Suy niệm chú giải Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên năm B

Thứ tư - 18/08/2021 15:34      Số lượt xem: 1311

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXI có thể được gọi là “Tấn thảm kịch của sự chọn lựa”. Có những chọn lựa mang tính quyết định đối với cá nhân hay dân tộc.

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Gs 24: 1-2a, 15-17, 18b
Bài Đọc I nhắc lại việc ông Gio-suê đưa ra cho dân Ít-ra-en ngay khi họ định cư ở miền đất Ca-na-an một sự chọn lựa dứt khoát: phụng thờ các thần linh ngoại giáo hay phụng thờ Đức Chúa, Đấng đã cứu họ khỏi cảnh đời nô lệ, đã bảo vệ họ và dẫn đưa họ đến tận miền đất mà Ngài đã hứa ban cho tổ tiên của họ.
Ep 5: 21-32
Trong đoạn trích thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô, Thánh Phao-lô sánh ví tình yêu chung thủy giữa chồng và vợ trong hôn nhân Ki-tô giáo với sự kết hiệp bất khả phân ly của Đức Giê-su với Hội Thánh của Người.
Ga 6: 54a, 60-69
Tin Mừng trình bày một chọn lựa khác: tin vào Đức Giê-su và vào lời hứa ban thịt và máu của Người, hay từ chối tin vào Người và không chấp nhận mầu nhiệm này. Đây là thời điểm chọn lựa giữa lòng trung tín và thái độ khước từ.

BÀI ĐỌC I (Gs 24: 1-2a, 15-17, 18b)
Sách Giô-suê được đặt liền ngay sau bộ Ngũ Thư, sách này thuật lại những diễn biến của cuộc chinh phục, đoạn việc phân chia lãnh thổ giữa mười hai chi tộc Ít-ra-en và cuối cùng dân Chúa chọn định cư ở đất Ca-na-an (thế kỷ thứ mười ba trước Công Nguyên).
1. Đại hội Si-khem:
Ông Giô-suê, kế nghiệp ông Mô-sê, lãnh đạo dân Do thái. Ông là vị anh hùng chính của sách mang tên ông. Vào cuối đời, noi gương ông Mô-sê, ông Gio-suê muốn đưa ra những lời căn dặn tối hậu cho dân Do thái lần cuối, vì thế, ông quyết định triệu tập toàn thể các chi tộc Ít-ra-en ở Si-khem.
Địa danh, mà ông chọn, ở trung tâm Đất Hứa. Xét về phương diện địa lý, địa danh này rất thuận tiện (sau này được gọi là Sa-ma-ri). Ngoài ra, miền nầy chất chứa biết bao kỷ niệm tôn giáo rất có ý nghĩa: Si-khem là nơi tổ phụ Áp-ra-ham trú ngụ đầu tiên khi đặt chân lên đất Ca-na-an và là nơi vị tổ phụ dựng bàn thờ đầu tiên kính Chúa (x. St 12: 6-8). Đó cũng là nơi mà tổ phụ Gia-cóp đã tậu một thuở đất và đã chôn dưới gốc cây những tượng thần linh mà thân nhân của ông còn đem theo với mình, đây là dấu chỉ của việc từ bỏ phụng thờ các thần linh của họ (x. St 33: 18-20). Hành động này báo hiệu cách đặc biệt việc thờ phượng chỉ một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en. Cũng một cách như vậy, ông Giô-suê đòi hỏi dân Ít-ra-en phải dứt khoát từ bỏ thờ lạy các thần linh và cam kết phụng thờ một mình Đức Chúa, Thiên Chúa của họ.
2. Một sự chọn lựa dứt khoát:
Đoạn văn hôm nay trích từ bài diễn từ của ông Giô-suê được đặt vào trong khung cảnh phụng vụ: ông Giô-suê và tất cả các lãnh tụ dân Ít-ra-en “đứng trước nhan Thiên Chúa” (24: 1). Đây là biểu thức quen thuộc chỉ ra rằng có một đền thánh ở Si-khem (chắc chắn Hòm Giao Ước được đặt ở nơi thánh địa này).
Ông Giô-suê đưa ra cho toàn dân Ít-ra-en một chọn lựa triệt để: phụng thờ các vị thần linh của dân ngoại hay chỉ một mình Đức Chúa. Sức quyến rủ của việc phụng thờ các thần linh có thể bắt nguồn từ đa thần giáo của tổ tiên họ, hay từ dân bản địa mà họ cùng chung sống trên đất Ca-na-an. Dân Ít-ra-en phải chọn lựa một trong hai. Ông Giô-suê đòi hỏi họ long trọng lập lại lời cam kết. Lập luận cốt yếu mà ông đưa ra dựa trên sự trung tín của Đức Chúa, chính Ngài đã giải thoát họ ra khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập, đã dẫn đưa họ đến tận Đất Hứa này, bất chấp mọi trở ngại đã giữ trọn lời hứa của Ngài với cha ông họ. Dân Ít-ra-en phải đáp trả sự trung tín của Thiên Chúa bằng cách tái cam kết phụng thờ chỉ một mình Ngài “vì Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi” (24: 7).
3. Giao ước tại Si-khem:
Trên bình diện lịch sử, một cuộc triệu tập như vậy cho thấy là cần thiết để tái tổ chức toàn thể dân Chúa chọn thành một dân duy nhất, bởi lẽ dân Do thái vào Đất Hứa, đất mà các tổ phụ đã sống, và gặp lại những hậu duệ đã không cùng họ rời quê hương sang Ai-cập. Việc sáp nhập những hậu duệ nầy vào các chi tộc của cuộc Xuất Hành quả là cần thiết. Cuối cùng, cũng cần phải hiệp nhất các chi tộc trước khi họ phân tán ra khắp xứ sở Ca-na-an. Để được như vậy, chỉ có chung một niềm tin mới có thể gắn kết những yếu tố rời rạc của dân Thiên Chúa.
Nhưng về phương diện phụng vụ, Giao Ước Si-khem chắc chắn là bản sao phụng vụ mà dân Ít-ra-en cử hành hằng năm để long trọng lập lại lời cam kết trung thành tuân giữ Giao Ước. Sách Đệ Nhị Luật xem ra làm chứng điều nầy, một bài thuyết giáo về Giao Ước theo sát sơ đồ bài diễn từ của ông Gio-suê; hay nói chính xác hơn, ông Mô-sê căn dặn dân Ít-ra-en hằng năm phải nhắc lại lời cam kết trung thành với Đức Chúa, Thiên Chúa của họ. Một ngàn năm sau, việc tưởng niệm như vậy cấu thành yếu tố cốt yếu của “lễ Ngũ Tuần”. Hằng năm, vào ngày đại lễ đó, người ta lập lại lời cam kết trung thành tuân giữ Giao Ước Xi-nai (thật lạ thường, vào ngày lập lại lời cam kết này, bài diễn từ của ông Giô-suê tại Si-khem không được nhắc đến).
Cuối cùng, chúng ta ghi nhận rằng vào năm 931 trước Công Nguyên sự thống nhất của dân Chúa chọn bị thách đố: mười chi tộc tự tách mình ra khỏi vương triều Đa-vít để thiết lập vương quốc Ít-ra-en, mà kinh đô là Sa-ma-ri; trong khi hai chi tộc còn lại vẫn trung thành với vương triều Đa-vít, được gọi vương quốc Giu-đa, mà kinh đô là Giê-ru-sa-lem. Sự phân ly đau đớn này là phản đề cuộc triệu tập vĩ đại ở Si-khem.

BÀI ĐỌC II (Ep 5: 21-32)
Chúng ta tiếp tục đọc phần thứ hai thư thánh Phao-lô gởi tín hữu Ê-phê-xô, đây là phần luân lý và khuyến dụ.
Sau khi đã nói về đời sống mới của người Ki tô hữu qua phép Rửa, thánh Phao-lô đưa ra vài lời khuyên bảo tuần tự liên quan đến những mối liên hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, chủ và tớ. Đoạn trích hôm nay đề cập đến mối liên hệ giữa chồng và vợ.
Chúng ta cần phải nhận ra hai khía cạnh khác nhau trong bản văn nầy: khía cạnh lỗi thời và khía cạnh thường hằng bất biến. Về khía cạnh lỗi thời, việc khai triển của những phong tục tập quán đã khiến cho những lời khuyên bảo của thánh nhân không còn thích hợp nữa. Về khía cạnh thường hằng bất biến, lời dạy về sự hiệp nhất của Đức Ki-tô với Giáo Hội của Người được sánh ví với sự hiệp nhất bất khả phân ly của chồng với vợ trong hôn nhân Ki-tô giáo có giá trị thường hằng và mãi mãi mang tính hiện sinh.
1. Khía cạnh lỗi thời:
Lời khuyên bảo của thánh Phao-lô: “vợ phải tùng phục chồng”, không còn đáp ứng tâm thức hiện nay của chúng ta. Quả thật, lời khuyên bảo này trong bối cảnh tôn giáo, văn hóa và xã hội của thánh nhân cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với “quyền bình đẳng nam nữ” trong thế giới hiện nay. Mặc dầu viết từ Rô-ma, thánh nhân vẫn quan niệm bổn phận của người vợ theo truyền thống Do thái. Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng, về phương diện pháp lý, bổn phận người vợ phải phục tùng chồng trước đây ở Đông Phương rất phổ biến, ngay cả ở Việt Nam: “xuất giá tòng phu”, nay đã bị hủy bỏ từ lâu rồi. Do đó, chúng ta cũng phải khảo sát hậu cảnh tôn giáo của lời khuyên bảo nầy: Giáo Hội tùng phục Đức Ki-tô, chấp nhận Tin Mừng của Người và tuân giữ các huấn lệnh của Người như thế nào thì người vợ phải phục tùng chồng như vậy.
Còn đối với lời khuyên: “người chồng phải yêu vợ mình như yêu chính thân thể mình” không phải là xúc phạm đến người bạn đời của mình sao? Phải nói thực, linh đạo hôn nhân, sau một lịch sử lâu dài, đã vượt qua những quan niệm như vậy. Tình nghĩa vợ chồng sống theo tinh thần Ki-tô giáo là lời mời gọi thường hằng ra khỏi cái tôi của mình, quên đi bản thân mình mà yêu người bạn đời của mình như chính người ấy. Không phải thánh Phao-lô đã tiên cảm điều đó khi nói rằng người chồng phải bắt chước Đức Ki-tô, Người đã “yêu thương và hiến thân mình vì Hội Thánh” đó sao?
Vì thế, trước tiên phải vượt qua những quan niệm nầy mà cố gắng thấu hiểu tư tưởng của thánh nhân, chủ yếu thuộc loại suy. Sau đây chúng ta sẽ đề cập đến những khía cạnh bất biến, có giá trị thường hằng và mãi mãi mang tính hiện sinh trong bản văn này.
2. Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Ki-tô:
Thánh Phao-lô áp dụng cho Đức Ki-tô và Hội Thánh của Ngươi ngôn từ của các ngôn sứ, các ngài đã diễn tả tình yêu của Đức Chúa dành cho dân Ít-ra-en bằng những từ ngữ hôn ước. Khởi đi từ thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, ngôn sứ Hô-sê đã trình bày hình ảnh hôn ước giữa Thiên Chúa và Dân Ngài bằng những ngôn từ thật thống thiết; từ đó, hình ảnh nầy trở thành kinh điển. Chúng ta gặp lại hình ảnh nầy nhất là tại các ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en, I-sai-a đệ nhị. Hình ảnh này xuất hiện một lần nữa và được thiêng liêng hóa trong sách Khôn Ngoan (thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên). Chính trong truyền thống Kinh Thánh nầy mà viễn cảnh của thánh Phao-lô được định vị.
Việc so sánh tình nghĩa vợ chồng phàm nhân với tình nghĩa của Đức Chúa với Dân Người thật là tuyệt vời, dù rằng không phải mọi yếu tố đều xứng hợp. Quả thật, sự so sánh vẫn kiếm khuyết ở nơi mức độ đồng hóa Đức Ki-tô với người chồng được tô điểm bằng sự hoàn thiện, cao cả, uy quyền, và Hội Thánh với người vợ xem ra hoàn toàn phụ thuộc, có nhiều khuyết điểm, cần được tinh tuyền và thánh thiện “để ra mắt Người”.
Cũng vậy, trong Cựu Ước, Đức Chúa là vị hôn phu rất mực thủy chung, không bao giờ quên những thề non hẹn biển của mình; trong khi dân Do thái là vị hôn thê thường bội thề, bất trung với Thiên Chúa của mình, vi phạm các huấn lệnh của Ngài, chạy theo các ngẫu tượng.
Vì được so sánh như vậy, người chồng phải yêu thương vợ mình “như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh”. Lời mời gọi chan chứa tình nghĩa chồng vợ nầy tạo nên một dấu nhấn mới gây xôn xao ở giữa lòng văn hóa xã hội Do thái ở đó chỉ người chồng mới có quyền rẩy vợ và ở đó chỉ người phụ nữ ngoại tình bị trừng phạt (dù rằng tội đồng lõa cũng bị trừng trị: Lv 20: 10; Đnl 22: 22, tuy nhiên chúng ta ghi nhận rằng việc người chồng ngoại tình hiếm khi bị kết án).
3. Hội Thánh là Thân Thể của Đức Ki-tô:
Đoạn trích thư gởi các tín hữu Ê-phê-xô nầy khai triển một trực giác đã xuất hiện kể từ thư thứ hai gởi tín hữu Cô-rin-tô (2Cr 11: 2), đó là cách diễn tả đạo lý rõ ràng nhất của thánh Phao-lô về Hội Thánh là “Thân Thể Đức Ki tô”.
Đức Ki-tô đã thánh hóa và thanh tẩy Hội Thánh “bằng nước và lời hằng sống”, theo nguyên ngữ của bản văn Hy lạp: “bằng việc tắm rửa kèm theo lời”. Thánh Phao-lô sử dụng từ “tắm rửa” vì phép Thánh Tẩy được thực hiện bởi việc nhận chìm vào bể nước, nhưng cũng ám chỉ đến nghi thức tắm rửa của vị hôn thê theo tập tục Do thái cũng như Hy lạp. Còn việc kể ra “kèm theo lời” rõ ràng là biểu thức phép Thánh Tẩy. Dù xác định thoáng qua nhưng thật quý báu biết bao.
Có thể cũng có một sự quy chiếu đến phép Thánh Thể, khi thánh nhân gợi lên “người chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, không ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi dưỡng và săn sóc thân xác mình”. Đó là điều Đức Giê-su làm đối với Hội Thánh của Ngài khi Ngài nuôi dưỡng Hội Thánh bằng Thánh Thể của Ngài.
4. Chiều kích cao cả của hôn nhân:
Sự kết hiệp của Đức Giê-su với Hội Thánh là dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa đôi vợ chồng trần thế, đó là ý muốn của Đấng Tạo Hóa, vì “cả hai sẽ trở thành một xương một thịt”, như cách diễn tả của sách Sáng Thế mà thánh nhân nhắc lại. Như vậy, sự hiệp nhất chồng vợ được tháp nhập vào trong một thực tại thánh, thực tại nầy siêu thăng đời sống hôn nhân. Mầu nhiệm hôn nhân thật là cao cả vì là hình ảnh hôn ước giữa Đức Giê-su và Hội Thánh.

TIN MỪNG (Ga 6: 54a, 60-69)
Đây là một trong những trang Tin Mừng thống thiết nhất. Sau khi Đức Giê-su đã hoàn tất diễn từ về Bánh Hằng Sống, trong đó Người đã loan báo ân ban Thánh Thể của Người bằng những từ ngữ hiện thực nhất, giờ đây Đức Giê-su đặt để các môn đệ của Người trước một sự lựa chọn: tin vào những lời công bố không thể nào tin được này hay từ chối mà ra đi. Ở đây, chúng ta gặp thấy hai phản ứng trái ngược nhau: phản ứng tiêu cực từ phía các môn đệ (6: 60-66) và phản ứng tích cực từ phía nhóm Mười Hai (6: 67-69).

1. Phản ứng tiêu cực từ phía các môn đệ (6: 60-66):
Phần này cho thấy cuộc khủng hoảng đức tin vào Chúa Giê-su càng lúc càng trầm trọng theo một tiến trình khởi đi từ những xầm xì phản đối (6: 41), cho đến cuộc tranh luận sôi nổi (6: 52), nay đạt đến phản ứng bất mãn như đỉnh điểm: “Lời nầy chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi?” (6: 60), và cuối cùng như một hệ luận tất yếu: “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (6: 66).
Vì thế, Đức Giê-su tìm cách cung cấp cho các môn đệ hai điểm hỗ trợ ngõ hầu họ có thể hiểu được. Về điểm hỗ trợ thứ nhất, Đức Giê-su nêu lên hai câu hỏi: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (6: 61-62). Trong câu hỏi thứ nhất, t“chướng” theo nghĩa đầu tiên là một sự ngăn trở mà người ta vấp phải, một trở ngại cần phải vượt qua. Trong câu hỏi thứ hai, khi tự nhận vào mình tước hiệu “Con Người”, Đức Giê-su nhắc cho các môn đệ nhớ rằng Ngài không đơn thuần là một phàm nhân, nhưng có nguồn gốc thần linh, Đấng từ Chúa Cha mà đến và sẽ trở về với Chúa Cha. Trong diễn từ về Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su đã nhiều lần nêu bật điều này (x. 6: 25, 27). Vì thế, điều kiện tiên quyết để hiểu được các lời của Đức Giê-su, là phải nhận ra chân tính của Ngài. Ở đây, Đức Giê-su muốn hướng tâm trí của họ về tương lai và ở bên kia cuộc tử nạn của Người, khi Người trở về nơi Người đã đến. Lúc đó ý nghĩa của những lời Người nói mới được sáng tỏ: “thịt”“máu” mà Người ban tặng chính là Thân Thể của Đấng Phục Sinh, là nguồn sống thần linh trao ban vô tận cho loài người, như vậy loài người mới có sự sống trường sinh trong chính mình.
Về điểm hỗ trợ thứ hai, Đức Giê-su đề cập trước tiên điểm mấu chốt gây nên sự kỳ chướng nơi họ về thân thể của Ngài là của ăn thức uống đích thật bằng cách bảo đảm với họ rằng: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì” (6: 63a). Ở lời phát biểu này có một sự đối lập giữa thần khí và xác thịt: “Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là thần khí” (3: 6). Nếu xác thịt được hiểu là một phàm nhân, kể cả nhân tính của Ngài đi nữa, người ta chẳng có gì để mong đợi được phúc trường sinh, vì xác thịt này rồi sẽ hư hoại và tiến dần đến cái chết. Nhưng xác thịt Đức Giê-su ban là xác thịt của Đấng Phục Sinh đầy tràn Thần Khí, tức là đầy tràn quyền năng ban sự sống thần linh mà không bao giờ cạn.
Từ đó, Đức Giê-su kết luận: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (6: 63b). Kiểu nói: “là thần khí và là sự sống”“phép thế đôi”, theo đó từ thứ hai: sự sống, bổ nghĩa cho từ thứ nhất: thần khí, nghĩa là: “thần khí làm cho sống”. Qua kiểu nói đặc trưng này, Đức Giê-su muốn nói rằng chúng ta khó chấp nhận mầu nhiệm này nếu chúng ta suy nghĩ quá phàm trần, nói cách khác, quá nghiêng chiều các giác quan của chúng ta, nhìn mọi sự việc quá trần tục. Chỉ ai lắng nghe lời của Ngài và chấp nhận lời ấy là Mặc Khải của Thiên Chúa, tức là “Thần Khí làm cho sống”, thì sẵn sàng chấp nhận bí tích Thánh Thể là tặng phẩm thần linh với những diễn tiến theo trình tự như sau: bước thứ nhất, để có thể ban thịt và máu của Ngài, Đức Giê-su đã trở thành một phàm nhân; bước thứ hai, để có thể nuôi dưỡng sự sống đời của chúng ta, thịt và máu Ngài ban tặng không là thịt và máu của Đức Giê-su tại thế, nhưng là thịt và máu đầy tràn thần khí của Đấng Phục Sinh; và bước thứ ba, để chúng ta có thể ăn và uống được, thịt và máu của Ngài được ban “dưới hình bánh”“dưới hình rượu”.
“Thần Khí làm cho sống” được Đức Giê-su nói ở đây, chính Ngài sẽ làm rõ ra trong diễn từ cáo biết khi Ngài mặc khải Đấng Bảo Trợ, “Đấng đó sẽ dạy cho anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14: 26), “Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (16: 13). Trái lại, “xác thịt”, tức phàm nhân, chỉ đóng khung trong ánh sáng hữu hạn của riêng mình, không thể hiểu những quà tặng thần linh trong những lời của Đức Giê-su.
Dù Chúa Giê-su cố gắng giải thích mấy đi nữa, thì cũng vẫn có nhiều môn đệ không tin (6: 64), “từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa” (6: 66). Chúa Giê-su giải thích sự kiện này khi cho biết “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy” (6: 65). Những môn đệ này đã khép kín lòng mình trước những ân huệ của Thiên Chúa; họ không chấp nhận bất cứ điều gì vượt quá chân trời rất hữu hạn của mình. Mầu nhiệm Thánh Thể thật sự kêu mời một hành vi đức tin đặc biệt.

2. Phản ứng tích cực của nhóm Mười Hai (6: 67-69):
Sau khi nhiều môn đệ bỏ Ngài mà ra đi, Chúa Giê-su yêu cầu nhóm Mười Hai, những người thân cận nhất của Ngài, phải có thái độ dứt khoát trong việc chọn lựa của họ khi nêu lên câu hỏi căn bản: “Cả anh anh em nữa, cũng muốn bỏ đi hay sao?” (6: 67). Chúa Giê-su đặt ra câu hỏi và để cho các ông tự do quyết định, nhưng Ngài không rút lại bất cứ điều gì Ngài đã nói.
Nhân danh nhóm Mười Hai, thánh Phê-rô liều lĩnh mở rộng lòng mình đón nhận Lời Mặc Khải ban sự sống đời đời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (6: 68). Đó cũng lời công bố sau này của thánh nhân trước Thượng Hội Đồng Do thái: “Ngoài Người ra không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4: 12). Tiếp đó, thánh nhân tuyên xưng niềm tin vào Thầy mình: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (6: 69).
Một vấn đề được đặt ra là có một sự khác biệt nào giữa lời tuyên xưng của thánh Phê-rô ở đây: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” với lời tuyên xưng của thánh nhân ở Mt 16: 16: “Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” không? Các chuyên viên Kinh Thánh đồng ý rằng cả hai lời tuyên xưng nầy có cùng một nội dung đức tin. Lý do mà Tin Mừng thứ tư chọn biểu thức: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” là để phù hợp với văn mạch hơn. Trong Cựu Ước, ngôn sứ cũng được gọi là  “đấng thánh của Thiên Chúa” (2V 4: 9; tc Mc 1: 24), vì các ngài được Thiên Chúa “thánh hiến”, nghĩa là được đặt riêng ra (17: 17-19) để lo công việc chuyển giao lời Thiên Chúa, lời ban sự sống đời đời (Gr 1: 5; Ga 10: 35-36; 17: 17-19). Trong Tân Ước, Đức Giê-su, Con Một của Chúa Cha, được Chúa Cha sai đến để mặc khải Chúa Cha, vì thế Ngài đích thực là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Cuối cùng chúng ta nhận xét rằng trong lời tuyên xưng vào Thầy, thánh Phê-rô đặt “tin” trước, rồi mới đến “nhận biết”. Chỉ trong ánh sáng của đức tin, người tín hữu mới có thể nhận biết những chân lý vượt quá khả năng hiểu biết của phàm nhân. Những lời mặc khải Thánh Thể đã đặt ra một sự chọn lựa dứt khoát giữa tin hay không tin. Thánh Thể vẫn sẽ là “mầu nhiệm đức tin” đối với các tín hữu của mọi thời đại.
(Nguồn: GP Nha Trang)

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 303
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 297
 
  •   Hôm nay 5,305
  •   Tháng hiện tại 800,617
  •   Tổng lượt truy cập 80,733,517