nhầm lẫn luật này với sự tiệm tiến của luật, tức là sự phân chia luật thành nhiều cấp độ, vì điều này không thể chấp nhận được.

Luật tiệm tiến là một nguyên tắc tu đức và Thánh Kinh lâu đời: thánh Francis de Sales đã từng nói đến nó khi bàn về việc học tập các nhân đức qua việc giáo dục dần dần. Nhưng chỉ với tông huấn Familiaris consortio của Đức Gioan-Phaolô II, được công bố năm 1981, sau THĐGM về gia đình, luật tiệm tiến này mới ra đời chính thức, được Huấn quyền đề nghị như là lộ trình luân lý của các cặp vợ chồng, rồi được mở rộng cho toàn thể đời sống luân lý.[7]

Vì sự áp dụng luật này có vài hàm hồ nguy hiểm nên cần phải hiểu rõ những gì Huấn Quyền chấp nhận và những gì bị coi là không thể chấp nhận. Vậy tìm hiểu luật này trong chính bản văn đầu tiên trong đó luật này xuất hiện là cần thiết. Bài viết sẽ mở rộng suy tư về một vài bài chú giải thế giá, giúp thấy rõ hơn các chiều kích của luật này và vị trí quan trọng của nó trong các tranh luận luân lý hiện nay.

II. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II VỚI “FAMILIARIS CONSORTIO”[8]

1. Luật Tiệm Tiến

Tông Huấn Familiaris consortio bàn về luật tiệm tiến này trong hai đoạn khác nhau.

Trước tiên trong phần nhập đề “Những giới hạn và bóng tối của gia đình ngày nay”, Tông Huấn cho thấy sự cần thiết phải hoán cải ngày càng sâu xa hơn để sống các giá trị Tin Mừng. Sự hoán cải đó bắt đầu từ những gì mà mỗi người đã tiếp nhận được từ mầu nhiệm Chúa Kitô, để rồi dẫn đưa họ ngày càng đi xa hơn nữa, làm sao để mầu nhiệm ấy ngày càng được tháp nhập sâu vững hơn vào trong cuộc sống của người tín hữu.

Sự hoán cải toàn bộ không thể thực hiện trong một lúc. Nó tương ứng với một tiến trình tăng trưởng có tính chất sư phạm mà những người sống trong thời gian như chúng ta đều phải trải qua (số 9).

Đoạn II bàn về luật tiệm tiến (số 34) liên quan đến vấn đề phục vụ sự sống.

Trước hết đoạn này nhắc lại sự chấp nhận hoàn toàn của THĐGM đối với giáo huấn của thông điệp Humanae vitae về quy luật truyền sinh (số 29). Trật tự luân lý, xét cho cùng, bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Trật tự này phục vụ sự phát triển toàn vẹn nhân tính của mỗi người. Tuy nhiên, ở đây, đoạn số 34 của Tông Huấn Familiaris consortio xác định rõ ràng điều vừa nêu trên đây là một “tiến trình tăng trưởng có tính chất sư phạm”:

“Con người... là một hữu thể ở trong lịch sử. Ngày qua ngày con người tự xây dựng bản thân bằng nhiều chọn lựa tự do. Vì thế, con người nhận thức, yêu thương và làm sự thiện theo các giai đoạn tăng trưởng của mình” (FC, số 34,3)

Ở đây, ĐGH nói đến một yếu tố quan trọng: con người là một hữu thể lịch sử. Nghĩa là, Ngài muốn nói rằng không phải một sớm một chiều mà con người đạt đến sự trưởng thành viên mãn về luân lý. Con người chỉ từ từ đạt tới mức hoàn hảo đó. Vì thế người ta không thể đòi một tín hữu, ví dụ người tân tòng, chưa được chuẩn bị, phải thi hành những đòi hỏi về luân lý như một kitô hữu khác đã tiến xa trên đường thiêng liêng. Người tân tòng ấy cũng chưa hiểu được những đòi hỏi luân lý đó vì “con người nhận thức... sự thiện theo các giai đoạn tăng trưởng của họ”.

Như thế, đời sống luân lý bắt đầu trước hết bằng cách muốn biết đâu là điều thiện đích thực, muốn “biết các giá trị được luật Thiên Chúa đảm bảo và thăng tiến”. Tiếp đến là làm sao thực thi các giá trị ấy nhiều chừng nào tốt chừng ấy trong các chọn lựa cụ thể.

2. Con đường tiệm tiến của các đôi vợ chồng

“Đường lối sư phạm của Giáo hội có nhiệm vụ phải làm sao, trước hết, cho các đôi vợ chồng biết rõ đạo lý của thông điệp Humanae vitae như một quy luật trong đời sống tính dục, và chân thành cố gắng tạo những điều kiện để tuân giữ quy luật đó” (số 34,4).

Chú ý hai điều Tông Huấn đòi hỏi ở đây: a/ nhìn nhận quy luật và chấp nhận như luật dạy; b/ chân thành cố gắng thiết lập những điều kiện để tuân giữ.

Tông Huấn không nói rằng sau khi đã nhìn nhận quy luật, thì phải tức khắc tuân hành nguyên vẹn, nhưng “hãy chân thành cố gắng thiết lập những điều kiện” để có thể thi hành. Tính chất lịch sử của con người khiến cho con người có thể không áp dụng nguyên vẹn ngay quy luật được. Điều trước hết đòi buộc con người ở đây là phải tìm ra các phương tiện để thi hành trọn vẹn quy luật đó.

Một cách khái quát, Tông Huấn đã xác nhận nguyên tắc này ngay trong phần nhập đề khi nói về tính chất tiệm tiến của việc hoán cải”. Số 9 của Tông Huấn nói rõ ràng: “Cần có một sự hoán cải liên tục, thường xuyên... được thể hiện cụ thể bằng một nỗ lực ngày càng tiến xa hơn. Như thế một tiến trình sinh động được phát triển dần dần tiến xa hơn nhờ sự tháp nhập từ từ các ơn Chúa và những đòi buộc của tình yêu Ngài (...). Vì thế một tiến trình tăng trưởng từ từ là điều cần thiết”.

Lưu ý cụm từ “tiến trình sinh động” là chìa khóa để áp dụng luật tiệm tiến này, và nhờ đó có thể hủy bỏ được sự phân cách giữa thực hành tiệm tiến và đạo lý của Giáo hội.

Nếu người tín hữu thấy mình không có khả năng tuân giữ ở đây và bây giờ những đòi hỏi của tình yêu chân thực do Giáo Hội trình bày, thì điều quan trọng là nhìn nhận giá trị của đòi hỏi ấy, là ước muốn sống trọn vẹn đòi hỏi đó càng sớm càng tốt và dùng các phương thế cụ thể, tự nhiên và siêu nhiên, để khởi đầu tiến trình sinh động của nỗ lực hoán cải theo chiều hướng đó.

Tiến trình sinh động này, được ĐGH diễn tả: “Cần có sự hoán cải liên tục, thường xuyênSự hoán cải này đòi hỏi nội tâm tín hữu phải từ bỏ mọi sự ác và gắn bó với toàn bộ sự thiện, đồng thời được thể hiện cụ thể bằng một nỗ lực ngày càng tiến xa hơn. Như thế một tiến trình sinh động được phát triển...”

Cần để ý điều này là, trong tiến trình tăng tưởng, ban đầu chỉ cần “nội tâm tín hữu từ bỏ mọi sự ác và gắn bó với toàn bộ sự thiện” (số 9). ĐGH không đòi hỏi họ phải ngay tức khắc loại bỏ hoàn toàn hành vi xấu, nhưng là cố gắng trong nội tâm để hiểu biết luật luân lý, khước từ các hành vi xấu và gắn bó với điều thiện. Thái độ nội tâm này được thể hiện qua các hành vi ngày càng hướng chúng ta tiến về sự tốt đẹp hơn, cho đến khi có thể thực hiện các hành vi khách quan là tốt mà luật đã khuyến khích thực hiện. Vì thế, mệnh lệnh không nằm trong chính hành vi cần thực hiện, nhưng nằm trong thái độ cố gắng hướng về việc thực hiện hành vi ấy.

Chúng ta gặp lại nơi đây chính điều mà số 34 của Tông Huấn Familiaris consortio đã giúp chúng ta khám phá ra đối với trường hợp rõ rệt của luật đã được thông điệp Humanae vitae xác định.

Để thiết lập và duy trì tiến trình đó, Giáo Hội đã hành động vừa như là một nhà giáo dục và đồng thời cũng vừa như là một người mẹ đối với các đôi vợ chồng (số 33). Trong tư cách là một nhà giáo dục, “Giáo Hội không ngừng giảng dạy luật luân lý”, nhưng trong tư cách là người mẹ, Giáo Hội biết rõ các khó khăn thật sự mà con cái mình gặp phải. Vì thế đường lối sư phạm cụ thể và đạo lý phải luôn đi đôi với nhau. Phương pháp sư phạm đích thực của Giáo Hội nhắm vào việc “tạo nên và nâng đỡ tất cả các điều kiện về mặt nhân bản, tâm lý, luân lý và thiêng liêng, những điều kiện không thể thiếu được để có thể hiểu và sống các giá trị và quy luật luân lý”Nói cách khác, Giáo Hội giảng dạy luật luân lý nhắm bảo vệ một giá trị hay một chân lý, và đồng thời Giáo Hội giúp con cái mình tiến bước trong chiều hướng đó, “bằng cách tạo ra và duy trì các điều kiện thiết yếu”, một mặt để loại bỏ điều ác ( số 9), mặt khác để cổ võ sự thiện.

Cần lưu ý là thái độ sư phạm của Giáo Hội không quy về chính việc vi phạm tính dục. Giáo hội đặt sự vi phạm tính dục này trong một khung cảnh rộng lớn hơn ở các khía cạnh tâm lý, luân lý và thiêng liêng. Vì vậy, cần phải để ý đến tất cả các chiều kích đó để tiến triển trong việc thực thi luật luân lý, chứ không phải chỉ để ý tới chính việc vi phạm luật, hoặc chỉ nhấn mạnh trực tiếp tới việc vi phạm.

Cũng cần nhắc lại rằng tiến trình hoán cải này không phải một sớm một chiều mà có thể thực hiện được, và ĐGH, trong cương vị là một người lãnh đạo đức tin và là vị cha chung, đã nhấn mạnh điều đó cho các vị mục tử hoạt động trong lãnh vực mục vụ gia đình. Ngài nói: “trong cuộc sống thân mật vợ chồng có liên hệ tới ý muốn của hai người, nhưng cả hai đều được mời gọi cư xử tâm đầu ý hiệp với nhau: điều này đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, tình cảm và thời gian” (FC34,6).

Hơn nữa, cuộc hành trình nhân bản và tinh thần của đôi vợ chồng còn bao gồm: “Ý thức về tội lỗi, lòng chân thành quyết tâm tuân giữ luật luân lý, sứ vụ hòa giải”. Như thế, đối với Đức Gioan Phaolô II cũng như đối với Đức Phaolô VI, con đường tiến tới luật luân lý cần tuân giữ bao gồm việc năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải.

3. Phân biệt Luật Tiệm Tiến với sự tiệm tiến của luật

Cùng lúc với việc chính thức nhìn nhận sự tiến triển từ từ của lương tâm và hành vi của các đôi vợ chồng, Đức Gioan Phaolô II đã cảnh giác sự mơ hồ lầm lẫn dưới tên gọi là “sự tiệm tiến của luật”. Ngài xác định rằng luật Chúa không thể chỉ được coi như “một lý tưởng cần đạt tới trong tương lai”, nhưng như một “mệnh lệnh của Chúa Kitô, truyền phải nghiêm chỉnh khắc phục những trở ngại”. ĐGH đã bàn rõ ràng về điều này trong số 34 của Tông Huấn Familiaris consortio. Trong đoạn này, ngài lấy lại nguyên văn một phần bài giảng bế mạc THĐGM ngày 25/10/1980.

Một giáo huấn luân lý phải chú ý đến cả hai khía cạnh của một thực tại, một bên là giáo thuyết mang tính khả tín minh mạch, một bên đường lối sư phạm mục vụ biết chú trọng đến sự yếu đuối của con người. Đây cũng chính là điều mà Đức Gioan Phaolô II đã tóm lược như sau, coi đó như là mối quan tâm liên lỉ của các nghị phụ: “xây dựng chân lý trong đức bác ái”. Tuy nhiên ngài muốn bổ túc công thức này bằng một vài suy tư cá nhân đầy ý nghĩa cho thấy sự quân bình trong quan tâm mục vụ của ngài:

“Chúng tôi muốn thêm vài lời (...), như để đề cao những công việc trong bốn tuần qua: nghĩa là không ai có thể thực hiện đức bác ái bằng một thể thức khác với sự thật (...).Thành quả chính của khóa họp THĐGM này ở tại sự kiện: các nghĩa vụ của gia đình - mà bản chất của nó là bác ái - chỉ có thể được chu toàn nếu người ta sống trọn sự thật (...). Chính sự thật mới giải thoát; chính sự thật mới hướng dẫn; chính sự thật mới mở đường dẫn đến sự thánh thiện và sự công chính”.[9]

Mặc dù Đức Gioan Phaolô II hoàn toàn chấp nhận có một sự tiệm tiến trong việc đáp ứng các đòi hỏi luân lý, nhưng đồng thời ngài không hề có ý định mở cửa cho sự tha thứ. Nói một cách khác, tuy vấn đề ở đây là “xây dựng sự thật trong đức ái”, nhưng không được quên rằng “không ai có thể sống đức ái cách nào khác hơn là sống trong sự thật”. Và sự thật này được ĐGH đồng nhất hóa với luật luân lý khách quan do Giáo hội giảng dạy. Vì thế, trước đó, ĐGH đã nhận định rằng:

“Không được coi luật lệ chỉ là một lý tưởng phải đạt đến trong tương lai; nhưng phải coi luật lệ là một giới răn của Chúa Kitô, ngõ hầu nghiêm chỉnh vượt qua các chướng ngại”.

Người ta chỉ có thể chấp nhận (...) “tiến trình tiệm tiến” nơi những người thành thực tuân giữ luật Chúa và tìm kiếm những điều thiện mà chính luật lệ “bảo vệ và cổ võ”. Không được đồng nhất hóa điều mà người ta gọi là “luật tiệm tiến”, hoặc “con đường tiến dần lên” với sự phân chia luật thành nhiều cấp bậc khác nhau, như thể có những cấp bậc và những hình thức giới luật khác nhau tùy theo cá nhân và hoàn cảnh khác nhau. Mọi cặp vợ chồng đều được mời gọi nên thánh trong bậc hôn nhân, theo thánh ý Thiên Chúa và ơn gọi này được thực hiện tùy theo mức độ con người có khả năng đáp lại giới luật của Chúa, trong một thái độ tín thác thanh thản nơi ơn thánh và nơi ý chí của chính mình” (số 8).

Một diễn văn khác của Đức Gioan Phaolô II, bài huấn dụ dành cho đại hội lần thứ 10 của Thánh Bộ Truyền Giáo các dân tộc, cho chúng ta thấy rõ hơn nữa về vấn đề này. Chủ đề của Đại hội này là vai trò của gia đình trong bối cảnh truyền giáo”, họp tại Roma tháng 10/1981, hai tháng trước khi công bố Tông Huấn Familiaris consortio. Nhận thấy có rất nhiều loại đời sống gia đình khác nhau trên thế giới, câu hỏi được đặt ra là: đâu là vai trò của mẫu gia đình kitô giữa những kiểu mẫu gia đình khác nhau như thế. Câu trả lời của ĐGH thật rõ ràng:

“Về phần chúng ta, trong tư cách là những tín hữu Kitô và là những người chịu trách nhiệm đối với công cuộc truyền bá Phúc Âm, chúng ta là những người mang đến và bênh vực kiểu mẫu gia đình ‘của chúng ta’, được gọi là gia đình Kitô. Đó chính là quy luật để tham chiếu, đó chính là kiểu mẫu cần phải tái diễn!... Phải chăng đó chỉ là một lý tưởng, nghĩa là một cái gì trừu tượng, và cho dù có thật đẹp, thật gợi cảm đi nữa, thì cũng không thể nào thể hiện qua phong tục được? Chắc chắn là không phải như thế, và chính vì lý do đó, vì sự cấp thiết phải đem nó ra áp dụng mà đã nảy sinh ra các vấn đề tế nhị trên bình diện ý thức hệ và mục vụ”.[10]

Xác quyết rằng luật của Thiên Chúa không phải chỉ là một “lý tưởng” mà thôi, Đức Gioan Phaolô II đồng thời khẳng định là luật của Chúa phải được thi hành cụ thể. Luật luân lý là do Thiên Chúa ban. Vì thế nó có tác dụng vạch rõ và bảo vệ điều tốt lành nhất cho chúng ta. Chúng ta phải sốt sắng cố gắng tôn trọng luật càng mau chóng càng tốt, với niềm tín thác rằng, trong tư cách là Đấng Tạo Hóa, nếu Ngài đã đề ra cho con người những đòi hỏi ấy thì, trong tư cách là Đấng Cứu độ, Ngài cũng sẽ ban cho mỗi người những phương thế để tuân giữ luật.

Thái độ này hoàn toàn khác với thái độ sống theo sự “phân cấp độ trong luật lệ” mà Đức Gioan Phaolô II đã lên án, thái độ trong đó đương sự ở trạng thái thụ động: “Luật đó khó quá đối với tôi. Tôi chỉ cần tuân giữ phân nửa và tôi tiếp tục sống như từ trước đến nay”.

Ngày 17-9-1983, trong một cuộc hội thảo về sự truyền sinh có trách nhiệm, Đức Gioan Phaolô II còn đề cập đến sự mơ hồ có thể xảy ra giữa luật tiệm tiến và sự phân chia cấp bậc trong luật. Khi ngỏ lời với các tham dự viên, ngài minh xác rằng:[11]

“Trước hết phải tránh ‘sự phân chia cấp độ’ trong luật của Thiên Chúa theo các hoàn cảnh khác nhau mà các đôi vợ chồng gặp phải. Quy luật luân lý biểu lộ cho chúng ta thấy biết kế hoạch của Thiên Chúa về hôn nhân, sự tốt đẹp hoàn toàn của tình yêu vợ chồng. Muốn giảm thiểu kế hoạch ấy của Thiên Chúa, tức là thiếu tôn trọng phẩm giá con người (...). Người ta có thể tự hỏi: sở dĩ có sự lẫn lộn giữa sự ‘phân chia cấp độ trong luật’ và ‘luật tiệm tiến’, phải chăng đó chính là vì có sự thiếu quý chuộng luật của Thiên Chúa. Người ta cho rằng luật Chúa không thích hợp với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, và vì thế người ta muốn thay thế luật Chúa bằng một thứ trật tự khác với trật tự của Chúa”.

Như thế, tư tưởng của Đức Gioan Phaolô II thật rõ ràng: Luật Thiên Chúa thể hiện qua luật luân lý là một mệnh lệnh. Đó là Sự thật về con người. Và người ta chỉ có thể chấp nhận một sự tiệm tiến trong việc chu toàn luật đó với điều kiện là phải coi luật này là một mục tiêu phải đạt đến, càng nhanh càng tốt, và phải dùng mọi phương thế để thực hiện luật đó.

Đến đây, chúng ta thấy rõ hơn sự phân biệt của ĐGH giữa một điều “chỉ là lý tưởng” và một “giới răn của Chúa Kitô”. Lý tưởng thì đẹp nhưng khó vươn tới và không có tính cách mệnh lệnh bắt buộc, còn giới răn thì đòi hỏi phải dấn thân quyết liệt để chu toàn.

Như thế, chúng ta thấy rằng yếu tố then chốt để luật tiệm tiến có thể thực thi tốt chính là sự thiết lập một tiến trình sinh động theo chiều hướng mà luật đã hướng dẫn. Tiến trình đó sẽ giúp chúng ta tiến tới một tình yêu sung mãn hơn, dưới tác động đồng thời của ơn thánh Chúa và sự cộng tác tự do của chúng ta, được thể hiện qua những cố gắng cụ thể và thật sự.

4. Tóm lại

Có thể tổng hợp các giai đoạn trong tiến trình tiệm tiến của việc tuân giữ luật như sau:

- Công nhận rằng quy luật là điều chỉ rõ sự thiện chân thực cho tôi.

- Nếu tôi không thể nào áp dụng quy luật ấy một cách hoàn toàn trong lúc này, thì ít ra tôi cũng cố gắng hướng tới. Để được như vậy, tôi phải khởi sự một tiến trình sinh động nhắm tạo nên những điều kiện cần thiết để làm sao càng ngày càng có thể tuân giữ quy luật đó cho hoàn hảo hơn. Tiến trình sinh động này nhắm kéo tôi ra xa sự dữ và làm cho tôi gắn bó với sự thiện. Tiến trình đó không chỉ giới hạn trong sự cố gắng trực tiếp của ý chí để tránh sự lỗi luật, nhưng còn bao gồm cả việc ra sức dùng đủ mọi yếu tố thuận lợi để thi hành luật: giữ mình, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, khổ chế, lựa chọn các tương quan...

III. CHÚ GIẢI CỦA ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI[12]

Ngay sau khi Thượng HĐGM thế giới năm 1980 bế mạc, ĐHY Ratzinger, sau này là ĐGH Bênêđictô XVI, đã nhận thức được tầm quan trọng trong việc xác minh luật tiệm tiến.[13] Khi đó, ĐHY đã coi luật tiệm tiến này là “một trong những viễn tượng sâu xa nhất của THĐGM”.

Chú giải về luật này cho hàng giáo sĩ của ngài, ĐHY lúc ấy đã giải thích rằng, thánh ý của Thiên Chúa không thay đổi, chỉ có chúng ta mới thay đổi, chúng ta đang trên đường tiến đến thánh ý Chúa, trong tư cách là Dân Chúa cũng như trong tư cách là các cá nhân. Vì thế, lúc nào chúng ta cũng cần phải tìm kiếm thánh ý Chúa trong giây phút hiện tại.

Trong cuộc lữ thứ trần gian, chúng ta sẽ không bao giờ đến đích và điều quan trọng đối với mỗi người là tiếp tục đi trên con đường thánh ý Chúa. Tình trạng “luôn trên đường” đó được cụ thể hóa ở hai cấp độ: nhận thức và thực hành về luân lý. Ở đây chúng ta có một sự minh xác thật hay: đó là luật tiệm tiến không những chỉ áp dụng trên bình diện thực hành mà thôi, nhưng cả trên phương diện nhận thức về luân lý nữa.

Về tiến trình hoán cải,chúng ta càng tiến gần đến Chúa Kitô, càng để ngài chiếm hữu chúng ta, thì chúng ta càng khám phá ra nhiều đòi hỏi mới của tình yêu cần phải thực hành.

Nhưng chúng ta thực sự có quyền quở trách một người là không thực thi một lề lối hành động mà họ chưa hiểu rõ về tính chất có căn cứ của nó hay không? Đó là một trường hợp lầm lẫn không thể khắc phục được. Lúc ấy, có thể sự hiểu biết tối thiểu cần thiết chỉ là một sự tín thác tuân theo giáo huấn của Huấn Quyền.

Sau đó, trong bài trình bày về THĐGM, liên quan đến các vấn đề mục vụ, ĐHY Ratzinger trở lại vấn đề luật tiệm tiến, nhưng để nói về việc ngừa thai.[14] Ngài cho thấy là quy luật của thông điệp Humanae Vitae bảo vệ con người một cách sâu sắc, và xác quyết rằng:

“vì thế ... cho dù có thật rõ ràng, thì quy luật này cũng không phải là cứng nhắc, trái lại nó vẫn có thể tiếp nhận những thẩm định khác nhau tùy theo những hoàn cảnh luân lý khác nhau”.Tất cả những điều này cho thấy ‘chiều kích sâu xa của quy luật’, một quy luật mang bản chất làm đường đi và muốn đặt người ta vào trong con đường ấy ... nhưng nếu người ta không lên đường và nếu người ta dựa vào bản chất làm đường đi của nó để nói rằng quy luật đó chỉ có tính cách gợi mở (không bắt buộc), thì điều đó có nghĩa là người ta phủ nhận nó ...”

Lời tuyên bố này rất quan trọng để giúp cho hiểu rõ, một mặt là luật tiệm tiến trong hai chiều kích của nó (vấn đề ngừa thai và sự hoán cải của con người), và mặt khác là một vấn đề cơ bản trong luân lý: đâu là vai trò của luật và lương tâm trong một quyết định luân lý? Then chốt câu trả lời mà vị Hồng y đưa ra được tóm gọn trong vài điểm như sau: quy luật nói với nội tâm sâu thẳm của con người. Mục đích của quy luật là giúp con người lên đường. Nhưng chính con người, tùy theo mức độ ánh sáng nhận được và trong các hoàn cảnh cụ thể, có thể phân định mình có thể lên đường theo cách thức nào và trong mức độ nào. Điều quan trọng là họ đang tiến đến đích điểm đã được vạch ra.

IV. VÀI CHÚ GIẢI CHÍNH THỨC KHÁC

1. Chú giải của Đức ông Cox Huneeus[15]

Sau khi Tông Huấn Familiaris Consortio được công bố, nhiều bài chú giải có thế giá đã được phát hành trên báo L’Osservatore Romano, mỗi bài nêu bật một khía cạnh trong giáo huấn của Thượng HĐGM. Trong số những chú giải đó, có hai bài liên quan tới luật tiệm tiến.

Bài thứ nhất của của Đức ông Huneeus, Tổng thư ký Hội đồng Tòa thánh về gia đình, viết về “Mục vụ gia đình dưới ánh sáng của Familiaris Consortio”.[16]

Phần thứ II của bài báo với tiêu đề “Các nguyên tắc mục vụ” bàn về các nguyên tắc trong mục vụ gia đình nói chung, nhưng chúng cũng có thể được áp dụng trực tiếp vào vấn đề cụ thể là ngừa thai cũng như áp dụng cho một viễn tượng rộng lớn hơn, đó là sự hoán cải nói chung.Dựa vào Tông Huấn Familiaris Consortio, số 65 và những số tiếp theo đó, Đức ông Cox Huneeus nêu bật rằng việc mục vụ gia đình phải có tính cách “hữu cơ, phổ quát và tiệm tiến”.

Hữu cơ, vì đây là một cộng đoàn sống động, gồm những con người sống động. Mà, sự phát triển của một sinh vật thì phải được thực hiện dưới sự thúc đẩy của nguyên lý sống làm cho nó sống và tăng trưởng. “Nghĩa là không phải do sự kết hợp các yếu tố lại với nhau do một sức mạnh từ bên ngoài, nhưng là do sinh lực của một nguyên lý sống nội tại... Trong trường hợp gia đình, nguyên lý nội tại đó là ... tình yêu”.

Ngoài ra, một sinh vật thì tăng trưởng dần dần. “Chúng ta không thể gặt hái ngay các hoa quả. Phải rộng tay gieo vãi và đợi cho hạt giống, sau khi rơi xuống đất, được tiếp nhận và đi sâu vào lòng đất để cuối cùng sinh ra hoa trái: một hoa trái rất mỏng manh lúc ban đầu và đòi hỏi rất nhiều chú tâm và và kiên nhẫn, và sau đó mới trở nên mạnh mẽ và cường tráng”.

Sau cùng, sự phát triển một sinh vật được thực hiện từ những mầm sẵn cho nó. Đối với mỗi gia đình, vị mục tử cần phải quan tâm khám phá các giá trị đã tiềm ẩn trong đó, để rồi từ đó dần dần giúp gia đình hiểu và sống các giá trị khác cho đến khi đạt tới sự sung mãn của đời sống Kitô; hay đúng hơn, sự sung mãn sẽ lớn nhỏ trong mỗi trường hợp, tùy theo ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa và lời đáp trả quảng đại của con người.

Ý tưởng về sự tăng trưởng hữu cơ giúp chúng ta hiểu rõ tiến trình hoán cải sâu xa, đến từ nội tâm, và diễn ra nơi mỗi tâm hồn; nó đòi hỏi “người vun trồng” phải lo săn sóc kỹ lưỡng và phải thật kiên nhẫn.

Kinh thánh cho chúng ta thấy tiến trình lịch sử ơn cứu độ, qua đó Thiên Chúa bộc lộ là nhà sư phạm kiên nhẫn dạy dỗ nhân loại cách tiệm tiến, cần đến hàng ngàn năm để dạy dân Chúa bài học yêu thương tha thứ.

2. Chú giải của Đức Hồng Y Lustiger[17]

Tư tưởng chính của ĐHY Lustiger,[18]Đức Tổng Giám Mục Paris tương hợp với những phân tích vừa đề cập đến, theo đó sự hoán cải là kết quả sự tăng trưởng của ơn thánh trong chúng ta, được hoạt động mục vụ của giáo hội kích thích.

Tuy nhiên, ngoài nguyên tắc thứ nhất, bài chú giải còn thêm một nguyên tắc thứ hai cũng quan trọng như nguyên tắc thứ nhất. ĐHY Lustiger phân tích đường lối sư phạm của Chúa Giêsu đối với các môn đệ của Chúa.

Nếu lý luận theo ngôn ngữ của loài người, chúng ta có thể tưởng tượng một bối cảnh như sau: Trong vòng ba năm chung sống với Ngôi Lời nhập thể, Mười Hai tông đồ dần dần được ngài dẫn vào quan điểm của ngài về thế giới và về các biến cố; họ được đưa vào trong sứ mạng của ngài. Và cuối cùng khi Thầy giã từ họ để ra đi, sự hoang mang của họ không đến nỗi quá lớn lao, vì họ đủ trưởng thành để nối nghiệp Thầy coi sóc Giáo Hội mới khai sinh và điều khiển Giáo Hội theo những nguyên tắc và phương pháp của chính Chúa Giêsu.

Thế nhưng, khi đọc kỹ các Tin Mừng, người ta nhận thấy rằng đường lối sư phạm của Chúa Kitô không như thế, mà lại gần như trái ngược: càng đến lúc Chúa Giêsu phải chịu khổ nạn, người ta càng thấy hố chia cách sâu rộng thêm giữa một bên là những đòi hỏi yêu thương và trung tín mà Thầy đề ra và bên kia là sự yếu đuối của các Tông Đồ, sự yếu đuối mà chính họ cũng không ý thức nổi.

“Chính trong lúc Chúa Giêsu tiến bước lên Giêrusalem, lúc mà ngài hướng trọn về cuộc khổ nạn, thì đó là lúc mà các Tông Đồ kháng cự mạnh mẽ nhất chống lại những giáo huấn về hôn nhân và tính dục, về sự vâng phục Thiên Chúa cho đến độ phải bỏ hết mọi của cải thế gian, về sự ham danh vọng và quyền hành, về sự hoàn toàn từ bỏ để khiêm tốn phục vụ (Mc 10): bao nhiêu là dấu hiệu về sự mù quáng của các Tông Đồ khi họ được dẫn tới bên thềm cuộc khổ nạn, để rồi họ thốt lên một câu hỏi tuyệt vọng: Như thế thì ai mới có thể được cứu rỗi?’ Nhìn họ, Chúa Giêsu đáp: Đối với con người là điều không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể’” (Mc 10, 26-27) (tr.320).

Chỉ khi các Tông đồ ý thức được sự yếu đuối và sự mù quáng của họ đối với chính bản thân mình cũng như đối với Chúa Kitô - và nhờ vào sự tha thứ cũng như nhờ ơn của Chúa Thánh Thần - thì họ mới được biến đổi, được giải thoát và có khả năng hiện thực những gì mà họ đã không bao giờ nghĩ tới.

Mệnh lệnh của Chúa Kitô đối với họ không còn là một yêu sách kinh khủng, mà là một hồng ân ban sự sống nhờ công trình của Chúa Kitô và sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy họ được tái sinh trong sức mạnh và được sống như con cái Thiên Chúa” (tr.320).

Chúng ta thấy rằng yếu tố quyết định trong sự biến đổi này chính là ý thức của các tông đồ về sự yếu đuối của họ trước đòi hỏi của tình yêu mà Chúa Kitô khởi xướng. Như thế chúng ta có thể hiểu rằng đường lối sư phạm của Giáo Hội, trong niềm trung thành với Thầy của mình, không bao giờ có thể là tránh nói tới các yêu sách của Chúa, hoặc là giảm bớt đi. Trái lại, khi nhắc lại sự thật về con người với tất cả sự cao trọng của nhân phẩm, Giáo Hội giáo dục cho con cái mình biết những thiếu sót của họ, và trong mầu nhiệm sự chết và sống lại, Giáo hội giúp họ mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân sự sống thần linh. Theo nghĩa đó, “chính tính chất không phân cấp độ trong luật là nền tảng của luật tiệm tiến” (tr. 322).

Nói khác đi: vì Giáo Hội không giảm bớt đòi hỏi của luật Chúa, nên con người được kích thích để nhìn nhận sự bất toàn của bản thân mình. Từ đó, con người dần dần cởi mở đón nhận tác động của Thiên Chúa trong tâm hồn mình để có thể dần dần chu toàn lề luật đã được nhắc nhớ. Và qua đó, “giáo huấn của Giáo hội về con người, xét cho cùng không phải chỉ là một bài diễn văn mà thôi, nhưng là một tác động nhằm khai sinh một tạo vật mới, là bản khai sinh của con người mới” (tr. 322).

Nhận xét này của ĐHY Lustiger có thể bổ túc và giúp hiểu rõ những suy tư mà ĐHY Ratzinger đã trình bày với hàng giáo sĩ của ngài về lề luật và lương tâm: nếu chúng ta chỉ nói rằng lề luật soi sáng lương tâm để khích lệ con người “lên đường” thì chúng ta còn ở lại trong khuôn khổ của một nền luân lý hoàn toàn là phàm nhân. Nhưng Đức TGM Paris nói thêm rằng lề luật tác động trước hết “qua logic của ơn thánh”, nghĩa là, khi tỏ cho chúng ta thấy những khiếm khuyết của mình, lề luật kích thích chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận ơn sự sống thần linh của Chúa.

Từ đó chúng ta được giải thoát khỏi những hẹp hòi của mình, và chính Chúa Kitô dần dần lớn lên trong chúng ta. Ngài sẽ giúp chúng ta thực hiện những gì chúng ta không thể mơ ước trước đó, và đồng thời ngài mạc khải cho chúng ta những đòi hỏi sâu rộng hơn nữa của tình yêu.

Như thế, chúng ta thấy vai trò của lề luật (hay nói tổng quát hơn là những giáo huấn của Giáo Hội) một đàng nhắm soi sáng lương tâm và mặt khác là nhắm ngăn cản chúng ta đừng tự bào chữa mình, khiến chúng ta biết cởi mở để Thiên Chúa hoạt động trong chúng ta, và nhờ đó, chúng ta có thể tiếp tục lớn lên và tiếp tục đi trên đường.

3. Một ví dụ khác về Luật tiệm tiến

Linh mục Alexandrer Lucie-Smith cho một thí dụ khác khá dễ hiểu về Luật tiệm tiến như sau[19]

Khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá, tất cả đều bỏ rơi Ngài, ngoại trừ bốn người: Đức Mẹ, Bà Maria vợ ông Cleophas, Maria Madalena, và môn đệ yêu dấu của Ngài. Bốn người này, cách riêng Đức Maria và Thánh Gioan đại diện cho người môn đệ hoàn hảo, trọn vẹn trái tim dấn thân vì Chúa Giêsu. Vậy khi họ yêu mến Chúa trọn lòng, họ đạt đến tình trạng môn đệ toàn hảo.

Còn Mười tông đồ khác thì sao? Họ đang trốn vì sợ hãi! Họ đã không còn là môn đệ nữa ư? Lúc đó, có vẻ là như thế. Nhưng rồi qua cơn sợ hãi, họ sẽ trở lại. Và vào ngày lễ Ngũ tuần, họ đã mạnh mẽ rao giảng. Hơn nữa, vài chục năm sau, họ đều dùng chính mạng sống để làm chứng cho Chúa Giêsu. Cách riêng là thánh Phêrô, người chối Thầy mình, cuối cùng đã được chịu treo trên thập giá mà ngài từng trốn chạy.

Còn các môn đệ khác thì sao? Thánh Máccô cho chúng ta biết, các người phụ nữ khác đang ‘đứng nhìn Chúa từ đàng xa.’ Còn các môn đệ khác nữa? Ắt hẳn là họ cũng có ở đâu đó. Họ theo Chúa Giêsu, nhưng giữ một khoảng xa.

Chúa Giêsu chịu đóng đinh vào khoảng tháng 3 năm 27. Thánh Phêrô được đóng đinh vào khoảng năm 64. Phêrô phải mất gần 40 năm để được chia sẻ số phận với Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Luật yêu thương được thành toàn trọn vẹn bởi thánh Gioan và Đức Mẹ vào chiều thứ sáu tuần thánh, trong sự thông hiệp với Chúa Giêsu Kitô chịu nạn, và rồi cũng được thành toàn bởi thánh Phêrô sau một hành trình thiêng liêng dài gần 40 năm. Thánh Phêrô, giáo hoàng tiên khởi, cho chúng ta bài học sống đầu tiên về luật tiệm tiến.

Giáo hội ngày nay cũng giống như Giáo hội trong ngày thứ sáu tuần thánh năm xưa đó. Các thánh ở dưới chân thập giá, toàn tâm toàn ý nhìn lên Chúa Giêsu. Các môn đệ tốt lành khác cũng đang nhìn lên Ngài, nhưng ở xa hơn, nhiều mối lo toan khác đã giữ họ lại, nhưng chúng ta mong rằng họ sẽ vượt qua được khoảng cách giữa họ với Thiên Chúa và tiến lại gần hơn. Còn một số người khác đã hoàn toàn mất dạng, nhưng sẽ trở lại, và một ngày nào đó sẽ gần sát với Chúa Giêsu.

Hẳn nhiên, cách diễn giải này dựa trên một tiền đề nền tảng rằng Luật là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, và cần chúng ta đáp lời yêu thương. Đây không phải là điều mà chúng ta có thể thành toàn, bởi có ai yêu Chúa cho bằng tình yêu Ngài dành cho chúng ta? Tình yêu Thiên Chúa là vô hạn, và chúng ta phải luôn nỗ lực tìm cách yêu Ngài hơn nữa.

V. ĐGH PHANXICÔ VỚI TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

Với Tông huấn Amoris Laetitia (AL), ĐGH Phanxicô đã trao cho tất cả các gia đình một món quà đặc biệt. Đức Hồng Y Baldisseri nhận xét đúng đắn rằng Tông huấn đã được đưa ra đúng thời điểm cơ chế gia đình đang trải qua cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.[20]

Hiểu biết nội dung luật tiệm tiến qua các phần nghiên cứu trên, chúng ta có thể nhận thấy luật tiệm tiến “phủ sóng” khá rộng trong suy tư thần học và phương pháp tiếp cận mục vụ của Đức Thánh Cha. Trong giới hạn bài viết này, chỉ nêu vài điểm chính yếu.

ĐGH dành hai chương cho khía cạnh quan trọng trong hôn nhân và gia đình: tình yêu. Ngài giải thích khía cạnh ấy bằng cách nói rằng “chúng ta không thể khuyến khích một cuộc hành trình của lòng trung thành và tự hiến cho nhau nếu không khích lệ sự lớn lên, sự củng cố và đào sâu tình yêu hôn nhân và gia đình” (AL s. 89).

Trích dẫn Tông Huấn Familiaris consortio của Đức Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô đề cao khái niệm “tính tiệm tiến”, tức là các tín hữu đôi khi có thể tăng trưởng tiệm tiến trong việc hiểu biết và thực thi giáo lý Giáo Hội trải dài suốt hành trình cuộc đời. “Đây không phải là một “sự tiệm tiến của luật” mà là một sự tiệm tiến trong sự thực hành thận trọng của các hành vi tự do liên quan đến các đối tượng không ở một vị thế đủ để hiểu biết, tôn trọng, hoặc thực hiện đầy đủ các đòi hỏi khách quan của luật”, ĐGH xác định. “Vì luật chính là một món quà của Thiên Chúa đưa ra các cách hành động, một món quà cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ.”[21]

ĐGH nhắc nhở các mục tử cần sự khiêm tốn của óc thực tế cứu xét hôn nhân trong thực chất của nó, nghĩa là “một tiến trình năng động tăng trưởng và thành đạt”. ĐGH nhấn mạnh rằng cần dành chỗ cho việc huấn luyện lương tâm các tín hữu: “Chúng ta được kêu gọi huấn luyện lương tâm, và đừng chủ trương thay thế lương tâm” (AL 37). Theo ĐGH, Chúa Giêsu đã đề nghị một lý tưởng yêu sách nhưng “ngài không bao giờ đánh mất sự gần gũi cảm thương với những người yếu đuối như người phụ nữ xứ Samaria hoặc người phụ nữ ngoại tình” (AL 38).

Lương tâm phân định với sự chân thành và trung thực những gì, trong lúc này, là sự đáp trả quảng đại có thể được dâng lên Thiên Chúa, và khám phá, với một sự chắc chắn luân lý, đâu là sự dấn thân mà Thiên Chúa đang kêu gọi ở giữa sự phức tạp cụ thể của hoàn cảnh hiện thực. Các mục tử biết rằng sự phân định này là rất năng động và phải luôn mở ra cho các khả năng tăng triển mới trong tiến trình đời sống Kitô hữu, và cho các quyết định mới mẻ cho phép thực hiện đòi hỏi của Luật cách đầy đủ nhất.

Huấn Quyền của ĐGH Phanxicô dẫn chúng ta đến chỗ tái khám phá tầm quan trọng của lương tâm cá nhân trong đời sống cá nhân Kitô hữu và trong đời sống Giáo hội. Lương tâm, như Vatican II đã nói, “là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người” (Gaudium et Spes, số 16). Và sau đó Công Đồng thêm: “Càng dành ưu tiên cho lương tâm ngay thẳng, thì cá nhân và cộng đoàn càng tránh được những chọn lựa mù quáng, và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý” (GS s. 16).

Trong đoạn kết luận, ĐGH quả quyết: “Không có gia đình nào là một thực tại hoàn hảo và được kết thành một lần cho tất cả, nhưng đòi một sự tiến triển từ từ khả năng yêu thương của mình (...). Tất cả chúng ta được kêu gọi luôn cố gắng đi xa hơn chính mình, những giới hạn của mình và mỗi gia đình phải sống trong sự khích lệ liên tục như thế. Các gia đình chúng ta hãy tiến bước, chúng ta hãy tiếp tục bước đi! (...). Chúng ta đừng đánh mất hy vọng vì những giới hạn của mình, nhưng cũng đừng từ bỏ không tìm kiếm tình yêu và sự hiệp thông sung mãn đã được hứa cho chúng ta” (AL s. 325).

VI. KẾT LUẬN VÀ MỞ RỘNG VẤN ĐỀ[22]

Luật tiệm tiến xác định một cách thức hành xử trong thực tế đứng trước một luật luân lý. Nó phân định rõ hơn mối tương quan cần thiết giữa một luật tổng quát và lương tâm mỗi người. Luật tiệm tiến này đã phát sinh trong một khung cảnh đặc biệt liên quan đến việc điều hòa sinh sản, nhưng khung cảnh đó chỉ là một thí dụ điển hình mà thôi. Toàn thể hoạt động của con người đều có thể được soi sáng nhờ tiến trình tiệm tiến này.

Thần học luân lý nhìn nhận sự cần thiết phải có một tiến trình tăng trưởng đứng trước một giới răn thiết định (tích cực). Chẳng hạn giới luật “Hãy mến yêu Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng ...” chỉ có thể là giới luật với nhịp tiến triển từ từ trong mức độ thực hành. Nhưng theo hiểu biết luân lý truyền thống, sự chưa thành toàn này không thể được chấp nhận trong trường hợp của một điều răn cấm chỉ; lúc đó, hoặc chúng ta ở trong điều tốt, hoặc chúng ta ở trong tội lỗi, chứ không thể ở lưng chừng được. Tông Huấn Familiaris consortio đã nới rộng phạm vi áp dụng luật tiệm tiến cho chính các giới răn cấm, theo nghĩa là có thể có sự tiến triển từ từ trong việc tuân giữ các giới răn này (Hiển nhiên giới răn “Chớ giết người” thì không thể có vấn đề tiệm tiến được!)

Từ đó, người ta có thể suy ra rằng nhờ luật tiệm tiến, thần học luân lý đang nhìn nhận rằng tính luân lý hành vi không phải chỉ có trắng hoặc đen mà thôi, nhưng giữa trắng và đen còn có xám nữa. Dĩ nhiên xám chưa phải là trắng, nhưng nó cũng không hẳn là đen, và không thể bị coi là đen! Tuy nhiên cũng phải nhấn mạnh lại rằng nếu không phải bao giờ cũng đòi buộc phải áp dụng tức khắc và trọn vẹn quy luật, thì bao giờ cũng buộc phải lo hướng tới tìm cách áp dụng trọn vẹn quy luật đó. Sự hướng tới này phải có tính chất thực sự và sinh động, nghĩa là nó có mục đích giúp chúng ta mở rộng thực hiện càng sớm càng tốt giá trị mà quy luật bảo vệ.

Luật tiệm tiến có thể giúp giảm đi mặc cảm tội lỗi nơi người Kitô hữu mà, bất chấp những cố gắng của mình, vẫn không luôn đạt tới chỗ sống tất cả những đòi hỏi luân lý. Nó cũng có thể giúp người Kitô hữu để phân biệt mục đích nhắm tới và thiện ích mà người ấy chân thành thực thi được. Luật này mang lại một nền tảng cho một sự hiểu biết mục vụ tốt hơn các hoàn cảnh khó khăn, để tìm ra những giải pháp mục vụ đầy lòng thương xót hơn.[23]

Hơn nữa, nếu mở rộng viễn tượng suy tư ở đây, thì sẽ thấy rằng khi xác định tương quan giữa luật và lương tâm, luật tiệm tiến có liên quan đến nhiều vấn đề hiện đại mà các thần học gia vẫn còn đang tranh luận:

- Vai trò của luật, Huấn quyền và quyền tối thượng của lương tâm.

- Vấn đề dung hợp (compromis) trong luân lý.

- Tính chất khách quan và chủ quan trong quyết định luân lý.

Từ đó, chúng ta có thể hình dung vai trò trung gian của luật tiệm tiến giữa:

- một nền luân lý về yếu tính và một nền luân lý về hiện thể.

- một nền luân lý về hành vi và một nền luân lý về ý hướng.

- một nền luân lý về nghĩa vụ và nền luân lý về nhân đức.

Và để sự trung gian đó có thể xảy ra được cần một sự nối kết chặt chẽ giữa thần học luân lý và đời sống tu đức thiêng liêng. Một trong những điều mà các vị mục tử và các thần học gia thường yêu cầu trong Thượng HĐGM về gia đình 1980:

“Chúng ta giảng quá nhiều về luân lý nhưng chúng ta thiếu thần bí. Thế mà, sống thì đi trước hành động. Các giới luật luân lý mà tách rời khỏi tu đức và thần bí, thì thường chỉ đưa tới mặc cảm tội lỗi thái quá, đưa tới thất vọng hoặc dửng dưng. Như thế, thay vì là một lời kêu gọi vượt thắng và là một cơ may đối với con người, luân lý không có tu đức chỉ tạo ra một sự co quắp của ý chí.

Luật mới chẳng phải là Thánh Linh đó sao? Vì thế, luật mới không phải chỉ là một lệnh truyền, nhưng còn là một lời hứa và là một ân sủng. Luật đó chính là Thánh Linh, không làm thất vọng, nhưng là một nguồn năng lực vô tận. Vì Thiên Chúa không phải chỉ là một Nhà Lập Pháp, nhưng ngài còn là Đấng Cứu độ”.[24]

Luật tiệm tiến thực tế được áp dụng trong khuôn khổ của việc đồng hành mục vụ. Về mặt lý thuyết là giúp cho đối thoại nhiều trường phái thần học luân lý. Từ nhiều thập niên qua, trường phái giải thích luật Tự nhiên chiếm ưu thế, và trường phái chủ thuyết nhân vị, vốn đặt con người ở trung tâm của luân lý nhằm phát triển nó hướng đến một phẩm giá cao cả hơn, đã không được cho vị trí đúng mức. Cần làm nổi bật chủ thuyết nhân vị này mới hy vọng đổi mới nhiều việc Phúc Âm hóa hôn nhân và gia đình.[25]

Thực ra, đời sống con người cơ bản là luôn hướng đến sự thiện và nỗ lực làm điều thiện, chấp nhận ngang qua một sự tiệm tiến khi bất khả thực thi tất cả sự thiện được yêu cầu vào một thời điểm nào đó. Nó cũng hệ tại tin tưởng vào một sự cộng tác giữa những cố gắng của con người và ân sủng của Thiên Chúa.

Tổng hợp từ các tài liệu:

- Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

- Cuộc trao đổi Nhật báo La Croix với cha Alain Thomasset, S.J “Luật Tiệm Tiến có thể giúp tìm ra các giải pháp mục vụ”, Tý Linh chuyển ngữ, <https://gxkimlong.wordpress.com/2014/10/10/luat-tiem-tien-co-the-giup-tim-ra-nhung-giai-phap-muc-vu/>

- Alexandrer Lucie-Smith, “Hãy nhớ, yêu thương là vẹn toàn lề luật”, trong Catholic Herald, J.B Thái Hòa chuyển ngữ, <http://phanxico.vn/2017/10/04/hay-nho-yeu-thuong-la-ven-toan-le-luat/>

- Joshua J. McElwee, “‘Amoris Laetitia’: Thay đổi cách nhìn để thấy ân sủng trong sự bất toàn”, Ngọc Huỳnh chuyển ngữ, < http://dcctvn.org/amoris-laetitia-thay-doi-cach-nhin-de-thay-an-sung-trong-su-bat-toan/>

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 105 (Tháng 3 & 4 năm 2018)

WHĐ (06.6.2021)

 

 

[1] Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[2] Cuộc trao đổi Nhật báo La Croix với cha Alain Thomasset, S.J “Luật Tiệm Tiến có thể giúp tìm ra các giải pháp mục vụ”, Tý Linh chuyển ngữ, <https://gxkimlong.wordpress.com/2014/10/10/luat-tiem-tien-co-the-giup-tim-ra-nhung-giai-phap-muc-vu/>

[3] Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[4] Documentation Catholique (DC) 77 (1980) 1051-1054

[5] DC 77 (1980) 1051-1054.

[6]  Một bản dịch bài báo của cha Haering được đăng trong DC 86 (1989) 243-245, và câu trả lời của Tòa thánh được đăng ngay sau đó, tr. 246-248.

[7] Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[8] Chủ yếu trích trong Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[9] DC 77(1980)1054

[10] DC 78(1981)1005.

[11] DC 80(1983)970-971

[12] Chủ yếu trích trong Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[13] J. Ratzinger, Lettre au clergé du diocèse de Munich, trong DC 78 (1981)385- 394, và Esprit et Vie , 1981, tr. 241 và chú thích.

[14] Ibid. 393, và trọn cột 2.

[15] Chủ yếu trích trong Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[16] F.-J. Cox Huneeus, “La Pastorale familiare alla luce della Familiaris consortio”, trong Osservatore Romano 22-23.I.1982.

[17] Chủ yếu trích trong Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[18] J.-M. Lustiger, Gradualité et conversion , trong Osservatore Romano 27- 28.I.1982; DC 79(1982) tr. 315-322.

[19] Alexandrer Lucie-Smith, “Hãy nhớ, yêu thương là vẹn toàn lề luật”, trong Catholic Herald, J.B Thái Hòa chuyển ngữ, <http://phanxico.vn/2017/10/04/hay-nho-yeu-thuong-la-ven-toan-le-luat/>

[20] Lluís Martínez Sistach, “Các viễn tượng mục vụ của “Amoris Laetitia” L’Osservatore Romano, 22-23/11/2016, Ngọc Huỳnh chuyển ngữ, <http://dcctvn.org/cac-vien-tuong-muc-vu-cua-amoris-laetitia/>

[21] Joshua J. McElwee, “‘Amoris Laetitia’: Thay đổi cách nhìn để thấy ân sủng trong sự bất toàn”, Ngọc Huỳnh chuyển ngữ, < http://dcctvn.org/amoris-laetitia-thay-doi-cach-nhin-de-thay-an-sung-trong-su-bat-toan/>

[22] Chủ yếu trích trong Alain You, “La loi de gradualité... et non pas la gradualité de la loi”, trong Esprit et Vie, (28.2.1991), tr. 120-127,Trần Đức Anh chuyển ngữ, “Luật Tiệm Tiến Trong Luân Lý”, <https://giaophannhatrang.org/vi/news/Luan-Ly/luat-tiem-tien-trong-luan-ly-16833.html>

[23] Cuộc trao đổi Nhật báo La Croix với cha Alain Thomasset, S.J “Luật Tiệm Tiến có thể giúp tìm ra các giải pháp mục vụ”, Tý Linh chuyển ngữ, <https://gxkimlong.wordpress.com/2014/10/10/luat-tiem-tien-co-the-giup-tim-ra-nhung-giai-phap-muc-vu/>

[24] Phát biểu của Đức cha Godefried Danneels, trong DC 77(1980)1003, số 5.

[25] Cuộc trao đổi Nhật báo La Croix với cha Alain Thomasset, S.J “Luật Tiệm Tiến có thể giúp tìm ra các giải pháp mục vụ”, Tý Linh chuyển ngữ, <https://gxkimlong.wordpress.com/2014/10/10/luat-tiem-tien-co-the-giup-tim-ra-nhung-giai-phap-muc-vu/>