Hiệp thông tháng 8/2021

Thứ bảy - 31/07/2021 22:13      Số lượt xem: 1544

Hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện và chia sẻ những mối bận tâm trên hành trình đức tin như nối kết với Thiên Chúa và xây dựng tình hiệp nhất với nhau trong gia đình Giáo phận.

HIỆP THÔNG THÁNG TÁM
1. Ý nguyện 
- Ý cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng 
Ý nguyện truyền giáo: Giáo hội.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội, xin cho Giáo Hội đón nhận từ nơi Chúa Thánh Thần ân sủng và sức mạnh, hầu canh tân đổi mới dưới ánh sáng Tin Mừng.
 
- Ý cầu nguyện của Giáo phận 
Tháng kính Mẫu tâm Maria,
cầu xin có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ
 “Toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có bổn phận cổ võ các ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống Kitô hữu trọn vẹn; các gia đình và cả các giáo xứ góp phần quan trọng vào việc đó: những gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình. Các giáo chức và tất cả những ai, bằng bất cứ cách nào, lo việc giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nhất là những Hội đoàn Công giáo, phải chú tâm đào luyện các thanh thiếu niên được ủy thác cho mình, để họ có thể nhận ra ơn thiên triệu và sẵn lòng bước theo. Mọi linh mục phải hết sức nêu cao lòng nhiệt thành Tông đồ để khích lệ các ơn thiên triệu và lôi cuốn tâm hồn các thanh thiếu niên đến chức linh mục, bằng chính đời sống cá nhân khiêm nhượng, cần mẫn, vui tươi, cũng như bằng tình tương thân tương ái và cộng tác huynh đệ giữa các linh mục”.
(Trích: Sắc lệnh đào tạo linh mục, số 2). 
Làm việc tháng: Đọc Kinh Cầu Trái Tim Đức Mẹ, 3 Kinh Kính Mừng và Kinh Đức Mẹ Sầu Bi.
 
2. Ngày lễ đặc biệt
- Ngày 15/8: Lễ Đức Mẹ Hồn Và Xác Lên Trời – Lễ trọng
- Ngày 18/8: Lễ giỗ Đức cố Giám mục Phêrô Maria Khuất Văn Tạo (1977)
 
3. Ngày Chầu Mình Thánh thay Giáo phận
- Ngày 01/8, Chúa Nhật XVIII Thường Niên: Xứ Đông Côn, xứ Cô Tô và họ Tam Cửu
- Ngày 08/8, Chúa Nhật XIX Thường Niên: Xứ Đạo Dương, xứ Lão Phú và họ Lộng Khê
- Ngày 15/8, Chúa Nhật XX Thường Niên: Xứ Nhân Nghĩa, xứ thánh Phêrô (Đồng Xá) và họ Lập Lễ
- Ngày 22/8, Chúa Nhật XXI Thường Niên: Xứ Trung Nghĩa, xứ Nhan Biều và xứ Ninh Dương
- Ngày 29/8, Chúa Nhật XXII Thường Niên: Xứ Cửa Ông, xứ Nghĩa Xuyên và họ Hạ Đồng
 
4. Cùng nhau học Giáo Lý 
- Chúa Nhật XVIII Thường Niên (01/8):
 
165. Hỏi: Hội thánh có đặc tính là thánh thiện theo nghĩa nào?
Thưa: Hội thánh có đặc tính thánh thiện, vì Thiên Chúa chí thánh là tác giả của Hội thánh. Đức Kitô đã tự nộp mình vì Hội thánh, để thánh hóa Hội thánh và làm cho Hội thánh có khả năng thánh hóa. Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Hội thánh bằng tình yêu. Trong Hội thánh có tất cả các phương tiện cứu độ. Sự thánh thiện là ơn gọi của từng người trong Hội thánh và là mục đích của mọi hoạt động của Hội thánh. Trong Hội thánh có Đức Trinh Nữ Maria và rất nhiều vị thánh là gương mẫu và là những đấng chuyển cầu cho Hội thánh. Sự thánh thiện của Hội thánh là suối nguồn cho sự thánh hóa các con cái mình, những người đang sống trên trần gian, tất cả đều tự nhận mình là kẻ tội lỗi và luôn cần sám hối và thanh tẩy. 
 
166. Hỏi: Tại sao Hội thánh được gọi là Công giáo?
Thưa: Hội thánh có đặc tính là công giáo, nghĩa là phổ quát, vì Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh. “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu, ở đó có Hội thánh Công giáo” (Thánh Inhaxiô Antiôkia). Hội thánh loan báo sự toàn diện và toàn vẹn của đức tin. Hội thánh gìn giữ và quản lý tất cả các phương tiện cứu độ. Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và mọi nền văn hóa của họ.
 
- Chúa Nhật XIX Thường Niên (08/8):
 
167. Hỏi: Giáo hội địa phương có phải Công giáo không?
Thưa: Mỗi Giáo hội địa phương (nghĩa là một giáo phận hoặc giáo khu) đều là công giáo, được hình thành bởi cộng đoàn các người Kitô hữu, cùng hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích với Giám mục của họ, là người được tấn phong trong chuổi kế nhiệm tông truyền, và với Giáo hội Rôma là giáo hội “đứng đầu về mặt đức ái” (thánh Inhatiô Antiôkia). 
 
168. Hỏi: Ai thuộc về Hội thánh Công giáo?
Thưa: Tất cả mọi người, dưới nhiều hình thức khác nhau, đều thuộc về hay hướng đến sự hợp nhất công giáo của dân Thiên Chúa. Người hoàn toàn thuộc về Hội thánh Công giáo là người, nhận được Thánh Thần của Đức Kitô, kết hợp với Hội thánh bằng các dây liên kết là việc tuyên xưng đức tin, các Bí tích, sự hướng dẫn của giáo phẩm và sự hiệp thông. Những người đã được Rửa tội nhưng không thực hiện đầy đủ sự hợp nhất Công giáo thì cũng hiệp thông một cách nào đó, tuy là hiệp thông không trọn vẹn, với Hội thánh Công giáo.
 
- Chúa Nhật XX Thường Niên (15/8):
 
169. Hỏi: Hội thánh Công giáo liên hệ với dân Do Thái như thế nào?
Thưa: Hội Thánh Công giáo công nhận liên hệ của mình với dân Do Thái vì Thiên Chúa đã tuyển chọn dân này, trước tất cả mọi dân khác, để đón nhận Lời Ngài. Chính dân Do Thái “được Thiên Chúa nhận làm con, được Ngài cho thấy vinh quang, ban tặng các Giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ, và chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5). Khác với các tôn giáo khác không thuộc Kitô giáo, đức tin Do Thái đã là lời đáp trả cho Mạc khải của Thiên Chúa trong Giao Ứơc Cũ. 
 
170. Hỏi: Liên hệ giữa Hội thánh Công giáo với các tôn giáo ngoài Kitô giáo như thế nào?
Thưa: Trước hết, đó là mối liên hệ về nguồn gốc và cứu cánh chung của toàn thể nhân loại. Hội thánh Công giáo nhìn nhận những gì tốt lành và chân thật trong các tôn giáo khác đều xuất phát từ Thiên Chúa. Đó là một tia phản chiếu chân lý của Ngài. Điều này có thể chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng và thúc đẩy đến sự hợp nhất nhân loại trong Hội thánh của Đức Kitô.
 
- Chúa Nhật XXI Thường Niên (22/8):
 
171. Hỏi: Câu khẳng định “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” có nghĩa gì?
Thưa: Câu này muốn nói rằng ơn cứu độ xuất phát từ Đức Kitô-là-Đầu thông qua trung gian là Hội thánh, thân thể Người. Những ai biết rằng Hội thánh được Đức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ mà không muốn bước vào hay không muốn gắn bó với Hội thánh, thì sẽ không được cứu độ. Ngoài ra, nhờ Đức Kitô và Hội thánh Người, những người, không vì lỗi mình mà không biết Tin Mừng của Đức Kitô và Hội thánh Người, nhưng chân thành đi tìm Thiên Chúa và dưới ảnh hưởng của ân sủng, cố gắng thực hiện ý Thiên Chúa qua sự hướng dẫn của lương tâm, vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời.
       
172. Hỏi: Tại sao Hội thánh phải loan truyền Tin Mừng cho toàn thế giới?
Thưa: Bởi vì Đức Kitô đã truyền cho Hội thánh: “Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Mệnh lệnh này của Chúa có cội nguồn là tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, Đấng đã sai phái Con và Thánh Thần Ngài, vì Ngài “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4).
 
- Chúa Nhật XXII Thường Niên (29/8):
 
173. Hỏi: Thế nào là Hội thánh truyền giáo?
Thưa: Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, suốt dòng lịch sử, Hội thánh tiếp tục sứ vụ của chính Đức Kitô. Vì vậy, các người Kitô hữu phải loan báo cho mọi người Tin Mừng đã được Đức Kitô mang đến, khi bước theo cùng một con đường như Người, tức là sẵn sàng hy sinh, thậm chí đến chỗ tử đạo.
   
174. Hỏi: Tại sao Hội thánh có đặc tính tông truyền? 
Thưa: Hội thánh có đặc tính tông truyền căn cứ vào nguồn gốc của mình, vì Hội thánh được “xây dựng trên nền tảng các Tông đồ” (Ep 2,20); căn cứ vào giáo lý là giáo huấn của các thánh Tông đồ; và căn cứ vào cơ cấu của mình, vì Hội thánh được xây dựng, thánh hóa và hướng dẫn cho đến ngày Chúa lại đến, bởi các thánh Tông đồ, nhờ những vị kế nhiệm các ngài là các Giám mục hiệp thông với vị kế nhiệm thánh Phêrô.
(Trích Lịch Công Giáo Giáo phận Hải Phòng)
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 7 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 7 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 318
  •   Máy chủ tìm kiếm 74
  •   Khách viếng thăm 244
 
  •   Hôm nay 37,704
  •   Tháng hiện tại 1,024,621
  •   Tổng lượt truy cập 79,773,305