Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XXIV Thường Niên - Năm C

Thứ bảy - 10/09/2022 15:21      Số lượt xem: 616

Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C mời gọi suy niệm về tấm lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Người sẵn sàng tha thứ cho những kẻ tội lỗi biết sám hối:
“Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130: 3-4).


Xh 32: 7-11, 13-14:
Nhờ lời chuyển cầu tha thiết của ông Mô-sê, Thiên Chúa đã nguôi giận và tha thứ tội lỗi của dân.
1Tm 1: 12-17:
Thánh Phao-lô viện dẫn cuộc hoán cải của chính mình để làm chứng “tất cả lòng đại lượng” của Đức Ki-tô, Đấng “đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8: 34).
Lc 15: 1-10:
Chúa Giê-su trả lời cho lời phàn nàn của người Biệt Phái tại sao Ngài giao du với những người tội lỗi qua hai dụ ngôn ngắn: “Con chiên bị lạc đàn” và “Đồng bạc bị đánh mất”. Qua hai dụ ngôn này, Đức Giê-su hiện thân tấm lòng đầy xót thương của Thiên Chúa.
 CN 24 TN C 4
BÀI ĐỌC I (Xh 32: 7-11, 13-14)
Trong khi ông Mô-sê còn lưu lại trên núi, dân chúng bắt ép ông A-ha-ron đúc cho họ một vị thần linh mà họ có thể thấy và chạm được - loại thần linh mà các dân tộc chung quanh đang phụng thờ. Bản văn nhấn mạnh sự kiện con bê được đúc bằng bạc vàng do bàn tay con người, chỉ là một sản phẩm của các nghệ nhân, có tai mà không nghe, có miệng mà không nói, có mắt mà không thấy  (x. Tv 105: 19-20; 115: 5tt). Bản văn cũng nói đến “lễ hội” (32: 5) có thể hàm ý đến những nghi lễ cúng tế thần linh bắt chước những gì dân Do Thái thấy ở nơi các dân tộc chung quanh.
1. Cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (32: 7-10)
Thiên Chúa báo tin dữ cho ông Mô-sê và ngỏ ý muốn tiêu diệt dân phản nghịch, dân mà Ngài không còn gọi là “dân Ta” một cách thân tình nữa, nhưng là “dân ngươi” (32: 7) một cách xa lạ. Tội này quá nghiêm trọng, đáng bị trừng phạt bằng họa diệt vong. Nhưng vì công lao khổ nhọc của ông Mô-sê, Thiên Chúa hứa với ông Ngài sẽ làm nên một dân tộc khác, lớn hơn dân Do Thái, xuất từ ông để dân ấy thừa hưởng lời hứa (32: 10).
2. Lời chuyển cầu của ông Mô-sê (32: 13-14):
Ông Mô-sê tuy rất buồn giận dân, nhưng lòng thương của ông dành cho dân khiến ông không muốn dân bị hủy diệt. Ông chuyển cầu cho dân. Ông gợi lên hai lý do để xin Chúa tha thứ. Lý do thứ nhất, tiêu diệt dân có thể khiến cho người ta hiểu lầm lòng tốt của Thiên Chúa: người Ai Cập có thể lấy cớ đó mà rêu rao rằng “chính vì ác tâm mà Thiên Chúa đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất” (32: 12). Lý do thứ hai, tiêu diệt dân thì đi ngược lại với những lời Thiên Chúa đã hứa với các tổ phụ: “Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa, chúng sẽ thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (32: 33; x. St 22: 16-18).
Có lẽ hai lý do này không đủ làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cho bằng chính hành vi chuyển cầu của ông cho dân. Ông là một phàm nhân mà còn không muốn dân phải chết dù tội của dân đáng phải chịu như thế, Thiên Chúa lại không mở rộng lòng mà tha thứ cho dân sao? Vai trò chuyển cầu của ông Mô-sê cho toàn dân được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bộ Ngũ Thư: tại Ai Cập (x. Xh 5: 22-23; 8: 4; 9: 28; 10: 17), nhất là nơi hoang địa (x. Xh 32: 11-14, 30-32; Ds 11: 2; 14: 13-19; 16: 22; 21: 7; Đnl 9: 25-29), còn được nhắc lại ở Gr 15: 1; Tv 99: 6; 106: 23; Hc 45: 3, và báo trước vai trò chuyển cầu của Đức Giê-su sau này.
 
BÀI ĐỌC II (1Tm 1: 12-17)
Lời phát biểu chủ chốt trong đoạn trích này là “Đức Ki-tô đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi” (1: 15).  Trong tâm tình tri ân, thánh Phao-lô nhắc lại cho ông Ti-mô-thê, người môn đệ thân tín của mình, cuộc hoán cải của thánh nhân (x. Gl 1: 13-16; 1Cr 15:9; Ep 3: 8) và trình bày nó như mẫu gương cho những người khác. Nếu Thiên Chúa đã ban cho thánh nhân tràn đầy ân sủng, Thiên Chúa cũng ban tràn đầy ân sủng cho bất kỳ ai. Không ai tự coi mình là không thể sống sự sống của Đức Ki-tô.
Chúng ta không thể kỳ vọng lòng thương xót của Thiên Chúa tác động trong chúng ta, nếu chúng ta vẫn cứ cố chấp trong tội khi mà chúng ta biết đó là tội (x. Rm 2: 4). Thánh Phao-lô “đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1: 13). Chúng ta nhớ lại lời cầu nguyện của Đức Giê-su: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23: 34). Nhưng ngay cả khi không biết việc mình làm, thánh Phao-lô cũng ý thức rằng: “Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người” (1: 14). Chính đó là đức tin và đức mến mà hiện nay Đức Ki-tô đổ tràn đầy trên thánh nhân (x. Gl 2: 16; Rm 5: 15-20), vì “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2: 20).
Ân sủng Thiên Chúa ban đã là mẫu gương khuyến khích mọi người, và hiện nay chính là sứ vụ của thánh Phao-lô (1: 12; x. 2Cr 3: 5-6; 4: 1; 5: 18; 6: 3; Rm 11: 13; Cl 1: 7, 23), quyền năng của sứ vụ đến từ Thiên Chúa chứ không từ thánh Phao-lô (1: 12; x. 2Cr 12: 9; Pl 4: 13), đó là kể cho mọi người biết điều này, ngõ hầu họ cũng trải nghiệm cùng ân sủng tràn đầy như vậy.
Cuộc hoán cải của thánh Phao-lô làm chứng cho “tất cả lòng đại lượng” của Đức Ki-tô, Ngài sẽ không bao giờ ngừng theo đuổi chúng ta. Đấng yêu thương chúng ta là Đấng “đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta” (Rm 8: 34). Thánh Phao-lô hy vọng rằng thánh nhân sẽ là mẫu gương để không ai còn phải thất vọng. Chúng ta không thể giả vờ như thử không nhận ra tội lỗi tác hại như thế nào, để rồi vẫn cứ ở lỳ trong tội. Nhưng dù chúng ta đã làm bất kỳ điều gì, quá khứ của chúng ta đã như thế nào, Ngài vẫn một mực yêu thương chúng ta. Ngài đã hiến thân mình cho chúng ta và sẽ không bao giờ ngừng kêu mời chúng ta sám hối và tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài (1: 16; x. Rm 9: 33; 10: 11), nhờ đó chúng ta được vui hưởng cuộc sống đời đời với Ngài. Tư tưởng này khiến thánh Phao-lô cất lên lời ca ngợi Thiên Chúa bất diệt (Rm 1: 23), vô hình (Cl 1: 15) và duy nhất (Ep 4: 6).
Trong cuộc sống của mình, thánh Phao-lô luôn bày tỏ tình yêu kỳ diệu của Đức Ki-tô (1: 16), được lập đi lập lại như một điệp khúc trong thư gởi tín hữu Ê-phê-xô: “ngợi khen vinh quang của Người” (Ep 1: 6, 12, 14). Đó là kế hoạch của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại (Ep 1: 3-14). Đó là sứ điệp trọng tâm mà thánh Phao-lô muốn ông Ti-mô-thê bảo đảm thường hằng giảng dạy cho các cộng đoàn Ki-tô hữu khắp miền Ê-phê-xô.
 
TIN MỪNG (Lc 15: 1-10)
Trong chương 15 này, thánh Lu-ca kể lại ba trong số những dụ ngôn trong đó Chúa Giê-su mô tả niềm vui của Thiên Chúa khi thấy những người tội lỗi hối cải. Tin Mừng dạy rằng không ai bị loại ra ngoài ơn tha thứ của Thiên Chúa, vì thế những tội nhân có thể trở thành những người con yêu dấu của Thiên Chúa nếu họ ăn năn hối cải. Thiên Chúa ước mong những tội nhân hối cải đến mức mỗi một dụ ngôn này đều kết thúc với một điệp khúc kể về niềm vui lớn lao trên trời khi thấy một tội nhân hối hận ăn năn.
1. Những phàn nàn của người Biệt Phái (15: 1-3):
Đây không là lần đầu tiên những người thu thuế và những người tội lỗi năng lui tới với Đức Giê-su (15: 1; x. Mt 9: 10). Họ bị hấp dẫn bởi chính lời rao giảng của Đức Giê-su và tấm lòng rộng mở của Người đối với họ. Trái lại, những người Biệt Phái và các kinh sư vấp phạm vì thấy Chúa Giê-su giao du và bầu bạn với những người tội lỗi, những người mà chẳng những họ không chỉ khinh bỉ mà còn cấm không được giao thiệp để khỏi bị ô uế.
2. Câu trả lời của Đức Giê-su (15: 4-10):
Trước đây, Đức Giê-su đã gặp phải phản ứng bất bình như thế và đã trả lời ngắn gọn và đanh thép: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5: 31-32). Ở đây, Đức Giê-su phát biểu ý kiến của mình theo cách khác, gợi hình và cụ thể, qua ba dụ ngôn, hai dụ ngôn ngắn: “Con chiên bị lạc đàn” (15: 4-7), “Đồng bạc bị đánh mất” (15: 8-10) và một dụ ngôn dài: “Người Cha nhân hậu” (15: 11-32). Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay chỉ trích dẫn hai dụ ngôn ngắn: “Con chiên bị lạc đàn” (15: 4-7) và “Đồng bạc bị đánh mất” (15: 8-10).
Hai dụ ngôn ngắn này được gọi là “cặp dụ ngôn sinh đôi” vì có cùng một cấu trúc song song với nhau. Cả hai dụ ngôn đều bắt đầu với một câu hỏi giả thiết, một lời đáp trả khẳng định. Một cái gì đó “bị mất” (lập lại đến năm lần) mà người ta “đã tìm lại được” (sáu lần). Sau khi đã tìm lại được, người ta chia sẻ niềm vui với người chung quanh. Như vậy, cặp dụ ngôn sinh đôi này không quan tâm đến tới cách thức đã xảy ra sự mất mát; ngay cả việc tìm thấy cái đã mất cũng thuộc về quá khứ. Việc tìm kiếm ít được nhấn mạnh hơn là lời mời gọi cùng chia sẻ niềm vui cả ở dưới thế lẫn ở trên trời. Như thế, việc Chúa Giê-su thường giao du với các kẻ bị loại trừ được biện minh bởi hành động của Thiên Chúa. Và hai dụ ngôn này như muốn nêu lên cho các người Biệt Phái, các kinh sư và cả độc giả một câu hỏi: Các bạn có thể chung vui với Đức Giê-su khi thấy “những người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Ngài giảng” không?
3. Dụ ngôn: “Con chiên lạc bị lạc đàn” (15: 4-7)
Công việc của người chăn chiên tại xứ Pa-lét-tin là một công việc khó nhọc và nguy hiểm. Đồng cỏ thì hiếm. Cánh đồng cao nguyên ở giữa xứ chỉ rộng chừng vài dặm thôi, còn địa thế phần nhiều là những khe trũng dốc đứng và cảnh sa mạc hoang vu, chiên dễ đi lạc. Những người chăn chiên có tài theo dấu vết cách đặc biệt, có thể theo dõi dấu chân của một con chiên đi lạc hằng dặm qua núi đồi.
Tác giả của sách suy niệm “Hosanna” đã quảng diễn niềm vui của người chăn chiên khi gặp được con chiên bị lạc như sau: “Vui với tôi bạn nhé, tôi lại tìm thấy được tình yêu. Đôi mắt tôi không còn nhìn anh em với những thành kiến hẹp hòi. Lời nói tôi thôi làm bạn đau đớn. Tai tôi biết lắng nghe bạn trân trọng, cảm thông. Bàn tay tôi trong tay bạn, ấm nóng yêu thương nhiệt thành. Và tôi đến với bạn với cả tấm lòng của kẻ nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương. Người đặt tình yêu của mình trong hình ảnh bạn và trong đôi mắt tôi. Tạ ơn Chúa đã cho con hạnh phúc của người tìm lại được tình yêu bị lãng quên. Xin Cha cho con luôn biết gìn giữ, trân trọng tình yêu của Người”.
Phải chăng lời phát biểu của Đức Giê-su: “Hơn là chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” là một lời mỉa mai nhằm ngụ ý nhắn gởi đến các người Pha-ri-sêu và kinh sư, vì họ phải biết rằng không ai tự cho mình là công chính trước mặt Thiên Chúa mà tẩy chay và kết án người khác (x. Rm 3: 10tt), vì thế chính họ cũng cần hoán cải? Hay phải chăng đây là một cách nhấn mạnh tận mức, như trong chính dụ ngôn ở câu 4, giá trị khôn sánh của từng cá nhân đối với Thiên Chúa khi họ quay về với Ngài? Điều này không có nghĩa rằng Chúa Giê-su không đánh giá cao sự kiên trung bền vững của những người công chính. Người đơn giản nhấn mạnh niềm vui của Thiên Chúa và các thánh về sự hoán cải của người tội lỗi. Đây rõ ràng là lời kêu gọi ăn năn sám hối, đừng bao giờ nghi ngờ Thiên Chúa sẵn lòng tha thứ.
Công đồng Vatican II áp dụng dụ ngôn này vào phương cách các linh mục tiến hành công việc mục vụ của mình: “Linh mục hãy nhớ rằng mình phải tỏ cho các tín hữu và lương dân, cho người Công giáo và ngoài Công giáo thấy gương mặt tử tế và mục vụ của một thừa tác viên thật sự, phải minh chứng cho mọi người thấy chân lý và sự sống. Như mục tử tốt lành, linh mục còn phải đi tìm (x. Lc 15: 4-7) những người đã lãnh nhận phép rửa trong Giáo Hội Công giáo nhưng đã xao lãng không lãnh nhận các bí tích hay nhất là đã mất đức tin” (Vatican II, Lumen Gentium, 28). Tuy nhiên, mỗi một tín hữu cũng phải có chung một mối bận lòng này - được diễn tả một cách huynh đệ - đối với anh chị em của mình, đối với mọi người trên con đường tiến bước đến sự thánh thiện và ơn cứu độ.
4. Dụ ngôn: “Đồng bạc bị đánh mất” (15: 8-10)
Một người đàn bà chong đèn quét nhà moi móc tìm cho bằng được một đồng bị đánh mất rõ ràng là hình ảnh của một bà mẹ quê tần tảo chắt chiu từng đồng xu mà chúng ta thường gặp thấy ở bất kỳ đất nước nào. W. Barclay cung cấp cho chúng ta một lý do khác, một khía cạnh văn hóa thi vị như sau:
Tại Pa-lét-tin, dấu hiệu của một người phụ nữ có chồng là một chiếc vành trên đầu làm bằng mười đồng tiền nhỏ bằng bạc xâu lại với nhau bằng một sợi dây bạc. Trong nhiều năm, một cô gái làm lụng để dành cho đủ mười đồng tiền nhỏ đó, bởi vì xâu chuỗi tiền trên đầu của nàng cũng đánh giá ngang bằng chiếc nhẫn cưới. Khi nàng đã sắm được nó, thì nó là của riêng nàng, đặc biệt đến nỗi người khác không thể đoạt được của nàng, và nếu có đánh mất một đồng tiền nhỏ thì phải tìm kiếm nó như bất cứ người nào khác cũng làm thế khi đánh mất chiếc nhẫn cưới (Trích từ “Tin Mừng theo Thánh Lu-ca”, 191).
Tác giả “Hạt Giống Nẩy Mầm” đã suy niệm hai dụ ngôn ngắn này cách sâu xa như sau: “Thật cảm động thái độ ân cần của người chăn chiên đối với con chiên bị lạc: chỉ vì một con chiên nhỏ trong bầy một trăm con mà đành bỏ mọi việc để chỉ làm một việc là đi tìm nó, tìm thấy rồi thì vác nó trên vai, mời bạn bè và hàng xóm đến chung vui. Thái độ của người đàn bà mất tiền cũng thế: chỉ một đồng quan mà tìm rất cực khổ và kỹ lưỡng: thắp đèn quét nhà, moi móc, và cũng mời bạn bè hàng xóm chung vui khi tìm thấy. Nhưng cảm động hơn nữa là cảnh trên thiên đàng: ‘Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối’. Chúng ta hãy im lặng. Không cần suy nghĩ, chỉ chiêm ngưỡng, cảm xúc và cảm tạ tình thương vô biên của Chúa đối với tội nhân”.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 240
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 228
 
  •   Hôm nay 33,200
  •   Tháng hiện tại 1,065,208
  •   Tổng lượt truy cập 79,813,892