Suy niệm chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XXII Thường Niên năm B

Thứ tư - 25/08/2021 17:43      Số lượt xem: 1348

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXII nầy đều quy hướng về một đề tài chung: những huấn lệnh của Thiên Chúa là quy luật sống cho mỗi người tín hữu.

Đnl 4: 1-2, 6-8
Lề Luật diễn tả sự khôn ngoan và thánh thiện của Thiên Chúa; mỗi người phải lắng nghe và sống.
Gc 1: 17-18, 21b-22, 27
Người tín hữu không chỉ đón nhận Lời Chúa nhưng còn phải thực hành Lời Chúa trong đời sống nữa.
Mc 7: 1-8, 14-15, 21-23
Người ta không được thay thế những huấn lệnh của Thiên Chúa bằng những quy tắc phàm nhân, bởi vì những quy tắc phàm nhân xem việc tuân giữ bên ngoài là quan trọng, thì những huấn lệnh Thiên Chúa biến đổi con người từ bên trong.

BÀI ĐỌC I (Đnl 4: 1-2, 6-8)
Tác phẩm nầy chủ yếu được cấu thành bởi diễn từ của ông Mô-sê, được đặt vào trong bối cảnh hư cấu, trong đó ông Mô-sê ngỏ lời với dân Do thái trước khi họ tiến vào Đất hứa, để cảnh giác họ coi chừng những nguy hiểm đang rình rập họ khi sống ở giữa môi trường ngoại giáo và khẩn khoản kêu mời họ trung thành tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa. Thật ra, con cái Ít-ra-en đã định cư ở đất Ca-na-an từ lâu rồi; họ đã để cho mình bị quyến rủ bởi việc phụng thờ các thần linh của dân bản địa rồi; họ cũng đã để cho mình bị tiêm nhiễm bởi lối sống duy vật, dễ dãi, thậm chí sa đọa.
Bối cảnh hư cấu nầy cho phép trình bày một bài giáo lý đích thật về Giao Ước, được đặt dưới sự bảo lãnh của ông Mô-sê và mặc lấy cung giọng khuyên bảo khẩn thiết.
1. Lề Luật là nguồn sống:
“Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe…” (4: 1a). Với diễn ngữ thời gian: “Giờ đây”, tác giả muốn nói rằng Lề Luật được công bố không phải chỉ cho các tiền nhân, nhưng cho thế hệ hôm nay, những người đang nghe Lề Luật của Chúa. Biểu thức: “Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe”, được lập đi lập lại trong sách Đệ Nhị Luật, thường nhất được dùng một cách tuyệt đối, không có túc từ: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en” (Đnl 5: 1; 6: 4; 9: 1; 20: 3; 27: 9). Kinh nguyện hằng ngày của người Do thái bắt đầu với lời mời gọi này: “Hãy nghe, hỡi Ít-ra-en”, được mượn ở Đnl 6: 4-9.
Điều mà bản văn Đệ Nhị Luật nầy nhắm đến là cuộc sống của dân Ít-ra-en với tư cách dân Giao Ước. Không tuân giữ Lề Luật đồng nghĩa với việc vi phạm Giao Ước, tức là đánh mất những phúc lộc mà Thiên Chúa hứa ban. Vì thế, tiếp liền ngay sau những lời nầy là: “Như vậy, anh em sẽ được sống và sẽ được vào chiếm hữu miền đất mà Đức Chúa, là Chúa của cha ông anh em, ban cho anh em” (4: 1b). Việc thực hành các huấn lệnh gắn liền với niềm xác tín rằng Thiên Chúa đảm bảo cho họ một cuộc sống trường thọ và thịnh vượng. Vào thời điểm nầy, những viễn cảnh vẫn còn bị giới hạn trong chân trời trần thế; những hy vọng ở bên kia nấm mồ chưa được dự kiến.
Đối với dân Ít-ra-en, việc tuân giữ các huấn lệnh của Thiên Chúa là vấn đề sống chết. “Thế phải chọn lựa” này được đặt ra nhiều lần một cách nghiêm túc: “Anh em không được theo những thần khác trong số các thần của các dân chung quanh anh em, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, Đấng ở giữa anh em, là một vị thần ghen tương; hãy coi chừng kẻo Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, nổi cơn thịnh nộ với anh em và tiêu diệt anh em” (Đnl 6: 14-15) hay còn: “Nhưng nếu chẳng may anh em quên lãng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà theo các thần khác, phụng thờ và sụp lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh cáo anh em: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong” (Đnl 8: 19).
Những hoàn cảnh lịch sử đã đem lại cho thế chọn lựa nầy tính cách bi thảm. Quả thật, có thể nghĩ rằng sách Đệ Nhị Luật, trong cấu trúc đầu tiên của nó, được các tư tế của vương quốc phương Bắc soạn thảo. Với tư cách những chứng nhân về những tội bất trung của dân Ít-ra-en, họ đã đưa ra lời mời gọi như cơ hội cuối cùng. Ấy vậy, vào năm 721 trước Công Nguyên vương quốc phương Bắc bị các đạo quân Át-sua triệt hạ. Vài tư tế trốn thoát được lánh nạn sang vương quốc phương Nam và đem theo bản văn của mình. Bản văn nầy được cất dấu trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào triều đại Mơ-na-sê, vị vua vô đạo (687-642 tCn.), bị quên lãng một thời gian dài và sau cùng được khám phá vào lúc trùng tu Đền Thờ. Lúc đó, nó được dùng làm nền tảng cho cuộc cải cách tôn giáo của vua Giô-si-gia-hu (622 tCn.). Bản văn này đã được duyệt xét lại và bổ túc. Đây là điều mà người ta gọi ấn bản thứ hai của sách Đệ Nhị Luật.
Những huấn lệnh Tin Mừng cũng xuất hiện như những quy luật sống. Đức Giê-su sử dụng hầu như cùng những từ ngữ như ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật, nhưng Ngài cho từ “sống” ý nghĩa tròn đầy của nó, vượt quá không gian và thời gian của cuộc sống trần thế này, khi nói với chàng thanh niên giàu có: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn” (Mt 19: 16-17).
2. Lề Luật bất khả xâm phạm:
“Anh em đừng thêm gì… cũng đừng bớt gì…” (4: 2). Lời căn dặn kép nầy nói lên nỗi bận lòng của nhà lập pháp. Biểu thức nầy được gặp thấy trong Bộ Luật của vua Hammourabi ở Ba-by-lon vào thế kỷ XVIII tCn, cũng như trong những hiệp ước giữa các dân tộc. Người ta cũng gặp thấy biểu thức này trong Tân Ước, như câu sau cùng của sách Khải Huyền: “Ai mà thêm điều gì vào đó, thì Thiên Chúa sẽ thêm cho người ấy những tai ương mô tả trong sách nầy! Ai mà bớt điều gì trong các lời của sấm ngôn nầy, thì Thiên Chúa sẽ bớt phần người ấy được hưởng nơi cây Sự Sống và Thành Thánh, là cây và thành được mô tả trong sách nầy” (Kh 22: 18-19).
Thật ra ông Mô-sê không là người công bố tính bất khả xâm phạm của Lề Luật, ông chỉ là người trung gian truyền đạt những huấn lệnh của Thiên Chúa.
3. Lề Luật là lẽ khôn ngoan:
Lề Luật là lẽ khôn ngoan cho mỗi người, vì nó là kim chỉ nam cho cuộc sống đức hạnh (đây là ý nghĩa của từ Híp-ri To-ra để chỉ Lề Luật).
Trong toàn bộ đoạn văn nầy, tác giả đặt trên môi miệng của ông Mô-sê ngôn từ của một bậc hiền nhân; văn phong rất gần với sách Châm Ngôn và sách Huấn Ca: lời mời gọi để tâm suy niệm lẽ khôn ngoan được diễn tả bằng những ngôn từ tương tự: “Nghe đi nào, hỡi Ít-ra-en, những mệnh lệnh tặng ban sự sống, hãy lắng tai hiểu lẽ khôn ngoan. Đức khôn ngoan là huấn giới của Thiên Chúa ghi trong Sách Luật, Luật tồn tại cho đến muôn đời. Ai gắn bó với Lề Luật thì sẽ được sống; còn ai lìa bỏ ắt sẽ phải chết” (Hc 3: 9; 4: 1).
4. Nhờ Lề Luật, dân Ít-ra-en được xem là một dân tộc vĩ đại:
“Khi nghe nói về tất cả những chỉ thị đó, họ sẽ bảo rằng: Dân tộc vĩ đại nầy chỉ có thể là một dân khôn ngoan và thông minh” (4: 6). Sứ mạng phổ quát của dân Ít-ra-en không là nỗi bận lòng ưu tiên của sách Đệ Nhị Luật, sách đặt trọng tâm vào Giao Ước. Vì thế, sứ mạng phổ quát nầy rất hiếm kể ra trong tác phẩm nầy. Chính nhờ tính siêu việt của Lề Luật mà dân tộc nầy trở nên một dân mẫu mực và dân tộc nhỏ bé này được gọi là “một dân tộc vĩ đại”. Chúng ta gặp lại ở đây văn phong nồng nàn và cường điệu, nét đặc trưng của vài đoạn văn Đệ Nhị Luật. Dân Ít-ra-en bé nhỏ so với các đế quốc to lớn chung quanh, mặc dầu thế, được gọi “một dân tộc vĩ đại” vì Lề Luật đảm bảo cho nó tính ưu việt tinh thần trên mọi dân nước.
5. Nhờ Lề Luật, Thiên Chúa ở gần dân:
“Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa chúng ta, ở gần chúng ta mỗi khi chúng ta kêu cầu Người” (4: 7). Lời khẳng định nầy đáp trả cho câu hỏi đầy xao xuyến của dân Ít-ra-en. Các thần linh ngoại giáo được đúc tượng vẽ hình xem ra ở gần với các tín đồ hơn vị Thiên Chúa phi vật chất, không hình không ảnh của dân Ít-ra-en, đến mức Ngài không cho phép bất cứ hình tượng nào được đúc hoặc vẽ để tôn kính Ngài. Thật ra, Thiên Chúa của Ít-ra-en rất gần với những ai kêu cầu Ngài. Hiệu quả của lời cầu nguyện đó là làm cho Thiên Chúa hiện diện ở trong lòng của mỗi người tín hữu.
Vả lại, trọng tâm của sách Đệ Nhị Luật là ý tưởng về một Thiên Chúa yêu thương dân Ngài và vui thích ở giữa họ, một vị Thiên Chúa mà họ phải “yêu mến hết lòng hết dạ”. Nói cho cùng, luật của Thiên Chúa không áp đặt từ bên ngoài vì “Lời rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành”, lời này chúng ta đọc thấy ở Đnl 30: 14, một bản văn loan báo giáo huấn Tin Mừng.

BÀI ĐỌC II (Gc 1: 17-18, 21-22, 27)
Chúng ta bắt đầu đọc thư thánh Gia-cô-bê trong suốt năm Chúa Nhật. Chung chung, tác giả của bức thư này được cho là thánh Gia-cô-bê, người anh em họ của Đức Giê-su. Thánh nhân là người lãnh đạo đầu tiên của cộng đoàn Giê-ru-sa-lem; vì thế, ngài không phải là thánh Gia-cô-bê Tông Đồ, anh của thánh Gioan, tử đạo vào năm 44 sau Công Nguyên. Vả lại, ở đầu thư, tác giả không giới thiệu mình là Tông Đồ: “Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô” (Gc 1: 1). Để phân biệt hai vị thánh tiên khởi có cùng tên Gia-cô-bê nầy, người ta đặt biệt danh cho Gia-cô-bê Tông Đồ là “Gia-cô-bê Tiền”, và Gia-cô-bê anh em họ của Đức Giê-su là “Gia-cô-bê Hậu”. Chính Gia-cô-bê Hậu mà Đức Giê-su đã hiện ra sau khi Ngài sống lại, theo thánh Phao-lô (1Cr 15: 6-7) và thánh nhân đã bị ném đá vào năm 62 do sự xúi dục của vị Thượng Tế đương nhiệm vào thời đó.
Thư được gởi cho các cộng đoàn Ki tô hữu gốc Do thái, sống rải rác trong thế giới Hy-lạp và Rô-ma (2: 2). Chung chung, người ta nghĩ rằng bức thư được viết vào khoảng giữa năm 58 và 62.
Những lời khuyên trong thư cấu thành nền tảng đạo lý theo cung giọng cổ xưa: không có bất kỳ ám chỉ nào đến việc sống chung giữa những Ki-tô hữu gốc Do thái và những Ki-tô hữu gốc lương dân. Giáo huấn được định vị vào truyền thống của các sách minh triết Cựu Ước, được sứ điệp Tin Mừng đổi mới và soi sáng.
1. Chúa Cha, nguồn mọi ân huệ tốt lành:
Thánh Gia-cô-bê bắt đầu gợi lên nguồn mạch đầu tiên của cuộc sống Ki-tô giáo: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú” (1: 17a), câu này ám chỉ đến công trình tạo dựng: trước hết là ánh sáng, đoạn các vầng sáng lớn nhỏ trong chương thứ nhất của sách Sáng Thế; nhưng chắc chắn cũng phải được hiểu theo nghĩa của những ánh sáng tâm linh.
 “Nơi Người không hề có sự đổi thay, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (1: 17b). Những từ ngữ được sử dụng ở đây khiến chúng ta nghĩ đến sự xoay vần của các tinh tú. Người xưa đồng hóa sự bền vững với chân lý, sự chuyển động với sự sai lạc. Tác giả bảo đảm tấm lòng của Thiên Chúa là muôn đời bền vững, không hề “vật đổi sao dời”.
2. Người Ki-tô hữu được sinh ra từ Thiên Chúa.
 “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thụ tạo của Người” (1: 18). Các Ki tô hữu được sinh vào cuộc sống đầy ánh sáng nhờ Lời chân lý của Chúa Cha, tức Chúa Con, là Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế, họ trở thành “của đầu mùa trong các loài thọ tạo của Người”.
Phải chăng tác giả muốn nói rằng các cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do thái mà thánh nhân muốn ngỏ lời hình thành nên một sự khởi đầu của nhân loại mới? Hay đúng hơn, phải chăng nên hiểu: theo ý muốn của Chúa Cha, những người Ki-tô hữu được xem như là hiến lễ đầu tiên của toàn thể nhân loại? Diễn ngữ “của đầu mùa” gợi lên ý tưởng thánh hiến cho Thiên Chúa.
3. Đức tin năng động:
Từ lời nhắc nhở đạo lý ngắn gọn về ơn gọi Ki-tô hữu, thánh Gia-cô-bê rút ra những kết luận thực tiển: quan trọng là phải có một đức tin tích cực và đặc biệt phải quan tâm đến những người nghèo, hai lời khuyên được lập đi lập lại như điệp khúc xuyên suốt thư nầy.
Thật có ý nghĩa biết bao khi tác giả viện dẫn việc giúp đỡ cô nhi quả phụ như là mẫu gương, đây là lời căn dặn truyền thống Cựu Ước (Xh 22: 21; Đnl 14: 29; 16: 11; 24: 19; Tv 68: 6; 14: 6, 9; Is 1: 7; Gr 7: 6; vân vân). Như vậy, thánh Gia-cô-bê nhấn mạnh sự liên tục từ luân lý Mô-sê đến luân lý Tin Mừng. Luân lý Tân Ước không hủy bỏ nhưng kiện toàn luân lý Cựu Ước. Đây là sự ghi nhận căn bản của bức thư nầy. Hành xử như vậy chính là “giữ mình khỏi mọi vết nhơ của thế gian”, cách nói nầy vang dội Tin Mừng Mác-cô được trích dẫn hôm nay về sự thanh sạch trong lòng.

TIN MỪNG (Mc 7: 1-8, 14-15, 21-23)
Chúng ta lại tiếp tục đọc Tin Mừng Mác-cô, bị gián đoạn để nhường chỗ cho diễn từ “Bánh Hằng Sống” được trích từ Tin Mừng Gioan. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mác-cô tường thuật cuộc tranh luận của Chúa Giê-su với những người Biệt Phái và một số kinh sư liên quan đến việc tuân giữ truyền thống các tiền nhân.
1. Sự thanh sạch và ô uế theo Do thái giáo:
Khi quan sát thấy vài môn đệ của Chúa Giê-su không rửa tay trước khi dùng bữa, những người Biệt Phái và kinh sư phàn nàn với Ngài tại sao các môn đệ của Ngài đã không tuân giữ truyền thống tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa.
Vấn đề họ nêu lên ở đây không là việc vệ sinh, mà là một nhận định liên hệ đến phượng tự (Lv 11-15; x. 19: 23-25; 20: 7; Đnl 14: 3-21; 19; 5: 1-4). Khái niệm thanh sạch và ô uế chiếm một chỗ quan trọng trong Do thái giáo. Khác với nhị nguyên thuyết của Hy-lạp, Do thái giáo quan niệm con người là một thực thể thống nhất, vì thế, cái thanh sạch hay ô uế bên ngoài là dấu chỉ cho thấy cái thanh sạch hay ô uế bên trong. Vì thế, chẳng lạ gì khi sách Lê-vi trong bộ Cựu Ước quy định những gì thanh sạch và những gì không thanh sạch.
Thật ra, mọi dân tộc đều đã phân biệt những cử chỉ thanh sạch và không thanh sạch để thiết lập ranh giới giữa phàm tục và thánh thiêng. Trong não trạng người xưa, điều ô uế và điều thánh thiêng là hai khái niệm liên kết mật thiết với nhau. Cả hai đều hàm chứa một sức mạnh huyền bí và đáng sợ, được phát huy do sự tiếp xúc. Cái ô uế và cái thánh thiêng đều “không thể đụng chạm được”; kẻ nào tiếp xúc với hai “cái” này, kẻ ấy cũng trở thành “không thể đụng chạm đến được”. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy: người ta không thể dụng chạm đến Hòm Bia Giao Ước, cũng như không được đụng chạm đến tử thi; người mẹ phải được thanh tẩy sau khi sinh con, vì việc sinh nở đã làm cho bà ra ô uế, cũng như vị tư tế phải thay y phục sau khi dâng hy lễ, vì hy lễ đã làm cho vị này ra thánh thiêng. Đây không phải là một sự hoen uế về thể lý hoặc luân lý, và sự thánh thiện đạt được như thế không phải là một nhân đức của tâm hồn, đó là những “trạng thái”, mà người ta phải ra khỏi để trở về đời sống thông thường (R. de Vaux).
Sau cuộc lưu đày, người Do thái đã mất đi nền độc lập quốc gia nên họ càng gắn bó hơn nữa vào chủ nghĩa đặc thù của dân tộc mình và đã tăng thêm những nghi thức cho phép họ phân biệt mình chừng nào có thể với thế giới ngoại giáo. Qua những nét đặc thù này, họ nhấn mạnh phẩm chất của dân tộc mình là dân được Thiên Chúa chọn và tách riêng khỏi mọi dân tộc khác, vì thế họ không được sống như dân ngoại.
Thánh Mác-cô chen vào cuộc tranh luận lời giải thích dài dòng để giúp người đọc hiểu những tập tục tiền nhân mà người Do thái tuân giữ hằng ngày (7: 3-4). Điều này để lộ căn tính của độc giả, họ không là người Ki-tô hữu gốc Do thái nhưng là người Ki-tô hữu gốc lương dân.  
2. Sự thanh sạch và ô uế theo Chúa Giê-su:
Chẳng cần quanh co, Chúa Giê-su vạch trần thói sống đạo giả hình của họ. Đây là lời tố cáo rất nghiêm khắc. “Giả hình” là từ vựng kịch nghệ được dùng để chỉ những diễn viên mang mặt nạ theo nhân vật mà mình diễn. Giả hình là người mà ngôn hành bất nhất, bộ điệu cử chỉ bên ngoài không đi đôi với tâm tình bên trong, cuộc đời chỉ là trò diễn kịch bên ngoài để che dấu con người thật bên trong.
Vì những đối thủ của Ngài là những người am tường Kinh Thánh, Chúa Giê-su viện dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để áp dụng vào lối sống đạo của họ: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư chỉ phụng sự Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng không thật lòng với Ngài. Họ tuân giữ các nghi thức thanh tẩy bên ngoài mà bỏ qua các huấn lệnh của Thiên Chúa. Để minh chứng cho lời kết án của mình, Chúa Giê-su liền trưng ra một ví dụ súc tích về các lời khấn hứa (7: 10-13). Đây là một lãnh vực dễ bị lạm dụng nhiều nhất. Dựa vào một thứ “chủ nghĩa vị luật” quen thuộc, đám Pha-ri-sêu đã bẻ cong một điểm then chốt của Lời Thiên Chúa: sự giúp đỡ cha mẹ trong Thập Giới để đạt được những tặng phẩm dâng cúng cho Đền Thờ. Chắc chắn qua việc lèo lái tinh vi này, những kẻ nhiệt tình bênh vực truyền thống đã rơi vào tình trạng hủy bỏ Lời Thiên Chúa.
Chúa Giê-su không giới hạn cuộc tranh luận chỉ với những người này, nhưng còn mở rộng cuộc tranh luận tới quần chúng ngõ hầu có thể loan truyền sứ điệp của Ngài một cách có hiệu quả hơn: “Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo..”. Trước hết Ngài tuyên bố rằng “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được”: Đức Giê-su xem ra loại bỏ luật Cựu Ước liên quan đến sự ô uế bên ngoài và những quy định về thức ăn đồ uống (x. Lv 11; Đnl 14), luật nầy không chỉ chiếm nhiều phân đoạn của bộ Ngũ Thư nhưng cũng đã trực tiếp làm bận lòng những người trong cuộc sống thường ngày của mình.
Sau khi đã phê phán lối sống đạo giả hình, chỉ biết tuân giữ cái bên ngoài, Chúa Giê-su tập trung vào “cái bên trong”. Chính cái gì xuất phát từ trong lòng con người mới làm cho con người ra ô uế, tức là chính từ tà tâm mà mọi ý đồ đen tối nham hiểm xuất ra. Việc phân biệt con người giữa cái bên ngoài và cái bên trong xem ra rất mới mẽ đối với truyền thống Do thái giáo.
3. Ý nghĩa của cuộc tranh luận này:
Bản văn này chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt. Điểm nhấn thần học mà tác giả nhắm đến là luật Cựu Ước trong mối tương quan với Đức Giê-su. Ngài loại bỏ truyền thống Pha-ri-sêu chung quanh việc tuân giữ luật nghi thức như rửa tay, lên án việc lấy giáo huấn phàm nhân thay thế huấn lệnh của Thiên Chúa bằng cách sử dụng luật như cách thức trốn tránh bổn phận của mình (thực hành luật co-ban), và Ngài hủy bỏ luật thức ăn của Cựu Ước. Hậu ý của cuộc tranh luận này đòi hỏi Ki-tô học mặc nhiên, Đức Giê-su là người có thẩm quyền giải thích luật Cựu Ước.
Ngoài ra, đoạn văn này đã được tác giả Mác-cô đặt ngay trước đoạn tường thuật hoạt động của Đức Giê-su bên đất dân ngoại. Rõ ràng tác giả đã dùng bản văn này như một lời công bố nguyên tắc: Đức Giê-su đã loại bỏ sự phân biệt giữa “thanh sạch và ô uế”. Không có hàng rào nào mà lại do Thiên Chúa muốn có giữa loài người. Chỉ có những hàng rào đã được loài người dựng lên (mà như thế là không biết ý muốn của Thiên Chúa), mà bây giờ phải lật đổ, bởi vì “Nước Thiên Chúa đã đến gần” (1: 15).
Đức Giê-su bắt đầu hủy bỏ ranh giới giữa những thức ăn thanh sạch và những thức ăn ô uế, cuộc cách mạng nầy sẽ được các Tông Đồ (x. Cv 10: 10) và thánh Phao-lô (x. 1Cr 6: 12 và 10: 12-20) tiếp tục. Việc mở ra cho thế giới lương dân đòi buộc phải trả bằng giá nầy và còn hơn nữa việc nội tâm hóa luật luân lý mà Đức Giê-su không ngừng công bố.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
(Nguồn: GP Nha Trang)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 204
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 196
 
  •   Hôm nay 51,284
  •   Tháng hiện tại 1,083,292
  •   Tổng lượt truy cập 79,831,976