Sợi chỉ đỏ Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu - Năm C

Thứ năm - 16/06/2022 17:00      Số lượt xem: 1072

Chủ đề: Mình và Máu Chúa Giêsu là lương thực cho loài người


Phép lạ hóa bánh ra nhiều (Lc 9,11-17)
Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I (St 14,18-20): Thầy cả Melkixêđê dâng bánh rượu cho ông Abraham.
- Đáp ca (Tv 109): Ca tụng Đức Kitô là Thượng Tế.
- Tin Mừng (Lc 9,11-17): Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều
- Bài đọc II (1 Cr 11,23-26): Tường thuật việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể.
 
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Anh chị em thân mến,
Thánh lễ là Bàn tiệc. Rước lễ là ăn uống chính Mình và Máu Thánh Chúa, thứ lương thực tuyệt hảo nuôi sống và bổ dưỡng linh hồn chúng ta. Nếu linh hồn chúng ta yếu, Mình Máu Thánh Chúa sẽ bổ sức cho mạnh; nếu ta đang chán nản, Chúa sẽ ban lại cho ta niềm hy vọng; nếu chúng ta cảm thấy người khác khó thương, Ngài sẽ ban thêm cho ta lòng mến.
Chúng ta hãy sốt sắng tham dự Thánh lễ này, nhất là sốt sắng rước Chúa vào lòng để cho Ngài nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Chúng ta lo tìm lương thực phần xác hơn là lương thực phần hồn.
- Chúng ta cùng tham dự một bàn tiệc Chúa, cùng ăn một thứ lương thực là Mình Máu Chúa, nhưng chúng ta không đoàn kết yêu thương nhau.
- Chúng ta được nuôi dưỡng bằng bánh bởi trời, nhưng chúng ta còn quá lo lắng trước những khó khăn trần thế.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (St 14,18-20):
Văn mạch của câu chuyện này là Abraham vừa mới chiến thắng liên minh nhiều vua trong vùng (xem St 14,1-16).
Hay tin ấy, Melkixêđê, vừa là vua vừa là tư tế thành Salem, đã đem lễ vật gồm bánh và rượu tới dâng cho Abraham để chúc mừng ông; đồng thời Melkixêđê cũng nhân danh Thiên Chúa tối cao chúc lành cho Abraham.
Phần Abraham, mặc dù lúc ấy ông đã hùng mạnh, nhưng ông cũng bày tỏ lòng thần phục vị Tư Tế của Thiên Chúa, nên đã nộp cho vị này một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm.
2. Đáp ca (Tv 109)
Thánh vịnh 109 ca tụng Đấng Messia như một vì vua thống trị tất cả các vua trên mặt đất.
Câu đáp “Con là Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Melkixêđê” lại cho thấy Vua Messia ấy còn là Thượng tế nữa.
Cả hai tước hiệu Vua và Thượng Tế đều được áp dụng cho Chúa Giêsu.
3. Tin Mừng (Lc 9,11-17):
Phép lạ hóa bánh ra nhiều. Cách viết của thánh Luca chứa nhiều ngụ ý:
- Ngụ ý nhắc lại phép lạ manna ngày xưa: nơi diễn ra phép lạ là “sa mạc”, một đám đông dân chúng đang đói, họ đã được ban cho một thứ bánh phép lạ, dư lại 12 thúng tương đương con số các chi tộc Israel... Như thế, phép lạ này tái diễn phép lạ manna trong sa mạc ngày xưa và còn trổi vượt hơn phép lạ xưa ấy nữa.
- Ngụ ý ám chỉ bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu sẽ lập: thời điểm diễn ra là “khi đã xế chiều” (giống bữa Tiệc ly), những cử chỉ của Chúa Giêsu “cầm lấy”, “nhìn lên”, “chúc tụng”, “bẻ ra” và “chia” (giống những cử chỉ Chúa Giêsu làm khi lập phép Thánh Thể).
Tóm lại, phép lạ hóa bánh ra nhiều này nhắc lại phép lạ manna ngày xưa và là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Thể.
4. Bài đọc II (1 Cr 11,23-26):
Thời đó, tín hữu có thói quen cử hành “bữa tiệc Thánh Thể” (Cena) trong khung cảnh một “bữa ăn huynh đệ” (agape). Ý nghĩa của bữa Cena là như sau: mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể, các tín hữu đem theo của ăn thức uống góp chung lại, một phần để giúp những anh em nghèo túng, phần còn lại chia nhau dùng chung.
Nhưng ở Côrintô những người giàu đã vội vàng ngồi vào bàn và ăn uống trước không chờ những người nghèo. Tệ hơn nữa, những bữa ăn ấy lại là dịp cho họ nhậu nhẹt say sưa.
Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ở đây, Phaolô trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa lập bí tích Thánh Thể. Đây là một tài liệu rất quý giá (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích họ cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng và đúng nghĩa. Tham dự cách bất xứng là tham dự Thánh Thể mà không quan tâm đến việc chia sẻ với những anh em nghèo túng, không nhận biết cộng đoàn Giáo Hội là thân mình của Đức Kitô được xây dựng trong tiệc Thánh Thể (ý nghĩa kiểu nói “phân biệt được Thân mình”).
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Lễ Tạ ơn
Theo nguyên ngữ, Eucharistia, Thánh lễ là một lễ Tạ ơn. Ý nghĩa này rất rõ trong các bài đọc hôm nay:
- Tư tế Melkixêđê hay tin Abraham chiến thắng thì đã “chúc tụng Thiên Chúa” (bài đọc I). Chúc tụng là một cách tạ ơn.
- Abraham nộp cho vị Tư Tế của Thiên Chúa một phần mười tất cả các chiến lợi phẩm cũng là để bày tỏ tâm tình tạ ơn (bài đọc I).
- Khi Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy bánh và tạ ơn” (bài đọc II).
- Khi Ngài làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, hình ảnh tiên báo Bí tích Thánh Thể, Ngài cũng “cầm lấy, ngước mắt nhìn lên trời và chúc tụng” (chúc tụng là tạ ơn) (bài Tin Mừng).
Nhưng ngày nay khi chúng ta dự Thánh lễ, hầu như chúng ta chỉ biết xin ơn mà quên tạ ơn.
Có biết bao điều ta có thể tạ ơn Chúa mỗi khi tham dự Thánh lễ.
2. Những điều tầm thường trở thành phi thường
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta thấy nhiều điều rất tầm thường trong cuộc sống bình thường: bánh, rượu, ăn, uống, cầm, bẻ ra, chia...
Như Melkisêđê đã dùng bánh và rượu ấy để làm lễ tế, Chúa Giêsu cũng dùng bánh và rượu để biến thành Mình và Máu Ngài. Và Chúa Giêsu đã làm việc đó bằng những cử chỉ bình thường như cầm lấy, bẻ ra, trao...
Trong Thánh lễ, tất cả những điều bình thường và thậm chí tầm thường đều có thể trở thành phi thường, cao cả, thánh thiện.
Vậy mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta hãy đến với những sự tầm thường và thánh hóa chúng thành những điều phi thường. Thí dụ: mồ hôi, nước mắt, việc làm, tâm tư, nguyện ước...
3. Lương thực thần linh
Một số anh chị em dự tòng sau khi được học hỏi về sự cao quý, về tầm quan trọng và về sự cần thiết của Thánh lễ cũng như của bí tích Thánh Thể đã đưa ra câu hỏi: Nếu Thánh lễ và mầu nhiệm Thánh Thể cao quý và cần thiết cho đời sống thiêng liêng như vậy, thì tại sao nhiều người Công giáo lại không đi dâng lễ, hay nếu có đi thì lại ngồi ở ngoài hút thuốc, nói chuyện, chơi giỡn và hầu như không bao giờ rước Mình Thánh Chúa?
Một câu hỏi quả là gây nhức nhối và rất đáng để những người mang danh là Kitô hữu phải suy nghĩ. Có lẽ ta khó có thể tìm được một lý do nào chính đáng để trả lời cho thắc mắc này ngoài việc nhận thực rằng: tại do yếu kém về giáo lý, do thiếu hiểu biết về Chúa, về những gì Người đã dạy và đã làm, do thiếu ý thức về những sự thánh thiêng, do thiếu trưởng thành trong đời sống đạo nên mới xảy ra những trường hợp như vậy. Vì thiếu hiểu biết nên không thấy được sự cao quý và tầm quan trọng của việc dâng lễ và việc rước Thánh Thể. Những người này coi việc đi dâng lễ ngày Chúa nhật chỉ là một khoản luật phải giữ để khỏi có tội, để khỏi bị phạt mà thôi. Họ không ý thức rằng: Thánh lễ và Thánh Thể là những điểm hẹn để họ gặp gỡ Thiên Chúa là Cha của mình. Họ cũng không biết rằng đây là cơ hội rất quý báu để có thể kín múc lấy nguồn sự sống, nguồn ân sủng cần thiết cho cuộc đời.
Thánh lễ và bí tích Thánh Thể không do Hội Thánh, không do bất cứ ai bịa đặt ra, nhưng là do chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên Thánh giá để tiếp tục chuyển thông ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi. Và Thánh Thể chính là lương thực nuôi sống linh hồn ta trong hành trình làm người, cũng là hành trình đi về quê hương trên trời. Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt tôi thật là của ăn, máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,54-55). Ngay cả khi Người biết rõ ràng rằng: Khi Người nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi, Người vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Chúa Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.
Con người không chỉ có thân xác nhưng còn có linh hồn. Và mục đích của đời sống làm người không chỉ là sự no đủ cơm áo phần xác mà còn là sự no đủ của đời sống tâm linh nữa: “Người ta sống không chỉ bởi bánh” (Lc 4,4).
Thiết tưởng mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây đều có dư khả năng để nhận thức điều này. Vấn đề còn lại là thái độ của chúng ta đối với thánh lễ và Thánh Thể như thế nào mà thôi. (Sưu tầm)
4. Bí tích Tình yêu
Trái bom nguyên tử đầu tiên đã nổ tại Hiroshima ngày 6 tháng 8, 1945. Năm giờ rưỡi sáng hôm sau, một thánh lễ được cử hành ở ngoại ô thành phố giữa những nạn nhân nằm la liệt.
Linh mục giám đốc tập viện Dòng Tên mở cửa nguyện đường đón nhận họ và tìm cách săn sóc họ. Về sau, khi đã trở nên Bề Trên Cả Dòng Tên, cha giám đốc tập viện Pedro Arrupe kể lại cảnh tượng sáng hôm đó như sau: “Nguyện đường tập viện chúng tôi phân nửa đã bị tàn phá, khi ấy tràn ngập những người bị thương do bom nguyên tử. Họ nằm la liệt bên nhau trên nền nhà, co quắp lại, bị đau khủng khiếp. Tôi khởi sự dâng thánh lễ, ráng tập trung trong một thế giới chẳng hiểu biết gì về những điều đang thực hiện trên bàn thờ. Họ là người ngoại đạo chưa hề dự một thánh lễ. Tôi không thể nào quên được cử chỉ tôi làm khi hướng về họ và nói: Chúa ở cùng anh chị em, giữa cảnh họ đang chịu đau đớn. Tôi hầu như bị tê liệt với hai tay giang ra mà tôi nghĩ tới thảm kịch con người dùng tiến bộ khoa học và kỹ thuật để tiêu diệt loài người. Đáp lại là những cặp mắt của những nạn nhân đang chờ nguồn an ủi nào đó từ bàn thờ giữa cảnh họ đang hấp hối và tuyệt vọng (...)
Sáu tháng sau, tất cả các nạn nhân được chữa trị đều trở về nhà, chỉ trừ hai người đã chết. Nhiều người trong số họ đã chịu Phép Rửa và ai thì cũng được biết thế nào là Đức Ái Kitô giáo (...)”
Bí tích Thánh Thể - Dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu siêu việt
Bí tích Thánh Thể lại một lần nữa làm cho tôi kinh ngạc và cúi đầu thán phục trước sáng kiến vĩ đại của mầu nhiệm Nhập Thể, một sáng kiến chỉ có thể là sáng kiến của Tình Yêu. Chính để cứu chuộc con người mà Thiên Chúa đã nên một Con Người như ta. Chính để trao ban Sự Sống Đích Thực cho ta, mà Ngài đã trở nên của ăn thật sự, cụ thể cho ta. Điều kỳ diệu là sức sống thiêng liêng lại có thể ban cho ta qua Bàn Tiệc rất hữu hình và cụ thể. Ta không chỉ ăn Đức Giêsu cách biểu tượng và mầu nhiệm, mà còn một cách thực sự hữu hình và vật chất. Đó chính là sự kỳ diệu của Bí tích vậy. Hội Thánh của Đức Giêsu được nuôi dưỡng bởi chính những dấu chỉ hữu hình đó. Thán phục trước sự kỳ diệu đó, tôi thấy mình được mời gọi yêu mến Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Giêsu hơn, với những phương tiện hữu hình, giới hạn nhưng đem lại sức sống dồi dào của Mẹ Thánh.
Đức Giêsu ban sự sống cho ta không với tư cách một người ban phát từ bên ngoài, nhưng Ngài tự nguyện trở thành của ăn cho ta. Đó là một hành vi tự nguyện tiêu tan đi, để cho kẻ khác nhờ đó mà được sống, tựa như hạt giống kia mục nát đi để đem lại sự sống cho vô số hạt khác. Một hành vi phục vụ đúng nghĩa. Tôi tự hỏi mình đã có một ước muốn phục vụ đích thực theo nghĩa là dám tự nguyện quên mình để nghĩ đến lợi ích người khác hay chưa.
Bí tích Thánh Thể là Bí tích của sự hiệp thông. Thánh Thể hiện diện nơi Nhà Tạm là trung tâm của cộng đoàn tụ họp lại trong tình huynh đệ, dâng lên Cha hiến lễ chính Người Con. Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể của Đức Kitô, nên khi dâng lên Cha Người Con, cộng đoàn tụ họp cũng dâng lên Cha chính mình với tư cách là Hội Thánh, Thân Mình của Đức Kitô vậy. Và khi cử hành Bàn Tiệc Thánh, cộng đoàn cũng cử hành mầu nhiệm hiệp thông vậy. Làm cho tôi được kết hợp với Đức Giêsu Phục Sinh, Bí tích Thánh Thể còn liên kết tôi với anh chị em khác vốn cũng đang mang Đức Giêsu trong mình: bởi vì họ cũng được Ngài yêu mến, hiến thân cho. Liệu tôi có thể yêu mến Đức Giêsu đích thực không khi tôi chẳng yêu thương những người mà chính Ngài yêu thương đến nỗi hiến mạng vì họ? Nếu tôi yêu mến Thánh Thể của Đức Giêsu, thì liệu tôi có sẵn sàng quan tâm, săn sóc những thành phần đau yếu nghèo đói, bị bỏ rơi của Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh chăng? Còn biết bao anh chị em trong cùng Thân Thể với tôi đang rên xiết dưới sức nặng của đau khổ và cần tôi giúp đỡ và yêu mến. Chính Bí tích Thánh Thể là nguồn sức mạnh khiến tôi có khả năng yêu mến và thể hiện Tình Yêu đó cho anh chị em tôi. (Lm Augustine, SJ. VietCatholic)
5. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”
Đôi khi chúng ta bị coi thường. Điều này thật đau buồn. Chúng ta thấy việc mình làm chẳng ai biết tới, và ngay chính bản thân chúng ta cũng bị đối xử như chẳng có gì đáng chú ý.
Nhưng tệ hơn nữa là chúng ta bị quên lãng. Điều này còn đau buồn hơn. Người ta quên chúng ta có nghĩa là không chỉ người ta không coi trọng chúng ta mà còn coi như chúng ta không có.
Bởi vậy ai cũng cố gắng làm cho người ta nhớ tới mình. Có câu nói rằng điều đáng sợ nhất không phải là chết mà là bị bỏ quên.
Chúa Giêsu cũng thế. Ngài muốn chúng ta nhớ tới Ngài. Vì thế trong đêm trước khi chịu chết, Ngài đã ngồi xuống cùng ăn với các môn đệ, rồi cầm lấy bánh và nói: “Này là Mình Thầy được ban cho các con”. Rồi Ngài cầm lấy chén rượu và nói: “Này là chén Máu Thầy... Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Dĩ nhiên Chúa muốn các môn đệ nhớ đến Ngài không phải chỉ vì ích lợi cho Ngài mà vì ích lợi cho chính họ. Họ cũng cần nhớ đến Ngài nữa. Vì yêu thương họ nên Ngài đã để lại một cách đặc biệt để nhớ đến Ngài, đó là Bí tích Thánh Thể.
Mỗi lần chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể là chúng ta nhớ lại một số lời Ngài nói và một số việc Ngài làm. Chúng ta suy gẫm những điều đó và cố gắng thực hành trong đời sống.
Mỗi lần chúng ta nhớ đến Ngài bằng cách đó thì Ngài trở nên hiện diện gần gũi với chúng ta, tuy không hiện diện hữu hình nhưng là hiện diện thực sự.
Nhờ cử hành Bí tích Thánh Thể, một mối dây yêu thương nối kết chúng ta lại với Ngài, kết quả là chúng ta có khả năng đi vào sự thân mật sâu đậm với Ngài, sâu đậm hơn cả khi Ngài hiện diện hữu hình. Chúng ta không chỉ thông giao với Ngài, mà còn hiệp thông với Ngài nữa, một sự hiệp thông thánh thiện.
Nhớ là một khả năng quý giá. Nó nối kết chúng ta lại với những người và những sự việc không còn nữa. Khi chúng ta nhớ đến những người thân yêu thì họ trở thành hiện diện với chúng ta. Họ không chỉ là một ký ức mà là một sự hiện diện thực sự. Khi nhớ tới họ là chúng ta tiếp tục gặt hái những hoa trái mà họ đã gieo khi còn sống với chúng ta.
Huống chi là khi chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, hoa trái chúng ta gặt hái còn nhiều hơn đến mức nào nữa. Nhất là nhớ đến Ngài bằng cách thức Ngài chỉ dạy, đó là cử hành Bí tích Thánh Thể. (FM)
6. Chuyện vui
Cô giáo giảng cho các học sinh về việc Chúa Giêsu lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi cả một đám đông: “Các em phải biết là Chúa Giêsu không thực sự nuôi dân bằng vài mẩu bánh. Chuyện đó không thể làm được. Đúng ra là Ngài đã dùng lời ngon ngọt mê hoặc họ để họ không còn cảm giác đói khát và về đến nhà vẫn còn cảm thấy no nê.” Chợt một bé gái đứng lên hỏi: “Thưa cô, vậy 12 thúng bánh vụn lấy đâu ra?”
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến,
Khi cùng với các tông đồ dự bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để thánh hóa và dưỡng nuôi các tín hữu trong cuộc lữ hành trần thế. Với tâm tình cảm tạ tri ân, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu/ dấu chỉ hiệp nhất/ mối dây bác ái./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa/ khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể/ được đức tin duy nhất chiếu soi/ và được liên kết trong cùng một đức ái vững bền.
2. Chính Chúa Giêsu đón nhận người Kitô hữu khi họ rước Chúa vào lòng./ Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa dạy các tín hữu/ biết niềm nở đón tiếp những ai đang tìm Người.
3. Chính Chúa Giêsu tự hiến làm của ăn của uống cho loài người trong bí tích Thánh Thể./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho sức mạnh người Kitô hữu đã tìm được nơi bàn thánh/ tồn tại mãi trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.
4. Việc rước lễ thường xuyên sẽ giúp ta tránh xa tội lỗi./ Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta hiểu được điều này/ và chuẩn bị thật tốt tâm hồn/ để mỗi khi tham dự thánh lễ/ đều có thể rước Chúa một cách xứng đáng và hữu hiệu.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, là Linh mục đích thực và vĩnh cửu, Chúa đã thiết lập hy lễ trường tồn và truyền cho chúng con cử hành mà tưởng nhớ đến Chúa. Xin cho chúng con biết tham dự thánh lễ một cách sốt sắng như Hội thánh đã dạy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Kinh Tiền Tụng: nên sử dụng kinh Tiền Tụng Thánh Thể I, đặc biệt nhấn mạnh phần cuối đoạn 2, “Khi chúng con lãnh nhận Mình Người hiến tế vì nhân loại, chúng con được mạnh sức. Và khi chúng con uống Máu Người đổ ra vì nhân loại, chúng con được rửa sạch tội khiên”.
- Trước kinh Lạy Cha: Chút nữa đây khi đọc câu “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”, chúng ta hãy nhớ rằng lương thực ấy không phải chỉ là cơm nước vật chất, mà còn là tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy tha thiết xin Cha trên trời ban cho chúng ta cả hai thứ lương thực ấy.
- Trước lúc rước lễ: Rước lễ chính là kết hợp với Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, là được hưởng dùng lương thực tuyệt hảo. Xin cho việc rước Mình Máu Chúa thánh hóa chúng ta, làm cho chúng ta ngày càng kết hợp mật thiết hơn với Chúa. “Đây Chiên Thiên Chúa...”
VII. GIẢI TÁN
Chúng ta đã được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Chúa Giêsu. Khi ra về, chúng ta hãy quan tâm chia sẻ và giúp đỡ anh chị em chúng ta để họ cũng được thoát khỏi những cơn đói cả vật chất lẫn tinh thần.

 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 169
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 161
 
  •   Hôm nay 34,340
  •   Tháng hiện tại 1,021,257
  •   Tổng lượt truy cập 79,769,941