Tại sao ông Giuse được gọi là công chính?

Thứ sáu - 18/03/2022 06:24      Số lượt xem: 2707

“Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

cong chinh
1/ Những ai chủ trương ông đã nghi ngờ bà Maria ngoại tình thì giải thích “công chính” theo nghĩa là tôn trọng luật pháp (công minh chính trực). Nếu người vợ (dù chỉ mới đính hôn) phạm tội ngoại tình, thì chồng buộc phải từ hôn (xc. Đnl 22, 23-27). Ông ta có quyền lựa chọn một trong hai thủ tục như đã nói. Trường hợp này, ông Giuse chọn thủ tục tư riêng, bởi vì không muốn làm mất thanh danh của vợ. Như vậy, ông vừa tuân hành luật pháp, vừa tôn trọng sự công bằng với bà vợ (xét vì ông chưa nắm vững các tình tiết của câu chuyện).

2/ Tuy nhiên, các nhà chú giải cận đại muốn đào sâu vấn đề hơn nữa, nghĩa là tìm hiểu ý nghĩa của từ “công chính” (dikaios) theo truyền thống Kinh Thánh. Hạn từ “công chính” được sử dụng nhiều lần trong Tin Mừng Matthêu, áp dụng cho những người mong chờ Thiên Chúa thực hiện những lời hứa (Mt 13,17; 23,29), hoặc cho các môn đệ sẽ được gia nhập Nước Thiên Chúa (Mt 13,43.49; 25,37.46). Thực vậy, theo Kinh Thánh, người công chính là kẻ đi theo đường lối của Chúa, như sách Khôn ngoan đã liệt kê những gương mẫu ở chương 10 (4-20): Noe, Abraham, Lot, Giacop, Giuse. Thánh vịnh ca ngợi người công chính vì họ sẽ lãnh được đất hứa (Tv 37,29), họ sẽ tươi tốt như cây dừa (Tv 92,12), họ sẽ được ánh sáng Chúa chiếu rọi (Tv 112,4).

Trong bối cảnh này, ông Giuse được gọi là “công chính” bởi vì ông mong đợi Chúa thực hiện những lời hứa. Ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì Chúa muốn để hoàn tất chương trình của Người. Dự tính muốn bỏ bà Maria cách kín đáo không phải chỉ do sự tôn trọng luật pháp hay tôn trọng danh dự của bà thúc đẩy, nhưng còn có cái gì sâu xa hơn nữa. Ta có thể ví với thái độ của những người đối diện với một mầu nhiệm cao cả: họ thụt lùi lại vì kính sợ, tựa như ông Môsê đã cởi dép khi tiến đến bụi gai cháy rực (St 3,5), tựa như ông Isaia thất kinh khi diện kiến Thiên Chúa cực thánh (Is 6,5), tựa như ông Simon sau khi chứng kiến mẻ lưới lạ thường (Lc 5,8). Ông Giuse được biết là bà Maria “có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần”, vì thế ông không dám chiếm hữu người con không phải là của mình. Vì thế ông toan tính rút lui.

Để củng cố thêm cho sự giải thích vừa rồi, Cha Ignace de La Potterie nhận xét rằng cần phải xét lại các bản dịch cổ truyền. Thay vì “ông Giuse là người công chính không muốn tố giác bà”, cần phải dịch là “ông Giuse là người công chính không muốn tiết lộ [mầu nhiệm], quyết định rời bỏ bà kín đáo”. Động từ deigmatisai (ít được sử dụng trong tiếng Hy-lạp) tự nó chỉ có nghĩa là “thông báo, nói cho biết, đưa ra ánh sáng” (theo sự giải thích của Eusêbiô Cêsarêa), và tuỳ theo mạch văn mà thay đổi ý nghĩa: có thể là “tố cáo, tố giác” (điều xấu), “bày tỏ, tiết lộ” (điều tốt). Ông Giuse được bà Maria tâm sự về sự cưu mang do quyền năng Thánh Thần, và ông không dám tiết lộ mầu nhiệm này.
 
Trích: Sứ Mạng Thánh Giuse Trong Cuộc Đời Chúa Kitô & Hội Thánh
Lm. Phan Tấn Thành, O.P

 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 232
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 228
 
  •   Hôm nay 28,669
  •   Tháng hiện tại 1,060,677
  •   Tổng lượt truy cập 79,809,361