Trần Trung Hậu, tác giả trẻ Diễn ca Kinh Thánh đương đại - Tác giả: Bùi Công Thuấn

Thứ hai - 06/03/2023 10:00      Số lượt xem: 393

Sách Châm Ngôn Kinh thánh diễn ca của Trần Trung Hậu đạt giải I bộ môn Thơ, Giải thưởng VHNT Đất Mới 2019. Anh cũng đạt giải khuyến khích các năm 2017, 2018, 2020 với tập thơ Kể chuyện Tin Mừng; Truyện thơ Kinh thánh; Xuất Hành Lục bát diễn ca (3102 cặp câu Lục bát). Những tác phẩm ấy đủ khẳng định Trần Trung Hậu là một tác giả trẻ trong dòng Diễn ca của văn học Công giáo đương đại.

 
 
 
 
Sách Châm Ngôn Kinh thánh diễn ca của Trần Trung Hậu đạt giải I bộ môn Thơ, Giải thưởng VHNT Đất Mới 2019. Anh cũng đạt giải khuyến khích các năm 2017, 2018, 2020 với tập thơ Kể chuyện Tin Mừng; Truyện thơ Kinh thánh; Xuất Hành Lục bát diễn ca (3102 cặp câu Lục bát). Những tác phẩm ấy đủ khẳng định Trần Trung Hậu là một tác giả trẻ trong dòng Diễn ca của văn học Công giáo đương đại.

Trong văn học dân tộc và văn học Văn học Công giáo truyền thống, Diễn ca là một thể loại đã có mặt khá lâu trong lịch sử. Xin đọc: Gia huấn ca của Nguyễn Trãi (1380-1442), Sấm truyền ca của Lm. Lữ Y Đoan (1670), Đại Nam quốc sử diễn ca (1870) của Lê Ngô Cát; Ca vè Cụ Sáu: Hiếu tự ca của Cụ Sáu Trần Lục (1825-1899); Sứ điệp tình thương (2001) của Lm Fx. Nguyễn Xuân Văn (9.764 câu thơ lục bát) và các sác diễn ca của Đỗ Quaqng Vinh (Diễm ca & Huấn ca; Châm ngôn diễn ca, Sáng Thế diễn ca, Sách Giảng viên diễn ca, sách Samuel diễn ca, Thánh vịnh diễn ca...). Trần Trung Hậu đã góp thêm vào kho tàng Diễn Công giáo một tác phẩm mang nhiều dấu ấn cá tính sáng tạo: Sách Châm Ngôn Kinh thánh Diễn ca.

Diễn ca là thể loại hướng đến công chúng bình dân để chia sẻ những kinh sách mà một thời người bình dân không có cơ hội đọc. Đối tượng của Diễn ca là công chúng nên lời thơ phải dễ hiểu, dễ nhớ và gần gũi. Vì thế Diễn ca thường sử dụng thể thơ lục bát với thi pháp ca dao, sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt của người bình dân. Lục bát dễ làm nhưng rất khó cho tác giả trong việc tìm vần, tạo nhạc để viết một bài ca dài. Phải là người có vốn từ giàu có, nhuần nhiễn về thi pháp Lục bát Ca dao, am tường Kinh thánh, rành rẻ thơ ca dân tộc mới có thể thành công khi viết Diễn ca.

Gọi là Diễn ca vì, tác giả không chỉ làm công việc "chuyển thể" văn xuôi thành thơ ca (riêng việc này đã rất khó), mà còn tham gia vào việc giảng giải ý nghĩa của nguyên tác. Người viết Diễn ca phải thuật lại trung thực nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của nguyên tác; và nếu được, giữ nguyên cấu trúc tác phẩm và ngôn ngữ của nguyên tác. Có vậy người đọc, qua Diễn ca, mới thẩm thấu được trọn vẹn cái hay cái đẹp của nguyên tác. Dù vậy, Diễn ca vẫn có thể mang dấu ấn của cá tính sáng tạo của tác giả. Người đọc có thể nhận ra sự khác biệt về nghệ thuật viết Diễn ca khi đọc Sách Châm Ngôn Diễn ca của Đỗ Quang Vinh và Sách Châm Ngôn Kinh thánh Diễn ca của Trần Trung Hậu.

Sách Châm Ngôn là sách Kinh thánh Cựu Ước. Sách gồm có 31 chương, được viết bởi nhiều tác giả khác nhau. Trong đó, phần lớn nội dung là của vua Sa-lô-môn. Các tác giả còn lại là A-gua con ông Gia-ke (Cn 30,1), vua Lơ-mu-ên (Cn 31,1), các bậc khôn ngoan (Cn 22,17; 24,23). Thời gian viết vào khoảng năm 970-500 TCN [1]. Đây là bộ sưu tập những câu châm ngôn răn dạy lẽ khôn ngoan - nghĩa là, cách ăn ở làm sao để phù hợp với ý của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh ở đời. Sách chứa đựng lẽ thật của Thiên Chúa.(wiki)

Chương I Sách Châm Ngôn giới thiệu:

"1 Đây là những châm ngôn của Sa-lô-môn, ông là con vua Đa-vít và là vua Ít-ra-en;2 Các châm ngôn này nhằm giúp con người biết lẽ khôn ngoan và nhận lời nghiêm huấn, hiểu được những lời lẽ thâm thúy cao sâu, 3 đón nhận lời nghiêm huấn để biết cách xử sự khôn ngoan: biết sống công bình, công minh và chính trực... 6 Người khôn ngoan hãy nghe để được thêm kiến thức; người hiểu biết hãy nghe, và sẽ tìm được lời hướng dẫn. 7 Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn" (Đề tựa tổng quát).

Sách Châm Ngôn là văn bản văn xuôi. Khi diễn thơ Sách Châm Ngôn, Trần Trung Hậu đã dùng cách viết "tài hoa". Tôi gọi cách diễn ca của Trần Trung Hậu là "tài hoa" bởi anh có những sáng tạo không bị gò bó vào văn bản văn xuôi của nguyên tác. Trần Trung Hậu tường thuật trung thực nội dung Sách Châm Ngôn, hiểu sâu sắc chủ đề, tư tưởng và nghệ thuật. Tất nhiên, có sự khác biệt thể loại, bút pháp, phong cách giữa nguyên tác văn xuôi và văn bản diễn ca bằng thơ. Chất "Tài hoa" của ngòi bút Trần Trung Hậu bộc lộ ở vẻ đẹp của ngôn ngữ tường thuật và ở những ý, tứ ở phần diễn giảng. Những ý, tứ phóng bút này có thể nằm ngoài văn bản của nguyên tác, nhưng người đọc vẫn chấp nhận được (vì bản Diễn ca vẫn bảo đảm được nội dung, tư tưởng, nghệ tuật của nguyên tác). Đây chính là "cái riêng" của ngòi bút Trần Trung Hậu. Vì thế, có thể đọc Sách Châm Ngôn Kinh thánh Diễn thơ của Trần Trung Hậu một cách thú vị, như đọc một tác phẩm biệt lập với nguyên tác.

Xin đọc: Chương 8,

Nguyên tác:


"Đức Khôn Ngoan trong công trình sáng tạo

22 "Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất.

23 Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất.

24 Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra.

25 Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra,

26 khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ. 27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm, 28 khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước vọt lên từ vực thẳm, 29 khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ, khi Người đặt nền móng cho đất.

30 Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, 31 vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.


Diễn ca:

Đức Khôn Ngoan trong công trình sáng tạo

22. "Chúa vừa khởi cuộc dựng nên
Thì ta cũng đã ở bên Người rồi.

23. Ta sinh từ thuở muôn đời
Khai nguyên khởi thuỷ, muôn loài trần gian.

24. Vực sâu nước chửa tuôn tràn
Thì ta đã có, luận bàn dở hay.

25. Núi non chưa được sắp bày
Gò đồi chưa có, đông tây mịt mùng.

26. Đồng không trơ trọi chẳng cùng
Thì ta đã có để cùng quản cai.

27. Chúa dựng trời đất đêm ngày
Ta đà ở đó, tỏ bày khôn ngoan.

28. Ngài làm kiên cố vững vàng
Vực sâu vững chắc lại càng có ta.

29. Cõi bờ ranh giới bao la
Định phần sau trước, vào ra tương đồng.

30. Ngày ngày bên Chúa vun trồng
Ta luôn khoái lạc thuận dòng thảnh thơi.

31. Bình an vui vẻ bên Người
Vui đùa con cái, cuộc đời thoả thuê.


Đối chiếu bản Diễn ca và nguyên tác Sách Châm Ngôn ở trên, bạn đọc sẽ nhận ra ngòi bút tài hoa của Trần Trung Hậu trong việc chuyển thể tác phẩm. Lục bát của Trần Trung Hậu lưu loát, tự nhiên, giản dị. Trần Trung Hậu chuyển thể từng câu, tường thuật trung thực nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. Nhưng đồng thời thêm vào phần diễn giải cho phù hợp nhạc luật Lục bát và bổ sung làm đầy ý nghĩa câu thơ.

Cũng xin lưu ý điều này: Lục bát đòi hỏi một vốn từ giàu có để dệt nên những câu thơ chuẩn về vần điệu, hoa mỹ về nhạc luật; đồng thời, việc diễn ca đòi hỏi một năng lực tư duy đặc biệt trong việc chuyển nghĩa, và chuyển thể loại (với các kiểu thi pháp khác nhau); vì thế, khi chuyển thể Sách Châm Ngôn, không phải Trần Trung Hậu không gặp khó.

Xin đọc: câu 26 & 27 ở đoạn trích trên:

Nguyên tác:


"26 khi Đức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.

27 Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm"


Diễn ca:

"26. Đồng không trơ trọi chẳng cùng
Thì ta đã có để cùng quản cai.

27. Chúa dựng trời đất đêm ngày
Ta đà ở đó, tỏ bày khôn ngoan."


Trong 2 câu này, Trần Trung Hậu chỉ diễn ca được ý chủ đề là: đức Khôn Ngoan đã có
trước tất cả những gì Thiên Chúa dựng nên, mà không tái hiện được những hình ảnh văn học của nguyên tác: "và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ"; "Người vạch một vòng tròn trên mặt vực thẳm". Điều này không giúp người đọc thưởng thức trọn vẹn những giá trị của nguyên tác.

Dù vậy, đọc trọn vẹn Sách Châm Ngôn Kinh thánh Diễn ca của Trần Trung Hậu mới thấy nỗ lực của tác giả là rất lớn, mới thấy phần đóng góp của tác giả vào kho tàng Diễn ca của văn học Công giáo là rất giá trị. Bạn đọc Công giáo cũng vui mừng vì có thêm một tài năng trẻ bước tiếp cha ông trong hành trình loan báo Tin Mừng bằng thơ ca, và góp phần làm phong phú nền văn học Công giáo trong dòng chảy của văn học dân tộc.

Chúng ta có quyền hy vọng về những tác phẩm lớn của Trần Trung Hậu, những tác phẩm đồ sộ về tầm vóc, đặc sắc cả về tư tưởng và nghệ thuật. Chẳng hạn Trần Trung Hậu đã trình làng Xuất Hành Lục bát diễn ca (giải khuyến khích, Đất Mới 2020). Diễn ca này có số lượng câu thơ Lục bát lớn hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du (Truyện Kiều dài 3254 câu thơ).

 
【Tháng 2/ 2023, Bùi Công Thuấn】

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 202
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 196
 
  •   Hôm nay 19,457
  •   Tháng hiện tại 1,115,523
  •   Tổng lượt truy cập 79,864,207