Trời ở đâu?

Thứ năm - 05/05/2022 23:26      Số lượt xem: 1191

Gần đây người ta kỷ niệm sự kiện hai phi hành gia Hoa Kỳ đổ bộ lên mặt trăng. Trong Tháng Tám chúng ta sẽ mừng lễ Đức Maria hồn xác lên trời. Thoạt tiên xem ra hai chuyện đó không có chi liên lạc với nhau. Tuy nhiên, khi nghĩ lại có người đặt ra câu hỏi này: Phải chăng khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác lên trời, Giáo Hội đã không mặc nhiên công bố Đức Maria là phi hành gia đầu tiên đó sao? Thế nhưng Người đã đi đến đâu, lên hành tinh nào? Làm sao sinh dưỡng và hô hấp trên đó được khi mà điều kiện áp lực và không khí ở các hành tinh hoàn toàn khác với địa cầu chúng ta?

 
hoi đáp sống đạo


Khi Đức Piô XII tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, chắc rằng Ngài không hề có ý định tặng huy chương “phi hành gia” cho Mẹ Chúa Cứu Thế đâu. Dĩ nhiên óc tò mò của chúng ta có quyền đặt ra thắc mắc. Chúng ta muốn biết Đức Maria bây giờ ở đâu, nhất là khi không phải chỉ có linh hồn Người được đem về trời mà cả thân xác nữa. Tiếc rằng không ai có thể trả lời thắc mắc ấy được. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của một từ mà chúng ta dùng hằng ngày, nhất là trong ngôn ngữ tôn giáo: đó là “trời”. Chúng ta mở đầu kinh nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta với những lời sau đây: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thế rồi, tiếng Việt của chúng ta cũng gọi Chúa là “Thiên Chúa”, Đức Chúa Trời. Vậy thì “trời” có nghĩa là gì?

Theo tôi nghĩ, quan niệm bình dân Việt Nam phần nào cũng giống quan niệm bình dân Do Thái khi chia vũ trụ thành ba tầng: tầng trên gọi là trời; tầng giữa là mặt đất, nơi chúng ta đang ở; còn tầng dưới là âm phủ, nơi dành cho người chết và ma quỷ. Dĩ nhiên, khoa học về không gian cận đại cho chúng ta thấy rằng cơ cấu vũ trụ phức tạp hơn quan niệm bình dân vừa nói. Trước tiên trái đất không còn là trung tâm vũ trụ nữa. Thứ đến bầu trời mà chúng ta thấy thực ra chỉ là khoảng không. Duy có một điều có lẽ còn đúng là địa ngục, theo nghĩa là càng đi sâu xuống mặt đất thì nhiệt độ càng gia tăng, do kinh nghiệm núi lửa mà đôi khi chúng ta nghe thấy đây đó. Thế thì có cần phải viết lại tất cả sách vở giáo lý cho hợp với không gian học hiện đại hay không? Tôi nghĩ là không cần, bởi vì ngôn ngữ đức tin của chúng ta không lệ thuộc vào quan điểm không gian thực nghiệm.

Như vậy khi nói rằng Chúa ở trên trời, chúng ta không có ý gán một chỗ cho Ngài hay sao?

Có thể là trong một vài tôn giáo họ có ý định như vậy. Tiếc rằng tôi chưa có thời giờ để tham khảo các tài liệu văn chương tôn giáo Việt Nam để tìm hiểu ý nghĩa của tiếng “trời”. Tôi có cảm tưởng tiếng “trời” ở Việt Nam có vẻ hàm hồ, theo nghĩa là không những tiếng “trời” chỉ nơi ở của các thần thánh (tỉ như Ngọc Hoàng ở thiên cung), nhưng tiếng “trời” còn chỉ chính Đấng tối cao nữa, tỉ như người ta gọi: Ông Trời, Trời ơi! Còn quan niệm Kinh Thánh thì khác: đôi khi chúng ta gặp thấy hình ảnh trời như là ngai toà của Thiên Chúa, nhưng Kinh Thánh thâm tín rằng chính Ngài dựng nên trời đất. Ngài đã hiện hữu trước khi có trời đất. Và nói cho cùng Ngài chẳng ngự ở đâu cả bởi vì Ngài không có hình hài thân xác.

Nếu vậy khi nói rằng “Lạy Cha chúng con ở trên trời” là chúng ta nói sai hay sao?

Không phải là chúng ta nói sai nhưng là nói không đúng lắm. Tiếc rằng chúng ta không thể làm cách nào khác hơn, bởi vì bao lâu chúng ta còn sống trên trần gian này, đầu óc chúng ta còn bị lệ thuộc vào không gian và thời gian. Bởi vậy, khi nói về Thiên Chúa chúng ta cần phải hình dung Ngài với một hình ảnh nào đó, ví dụ như một cụ già đầu tóc bạc phơ; và phải chọn một chỗ nào đó cho Ngài ở. Thành thực mà nói, biết tìm một chỗ nào khác cao trọng hơn là trời? Dĩ nhiên ở đây chúng ta không hiểu rằng Ngài ngự trên tầng mây, song chúng ta chỉ có ý muốn nói rằng Ngài vượt xa chúng ta vạn bội. Chúng ta là phận hèn ở dưới đất, gần sát bụi tro, còn Ngài là Đấng cao sang vô ngần.

Nói như vậy thì quan niệm về Thiên Chúa của đạo chúng ta đâu có gì khác quan niệm của các tôn giáo khác?

Có điểm khác chứ, khác xa lắm. Tuy luôn luôn tuyên xưng rằng Thiên Chúa cách xa chúng ta muôn vàn trùng như khoảng cách giữa trời với đất, nhưng đồng thời đức tin Kitô gíao cũng dạy rằng có một cây cầu đã được bắc ngang khoảng cách ấy. Thực ra trong Kinh Tin Kính chúng ta đọc rằng: “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Nghĩa là chính Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế và ở giữa chúng ta và đưa chúng ta về trời. Nói khác đi, trong nhiều tôn giáo khác, việc lên trời chỉ là một mộng tưởng ngạo nghễ, tựa như bài dân ca Việt Nam “Bắc thang lên hỏi ông trời”. Còn đức tin Kitô giáo ghi nhận đó là lý lẽ duy nhất về niềm hy vọng của con người. Đức Kitô đã từ trời xuống thế để đem chúng ta về trời với Ngài.

Nhưng đem về trời là đem về đâu?

Như đã nói trên, xin thú thực là không ai trả lời được câu hỏi này. Đàng khác, chúng ta đừng quên là thân xác con người khi đã sống lại sẽ không bị chi phối bởi điều kiện thời gian và không gian như hoàn cảnh chúng ta hiện nay. Khi đọc Phúc Âm tả lại điều kiện thân xác của Đức Kitô sau khi phục sinh, chúng ta thấy rằng thân xác của Ngài không còn bị giới hạn bởi trọng lực, thể chất: Ngài có thể đi vào một phòng cửa đóng then cài, và Ngài biến đi lúc nào không ai hay biết. Vả lại, chúng ta cũng đừng nên quên rằng khoa học không gian hiện đại, tuy không còn coi trái đất là trung tâm vũ trụ nữa, nhưng cũng không coi vũ trụ này là duy nhất. Có thể là còn có nhiều vũ trụ khác nữa xa tít mù mà các dụng cụ quan sát không gian hiện đại chưa thể khám phá ra. Biết đâu thân xác chúng ta sau khi sống lại sẽ được đem lên các vũ trụ ấy? Dĩ nhiên đây chỉ là lối nói chơi mà thôi, bởi vì Kinh Thánh không đặt nặng vấn đề đó. Điều quan trọng của việc lên trời là ở chỗ chúng ta được ở bên Chúa, được sống trong tình yêu với Ngài, và không bao giờ sợ mất Ngài nữa.

Nhưng khi nói rằng việc lên trời hệ tại việc ở bên cạnh Chúa, như vậy có hồn lên trời là đủ rồi, cần chi phải có thân xác nữa?

Đồng ý, chỉ cần có hồn là đủ. Tuy nhiên tôi nghĩ việc tuyên xưng thân xác sẽ sống lại và lên trời ở bên Chúa là một điểm đặc trưng của Kitô giáo. Tiếc rằng chúng ta chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của tín điều đó. Khác với một số tôn giáo khác coi thể xác hay vật chất là đồ xấu xa tội lỗi, Kitô giáo tuyên xưng rằng thân xác con người được cấu thành bởi vật chất sẽ được thông hưởng đời sống thần linh. Đó là một cái nhìn hết sức lạc quan về thân xác và vật chất. Sự xấu xa không phải hệ tại vật chất, nhưng là hệ tại ý muốn của chúng ta không biết sử dụng vật chất theo ý muốn của Thiên Chúa. Còn vật chất tự nó là tốt và có thể giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa, giúp chúng ta nên thánh. Đây là một điểm mà chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều và rút ra những kết luận thực hành. Người Kitô hữu không làm tôi vật chất nhưng cũng không khinh chê nó. Họ lãnh nhận nó như món quà Chúa ban và tìm cách sử dụng nó như dụng cụ đưa về với Ngài.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.

Nguồn tin: daminhvn.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 233
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 227
 
  •   Hôm nay 43,707
  •   Tháng hiện tại 1,075,715
  •   Tổng lượt truy cập 79,824,399