Giáo lý cho Bài giảng Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A

Thứ sáu - 24/03/2023 09:45      Số lượt xem: 418

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các Chúa nhật theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

1
GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
 
LỜI CHÚA
 
Bài Ðọc I: Ed 37, 12-14
 
"Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống".
 
Bài trích sách Tiên tri Êdêkiel.
 
Ðây Chúa là Thiên Chúa phán: "Hỡi dân Ta, này Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel. Hỡi dân Ta, các ngươi sẽ biết Ta là Chúa, lúc Ta mở cửa mồ các ngươi, và kéo các ngươi ra khỏi mồ, Ta sẽ cho các ngươi thần trí của Ta, và các ngươi sẽ được sống, Ta sẽ cho các ngươi an cư trên đất các ngươi, và các ngươi biết rằng: Ta là Chúa, chính Ta đã phán và đã thi hành".
 
Ðó là lời Chúa.
 
 
 
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
 
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu; dám xin Chúa hãy lắng tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con.
 
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
 
2) Nếu Chúa con nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu.
 
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
 
3) Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con mong đợi Chúa con, hơn người lính gác mong trời rạng đông.
 
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
 
4) Hơn người lính gác mong hừng đông dậy. Israel đang mong đợi Chúa con: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ. Và chính Ngài sẽ giải thoát Israel cho khỏi mọi điều gian ác.
 
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng từ bi, và Chúa rất giàu ơn cứu độ.
 
 
 
Bài Ðọc II: Rm 8, 8-11
 
"Thánh Thần của Ðấng làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em".
 
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
 
Anh em thân mến, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
 
Ðó là lời Chúa.
 
 
 
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 11, 25a và 26
 
Chúa phán: "Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta, sẽ không chết đời đời".
 
 
 
Phúc Âm: Ga 11, 1-45
 
"Ta là sự sống lại và là sự sống".
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
 
Khi ấy, có một người đau liệt tên là Ladarô, ở Bêtania, làng quê của Maria và Martha. (Maria này chính là người đã xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Em trai bà là Ladarô lâm bệnh). Vậy hai chị sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
 
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm ném đá Thầy, mà Thầy lại trở về đó ư?" Chúa Giêsu đáp: "Một ngày lại chẳng có mười hai giờ sao? Nếu ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì người ta thấy ánh sáng mặt trời; nhưng kẻ đi ban đêm sẽ vấp ngã vì không có ánh sáng". Người nói thế, rồi lại bảo họ: "Ladarô bạn chúng ta đang ngủ, dầu vậy Ta đi đánh thức ông". Môn đệ thưa: "Thưa Thầy, nếu ông ta ngủ, ông sẽ khoẻ lại". Chúa Giêsu có ý nói về cái chết của Ladarô, nhưng môn đệ lại nghĩ Người nói về giấc ngủ. Bấy giờ Chúa Giêsu mới nói rõ: "Ladarô đã chết. Nhưng Ta mừng cho các con, vì Ta không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến nhà ông". Lúc đó Tôma, cũng có tên là Ðiđimô, nói với đồng bạn: "Chúng ta cũng đi để cùng chết với Người".
 
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. (Bêtania chỉ cách Giêrusalem chừng mười lăm dặm). Nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy, vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
 
Nói xong bà về gọi Maria em gái bà và nói thầm với em rằng: "Thầy ở ngoài kia, Thầy gọi em". Nghe vậy, Maria vội vàng đứng dậy và đi đến cùng Chúa. Vì lúc đó Chúa Giêsu chưa vào trong làng, Người còn đang đứng ở nơi Martha đã gặp Người. Những người Do-thái cùng ở trong nhà với Maria và an ủi bà, khi thấy bà vội vã đứng dậy ra đi, họ cũng đi theo bà, tưởng rằng bà đi ra khóc ngoài mộ. Vậy khi Maria đến chỗ Chúa Giêsu đứng, thấy Người, bà liền sấp mình xuống dưới chân Người và nói: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt đây, thì em con không chết". Khi thấy bà khóc nức nở và những người Do-thái theo bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức và xúc động. Người hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ. Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con, nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
 
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
 
Ðó là lời Chúa.
 
 
 
Phúc Âm: Ga 11, 3-7. 17. 20-27. 33b-45 (bài ngắn)
 
"Ta là sự sống lại và là sự sống".
 
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
 
Khi ấy, hai chị em của Ladarô sai người đến thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, người Thầy yêu đau liệt". Nghe tin ấy, Chúa Giêsu liền bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển".
 
Chúa Giêsu thương Martha và em là Maria và Ladarô. Khi hay tin ông này đau liệt, Người còn lưu lại đó hai ngày. Rồi Người bảo môn đệ: "Chúng ta hãy trở lại xứ Giuđêa".
 
Ðến nơi, Chúa Giêsu thấy Ladarô đã được an táng bốn ngày rồi. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con cũng sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".
 
Người xúc động và hỏi: "Ðã an táng Ladarô ở đâu?" Họ thưa: "Thưa Thầy, xin đến mà xem". Chúa Giêsu rơi lệ. Người Do-thái liền nói: "Kìa, xem Ngài thương ông ấy biết bao!" Nhưng có mấy kẻ trong đám nói: "Ông ấy đã mở mắt người mù từ khi mới sinh mà không làm được cho người này khỏi chết ư?" Chúa Giêsu lại xúc động; Người đi đến mộ.
 
Mộ đó là một hang nhỏ có tảng đá đậy trên. Chúa Giêsu bảo: "Hãy đẩy tảng đá ra". Martha là chị người chết, thưa: "Thưa Thầy, đã nặng mùi rồi vì đã bốn ngày". Chúa Giêsu lại nói: "Ta đã chẳng bảo con rằng: Nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" Thế là người ta cất tảng đá ra. Chúa Giêsu ngước nhìn lên và nói: "Lạy Cha, Con cảm tạ Cha đã nhậm lời Con. Con biết Cha hằng nghe lời Con. Nhưng Con nói lên vì những người đứng xung quanh đây, để họ tin rằng Cha đã sai Con". Nói rồi, Người kêu lớn tiếng: "Ladarô! Hãy ra đây!" Người đã chết đi ra, chân tay còn quấn những mảnh vải, trên mặt quấn khăn liệm. Chúa Giêsu bảo: "Hãy cởi ra cho anh ấy đi".
 
Một số người Do-thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, thì đã tin vào Người.
 
Ðó là lời Chúa.
 
 
 
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
 
Số 992-996: Mặc khải tiệm tiến về sự Phục Sinh
 
992   Việc kẻ chết sống lại đã được Thiên Chúa mặc khải dần dần cho dân Ngài. Niềm hy vọng vào sự sống lại về thân xác của những người chết đã phổ biến như một hệ luận nội tại của đức tin vào Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng toàn bộ con người, cả hồn cả xác. Đấng tạo dựng trời đất cũng là Đấng trung tín giữ Giao Ước của Ngài với tổ phụ Ápraham và dòng dõi ông. Chính trong hai viễn tượng [tạo dựng và giao ước] này, niềm tin vào sự phục sinh bắt đầu được biểu lộ. Trong những cơn thử thách của mình, các vị Tử Đạo nhà Macabê đã tuyên xưng:
 
“Bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Ngài sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7,9). “Thà chết vì tay người đời đang khi dựa vào lời Thiên Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Ngài cho sống lại” (2 Mcb 7,14).[1]
 
993   Những người Pharisêu[2] và nhiều người đương thời với Chúa[3] đã mong đợi sự phục sinh. Chúa Giêsu đã giảng dạy điều đó một cách xác quyết. Với những người Sađucêô phủ nhận sự phục sinh, Người trả lời: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao?” (Mc 12,24). Đức tin về sự phục sinh dựa trên đức tin vào Thiên Chúa, Đấng “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết nhưng là của kẻ sống” (Mc 12,27).
 
994   Hơn nữa: Chúa Giêsu kết hợp đức tin về sự phục sinh với Ngôi Vị riêng của Người: “Chính Thầy là sự Sống lại và là sự Sống” (Ga 11,25). Chính Chúa Giêsu sẽ làm cho sống lại trong ngày sau hết những ai đã tin vào Người[4] và những ai đã ăn Thịt và uống Máu Người[5]. Ngay bây giờ, Người đã đưa ra một dấu chỉ và một bảo chứng khi trả lại sự sống cho một số người đã chết,[6] như vậy Người loan báo sự phục sinh riêng của Người tuy sự phục sinh của Người thuộc một trật tự khác. Người nói về biến cố độc nhất này như dấu chỉ Jôna,[7] như dấu chỉ Đền Thờ[8]: Người loan báo sự phục sinh của Người ngày thứ ba sau khi Người bị giết[9].
 
995   Làm chứng nhân cho Đức Kitô là “làm chứng nhân về sự phục sinh của Người” (Cv 1,22)[10], là đã ăn, đã uống “với Người sau khi Người từ trong kẻ chết sống lại” (Cv 10,41). Niềm hy vọng Kitô Giáo về sự phục sinh được ghi dấu cách tuyệt đối bằng những cuộc gặp gỡ Đức Kitô phục sinh. Chúng ta sẽ phục sinh như Người, với Người và nhờ Người.
 
996   Ngay từ đầu, đức tin Kitô Giáo về sự phục sinh đã gặp những phản ứng không hiểu và chống đối.[11] “Trong đức tin Kitô Giáo, không có việc nào bị chống đối cách mạnh mẽ, dai dẳng, quyết liệt và hăng hái cho bằng vấn đề thân xác sống lại.”[12] Thông thường, người ta chấp nhận là sự sống của nhân vị, sau khi chết, được tiếp tục một cách thiêng liêng. Nhưng làm sao tin được rằng thân xác hiển nhiên là phải chết này lại có thể phục sinh vào đời sống vĩnh cửu?
 
Số 549, 640, 646: Những cuộc sống lại như là một dấu chỉ thiên sai tiên báo về Sự Phục Sinh của Đức Kitô
 
549   Khi giải thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát,[13] bất công,[14] bệnh tật và cái chết,[15] Chúa Giêsu đã thực hiện các dấu chỉ Người là Đấng Mêsia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều xấu khỏi trần gian này,[16] nhưng để giải thoát con người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi,[17] thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.
 
640   “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã sống lại rồi” (Lc 24,5-6). Trong các biến cố Vượt Qua, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống. Tự nó, điều này không phải là một bằng chứng trực tiếp. Việc thân thể Đức Kitô không còn trong mộ có thể được giải thích cách khác.[18] Dầu vậy, ngôi mộ trống vẫn là một dấu chỉ căn bản đối với mọi người. Việc phát hiện ngôi mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận chính sự kiện Sống lại. Trước hết đó là trường hợp của các phụ nữ thánh thiện,[19] rồi đến ông Phêrô.[20] Người môn đệ “Chúa Giêsu thương mến” (Ga 20,2), khi vào trong mộ và thấy “những băng vải để ở đó” (Ga 20,6), khẳng định rằng ông đã thấy và đã tin.[21] Điều này giả thiết rằng khi thấy ngôi mộ trống[22] ông đã nhận ra rằng việc thân thể Chúa Giêsu không còn đó không phải là một việc do người phàm và Chúa Giêsu đã không đơn thuần trở lại cuộc sống trần thế như trường hợp anh Lazarô.[23]
 
646   Sự Phục Sinh của Đức Kitô không phải là việc trở lại với cuộc sống trần thế, giống như trường hợp của những kẻ Người đã cho sống lại trước cuộc Vượt Qua: con gái ông Giairô, người thanh niên Naim, anh Lazarô. Các sự kiện này là những biến cố kỳ diệu, nhưng những người được hưởng phép lạ đó, nhờ quyền năng của Chúa Giêsu, chỉ trở lại với cuộc sống trần thế “thông thường.” Một lúc nào đó họ sẽ lại chết. Sự phục sinh của Đức Kitô thì hoàn toàn khác hẳn. Trong thân thể phục sinh của Người, Người chuyển từ trạng thái phải chết sang một sự sống khác vượt trên thời gian và không gian. Thân thể của Chúa Giêsu trong sự Phục Sinh đầy tràn quyền năng của Chúa Thánh Thần; thân thể này tham dự vào sự sống thần linh trong trạng thái vinh quang của Người, đến độ thánh Phaolô đã có thể nói Đức Kitô là một người thiên giới.[24]
 
Số 2603-2604: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trước khi cho Ladarô sống lại
 
2603   Các tác giả sách Tin Mừng giữ lại hai lời cầu nguyện minh nhiên của Đức Kitô trong thời gian Người thi hành tác vụ. Cả hai đều khởi đầu bằng lời tạ ơn. Trong lời nguyện thứ nhất,[25] Chúa Giêsu tuyên xưng, nhận biết và chúc tụng Chúa Cha vì Chúa Cha đã giấu các mầu nhiệm Nước Trời đối với những người tưởng mình khôn ngoan, nhưng lại mặc khải cho “những người bé mọn” (những người nghèo của các mối phúc). Sự rung cảm của Người, “Vâng, lạy Cha!” nói lên những gì tận đáy lòng Người, sự gắn bó của Người với “điều đẹp ý” Chúa Cha, như vọng lại lời “Xin vâng” của Mẹ Người lúc thụ thai Người, và như khúc dạo đầu cho lời Người sẽ thưa với Chúa Cha trong cơn hấp hối. Toàn bộ kinh nguyện của Chúa Giêsu đều chất chứa tâm tình gắn bó yêu thương của trái tim nhân loại của Người đối với “mầu nhiệm thánh ý” của Chúa Cha.[26]
 
2604   Lời cầu nguyện thứ hai được thánh Gioan[27] ghi lại vào lúc trước khi Ladaroo được cho sống lại. Lời tạ ơn đi trước biến cố: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con” hàm ý là Chúa Cha luôn nhận lời Người cầu xin; và Chúa Giêsu thêm ngay: “Con vẫn biết Cha luôn nghe lời Con” hàm ý Chúa Giêsu luôn nài xin Chúa Cha. Như vậy, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu, được khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn, mặc khải cho chúng ta biết phải cầu xin như thế nào: trước khi nhận được hồng ân, Chúa Giêsu đã gắn bó với Đấng ban ơn, cũng là Đấng tự ban mình trong các hồng ân của Ngài. Đấng ban ơn thì quý trọng hơn hồng ân bội phần, chính Ngài là “Kho tàng” và tâm hồn của Con Ngài quy hướng về chính Ngài; hồng ân chỉ là điều được “ban thêm”[28]. Lời nguyện “tư tế” của Chúa Giêsu[29] có một vị trí độc nhất vô nhị trong nhiệm cục cứu độ (lời nguyện này sẽ được suy niệm ở cuối Đoạn thứ nhất). Thật vậy, lời cầu nguyện này cho thấy kinh nguyện của Đức Kitô Thượng Tế luôn là lời cầu nguyện của ngày hôm nay, và đồng thời cũng dạy chúng ta cách cầu nguyện cùng Chúa Cha (vấn đề sẽ được bàn đến trong Đoạn thứ hai).
 
Số 1002-1004: Kinh nghiệm hiện tại của chúng ta về sự phục sinh
 
1002   Nếu thật sự là, Đức Kitô sẽ cho chúng ta phục sinh trong “ngày sau hết”, thì cũng thật sự là, một cách nào đó, chúng ta đã phục sinh với Đức Kitô rồi. Thật vậy, nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống Kitô hữu, ngay nơi trần thế, đã là sự tham dự vào cái Chết và sự Sống lại của Đức Kitô:
 
“Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu Phép Rửa, lại cùng được sống lại với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Người sống lại từ cõi chết… Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 2,12; 3,1).
 
1003   Được liên kết với Đức Kitô nhờ bí tích Rửa Tội, các tín hữu thật sự đã tham dự vào sự sống thiên quốc của Đức Kitô phục sinh[30], nhưng sự sống này còn “tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,3). Chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được “cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời” (Ep 2,6). Được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, chúng ta đã thuộc về Thân Thể của Người. Khi chúng ta được phục sinh vào ngày sau hết, “lúc đó”, chúng ta sẽ xuất hiện “với Người và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).
 
1004   Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Kitô”; vì vậy, phải tôn trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó phải chịu đau đớn:
 
“Thân xác… phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại; chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?… Anh em đâu còn thuộc về mình nữa… Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6,13-15.19-20).
 
Số 1402-1405, 1524: Thánh Thể và Sự Phục Sinh
 
1402   Trong một kinh nguyện cổ xưa, Hội Thánh tung hô mầu nhiệm Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Đức Kitô được rước lấy làm lương thực, việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người được nhắc lại, tâm trí được tràn đầy ân sủng, và bảo chứng cho vinh quang mai sau được ban cho chúng ta”[31]. Nếu bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà chúng ta được “tràn đầy ân phúc bởi trời”[32], thì bí tích Thánh Thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.
 
1403   Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[33]. Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông “Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian này qua đi”[34].
 
1404   Hội Thánh biết rằng giờ đây Chúa đã đến trong bí tích Thánh Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này còn bị che phủ. Chính vì vậy, chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể “đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con”[35], trong khi chúng ta khẩn nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”[36].
 
1405   Về niềm hy vọng lớn lao này, niềm hy vọng về trời mới đất mới, nơi công lý lưu ngụ cách chắc chắn[37], chúng ta không có bảo chứng nào vững chắc hơn và dấu chỉ nào được biểu lộ rõ ràng hơn, là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành, thì “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[38] và “chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”[39].
 
Số 989-990: Sự phục sinh của thân xác
 
989   Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[40]. Sự sống lại của chúng ta, cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:
 
“Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).[41]
 
990   Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận yếu đuối và phải chết của nó[42]. “Xác sống lại” có nghĩa là sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống.
 
 
 
[1] X. 2 Mcb 7,29; Đn 12,1-13.
 
[2] X. Cv 23,6.
 
[3] X. Ga 11,24.
 
[4] X. Ga 5,24-25; 6,40.
 
[5] X. Ga 6,54.
 
[6] X. Mc 5,21-43; Lc 7,11-17; Ga 11.
 
[7] X. Mt 12,39.
 
[8] X. Ga 2,19-22.
 
[9] X. Mc 10,34.
 
[10] X. Cv 4,33.
 
[11] X. Cv 17,32; 1 Cr 15,12-13.
 
[12] Thánh Augustinô, Enarratio in Psalmum 88, 2, 5: CCL 39,1237 (PL 37,1134).
 
[13] X. Ga 6,5-15.
 
[14] X. Lc 19,8.
 
[15] X. Mt 11,5.
 
[16] X. Lc 12,13-14; Ga 18,36.
 
[17] X. Ga 8,34-36.
 
[18] X. Ga 20,13; Mt 28,11-15.
 
[19] X. Lc 24,3.22-23.
 
[20] X. Lc 24,12.
 
[21] X. Ga 20,8.
 
[22] X. Ga 20,5-7.
 
[23] X. Ga 11,44.
 
[24] X. 1 Cr 15,35-50.
 
[25] X. Mt 11,25-27; Lc 10,21-22.
 
[26] X. Ep 1,9.
 
[27] X. Ga 11,41-42.
 
[28] X. Mc 6,21.33.
 
[29] X. Ga 17.
 
[30] X. Pl 3,20.
 
[31] Lễ Trọng kính Mình và Máu thánh Chúa Ki-tô, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 3 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 502.
 
[32] Kinh nguyện Thánh Thể I hay Lễ Quy Rô-ma, 96: Sách Lễ Rô-ma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 453.
 
[33] X. Lc 22,18; Mc 14,25.
 
[34] Didaché, 10, 6: SC 248,180 (Funk, Patres apostolici, 1, 24).
 
[35] Nghi thức Hiệp lễ, 126 [Lời nguyện sau kinh Lạy Cha]: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 472; x. Tt 2,13.
 
[36] Kinh nguyện Thánh Thể III, 116: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 465.
 
[37] X. 2 Pr 3,13.
 
[38] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3: AAS 57 (1965) 6.
 
[39] Thánh Inhaxiô thành Antiôkhia, Epistula ad Ephesios, 20, 2: SC 10bis, 76 (Funk 1,230).
 
[40] X. Ga 6,39-40.
 
[41] X. 1 Tx 4,14; 1 Cr 6,14; 2 Cr 4,14; Pl 3,10-11.
 
[42] X. St 6,3; Tv 56,5; Is 40,6.

Nguồn tin: hdgmvietnam.com


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 173
  •   Máy chủ tìm kiếm 16
  •   Khách viếng thăm 157
 
  •   Hôm nay 28,078
  •   Tháng hiện tại 1,014,995
  •   Tổng lượt truy cập 79,763,679