Giáo Phận Hải Phòng

http://www.gphaiphong.org


"Đấng giải phóng con người" (Bài giảng Chúa nhật 5 - MC - Năm C)

Chúa Giêsu đã giải phóng người phụ nữ khỏi một đám đông đang muốn ăn tươi nuốt sống một cách tàn nhẫn. Với lời dặn : « Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa », Chúa Giêsu – thời đó được coi như một bậc thầy về luân lý - đã giải phóng chị khỏi tâm trạng mặc cảm tội lỗi. Bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, người phạm tội đau khổ vừa do lời gièm pha chê trách của người xung quanh, vừa do tự ti mặc cảm vì mình đã làm điều xấu.
CN05

Chúa nhật 5 Mùa Chay – Năm C
Đấng giải phóng con người
 
Trong trình thuật về người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu vừa được giới thiệu là Đấng nhân từ, đồng thời cũng là Đấng giải phóng nhân loại. Đây chính là dung mạo của Thiên Chúa theo mặc khải của Thánh Kinh. Quả vậy, trong truyền thống Cựu ước, Thiên Chúa vẫn được tuyên xưng và ca tụng là Đấng bao dung nhân từ, và là Đấng giải phóng Dân Ngài khỏi áp bức của các dân hùng mạnh. Ngài vừa là « Chúa các đạo binh », và cũng là Đấng chỉ « giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời ».
 
Với nhân vật người phụ nữ ngoại tình, dưới ngòi bút của thánh sử Gioan, ta thấy đây là một vụ xét xử « bất đắc dĩ » đối với Chúa Giêsu. Bởi lẽ lúc đó Người đang giảng cho dân chúng và người ta tuốn đến rất đông. Thánh Gioan viết : toàn dân đến với Người. Những kinh sư và biệt phái muốn gài bẫy Chúa và làm cho người mất mặt trước công chúng. Nếu Chúa đồng ý cho ném đá, thì Chúa hành xử ngược lại với lời giảng dạy của Người. Nếu Chúa không đồng ý cho ném đá, thì sẽ là người chống lại luật Môisen. Đàng nào cũng mắc bẫyvà bị phê phán – họ nghĩ thế. Chúa không đồng ý với việc ném đá. Chúa cũng không ngăn cản họ làm việc này. Chúa chỉ nói đơn giản : « Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi ». Nghe câu này, dân chúng tản ra rồi dần dần giải tán. Trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu, họ không thể bắt bẻ Người được nữa.
 
Trọng tâm câu chuyện không phải ở nhân vật người phụ nữ hay những đối phương, mà là ở giáo huấn của Chúa. Với lời tuyên bố : « Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi », Chúa Giêsu đã giải phóng người phụ nữ khỏi một đám đông đang muốn ăn tươi nuốt sống một cách tàn nhẫn. Với lời dặn : « Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa », Chúa Giêsu – thời đó được coi như một bậc thầy về luân lý - đã giải phóng chị khỏi tâm trạng mặc cảm tội lỗi. Bởi lẽ theo tâm lý tự nhiên, người phạm tội đau khổ vừa do lời gièm pha chê trách của người xung quanh, vừa do tự ti mặc cảm vì mình đã làm điều xấu. Chúa Giêsu đã giải phóng các tội nhân khỏi tội, và ban cho họ được thanh thản tâm hồn. Người cũng tuyên bố không kết án chị. Không kết án, tức là tha thứ và cảm thông bỏ qua những lỗi lầm đã phạm.
 
Lời nói : « Chị cứ về đi » của Chúa Giêsu cũng giống như lời Chúa nói khi làm cho ông Lagiarô đã chết được sống lại : « Hãy cởi khăn và vải cho anh ấy, để anh ấy đi » (Ga 11,44). Người phụ nữ đã được giải phóng khỏi nấm mồ tăm tối mà người ta đã muốn nhốt chị vào. Đối với chị, vào lúc cùng cực nhất, thì thật may mắn là chị được cứu thoát và cuộc sống mới đã khởi đầu. Như thế, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu đã làm cho chị phục sinh, ra khỏi nấm mồ, như Chúa sẽ gọi ông Lagiarô ra khỏi mồ, ra khỏi cõi chết. Chúng ta thường gọi đây là « trình thuật về người phụ nữ ngoại tình ». Cách gọi này xem ra không chính xác cho lắm. Bởi lẽ, khi nhấn mạnh đến tội ngoại tình, là chúng ta như đứng về phía những người đang tố cáo người phụ nữ này. Họ tỏ ra là những người nhiệt thành bảo vệ lề luật. Đúng hơn, nên gọi đây là trình thuật về tình thương của Chúa đối với người phụ nữ ngoại tình.
 
Một chi tiết nhỏ rất đáng chú ý, đó là ý thâm ý của những kinh sư và biệt phái, như thánh sử Gioan viết : « Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng chứng tố cáo người » (câu 6). Thì ra người bị tố cáo chính thức lại không phải người phụ nữ, nhưng chị chỉ được dùng như một phương tiện để những kinh sư và biệt phái gài bẫy tố cáo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không mắc bẫy họ. Người cũng không chấp nhận làm cho luật Môisen trở thành một phương tiện giết người. Người tỏ cho thấy, lề luật nhằm giáo dục con người, cứu giúp con người để họ hướng thiện. Giáo huấn của Cựu ước đã nêu rõ : Thiên Chúa không muốn ai phải chết. Thiên Chúa yêu thương mọi người và Ngài muốn cho họ được sống. Ngài không vui thích khi thấy con người gặp hoạn nạn khổ đau, nhưng Ngài ra tay cứu giúp họ. Chúa Giêsu đã tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, nhưng điều chỉnh để diễn tả dung mạo một Thiên Chúa nhân từ.
 
Khi tuyên bố : « Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi », Chúa Giêsu cho thấy, tội lỗi không chỉ là hành vi ngoại tình, mà tội lỗi còn là việc xét đoán tha nhân. Người mời gọi các kinh sư và biệt phái nhận ra thân phận tội lỗi của mình để có cái nhìn bao dung hơn với người khác. Khi xét đoán và phê phán anh chị em mình, con người thuộc về quyền lực của bóng tối. Giữa đám đông hôm đó, có duy nhất Chúa là Đấng Thánh, Đấng vô tội và là Đấng có quyền lên án các tội nhân, nhưng Người lại không kết án người phụ nữ. Sau khi đám đông đã giải tán hết, chỉ còn Chúa Giêsu và người phụ nữ, Chúa đã nói với chị : « Tôi không lên án chị đâu ». Lời này đã làm cho chị ngạc nhiên và vui mừng. Đây là lời diễn ta tình thương bao la của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Qua ngòi bút của thánh sử Gioan, chúng ta thấy có sự đảo lộn về khái niệm. Ban đầu, xem ra chỉ có chị phụ nữ là người có tội, nhưng về sau, thì Chúa tỏ cho thấy, những kinh sư và biệt phái cũng là những tội nhân, và họ muốn thay quyền Thiên Chúa để xét đoán đồng loại. Việc họ dần dần bỏ đi cho thấy họ là những người còn mang nhiều tội lỗi.
 
Thiên Chúa là Đấng giải phóng con người. Ngôn sứ Isaia thét vang lên điều đó, vào lúc dân Do Thái đang chán chường bi quan trong cảnh lưu đày (Bài đọc I). Đoạn sách được đọc trong Chúa nhật thứ năm này được gọi là « Sách an ủi », vì nó truyền cho dân lưu đầy một nghị lực mới. Nghị lực này đến từ niềm tin vào Thiên Chúa. Dân Do Thái hy vọng vào sự can thiệp của Ngài. Họ chắc chắn sẽ được giải phóng để về lại quê hương. Vào lúc đó, đau khổ ê chề sẽ qua, sa mạc sẽ có suối nước, nước mắt sẽ không còn.
 
Nên lưu ý một chi tiết rất thú vị khi đọc tiếp Tin Mừng của thánh Gioan: nếu Chúa Giêsu cứu người phụ nữ khỏi bị dân ném đá, thì sau đó, cũng ở chương 8, người Do Thái lại định ném đá Người, nhưng Người lánh đi và ra khỏi Đền thờ (x. Ga 8,59). Họ muốn ném đá Chúa khi Người phê phán thói giả hình và sự cứng lòng của họ. Vâng, Chúa Giêsu là Đấng vô tội, đã mang lấy trên thân mình tội lỗi của muôn dân. Thập giá mãi mãi là một mầu nhiệm mà con người không thể suy thấu. Con Thiên Chúa chịu mọi khổ hình cho đến chết, chỉ vì yêu thương và muốn cứu độ con người. Trên cây thập giá, Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta.
 
Mùa Chay giúp ta suy tư về thân phận con người. Mùa Chay cũng nhắc chúng ta suy tư về tình thương của Thiên Chúa. Đức tin vào Chúa Giêsu Kitô sẽ cứu chúng ta khỏi chết. Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta như thế trong Bài đọc II. Một khi đã hiểu biết và đã gặp gỡ Chúa Giêsu trong đời mình, vị Tông đồ của chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất hết mọi sự, miễn là có được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Khi sám hối trong Mùa Chay, chúng ta được nghe Chúa nói: tôi cũng không lên án anh (hay chị, hay ông bà) đâu, hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa. Với lời Chúa, chúng ta được trở nên con người mới, bước sang một ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời. Chúa đã quên tội lỗi của chúng ta. Dù ta tội lỗi đến đâu, Người vẫn ở bên ta, để nâng đỡ và phù trợ với tình yêu thương của Người. Xin cho chúng ta cảm nhận được sự hiện diện kỳ diệu ấy. Amen.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên