Cha già lại té ngã

Thứ tư - 10/05/2023 06:38      Số lượt xem: 392

Trong sự cô đơn, tôi có cơ hội nhìn lại bản thân mình hơn, nhìn lại hành trình ơn gọi của mình. Tôi nhận ra rằng linh mục yếu đuối hơn người thường rất nhiều. Chẳng phải chỉ có cha già mới dễ té ngã, mà người trẻ như tôi cũng té ngã bao lần

Cha
 
Mỗi năm, vào dịp lễ Chúa Chiên Lành – cầu cho Ơn Thiên Triệu, tôi thường hay viết những bài để chia sẻ với các bạn đang có ý định sống đời dâng hiến một "kinh nghiệm rất nhỏ bé" trong hành trình ơn gọi của tôi. Năm nay cũng vậy, xin gửi tặng các bạn bài tùy bút này, kèm với thông điệp: "Ơn gọi rất mong manh, và chúng ta có thể té ngã bất cứ lúc nào. Vậy khi té ngã, ai sẽ là người nâng chúng ta dậy?

Cha già lại té ngã. Đây là lần thứ n cha té ngã rồi. Còn nhớ những ngày đầu khi tôi vừa đến đây, lần đầu tiên tôi chứng kiến cha té ngã, tôi xót ruột xót gan vô cùng. Vừa mới ăn cơm xong, đang khi tôi rửa chén thì nghe tiếng cha bề trên gọi: Martino, cha Andrea ngã rồi! (Martino là tên của tôi ở Ý). Tôi vội vàng bỏ dở việc, chạy ra phụ cha bề trên đưa cha già vào phòng. Tôi hoang mang khi thấy ngài vừa té ngã mà ngủ ngon lành, nằm queo trong góc thang máy, ngáy khò khò. Cha bề trên giải thích rằng ngài nghiện rượu và thường xuyên uống rượu trong phòng. Hôm nay ngài lại uống say, nên sau cơm trưa, đang khi trở về phòng thì ngài ngủ ngục và té ngã, mặt đập vào nền, bầm tím. Sáng hôm sau xuống nhà cơm, ngài hỏi tôi sao mặt ngài lại bầm tím. Tôi nói: "Chắc tại cha rửa mặt chưa sạch!"

Rồi tôi bắt đầu cũng quen dần với việc chứng kiến cha già té ngã. Nếu té ngã vì say rượu thì không nói, nhưng rất nhiều lần té ngã vì nhiều nguyên nhân rất ngớ ngẩn. Mới hôm lễ Giáng Sinh đây chứ đâu có lâu, vừa giảng lễ xong, cha già lụ khụ bước khỏi bục giảng, vấp chân vào thảm, té ngã, đầu đập vào chân bàn thờ túa máu. Giáo dân hoảng hốt nhưng vẫn cứ đứng đàng xa nhìn, chẳng ai lại gần. Rồi thì người ta cũng phải đưa ngài đi cấp cứu thôi. Thánh lễ dang dở, một cha già khác lụ khụ bước lên bàn thờ tiếp tục thánh lễ. Sau khi từ nhà thương trở về, cha cười tươi như chưa có chuyện gì xảy ra. Đầu bị cạo láng o để người ta khâu vá vết thương, cha lấy tay rờ rờ trên đầu chỗ có băng bó, rồi nói với tôi trong ánh mắt tràn đầy niềm vui: "Quà của Chúa Hài Đồng!"

Mới bữa hổm, cha già than bị đau lưng. Thế là cha bề trên đưa ngài đi bệnh viện. Xương sống của ngài đã bị thoái hóa và cong lại như con tôm, khiến gù xuống trông như những người già ở nông thôn bị còng lưng vì cày ruộng. Cha già bị còng lưng không phải vì cày ruộng mà vì suốt cả một đời cúi đầu, bái gối trước Thánh Thể, lưng vì thế cũng còng đi và ngài không còn đứng thẳng lên được nữa. Những ngày cha bị cơn đau hành hạ, tôi chẳng bao giờ thấy ngài than thở, hoặc cau có. Lúc nào ngài cũng thể hiện thái độ vui vẻ và đầy năng lượng. Cũng vì đau xương khớp nên ngài phải ngồi xe lăn. Và từ ngày ấy, số lần té ngã của ngài tăng lên gấp bội. Mới bữa tôi và cha bề trên đang làm việc, bỗng nghe tiếng ghế di chuyển và tiếng động mạnh đập xuống trên nền nhà, chưa kịp nhận ra đó là tiếng động gì thì bà bếp hốt hoảng chạy lên báo cha già lại té ngã. Tôi cũng chạy lên xem giúp gì cho ngài được không thì thấy ngài đang cầm khăn tự lau máu đang chảy ra từ mặt, ướt đẫm. Xe cứu thương đến đưa đi bệnh viện cấp cứu. Hơn 11g đêm họ đưa ngài về. Tôi đẩy ngài vào phòng, lấy chút đồ ăn cho ngài. Vừa ăn, ngài vừa nói với tôi trong ánh mắt sáng rực, dù rất đau: "Người ta khâu 6 mũi luôn đó!" Nhìn vào mặt ngài, tôi xót ruột. Mắt bầm đen thui, phía trên chân mày đầy bông băng và máu.

Vậy đó, tưởng Chúa sẽ cất bớt gánh nặng nỗi đau thể xác cho ngài vì những lời cầu nguyện khẩn thiết của tôi, ai mà có dè, mới sáng nay, đang khi tôi chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cha, cha bề trên lại báo đêm qua cha già lại té ngã gãy tay. Bệnh viện lại chào đón ngài. Trở về nhà với bàn tay băng bó, cha vẫn cố tự ăn một mình mà không cần người giúp. Tôi lại gần, đưa ngón tay cong queo của tôi cho cha xem rồi nói: "Cha nhìn nè, hai cha con mình giống nhau rồi." Cha già lại cười rồi nói: "Ờ, quà của Chúa!"

Thật cho đến lúc này, tôi chẳng hiểu vì sao Chúa lại gửi tôi đến đây để sống với các cha già. Một đứa thích bay nhảy, thích vui chơi đây đó, một linh mục trẻ trâu, ngựa non háu đá như tôi, vốn chỉ thích thể hiện bản thân mình qua những hoạt động sôi nổi, thích sinh hoạt với giới trẻ, thiếu nhi, thích làm việc ở nơi ồn ào náo nhiệt, thích vận động mà chẳng chịu ngồi yên, giờ chẳng hiểu vì sao "Chúa lại bắt phải sống" trong bầu khí buồn tẻ giữa các cha già khụ, bệnh tật, giữa một thành phố không một bóng người Việt, giữa bầu khí phụng vụ mà hằng ngày chỉ có bốn ông bà già đi lễ trong đền thờ mênh mông rộng. Hai người trong số họ thì mắt kém. Hai người còn lại một thì đi xe lăn, một thì tai điếc. Cả năm trời chưa từng thấy một trẻ em nào đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Tất cả những điều đó là một thách thức cực kỳ lớn với tôi.

Những ngày đầu khi đến đây tôi vật vả với chính bản thân mình, cực nhọc trong việc học ngôn ngữ, căng thẳng trong việc thích nghi với văn hóa, môi trường và con người nơi đây. Nhưng có lẽ chật vật nhất là phải sống làm sao để được các cha già đón nhận và yêu thương. Các cha vốn là những người gốc Đức, được đào tạo trong nề nếp chuẩn mực và ngặt nghèo. Chính vì thế, đời sống của các ngài cũng khuôn khổ đến nỗi người ta sẽ cảm thấy chết ngộp trong bầu khí của tu viện. Tôi bức bối, bực bội, cảm thấy như bị cầm tù. Thế là tương quan giữa tôi và mọi người trở nên nặng nề. Tôi như đứa trẻ câm điếc, làm gì cũng có người đi kèm, kiểm tra. Muốn nói mà đâu nói được. Biết nói đâu mà nói. Nhiều khi bực tức muốn cãi lại điều gì đó mà cũng không thể. Ngôn ngữ của họ, suy nghĩ của họ, mình chỉ là kẻ ngoại lai. Rồi văn hóa, lối sống, ý thức hệ, thức ăn khác biệt... tất cả những thứ ấy làm cho bệnh tình của tôi trở nên trầm trọng. Bệnh đau đầu lại tái phát. Bệnh đại tràng lại âm ỉ đau. Có những lúc tôi muốn hét thật lớn để nổ tung mọi áp lực đang bủa vây tôi.

Nhưng rồi chính bầu khí linh thiêng, yên bình của nơi đây, chính những giây phút một mình trong cô đơn, cô độc trước Thánh Thể, chính những khi không còn ai bên cạnh, không thể chia sẻ với ai, và cũng chẳng ai hiểu mình, tôi nhanh chóng nhận ra lời mời gọi của Chúa. Trong sự cô đơn, tôi có cơ hội nhìn lại bản thân mình hơn, nhìn lại hành trình ơn gọi của mình. Tôi nhận ra rằng linh mục yếu đuối hơn người thường rất nhiều. Chẳng phải chỉ có cha già mới dễ té ngã, mà người trẻ như tôi cũng té ngã bao lần. Tất nhiên, tôi không té ngã theo nghĩa đen, nhưng biết bao lần tôi té ngã vào những đam mê thú vui xác thịt dục vọng, bao lần té ngã vào vật chất tiền bạc, bao lần lao mình để tìm kiếm danh vọng địa vị như con thiêu thân dẫu biết những thứ đó sẽ giết chết ơn gọi của mình nhưng cũng cố đâm đầu vào. Té ngã và sống trong tội lỗi như thế nhưng ngày ngày vẫn chai mặt giảng dạy cho giáo dân mà chẳng cảm thấy tự hổ thẹn với lương tâm của mình. Nếu như cha già té ngã, phải ba bốn người mới nâng cha dậy được; vậy thì một linh mục té ngã và đắm mình trong những đam mê dục vọng, tiền bạc, quyền lực thì cần bao nhiêu người để nâng linh mục đó trỗi dậy?

Càng buồn hơn, những ngày này, trên mạng xã hội đâu đâu cũng thấy người ta chửi các linh mục. Nào là linh mục giả, nào là linh mục sống trá hình. Biết bao nhiêu sì-can-đan của linh mục này chống đối chánh quyền, của giám mục kia làm chánh trị, của giáo phận nọ rạn nứt mối tương quan giữa chủ chăn với giáo dân. Giáo dân cũng vì thế mà hùa nhau chửi bới, kiện cáo, đòi quyền lợi, nói rằng phải lên tiếng, phải nhân danh Chúa để khử trừ những "ông cha" không xứng đáng... Điều đó còn chưa đáng buồn và xấu hổ cho bằng chính các linh mục, tu sĩ lại "đấu tố" nhau trên mạng xã hội bằng những "bút chiến" và có kèm theo hình ảnh và video minh họa. Bằng mọi cách phải tìm kiếm cho bằng được các thông tin mật, những lỗi phạm càng to càng tốt; mà nếu không tìm được lỗi gì thì lôi quá khứ ra, lôi những video từ 800 năm trước, vào một lúc nào đó người ta vạ miệng, hay cắt ghép nội dung để lên án, tố cáo, với lý do rất chính đáng nhân danh làm chứng cho Chúa, bảo vệ công lý, bảo vệ tính trong sạch của hàng giáo sĩ...

Vậy đấy! Đâu phải chỉ cha già mới té ngã, mà nhiều linh mục khác cũng té ngã khi đang còn trẻ, đang còn sức. Họ không té ngã vì thên xác yếu đuối bệnh tật, nhưng họ té ngã vì sa vào cạm bẫy của ma quỷ.

Hôm qua trời trong xanh, trong người cũng cảm thấy thoải mái và bình yên chút sau những ngày vất vả học tập, tôi vác máy ảnh đi chụp ảnh. Mùa xuân nơi đây hoa lá khoe sắc, chim muôn ca hát ríu rít cũng làm lòng thanh thản. Mới chụp được vài ba tấm ảnh thì tôi thấy một số bạn trẻ đang chơi bóng chuyền. Thế là máu "ngựa ngựa" nổi lên, tôi cất máy vào ba lô rồi vào chơi bóng với họ. Thì cũng biết mình đã già, cũng biết sức mình đã cạn nên tôi khởi động kỹ lưỡng và chơi rất nhẹ nhàng kèm với câu nói với chúng: "Tôi coi vậy chứ già rồi đó!" Và sau một pha nhảy lên đập bóng, chân vừa chạm đất thì tôi cũng kịp phát hiện chứng rối loại nhịp tim tái phát. Tim đập loạn xạ, mắt nổ đom đóm trắng xóa, người toát mồ hôi như tắm, tay chân lạnh toát, tôi loạng choạng bước vào góc sân nghỉ ngơi. Tự bắt mạch máu nơi cổ tay, thấy vẫn còn mạch nhưng tim thì đập nhanh quá mức. Tôi té vật ra đất, thở hổn hển như người sắp chết. Một lần nữa rờ xem mạch đập ổn chưa thì tôi không còn thấy mạch nữa. Bỗng nhiên nỗi sợ hãi tràn đến trong trí. Tôi ăn năn tội cách trọn và xin Chúa tha thứ cho những lỗi phạm của mình. Chỉ trong giây phút ngắn ngủi sợ hãi trước cái chết, tôi như nhìn lại tất cả quá khứ của bản thân mình. Chẳng thấy điều chi tốt lành và công trạng, chỉ toàn là tội lỗi và yếu hèn. Tôi chẳng biết xin gì khác hơn ngoài xin lòng thương xót Chúa phủ kín linh hồn tôi. Thế nhưng trong chốc lát, một sức mạnh vô hình thúc tôi trỗi dậy. Tôi lại cố gượng dậy và lê từng bước về nhà. Tạ ơn Chúa, sau khi nghỉ ngơi, nhịp tim đã trở lại bình thường. Rồi tôi tự nói với Chúa mà cũng là nói với chính mình: Xin cho con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí thật khôn ngoan.

Phải rồi, phải thật khôn ngoan để nhận ra ơn gọi của mình là một cuộc đáp trả thánh ý Chúa không ngừng nghỉ. Khôn ngoan để nhận ra đâu là cạm bẫy mà ma quỷ giăng mắc khắp nơi, thậm chí chúng hiện diện trong chính những việc làm xem ra rất tốt lành và đạo đức. Khôn ngoan để luôn nhìn mọi biến cố dù tốt xấu trong lăng kính đức tin, để trước khi lên án người khác, tôi biết tự lên án chính bản thân mình. Phải thật khôn ngoan để nhận ra rằng mình chẳng bao giờ mạnh mẽ và vững vàng, mình có thể té ngã bất cứ lúc nào cả về thể xác và đời sống nội tâm. Vì thế, đừng cậy vào sức mình, tốt nhất, hãy cậy vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Những ngày này, khi mà không khí ngày lễ Chúa Chiên Lành – Ngày cầu nguyện cho ơn gọi Thiên Triệu tràn ngập khắp mọi nơi, lòng tôi cứ bồi hồi mỗi khi nhìn lại ơn gọi của mình. Có đi nước ngoài mới thấy ơn gọi ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Máu Các Thánh Tử Đạo xưa đã ướt đẫm trên mảnh đất này. Thế nên giờ đây chắc rằng các ngài cũng vui lòng nhìn thấy hoa trái mọc lên chính nơi mình đã nằm xuống. Tuy vậy, trong số vô vàn ơn gọi nảy nở như nấm mọc sau mưa, được bao nhiêu ơn gọi có một tấm lòng chân thành muốn dâng hiến đời mình cho Chúa? Được bao nhiêu ơn gọi giữ được lòng trung thành đến hơi thở sau cùng? Được bao nhiêu ơn gọi dám hy sinh đánh đổi cuộc đời của mình để phụng sự Chúa? Được bao nhiêu ơn gọi vì yếu đuối mà té ngã, đã biết can đảm và khiêm nhường để đứng lên làm lại cuộc đời và ơn gọi của mình? Và bao nhiêu người té ngã nhưng rồi không còn khả năng để trỗi dậy?

Tôi cứ lăn tăn mãi, chẳng biết rồi đời mình sẽ đi về đâu và mình có thể đừng vững trong hình trình ơn gọi đến bao giờ.

Cha bề trên gọi tôi chuẩn bị mở cổng và xe lăn để người ta đưa cha về. Đưa cha vào phòng, tôi hỏi cha muốn ăn gì không, cha nói cha ăn một chút. Sau khi ăn xong, ngài nói lấy cho ngài thứ gì đó gần chỗ bồn rửa mặt nhưng tôi không hiểu. Ngài nói tiếng Đức tôi không hiểu, xong đổi qua tiếng Ý tôi cũng không hiểu. Thế là tôi lần lượt giơ hết mọi thứ chỗ bồn rửa mặt xem ngài muốn lấy cái nào, nào là bàn chải, khăn lau mặt, xà phòng... tất cả ngài không chịu. Cuối cùng chỉ còn cái búi rửa chén. Tôi giơ cho ngài và ngài gật đầu. Ngài nói tôi nhúng nước rồi mang lại cho ngài. Chưa kịp hiểu ngài làm gì với cái búi rửa chén thì tôi chết trân khi nhìn thấy ngài dùng cái búi rửa chén đó để lau những vết máu còn loang lỗ trên khuôn mặt tím bầm. Lau xong, ngài nói tôi lấy cho ngài cái gương. Nhìn vào trong gương, thấy khuôn mặt bầm tím của mình và chằng chịt những vết khâu vá ngay vết thương, ngài cười rồi nói: Che bello! – nghĩa là: Nó rất đẹp! Tôi không biết diễn tả cảm xúc của mình như thế nào nữa. Chỉ biết rằng ánh mắt tôi bỗng nhòe đi và cổ họng nghẹn ứ. Tôi ngước mắt lên trần nhà vì sợ những giọt nước mắt sẽ trào ra. Rồi tôi tự hỏi mình: "Chúa ơi, không biết con có đủ cam đảm và lạc quan như cha già này, để ngang qua những khổ đau, cô đơn của đời linh mục, ngang qua những lần té ngã đau đớn ê chề của thể xác và linh hồn, con có thể nhận ra đó là ân sủng của Chúa và khi nhìn vào những vết thương nơi thể xác và linh hồn mình, con có thể thốt lên rằng: Ôi! Thật là đẹp!"

Tác giả bài viết: 【Lm. Mar – Aug Bùi Văn Hồng Phúc, SSS】

Nguồn tin: www.vanthoconggiao.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 213
  •   Máy chủ tìm kiếm 86
  •   Khách viếng thăm 127
 
  •   Hôm nay 8,807
  •   Tháng hiện tại 1,040,815
  •   Tổng lượt truy cập 79,789,499