Giáo lý cho Bài giảng lễ Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm A

Thứ bảy - 13/05/2023 09:22      Số lượt xem: 392

Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập WHĐ xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH NĂM A

(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CN 6 PS A 5


Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly

Số 243, 388, 692, 729, 1433, 1848: Chúa Thánh Thần là Đấng Bào Chữa / An Ủi
Số 1083, 2670-2672: Việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần
Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17
Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18
Phúc Âm: Ga 14, 15-21

 

Số 2746-2751: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly

2746. Khi đến Giờ của Người, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Chúa Cha[1]. Lời cầu nguyện của Người, lời dài nhất được sách Tin Mừng lưu truyền, bao gồm toàn bộ Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ, cũng như cả cái Chết và sự Phục sinh của Người. Lời cầu nguyện trong Giờ của Chúa Giêsu vẫn luôn còn là lời cầu nguyện của Người, cũng như cuộc Vượt Qua của Người, đã diễn ra “một lần cho mãi mãi”, vẫn luôn hiện diện trong phụng vụ của Hội Thánh Người.
2747. Truyền thống Kitô giáo gọi lời nguyện này một cách xác đáng là “lời nguyện tư tế” của Chúa Giêsu. Đây chính là lời cầu nguyện của Vị Thượng Tế của chúng ta, lời cầu nguyện này không thể tách rời khỏi cuộc hiến tế của Người, khỏi cuộc Vượt Qua của Người để về cùng Chúa Cha, trong đó chính Người “được thánh hiến”[2] trọn vẹn cho Chúa Cha.
2748. Trong lời cầu nguyện của cuộc Vượt Qua, của cuộc hiến tế này, mọi sự “được quy tụ”[3] trong Người: Thiên Chúa và thế gian, Ngôi Lời và xác phàm, sự sống vĩnh cửu và thời gian, tình yêu tự trao nộp và tội phản bội lại tình yêu, các môn đệ đang có mặt và những người sẽ tin vào Người nhờ lời của các ông, sự hạ mình và vinh quang. Đó là lời cầu nguyện của sự Hợp nhất.
2749. Chúa Giêsu đã hoàn thành toàn bộ công trình của Chúa Cha và lời cầu nguyện cũng như hy lễ của Người trải rộng tới lúc hoàn tất thời gian. Lời cầu nguyện trong Giờ của Người hoàn thành những thời buổi cuối cùng và dẫn đưa chúng đến chỗ hoàn tất. Chúa Giêsu, Người Con đã được Chúa Cha trao cho mọi sự, đã trao hiến trọn vẹn cho Chúa Cha và đồng thời Người tỏ ra mình hoàn toàn tự do[4], nhờ quyền năng Chúa Cha ban cho Người trên mọi xác phàm. Người Con, Đấng đã trở thành Người Tôi Tớ, là Chúa, là Đấng Toàn Năng (Pantocrator). Vị Thượng Tế cao cả của chúng ta, Đấng cầu nguyện cho chúng ta, cũng là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, và là Thiên Chúa, Đấng nhận lời chúng ta cầu nguyện.
2750. Khi đã thuộc về Danh thánh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đón nhận, từ bên trong, lời cầu nguyện chính Người dạy chúng ta: “Lạy Cha chúng con”. Lời cầu nguyện tư tế của Người, từ bên trong, gợi hứng cho những lời cầu xin quan trọng của kinh Lạy Cha: quan tâm đến Danh Cha[5], nhiệt tình với Nước Cha (vinh quang[6]), chu toàn Ý Cha, kế hoạch cứu độ của Ngài[7] và sự giải thoát khỏi sự dữ[8].
2751. Cuối cùng, trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu mạc khải và dạy chúng ta sự “hiểu biết” bất khả phân ly về Chúa Cha và Chúa Con[9]. Sự hiểu biết ấy chính là mầu nhiệm của đời sống cầu nguyện.

 

Số 243, 388, 692, 729, 1433, 1848: Chúa Thánh Thần là Đấng Bào Chữa / An Ủi

243. Trước cuộc Vượt Qua của Người, Chúa Giêsu báo tin sẽ sai đến một “Đấng Bào Chữa (Đấng Bảo Vệ) khác”, là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần, Đấng đã hoạt động trong công trình tạo dựng[10] và sau khi “đã dùng các Tiên tri mà phán dạy”[11], nay Ngài sẽ đến với và ở trong các môn đệ[12], để dạy bảo họ[13], và dẫn họ tới “sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Như vậy Chúa Thánh Thần được mạc khải như một Ngôi Vị thần linh khác, trong tương quan với Chúa Giêsu và với Chúa Cha.
388. Thực tại của tội lỗi cũng được làm sáng tỏ cùng với sự tiến triển của mạc khải. Mặc dầu dân Thiên Chúa thời Cựu Ước đã biết đến thân phận đau thương của con người dưới ánh sáng của việc sa ngã được thuật lại trong sách Sáng Thế, họ vẫn không thể nắm bắt được ý nghĩa tối hậu của việc sa ngã đó, ý nghĩa tối hậu này chỉ được biểu lộ dưới ánh sáng của cái Chết và sự Sống lại của Chúa Giêsu Kitô[14]. Cần phải nhận biết Đức Kitô là nguồn mạch của ân sủng, thì mới nhận ra ông Ađam là nguồn gốc của tội lỗi. Thần Khí bào chữa, do Đức Kitô phục sinh sai đến, đã đến tố cáo “thế gian sai lầm về tội lỗi” (Ga l6,8), khi Ngài mạc khải Đức Kitô là Đấng cứu chuộc trần gian.
692. Khi Chúa Giêsu loan báo và hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, Người gọi Chúa Thánh Thần là “Đấng Bào Chữa” (Paracletus), hoặc sát chữ là “Đấng được gọi đến bên mình”, ad-vocatus (Ga 14,16.26; 15,26; 16,7). Paracletus cũng thường được dịch là “Đấng An ủi”, và Chúa Giêsu là Đấng An ủi thứ nhất[15]. Chính Chúa gọi Chúa Thánh Thần là “Thần chân lý”[16].
729. Chỉ khi đến Giờ Chúa Giêsu phải được tôn vinh, Người mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, vì cái Chết và sự Sống lại của Người sẽ là sự hoàn thành Lời đã hứa với các Tổ phụ[17]: Thần chân lý, Đấng Bào Chữa khác, sẽ được Chúa Cha ban nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu; chính Ngài sẽ được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giêsu; Chúa Giêsu sẽ sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà đến, bởi vì Ngài xuất phát từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ đến, và chúng ta sẽ nhận biết Ngài, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, Ngài sẽ cư ngụ với chúng ta; Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Kitô; Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và sẽ tôn vinh Đức Kitô. Còn đối với thế gian, Ngài sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính, và về việc xét xử.
1433. Khởi từ cuộc Vượt Qua, Chúa Thánh Thần tố cáo thế gian về tội lỗi, vì thế gian đã không tin vào Đấng[18] Chúa Cha đã sai đến. Nhưng cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng tố cáo tội lỗi, lại là Đấng An Ủi[19], Đấng ban cho tâm hồn con người ân sủng để họ thống hối và hối cải[20].
1848. Cũng như Thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Nhưng để thực hiện công trình của mình, ân sủng phải vạch trần tội lỗi nhằm hối cải trái tim chúng ta và làm cho chúng ta “nên công chính để được sống đời đời, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5,21). Cũng như thầy thuốc xem xét vết thương trước khi chữa lành nó, Thiên Chúa, nhờ Ngôi Lời của Ngài và Thần Khí của Ngài, chiếu ánh sáng sống động vào tội lỗi:
“Sự hối cải đòi buộc phải xác tín về tội lỗi; nó bao hàm một phán đoán từ bên trong của lương tâm, và điều này là bằng chứng về sự hành động của Thần chân lý trong hữu thể thẳm sâu của con người, và đồng thời cũng là khởi điểm của việc ban tặng mới của ân sủng và tình yêu: “Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần”. Như vậy, trong việc xác tín về tội lỗi, chúng ta nhận ra một hồng ân kép: hồng ân về chân lý của lương tâm và hồng ân về sự chắc chắn của ơn cứu chuộc. Thần chân lý là Đấng an ủi”[21].

 

Số 1083, 2670-2672: Việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần

1083. Như vậy, chúng ta hiểu được chiều kích kép của phụng vụ Kitô giáo xét như lời đáp lại của đức tin và tình yêu đối với những lời “chúc lành thiêng liêng” Chúa Cha đã ban cho chúng ta. Một đàng, được kết hợp với Chúa của mình và dưới tác động của Chúa Thánh Thần[22], Hội Thánh chúc tụng Chúa Cha “vì phúc lộc khôn tả Ngài ban” (2 Cr 9,15), bằng việc tôn thờ, ca ngợi và tạ ơn. Đàng khác, cho tới khi kế hoạch của Thiên Chúa được hoàn tất, Hội Thánh không ngừng dâng lên Chúa Cha “lễ vật là những hồng ân Ngài ban”, và cầu khẩn Ngài ban Thánh Thần xuống trên lễ vật này, trên chính Hội Thánh, trên các tín hữu và trên toàn thể trần gian, để, nhờ hiệp thông vào sự chết và sự sống lại của Đức Kitô-Thượng tế, và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, những lời chúc lành này của Thiên Chúa đem lại hoa trái sự sống “để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,6).
2670. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Mỗi khi chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Chúa Giêsu, thì chính Chúa Thánh Thần dùng ân sủng dự phòng của Ngài, đưa chúng ta vào con đường cầu nguyện. Ngài dạy chúng ta cầu nguyện khi nhắc chúng ta nhớ đến Đức Kitô, thì lẽ nào chúng ta lại không cầu nguyện với chính Ngài? Vì vậy, Hội Thánh mời gọi chúng ta cầu khẩn Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi khởi sự và kết thúc mọi hoạt động quan trọng.
“Nếu như Chúa Thánh Thần không đang được tôn thờ, thì làm sao Ngài thần hóa tôi bằng bí tích Rửa Tội được? Còn nếu Ngài đáng được tôn thờ, thì lẽ nào Ngài lại không được tôn thờ cách đặc biệt?”[23]
2671. Công thức truyền thống để xin Chúa Thánh Thần là kêu cầu Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, để Chúa Cha ban cho chúng ta Thần Khí An ủi[24]. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến lời cầu xin này nhân danh Người, khi Người hứa ban hồng ân là Thần Khí sự thật[25]. Nhưng lời cầu nguyện đơn giản và trực tiếp nhất theo truyền thống là: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến”. Mọi truyền thống phụng vụ đã khai triển lời nguyện ấy trong các điệp ca và thánh thi:
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến, xin tràn ngập tâm hồn các tín hữu của Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong họ”[26].
“Lạy Đức Vua thiên quốc, Đấng An ủi, Thần Khí sự thật, Đấng hiện diện khắp nơi và tràn ngập vạn sự, là kho tàng mọi điều thiện hảo và là nguồn mạch sự sống, xin ngự đến, xin cư ngụ trong chúng con, xin thanh tẩy chúng con sạch mọi vết nhơ và xin cứu độ linh hồn chúng con, lạy Chúa là Đấng nhân lành”[27].
2672. Chúa Thánh Thần, mà dầu của Ngài thấm nhập toàn thể con người chúng ta, là Vị Thầy nội tâm của việc cầu nguyện Kitô giáo. Chính Ngài là Đấng kiến tạo truyền thống sống động của việc cầu nguyện. Quả thật, có bao nhiêu người cầu nguyện thì có bấy nhiêu đường lối cầu nguyện, nhưng cùng một Thần Khí hoạt động trong mọi người và cùng với mọi người. Trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần, kinh nguyện Kitô giáo là kinh nguyện trong Hội Thánh.

 

Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17

"Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần".
Bài trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc xứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.
Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.


Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!
Xướng: 1) Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa!
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!
2) Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!
3) Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!
4) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!

 

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18

"Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại".
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.
Ðó là lời Chúa.


Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 14, 15-21

"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".
Ðó là lời Chúa.

 


[1] X. Ga 17.

[2] X. Ga 17,11.13.19.

[3] X. Ep 1,10.

[4] X. Ga 17,11.13.19.24.

[5] X. Ga 17,6.11.12.26.

[6] X. Ga 17,1.5.10.22.23-26.

[7] X. Ga 17,2.4.6.9.11.12.24.

[8] X. Ga 17,15.

[9] X. Ga 17,3.6-10.25.

[10] X. St 1,2.

[11] Tín biểu Nicêa-Constantinôpôli: DS 150.

[12] X. Ga 14,17.

[13] X. Ga 14,26.

[14] X. Rm 5,12-21.

[15] X. 1 Ga 2,1 (parakleton).

[16] X. Ga 16,13.

[17] X. Ga 14,16-17.26; 15,26; 16,7-15; 17,26.

[18] X. Ga 16,8-9.

[19] X. Ga 15,26.

[20] X. Cv 2,36-38; ĐGH Gioan Phalô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, 27-48: AAS 78 (1986) 837-868.

[21] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, 31: AAS 78 (1986) 843.

[22] X. Lc 10,21.

[23] Thánh Grêgôriô Nazianzênô, Oratio 31 (theologica 5), 28: SC 250, 332 (PG 36, 165).

[24] X. Lc 11,13.

[25] X. Ga 14,17; 15,26; 16,13.

[26] Lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều I: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v. 2 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 798; x. Lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống, Thánh lễ chính ngày, Ca tiếp liên: Lectionarium, v. 1, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 855-856.

[27] Officium Horarum Byzantinum, Vespertinum in die Pentecostes, Sticherum 4 : Pentekostarion (Romae 1884) 394. 

Nguồn tin: hdgmvietnam.com


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 170
  •   Máy chủ tìm kiếm 9
  •   Khách viếng thăm 161
 
  •   Hôm nay 19,584
  •   Tháng hiện tại 1,051,592
  •   Tổng lượt truy cập 79,800,276