Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật V Thường Niên - Năm C

Thứ sáu - 04/02/2022 06:00      Số lượt xem: 1223

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này, cả ba bài đọc, đều tập trung vào một chủ đề duy nhất: ƠN GỌI.


Is 6:1-2a, 3-8
Trong bài đọc I, ngôn sứ I-sai-a thuật lại ơn gọi của mình từ một thị kiến uy nghi hùng vĩ xảy ra trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vào năm 740 trước Công Nguyên.
1Cr 15: 1-11
Trong đoạn trích thư thứ hai của thánh Phao-lô gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc lại ơn gọi đặc biệt mà thánh nhân đã lãnh nhận từ chính Chúa Ki tô Phục Sinh. Ngài đã biến đổi thánh nhân từ một kẻ bách đạo cuồng tín trở thành một Tông Đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng.
Lc 5: 1-11
Thánh Lu-ca thuật lại câu chuyện Mẻ cá kỳ diệu; ngay liền sau đó, thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan đáp trả lời mời gọi của Chúa Giê-su, họ từ bỏ mọi sự mà cất bước đi theo Ngài.
 CN 5 TN C 3
BÀI ĐỌC I (Is 6:1-2a, 3-8)
Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã đọc bài tường thuật về ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mi-a; Chúa Nhật này, chúng ta đọc ơn gọi của ngôn sứ I-sai-a. Hai bài tường thuật được viết theo văn phong rất khác nhau và hai phản ứng của hai vị ngôn sứ này cũng đối lập với nhau. Nét đặc trưng của ơn gọi ngôn sứ Giê-rê-mi-a là bầu khí thân tình lòng bên lòng với Thiên Chúa, trong khi ơn gọi của ngôn sứ I-sai-a được định vị vào trong một thị kiến uy nghiêm hùng vĩ của một cuộc thần hiện. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a không hề run sợ trước Thiên Chúa, nhưng lại sợ hãi khi phải đối đầu với con người. Trái lại, ngôn sứ I-sai-a run sợ trước vẻ uy nghi cao cả của Thiên Chúa và tự nguyện xin Chúa sai mình đi thi hành sứ vụ của Ngài cho con người.
Xem ra ngôn sứ I-sai-a xuất thân từ một gia đình ở Giê-ru-sa-lem và có mối quan hệ gần gũi với giai cấp lãnh đạo. Những người mà ông có sứ mạng chuyển giao sứ điệp là vua và các triều thần ở chốn triều đình.
Ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta niên biểu ơn gọi của ông: “Năm vua Út-di-gia-hu băng hà”. Vua Út-di-gia-hu là vị vua bất hạnh thuộc vương quốc Giu-đa; vào cuối triều đại hạnh phúc và thịnh vượng, vua bị bệnh cùi và qua đời năm 740 trước Công Nguyên.
1. Thị kiến khai mạc:
I-sai-a sinh vào năm 765 trước Công Nguyên; vì thế vào khoảng năm 25 tuổi, ông đón nhận thị kiến ở Đền Thánh Giê-ru-sa-lem, trong một giấc mộng hay trong một buổi phụng vụ. Dù thế nào, ông vẫn có một mặc khải về sự siêu việt và thánh thiện của Thiên Chúa đến nổi làm xáo động tâm trí của ông. Ngay liền sau đó, ông trở thành vị ngôn sứ của Thiên Chúa ngàn trùng chí thánh.
Cuộc thần hiện được diễn tả theo hình tượng truyền thống: đất rung chuyển, khói tỏa mù mịt, như ở trên núi Xi-nai hay như ở Nhà Tiệc Ly vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem đã là nơi Thiên Chúa ngự giữa cõi thế.
Đức Chúa tỏ mình ra cho ông I-sai-a như một vị vua quyền năng mà sự uy nghi cao cả của Ngài bao phủ đền thánh, có các thần Xê-ra-phim hộ giá. Các thần này tung hô: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”. Đây là lời tung hô “ba lần thánh”, nghĩa là, cực thánh hay ngàn trùng chí thánh, xem ra được dùng trong phụng vụ rồi. I-sai-a hiểu lời tung hô này và sẽ đặt nó vào trọng tâm sứ điệp của mình. Ông sẽ gọi Đức Chúa là “Đấng Thánh của Ít-ra-en”.
2. Sự khiêm hạ của con người và lòng xót thương của Thiên Chúa:
I-sai-a nhận ra ngay sự bất xứng của mình nên thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!”.
Với lời thú nhận đầy khiêm tốn này, Đức Chúa đáp trả bằng lòng xót thương; Ngài sai một trong các thần Xê-ra-phim, tay cầm một hòn than hồng trên bàn Hương Án và thanh tẩy môi miệng ô uế của vị ngôn sứ tương lai: “Đây, cái này đã chạm vào đến môi ngươi, ngươi đã được tha tội và xá tội”, để ông có thể xứng đáng là sứ giả của Ngài, người được Chúa sai đi truyền đạt Lời Chúa cho con người.
3. Ơn gọi:
Đức Chúa đã bày tỏ sự siêu việt của Ngài nhưng cũng sự hào hiệp của Ngài. Trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?”, chàng thanh niên I-sai-a mới 25 tuổi đời mau mắn đáp trả không một chút đắn đo suy nghĩ: “Dạ, con đây, xin sai con đi”. Chàng cảm thấy mình có liên đới với dân này, “một dân môi miệng ô uế”; chàng sẽ là sứ giả của Thiên Chúa cho họ.
Thánh Phao-lô sau thị kiến về Đấng Phục Sinh trên đường đi Đa-mát, thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gioan sau Mẻ cá kỳ diệu, đã không thể nào cưỡng kháng lại trước tiếng gọi của Chúa Ki-tô.
 
BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 1-11)
Chúng ta tiếp đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi các tín hữu Cô-rin-tô.
1. Hai điều lợi ích:
Đoạn trích hôm nay cho chúng ta hai điều lợi ích. Điều lợi ích thứ nhất đó là thánh Phao-lô biện minh phẩm chất Tông Đồ của mình, vì thánh nhân đã lãnh nhận ơn gọi của mình từ chính Chúa Ki-tô. Lợi ích thứ hai rất nổi tiếng: bản văn này là lời tuyên xưng đức tin về giá trị cứu độ của cái chết của Đức Ki-tô và một lời khẳng định quý báu về cuộc Phục Sinh, kèm theo danh sách của tất cả những chứng nhân đã thấy Đấng Phục Sinh, danh sách mà chỉ một mình thánh Phao-lô cho đầy đủ nhất. Các tác giả Tin Mừng không nói đến việc Chúa Ki-tô hiện ra cho năm trăm người, cũng không nói đến việc Ngài hiện ra cho ông Gia-cô-bê, người anh em họ của Chúa Giê-su, người đảm nhận trách nhiệm của Cộng Đoàn Giê-ru-sa-lem. Trong danh sách này, thánh Phao-lô cũng kể ra việc Chúa Giê-su hiện ra cho tất cả các Tông Đồ. Thuật ngữ “Tông Đồ” ở đây rõ ràng phải được hiểu theo nghĩa rất rộng, bởi vì Nhóm Mười Hai được trích dẫn trước đó.
Chúng ta ghi nhận rằng thánh Phao-lô đặt cuộc xuất hiện mà thánh nhân đã được thụ hưởng trên đường đi Đa-mát trên cùng một bình diện với những lần xuất hiện của Chúa Ki-tô giữa biến cố Phục Sinh và biến cố Thăng Thiên.
Ở đây chúng ta chỉ dừng lại ở nơi ơn gọi của thánh Phao-lô mà chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn hướng đến.
2. Ơn gọi của thánh Phao-lô:
Như ngôn sứ I-sai-a, thánh Phao-lô đã bị Thiên Chúa nắm bắt. Thánh nhân đã có một thị kiến về Đức Ki-tô Phục Sinh, Ngài tỏ mình ra trong một luồng ánh sáng rực rỡ và thánh nhân ngã xuống đất. Kẻ trước đây đã điên cuồng bắt hại các người Ki-tô hữu, bây giờ thú nhận là mình bất xứng: “Tôi là kẻ hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa”.
Nhưng giống như I-sai-a, thánh Phao-lô đã được tha thứ và được gọi đích thân: “Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu”. Chúng ta nhận ra thái độ tâm hồn của vị Tông Đồ này: một sự trộn lẫn thường hằng giữa sự khiêm tốn và sự tự hào hãnh diện.
3. Thánh Phao-lô biện minh ơn gọi Tông Đồ của mình:
Thánh Phao-lô có nhiều lý do để mà biện minh ơn gọi của mình. Trong số những tín hữu Cô-rin-tô, vài người bác bỏ tước hiệu Tông Đồ của thánh nhân và buộc tội ngài là huênh hoang tự đắc.
Ở đầu thư, thánh Phao-lô tự giới thiệu mình: “Tôi là Phao-lô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Giê-su Ki tô” (1Cr 1: 1). Như vậy, ngay từ đầu thư, các tín hữu Cô-rin-tô được báo trước rằng vị rao giảng của họ đòi hỏi tính chính truyền ơn gọi Tông Đồ của mình. Sự đòi hỏi này được lập lại xa hơn một chút: “Tôi không phải là tông đồ ư? Tôi đã không thấy Đức Giê-su, Chúa chúng ta sao? Anh em không phải là công trình của tôi trong Chúa sao? Nếu đối với những người khác tôi không phải là tông đồ, thì ít ra đối với anh em tôi là tông đồ, vì ấn tín chứng thực chức vụ tông đồ của tôi trong Chúa chính là anh em” (9: 1-2).
Đoạn văn mà chúng ta đọc hôm nay được định vị vào cuối thư, vì thế, đây là lời thánh Phao-lô nhắc lại lần thứ ba về tính chất đặc thù của ơn gọi mình: chính Đức Ki-tô đã đích thân ủy thác sứ vụ tông đồ cho thánh nhân, chứ không có bất kỳ trung gian phàm nhân nào.
 
TIN MỪNG (Lc 5: 1-11)
Xem ra khi viết đoạn Tin Mừng này, thánh Lu-ca vận dụng cùng một phương pháp văn chương mà thánh ký đã sử dụng rồi trong bài tường thuật “Chúa Giê-su viếng thăm Na-da-rét”: tập hợp lại những sự kiện nối tiếp nhau thành một bài tường thuật duy nhất trong cùng một khung cảnh, để tránh những lập lại và để câu chuyện trở nên sống động hơn, thậm chí kịch tính hơn.
Như vậy, thánh Lu-ca trình bày “một bức tranh có ba cảnh” nối tiếp nhau:
- Chúa Giê-su rao giảng trên bờ hồ Ghen-nê-xa-rét (5: 1-3).
- Mẻ cá kỳ diệu (5: 4-7).
- Ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (5: 8-11).
1. Chúa Giê-su rao giảng bên bờ hồ (5: 1-3).
Trong Tin Mừng Lu-ca, trước đây Đức Giê-su chọn các hội đường để truyền đạt đạo lý của Ngài cho dân chúng, bây giờ Ngài chọn bờ hồ Ghen-nê-xa-rét làm khung cảnh cho lời rao giảng của Ngài. Thánh Mác-cô cho chúng ta nhiều bằng chứng về điểm này, xin trích dẫn một bản văn rất gần với Lu-ca: “Đức Giê-su lại bắt đầu giảng dạy ở ven Biển Hồ. Một đám đông người rất đông tụ họp lại chung quanh Người, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi dưới biển, còn toàn thể đám đông thì ở trên bờ” (Mc 4: 1-2).
Đây là khúc quanh sứ vụ của Chúa Giê-su, tiên báo khúc quanh sứ vụ của Giáo Hội sau này, như W. Barclay nhận xét : “Tại đây chúng ta đối diện một khúc quanh trong sứ vụ Chúa Giê-su. Lần trước Chúa giảng trong hội đường, bây giờ Ngài ở tại bờ biển. Rồi Ngài sẽ còn trở lại hội đường nữa, nhưng sẽ đến một ngày, cửa hội đường đóng lại trước mặt Ngài thì Hội Thánh của Ngài sẽ ở nơi bờ hồ, sẽ ở ngoài đường cái, và tòa giảng của Ngài sẽ là chiếc thuyền. Ngài sẽ tới bất cứ nơi nào người ta muốn nghe Ngài giảng” (Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Nhà XB Tôn Giáo, 2008, tr. 53).
1.1. Lời Thiên Chúa:
Dân chúng đến để lắng nghe “Lời Thiên Chúa”; cách nói này thay thế cách nói “Tin Mừng” mà cho đến lúc đó thánh Lu-ca thường dùng. Thánh Lu-ca sẽ lấy lại cách nói “Lời Thiên Chúa” này nhiều lần (8: 11, 21; 11: 28). Chắc chắn trong lời rao giảng của các Tông Đồ, cả hai cách nói này: “Lời Thiên Chúa” “Tin Mừng” đều thông dụng và có thể được thay thế cho nhau như chính thánh Lu-ca làm chứng trong Công Vụ (Cv 6: 7; 8: 14; 11: 1; 13: 44, 46; 15: 35; 18: 11, vân vân). Ở đây sắc thái xem ra gần với tư tưởng mà thánh Gioan sẽ diễn tả trong Tựa Ngôn Tin Mừng của mình: Đức Giê-su được nhận dạng với Lời Thiên Chúa, Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa.
1.2. Thuyền của ông Si-mon:
Việc Chúa Giê-su chọn thuyền của ông Si-mon trong hai chiếc thuyền đậu ở đó không phải là một sự tình cờ. Chính “từ trên thuyền này Người giảng dạy đám đông”. Trong câu chuyện này, Chúa Giê-su chưa cho ông Si-mon một tên mới là Phê-rô; Ngài sẽ cho ông tên mới này vào lúc Ngài chọn Nhóm Mười Hai (Mc 6: 14). Nhưng ngay trong câu chuyện này thánh Lu-ca chỉ định trước người ngư phủ miền Ga-li-lê này một tên kép “ông Si-mon Phê-rô”. Hình ảnh con thuyền Giáo Hội được lèo lái bởi thánh Phê-rô đã trở thành kinh điển kể từ Tertullien và thánh Augustine; hình ảnh này xem ra tiềm ẩn ở nơi đoạn Tin Mừng này rồi. Các Giáo Phụ đã thấy ở nơi con thuyền được lèo lái bởi ông Si-mon Phê-rô một biểu tượng kinh điển về Giáo Hội lữ hành trên trần thế. “Đây là con thuyền mà theo thánh Mát-thêu đang có nguy cơ bị chìm và theo thánh Lu-ca thì đầy cá. Ở đây chúng ta có thể thấy những bước khởi đầu đầy khó khăn của Giáo Hội và những thành quả sau này của nó” (St Ambrose, Expositio evangelii sec. Lucam, in loc.). Đức Ki-tô bước vào thuyền để dạy đám đông dân chúng – và từ con thuyền của ông Phê-rô, tức Giáo Hội, Ngài tiếp tục dạy toàn thể thế giới.
2. Mẻ cá kỳ diệu (5: 4-7).
Thánh Lu-ca liên kết việc Chúa Giê-su rao giảng bên bờ hồ với Mẻ cá kỳ diệu. Thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu không biết tình tiết này. Chúng ta cũng gặp thấy Mẻ cá kỳ diệu này ở trong phần phụ chương của Tin Mừng Gioan (ch. 21), nhưng được định vị sau biến cố Phục Sinh. Có thể chỉ có một biến cố duy nhất, nhưng chúng ta không còn biết rõ biến cố này được định vị vào lúc nào. Điều này cho thấy mỗi tác giả Tin Mừng có quan điểm thần học khác nhau về cùng một biến cố này.
Chúa Giê-su đòi hỏi thánh Phê-rô một hành vi đức tin. Theo kinh nghiệm của một ngư phủ, đêm là thời gian thuận tiện để ra khơi thả lưới bắt cá, chứ ban ngày không phải là thời gian thích hợp cho việc đánh cá. Ấy vậy, Chúa Giê-su lại bảo ông Si-mon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, ông Si-mon nhấn mạnh sự phi lý của sự đòi hỏi này: “Thưa Thầy, chúng tôi vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”; tuy nhiên, đức tin của ông mách bảo ông chấp nhận sự thách đố này: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Đối với đức tin, điều không thể lại có thể. Một mẻ lưới đầy cá đến nỗi họ phải ra hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền khác, là Gia-cô-bê và Gio-an, đến giúp.
Chúng ta ghi nhận rằng ông An-rê, anh của ông Si-mon không được kể ra. Tuy nhiên thánh Lu-ca dùng số nhiều: “họ” bắt được nhiều cá khi nói về những người đồng nghiệp cùng ở với ông Si-mon. Trước hết, thánh Lu-ca nghĩ đến bộ ba bất khả phân: thánh Phê-rô, thánh Gia-cô-bê và thánh Gio-an, bộ ba này sẽ được liên kết với Chúa Giê-su một cách đặc biệt hơn các Tông Đồ khác: họ sẽ là chứng nhân về cuộc phục sinh của con gái của ông trưởng hội đường (Lc 8: 51), về biến cố Biến Hình trên núi (Lc 9: 28), và về cơn hấp hối trong vườn Ô-liu (Mc 14: 33). Thật đáng ghi nhận rằng Chúa Giê-su đã không tách tình bạn của những người bạn đồng nghiệp: Ngài tôn trọng tình bạn này trong suốt cuộc đời thi hành sứ vụ của Ngài, tuy nhiên ba người môn đệ này sẽ là cột trụ của Giáo Hội tiên khởi. Sự cộng tác của tất cả họ vào Mẻ cá kỳ diệu này phác họa sứ vụ của Giáo Hội trong tương lai rồi.
3. Ơn gọi của các môn đệ đầu tiên (5: 8-11).
“Ơn gọi của các môn đệ đầu tiên” của thánh Lu-ca cũng được thánh Mác-cô và thánh Mát-thêu thuật lại: trong cùng một khung cảnh: bên bờ hồ, trong khi thánh Phê-rô và thánh An-rê đang quăng lưới đánh cá, còn thánh Gio-an và thánh Gia-cô-bê đang vá lưới ở trong thuyền, Chúa Giê-su gọi họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” và họ mau mắn đáp trả bằng cách bỏ lại tất cả mà bước đi theo Ngài. Hoạt cảnh thật giản dị nhưng thật cảm động.
Thánh Lu-ca liên kết ơn gọi này với tình tiết Mẻ cá kỳ diệu, điều này làm cho câu chuyện thêm phần kịch tính hơn. Các môn đệ tương lai xem ra không cưỡng được trước một nhà phép thuật thần thông hơn trước sứ giả Tin Mừng, cho dù họ không tách biệt quá rõ nét hai khía cạnh hấp dẫn này ở nơi con người Đức Giê-su.
Phản ứng của thánh Phê-rô tương tự với phản ứng của ngôn sứ I-sai-a, bày tỏ cũng một thứ tình cảm ngăn cách giữa con người tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”.
Như trong câu chuyện ơn gọi của vị ngôn sứ ở đó lòng xót thương của Thiên Chúa đáp trả sự khiêm tốn của vị ngôn sứ, Chúa Giê-su cũng làm yên lòng thánh Phê-rô: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Chính con người mà thánh nhân có sứ mạng thu phục. Những bờ hồ Ghen-nê-xa-rét mờ nhạt đi để trở thành những biên giới của thế giới.
Một bức tranh ba cảnh của thánh Lu-ca có một sự duy nhất thấm thía: trên phong nền của toàn cảnh nổi bật một viễn cảnh Giáo Hội.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 246
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 242
 
  •   Hôm nay 29,610
  •   Tháng hiện tại 1,061,618
  •   Tổng lượt truy cập 79,810,302