Sợi chỉ đỏ Chúa nhật II Mùa Vọng - Năm A

Thứ sáu - 02/12/2022 17:14      Số lượt xem: 389

Chủ đề: Xây dựng Nước Thiên Chúa trong công bình & bác ái


“Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa” (Mt,3,3)

Sợi chỉ đỏ:
- Ngôn sứ Isaia nói tiên tri về nền hòa bình trong Nước Thiên Chúa (Bài đọc I)
- Tv 71 cầu nguyện cho Nước hoà bình ấy mau đến (Đáp ca)
- Gioan Tẩy giả loan báo Nước ấy sắp đến (Tin Mừng)
- Thánh Phaolô dạy những công dân Nước Thiên Chúa phải sống thế nào (Bài đọc II)
 

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Lời Chúa trong Chúa nhật vừa qua hé mở cho chúng ta thấy một tương lai tốt đẹp đang sẵn chờ chúng ta, và kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức sẵn sàng để đón nhận nó. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ hơn tương lai tốt đẹp ấy chính là Nước Thiên Chúa. Trong Nước này, chính Thiên Chúa sẽ trực tiếp cai trị và mọi công dân sẽ sống rất hạnh phúc trong công bình và bác ái.
Trên cơ bản, Giáo Hội chính là Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên thực tế Giáo Hội vẫn chưa thực sự là Nước Thiên Chúa vì ở một số phương diện vẫn còn rất nhiều lỗi lầm sai sót. Bởi đó mỗi người trong Giáo Hội cần phải sám hối sửa đổi cuộc sống mình để Giáo Hội ngày càng xứng đáng là Nước Thiên Chúa hơn.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Công dân Nước Thiên Chúa phải phục quyền Thiên Chúa là vua của mình. Nhưng chúng ta thường không vâng phục Thiên Chúa.
- Công dân Nước Thiên Chúa phải sống hòa thuận với nhau. Nhưng chúng ta thường bất hòa với nhau.
- Công dân Nước Thiên Chúa phải tích cực xây dựng và mở mang Nước Thiên Chúa. Nhưng chúng ta rất thờ ơ với trách nhiệm này.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 11,1-10)
Với Isaia, chúng ta đang ở thế kỷ VIII trước Công nguyên. Khi ấy, dân Do Thái thất vọng chán chường về những ông vua đã và đang cai trị họ: chỉ lo cho bản thân và gia đình mình chứ không lo cho dân, xã hội đầy dẫy bất công, luân lý suy đồi, tín ngưỡng nguội lạnh...
Ðúng lúc đó Ngôn sứ Isaia lên tiếng tiên báo rằng sẽ có ngày Thiên Chúa sai Ðấng Messia của Ngài đến để thiết lập Nước Thiên Chúa:
- Ðấng Messia ấy sẽ sinh ra từ gốc tổ Giêsê. Ngài sẽ đầy tràn thần linh Thiên Chúa, tức là thần khôn ngoan, thông suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho dân Ngài biết kính sợ Thiên Chúa.
- Ngài sẽ xét đoán công minh, bênh vực người hiền lành, trừng trị những kẻ áp bức.
- Dân sẽ sống hoà thuận hạnh phúc: “sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau... trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc...”
2. Ðáp ca (Tv 71)
Thánh vịnh 71 diễn tả lời cầu xin của dân chúng cho triều đại ấy mau đến: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại Người cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng”.
3. Tin Mừng (Mt 3,1-12)
Gioan Tẩy giả cho biết Ðấng Messia mà ngôn sứ Isaia tiên báo sắp đến rồi và do đó Nước Thiên Chúa ấy cũng gần đến. Vậy mọi người hãy dọn đường cho Ngài. Dọn đường bằng cách:
- Sám hối từ bỏ tội lỗi
- Làm việc lành cho xứng với lòng sám hối ấy.
4. Bài đọc II (Rm 15,4-9)
Ðấng Messia chính là Ðức Giêsu. Nước Thiên Chúa mà Ngài thiết lập chính là Giáo Hội.
Thánh Phaolô dạy các kitô hữu, tức là những công dân trong Nước Chúa, phải sống với nhau như thế nào: thông cảm với nhau, tiếp rước nhau, phục vụ nhau.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Giấc mơ thời thái bình
Khi đọc sách lịch sử, hoặc đọc báo mỗi ngày, chắc hẳn là nhiều lần chúng ta phải xấu hổ vì mình đã làm người. Lịch sử loài người thế nào? Thưa là chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh. Bao nhiêu là chết chóc, bao nhiêu là sợ hãi, bao nhiêu là nước mắt. Một triết gia đã than: Homo homini lupus! (Con người là sói dữ của con người)
Các nhà du hành vũ trụ là những người đầu tiên được nhìn thấy trái đất từ bên ngoài. Từ ngoài vũ trụ nhìn vào, họ thấy trái đất như một gia đình đông đúc cùng cư ngụ trong một mái nhà chung. Một nhà du hành kể: ngày thứ nhất trong vũ trụ, mọi người chúng tôi ai cũng nhìn xuống tìm đất nước của mình; ngày thứ hai tìm lục địa của mình, và ngày thứ ba ai nấy đều ý thức mình cùng chung một trái đất.
Trên đây là hai cái nhìn vào trái đất và loài người: một cái nhìn từ bên ngoài và một cái nhìn từ bên trong.
Trong bài đọc I, Ngôn sứ Isaia cũng dùng một cái nhìn từ bên ngoài để mô tả cảnh thái bình mà ông nghĩ sẽ được thực hiện vào thời đại Messia: “Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm ngủ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô; trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc; các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào...”
Ðức Giêsu chính là Ðấng Messia. Khi Ngài đến, Ngài đã thiết lập thời đại thái bình ấy. Thánh Marcô kể rằng trong 40 ngày ở hoang địa, Ðức Giêsu đã sống chung một cách hòa thuận với các dã thú, và các thiên sứ hầu hạ Ngài (x. Mc 1,12). Giáo Hội thời sơ khai cũng là một cảnh thái bình. Sách Công vụ Tông đồ viết: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền thờ. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 3,44-47).
Nhưng rồi cảnh thái bình ấy đã dần dần biến mất: con người đối xử với nhau còn tệ hơn dã thú, thay vì chia sẻ cho nhau thì lại tranh dành với nhau, thay vì tất cả đồng tâm nhất trí thì mỗi người một ý không ai chịu ai... Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy nỗ lực tái tạo cảnh thái bình ngày xưa, ít ra là trong gia đình mình, trong khu xóm mình, trong tập thể mà mình đang sống.
2. Thông cảm, tiếp rước và phục vụ
Khi Thánh Phaolô muốn dạy các tín hữu phải sống với nhau thế nào để cộng đoàn Giáo Hội của họ thực sự là một cuộc sống hạnh phúc trong Nước Chúa, Ngài đã chỉ họ 3 việc: thông cảm nhau, tiếp rước nhau và phục vụ nhau.
- Thông cảm: phải chăng lý do khiến người ta buồn giận nhau, chỉ trích nhau, kết án nhau... là vì người ta không thông cảm cho nhau?
- Tiếp rước: phải chăng nguyên cớ của những cảnh “mạnh ai nấy sống”, “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, “sống chết mặc bay”... là vì người ta không tiếp rước nhau?
- Phục vụ: phải chăng nguồn gốc của những chèn ép, tranh dành, ích kỷ... là vì người ta không phục vụ nhau?
Thử tưởng tượng một tập thể mà ai nấy đều thông cảm, tiếp rước và phục vụ mọi người khác. Cảnh tượng sẽ chẳng kém gì giấc mơ thái bình của ngôn sứ Isaia và bức tranh tuyệt vời của cộng đoàn tín hữu sơ khai.
3. “Hãy dọn đường Chúa”
“Hãy dọn đường Chúa”, đó là lời Thánh Gioan Tiền hô kêu gọi.
Xin được phép gợi lên một vài suy nghĩ hơi thi vị về những con đường.
Thánh kinh có nói tới nhiều con đường:
- Con đường dân Do thái đã đi qua trong sa mạc: một con đường quanh co đi hoài đi mãi suốt 40 năm lang thang để tìm về Ðất Hứa.
- Con đường từ Giêrusalem xuống thành Giêricô: một con đường hiểm trở đầy những ổ phục kích của bọn cướp, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về một người lữ hành đi qua con đường đó bị bọn cướp đánh dở sống dở chết.
- Con đường của Chúa Giêsu và các tông đồ một lần kia đi ngang qua xứ Samaria ngoại đạo: một con đường đã bị chặn lại không cho đi vì những thành kiến thù nghịch giữa hai dân tộc.
- Con đường thập giá của Chúa Giêsu: một con đường khổ đau rải rác những giọt máu của Ðấng Cứu thế.
- Con đường về làng Emmau mà có lần sau phục sinh, hai môn đệ của Chúa Giêsu đã cùng Ngài sánh bước: một con đường mù sương che mắt khiến hai ông không nhận ra Thầy mình.
con đường là chính Chúa Giêsu: “Ta là Ðường, là sự thật và là sự sống”.
Những con đường trong Thánh kinh ấy, thực ra là hình bóng của những con đường trong đời người.
Trong cuộc đời, có:
- những con đường chăng dây kẽm gai: con đường của những kẻ thù hận nhau, nó ngăn chận những tương giao qua lại.
- những con đường đầy ổ phục kích: con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để khai thác nhau, lợi dụng nhau, làm hại nhau.
- những con đường hầm u tối: con đường của những kẻ lọc lừa, gian dối.
- những con đường quanh co trong rừng rậm: con đường của những kẻ lén lút sống trong vòng tội lỗi.
- những con đường gồ ghề lồi lõm: con đường của những kẻ mang một tật xấu thâm căn cố đế, hoặc kiêu căng, hoặc hà tiện, hoặc đam mê sắc dục...
- những con đường cỏ dại mọc đầy: con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ.
- những con đường sa mạc cát nóng: con đường của những kẻ khô khan việc đạo.
- và cũng có những con đường cái quan thẳng tắp: con đường bình an của những kẻ đạo hạnh, ngày càng tiến nhanh về Chúa.
Cuộc đời mỗi người chúng ta là một con đường: con đường hai chiều đưa ta đến với Chúa và Chúa đến với ta, hay đưa ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta.
Ðó chính là con đường mà Chúa Giáng Sinh muốn đi, đi để đến với ta, và qua ta để đến với tha nhân: đến để mang cho ta và cho anh em ta muôn ơn lành: ơn bình an, ơn hạnh phúc, ơn đạo hạnh.
4. Hội Thánh là tôi
* Hội Thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội Thánh có Lời Hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu để Chúa phải làm phép lạ mỗi ngày (ÐHV 264)
Nữ tu đời Ange Hattei, trong tác phẩm “Jesus Caritas” có thuật lại câu chuyện như sau:
Trước Công đồng Vaticanô II, một hôm có người bạn vô thần tôi yêu mến đã nhận định với tôi rằng: Hội Thánh là một thế lực tiền bạc, là điểm tựa của các nhà độc tài và đại tư bản. Ông ta thắc mắc về các vị lãnh đạo Hội Thánh độc đoán và phe phái, về các tín hữu tự cho mình là tốt mà hành động xấu xa, về các linh mục lo lắng thụ hưởng và làm giàu...
Tôi kiên nhẫn lắng nghe ông rồi nói: “Tôi đã làm gì mà anh hạ nhục tôi như vậy?”
Ông ta sừng sỏ bảo: “Tôi sỉ nhục cô ư? Nhưng tôi đâu có nói gì cô! Không nói gì cô mà cũng chẳng nói gì về một người bạn nào của cô cả, như linh mục X, hay chị Y chẳng hạn. Tôi nói đến Hội Thánh cách chung mà!”
Tôi trả lời: “Hội Thánh cách chung là tôi, Hội Thánh cách chung là tất cả những người mà anh chỉ trích, những kẻ mà anh loại trừ. Họ trộn lẫn với nhau một cách không thể phân ly được. Hội Thánh cách chung là họ, là tôi, là tất cả những người ấy”.
Ông bạn tôi từ đó không bao giờ còn thắc mắc với tôi về Hội Thánh. Và nhiều lần trước mặt tôi, ông còn tìm cách làm nổi bật những dấu hiệu tích cực về sự hiện diện của Hội Thánh trong thế giới này nữa. (ÐHY P.X Nguyễn Văn Thuận, Những người lữ hành trên Đường Hy vọng)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
Thánh Gioan Tẩy giả mời gọi người kitô hữu cố gắng làm nhiều việc lành phúc đức để chứng tỏ lòng thống hối thực sự và quyết tâm đổi mới đời sống. Với lòng sám hối chân thành, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện:
1. Hội Thánh không ngừng nhắc nhở các kitô hữu sám hối tội lỗi và canh tân đời sống/ để nên hoàn thiện như Cha trên trời./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi tín hữu/ biết luôn khiêm tốn lắng nghe/ và hết lòng thực hiện lời giáo huấn của Hội Thánh.
2. Ngày nay / tội ác vẫn hoành hành trên khắp thế giới/ tạo nên một bầu khí bất an/ đe dọa nếp sống yên lành của những người lương thiện./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi Kitô hữu/ biết nỗ lực sống thánh thiện/ để nêu gương sáng cho những người chung quanh.
3. Ngôn sứ Isaia đã mô tả một thế giới lý tưởng/ trong đó không còn hận thù/ không còn chiến tranh/ không còn những thảm cảnh đau lòng/ vì muôn loài muôn vật đều chung sống hòa bình với nhau./ Nhưng tiếc thay/ cho đến ngày hôm nay/ đó chỉ là một giấc mơ đẹp./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho ước mơ này sớm trở thành hiện thực/ để mọi người đang hiện diện trên trái đất/ đều sống trong an bình và hạnh phúc.
4. Thánh Gioan kêu gọi:/ “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta/ trong Mùa Vọng này/ biết can đảm dứa khoát với tội lỗi/ khôn ngoan xa lánh dịp tội/ cố gắng sửa chữa các tật xấu/ và nhất là quyết tâm làm nhiều việc thiện/ như giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh/ những ai đang đau khổ vì bệnh tật/ đang gặp hoạn nạn vì thiên tai.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha nhân ái, tất cả chúng con đang buồn sầu vì tội lỗi đã phạm. Chúng con hết lòng sám hối ăn năn. Cúi xin Chúa đoái thương thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, để xứng đáng đón mừng Ngôi Hai Con Chúa giáng trần. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha: Hôm nay khi cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy đặc biệt cầu xin cho “Nước Cha trị đến”.
- Sau kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin ban cho chúng con một lòng sám hối chân thành để chuẩn bị đón Con Cha lại đến. Xin đoái thương ban cho những ngày chúng con đang sống được bình an... đang khi chúng con đời chờ ngày hồng phúc, ngày Ðức Giêsu Kitô Ðấng cứu độ chúng con ngự đến”.
- Chúc bình an: Ngôn sứ Isaia viết “Trong ngày ấy, sói sống chung với chiên, beo nằm chung với dê...”, nghĩa là mọi người không ai làm hại ai, mọi người đều hòa thuận với nhau. Chúng ta hãy chúc cho nhau được hưởng sự hòa thuận đó.
- Trước rước lễ: “Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng mà thánh Gioan Tẩy giả giới thiệu cho chúng ta là Ðấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến...”
VII. GIẢI TÁN
Lời Chúa hôm nay kêu gọi chúng ta lo dọn đường cho Chúa đến. Trong tuần này, anh chị em hãy tích cực dọn đường cho Chúa đến với tâm hồn mình và với anh chị em mình.

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 167
  •   Máy chủ tìm kiếm 21
  •   Khách viếng thăm 146
 
  •   Hôm nay 1,568
  •   Tháng hiện tại 1,033,576
  •   Tổng lượt truy cập 79,782,260