Chú giải Lời Chúa Chúa nhật V Phục Sinh - Năm A

Thứ năm - 04/05/2023 18:07      Số lượt xem: 362

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh tập trung đề tài vào Giáo Hội.

Cv 6: 1-7
Bài Đọc I, trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, cho chúng ta biết rằng Giáo Hội sáng tạo cơ cấu đầu tiên của mình: lập “nhóm Bảy Người” là một hình thức mới của công việc phục vụ.
1Pr 2: 4-9
Thánh Phê-rô viết rằng Giáo Hội đặt nền móng trên viên đá sống động là Đức Giê-su Ki-tô. Những người Ki-tô hữu cũng là những viên đá sống động, vì họ tiếp tục xây nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.
Ga 14: 1-12
Tin Mừng hôm nay là phần đầu bài diễn từ cáo biệt của Đức Giê-su với các môn đệ Ngài trong Tiệc Ly. Đức Giê-su giải thích cho họ biết nơi mà Ngài dẫn những người tin vào Ngài đi là nhà Cha của Ngài.

 CN 5 PS A 4

BÀI ĐỌC I (Cv 6: 1-7)
Bài Đọc I tường thuật một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của Giáo Hội tiên khởi: việc lập “nhóm Bảy Người” khác với “nhóm Mười Hai”. Giữa cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, bảy thành viên được chọn nhằm mục đích phụ giúp công việc với các Tông Đồ. Thánh Lu-ca đưa ra hai lý do cho quyết định này: trước tiên, số các tín hữu ngày càng đông khiến cho các Tông đồ không thể nào đảm đương công việc điều hành cộng đoàn được. Thêm nữa, sự bất hòa giữa những “Ki-tô hữu Do Thái bản địa” và những “Ki-tô hữu Do Thái hải ngoại”.
Trong cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, có những Ki-tô hữu Do Thái sinh trưởng ở Pa-lét-tin và nói tiếng A-ram, và những Ki-tô hữu Do Thái sinh trưởng ở hải ngoại, trở về định cư ở Giê-ru-sa-lem và nói tiếng Hy Lạp. Ở Giê-ru-sa-lem có những hội đường, ở đó phụng vụ ngày sa-bát được cử hành bằng tiếng Hy Lạp, Kinh Thánh được sử dụng là bản Bảy Mươi, bản dịch Hy Lạp. Số người Ki-tô hữu Do Thái hải ngoại này chắc chắn là thiểu số.
1. Mối bất hòa:
Chung chung người phụ nữ Do Thái lập gia đình rất sớm và thường vẫn còn sống sau khi chồng đã qua đời. Vì thế, số lượng các bà góa có thể là khá đông. Bổn phận giúp đỡ các bà góa phát xuất từ lòng đạo đức truyền thống. Trong việc phân phát lương thực hằng ngày, những cuộc tranh cãi nổi lên giữa các bà góa: các bà góa thuộc khối Do Thái hải ngoại nghĩ rằng mình không được quan tâm bằng các bà góa thuộc khối Do Thái bản địa. Chính mối bất hòa này tạo cơ hội cho các Tông Đồ siêu thoát những bận lòng vật chất để “chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”.
2. Việc tuyển chọn Nhóm Bảy Người:
Chính cộng đoàn chỉ định bảy người: “Họ chọn các ông… đưa các ông ra và giới thiệu với các Tông Đồ”. Các tiêu chuẩn để chọn lựa nhóm bảy người là “được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan”. Nếu con số “Mười Hai” tượng trưng cho mười hai chi tộc Ít-ra-en (x. Mc 3: 14) thì con số “Bảy” được ấn định chắc chắn vì tính thánh thiêng và ý nghĩa viên mãn của nó, nhưng cũng có thể vì con số bảy tượng trưng cho bảy dân tộc ngoại giáo ở xứ Ca-na-an (x. Cv 13: 19). Như vậy, việc thiết lập nhóm Bảy Người nói lên hướng đi mới của Giáo Hội, đã đến lúc Giáo Hội và Tin Mừng Đức Ki-tô không còn bị giới hạn nơi những anh em Do Thái, nhưng phải được phổ biến rộng rãi nơi các dân ngoại.
Dường như tất cả bảy cộng tác viên này được chọn giữa khối Ki-tô hữu Do Thái hải ngoại, chắc chắn chủ yếu cốt là làm dịu đi sự bất đồng của khối này. Quả thật, tất cả tên của bảy cộng tác viên đều tên Hy Lạp. Dù thế nào, sự chọn lựa này chứng thực rằng cộng đoàn Giê-ru-sa-lem chấp nhận mở rộng mình ra hơn nữa với thế giới ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp. Thật đáng chú ý khi mà trong số bảy cộng tác viên, có một người tên là Ni-cô-la quê An-ti-ô-ki-a, gốc dân ngoại, đã theo đạo Do Thái, đoạn Ki-tô giáo. Ông là người Ki-tô hữu gốc dân ngoại đầu tiên đón nhận thừa tác vụ chính thức trong Giáo hội.
3. Nghi thức đặt tay:
“Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông”. Việc đặt tay có nghĩa truyền đạt quyền hành hay phẩm chất đặc biệt. Trong đạo Do Thái, nghi thức này đã được thực hành từ xa xưa. Ông Mô-sê đã đặt tay trên ông Giô-suê và “ông đã được đầy tràn thần khí khôn ngoan” (Đnl 34 : 9). Để là thành viên Thượng Hội Đồng, phải được Thượng Tế đặt tay.
Việc đặt tay trên bảy cộng tác viên chứng thực rằng ngay từ đầu người ta thấy trước rằng công việc của họ sẽ không bị giới hạn ở nơi “việc phân phát lương thực hàng ngày”. Quả thật, sau đó vì nhu cầu mục vụ đòi hỏi, bảy cộng tác viên ấy cũng tham dự vào việc phục vụ Lời Chúa như các Tông Đồ; và rồi do hoàn cảnh bách hại, họ chạy trốn ra ngoài xứ Pa-lét-tin và trở thành những nhà truyền giáo đầu tiên.
4. Nhiều tư tế đón nhận đức tin:
Thánh Lu-ca không bao giờ quên nhấn mạnh đức tin Ki-tô giáo phát triển rất nhanh, vì thế thánh ký nêu ra một số lượng lớn các tư tế Do Thái đón nhận đức tin Ki-tô giáo. Chi tiết này rất quý báu vì nó giúp cho chúng ta hiểu biết hơn nỗi lo lắng của giáo quyền Giê-ru-sa-lem và cuộc bách hại sắp giáng xuống trên cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi, khởi đi với việc sát hại một trong bảy cộng tác viên là thánh Tê-pha-nô.
 
BÀI ĐỌC II (1Pr 2 : 4-9)
Đoạn trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô hôm nay, hòa hợp với hai bài đọc khác, nói với chúng ta về Giáo Hội, cơ cấu của Giáo Hội, sứ mạng của Giáo Hội và nền tảng của Giáo Hội là Đức Ki-tô.
Chúng ta nên nhớ rằng thư này được gởi đến cho những Ki-tô hữu đang chịu đau khổ, bị vu khống và ít nhiều bị loại bỏ. Vì thế, thánh Tông đồ nhắc họ nhớ rằng đức tin kiên vững đặt nền tảng trên Đức Kitô, “viên đá sống động” bị con người loại bỏ, nhưng được Thiên Chúa chọn.
1. Ẩn dụ của đá:
Một mặt, “đá” tự nhiên gợi ra ngay tức khắc yếu tố vững chắc, bền vững trước mắt chúng ta. Vì thế, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy phần lớn các dân tộc liên kết đá với việc cúng tế các vong nhân, như niềm hy vọng vào cuộc sống bất diệt. Mặt khác, Đức Ki-tô được gọi là “viên đá sống động”, chính vì Ngài đã chiến thắng sự chết và phân phát sự sống vô tận. Thêm nữa, đây là hình ảnh mang chiều kích thiên sai mà Kinh Thánh đã nhiều lần gợi lên: viên đá quý giá (x. Is 28 : 16), đá tảng góc tường (x. Tv 118 : 22), phiến đá độc nhất (x. Dcr 3 : 9). Vì thế, “đá” trước tiên phải là Đức Ki-tô, rồi đến chính vị lãnh tụ của Giáo Hội, người mà Đức Giê-su  gọi là “Kê-pha”, nghĩa là “đá tảng”.
2. Viên đá sống động:
“Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ của Chúa Thánh Thần”, nghĩa là được Chúa Thánh Thần ở cùng, theo kiểu nói của thánh Phao-lô : “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3 : 9). Ở đây, chúng ta có thể nhấn mạnh động từ “xây” mà thánh Phê-rô sử dụng cũng là động từ mà Đức Ki-tô sử dụng khi Ngài nói với Phê-rô : “Con là đá, trên đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy”.
3. Chức tư tế thánh:
“Hãy để Người đặt anh em hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Ki-tô”. Bản dịch của nhóm CGKPV này có thể khiến chúng ta nghĩ rằng đây cốt là chức tư tế thừa tác. Trái lại, bản văn này gợi lên chức tư tế của toàn thể Giáo Hội: Chức Tư Tế Cộng Đoàn. Bản TOB dịch chính xác hơn: “Anh em được xây dựng thành ngôi nhà của Chúa Thánh Thần để hình thành nên một cộng đồng tư tế thánh”.
4. Hiến lễ thiêng liêng:
“Dâng những hiến lễ thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Cách diễn tả này rất gần với tư tưởng của thánh Phao-lô, ví dụ như trong thư gởi tín hữu Rô-ma: “Tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12 : 1).
5. Lương dân hoán cải và người Do Thái cứng lòng tin:
Biểu tượng “đá” thúc đẩy thánh Phê-rô đề cập đến một vấn đề đau đớn tận đáy lòng mình: việc dân Ít-ra-en loại bỏ Đức Ki-tô. Thật cảm động khi thấy rằng thánh nhân đau xót biết bao trước sự lòng cứng tin của dân mình: thánh nhân cố gắng hiểu, trong ánh sáng Kinh Thánh, tại sao sự chọn lựa của Thiên Chúa lại không đạt đến đích. Biểu tượng “đá” chứa đựng một biện chứng: căn nguyên của ơn cứu độ hay cớ vấp ngã. Đức Ki-tô là dấu chỉ mâu thuẫn. Ngài đòi buộc một sự chọn lựa: Ngài là điểm tựa cứu độ hay tảng đá vấp ngã.
a- Căn nguyên của ơn cứu độ:
Trước hết, “đá” có thể là hình ảnh về một sự vững chắc của toà kiến trúc: đá nền hay đá góc tường (đá này có thể chỉ đá chóp đỉnh để đảm bảo sự cố kết của tòa nhà). Theo ngôn ngữ biểu tượng: một phần thay cho toàn thể, đá có nghĩa toàn khối kiến trúc. Bản văn Is 28: 16: “Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng” mà thánh Phê-rô trích dẫn, thật dễ dàng ủng hộ cách giải thích theo chiều hướng thiên sai. Viên đá quý giá mà Đức Chúa tuyển chọn để xây dựng dân Ngài sẽ là Đấng Thiên Sai, Đấng Mê-si-a của Ngài.
“Kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng. Vậy, vinh dự cho anh em là những người tin”, trong câu này, chữ “vinh dự” đối lập với chữ “thất vọng”; nhưng đồng thời chữ “vinh dự” theo từ Hy Lạp này cũng có nghĩa là “giá trị” vì thế gợi lên viên đá quý chính là Đức Ki-tô; nghĩa là trong Đức Ki-tô, những người tin cũng trở nên những viên đá quý. Những sắc thái ngữ nghĩa của bản văn khó diễn tả cho hết được.
b- Cớ vấp ngã:
Thánh Phê-rô tiếp tục tìm kiếm trong Kinh Thánh tại sao dân Do Thái cứng lòng tin. Thánh nhân kết hợp Tv 118: 22: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” với Is 8: 14: “Một hòn đá làm cho vấp, một hòn đá làm sẩy chân” vào trong cùng một câu trích dẫn. Thánh Phê-rô lấy lại hình ảnh này để chứng minh trước Thượng Hội Đồng, sau khi thánh nhân bị bắt: “Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, người Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho chỗi dậy từ cõi chết… Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường” (Cv 4 : 10-11).
Thánh nhân nói trong bài đọc hôm nay, “Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy”. Đây không là chứng nhận số phận đã định trước, nhưng lời ta thán buồn phiền trước việc lời các ngôn sứ được ứng nghiệm, các ngài đã thấy trước sự loại bỏ này.
Đức Giê-su đã trích dẫn cũng chính lời tiên báo của Tv 118 sau khi đã kể dụ ngôn những tá điền sát nhân: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21: 42-43).
Dân Thiên Chúa mới này, dân mà thánh Phê-rô viết cho họ, đó là những dân ngoại trở lại đạo rất đông. Chính đó là những tước hiệu tuyệt vời mà xưa kia Đức Chúa đã trao tặng cho dân Ít-ra-en, từ nay được áp dụng cho dân mới này: “Còn anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa…”.
 
TIN MỪNG (Ga 14 : 1-12)
Đoạn văn này được định vị ở phần đầu của diễn từ cáo biệt mà Đức Giê-su ngỏ lời với các môn đệ của mình trong bữa ăn cuối cùng mà Ngài tham dự với họ.
1. Bối cảnh:
Trước khi rời bỏ họ để bước vào cuộc Khổ Nạn của mình, Ngài nói với họ thật thân thương và trìu mến: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy”. Ngài cố làm cho các ông hiểu biết hơn con người của Ngài và sứ mạng của Ngài. Ngài gợi lên tương lai theo cung bậc ngôn sứ. Ngài vừa mới loan báo cho họ một người trong họ phản bội Ngài và cho Phê-rô biết ông sẽ chối Ngài.
Nỗi buồn phiền chắc chắn hiện lên trên gương mặt của họ, vì Đức Giê-su nói với họ: “Anh em đừng xao xuyến!”. Tiếp đó, Ngài ra sức củng cố niềm tin của họ: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Là những người Do Thái mộ đạo, các Tông đồ tin vào Đức Chúa, nhưng họ không thể nào hiệp nhất giữa Đức Giê-su và Đức Chúa, vị Thiên Chúa mà họ tôn thờ. Có thể nào Đấng Mê-si-a là chính Thiên Chúa sao? Vì thế, Đức Giê-su sẽ nhấn mạnh sự duy nhất của Ngài với Cha Ngài. Diễn từ của Ngài sẽ xoay quanh sự duy nhất này. Độc thần giáo tuyệt đối của Do Thái giáo bất khả chuyển lay, nhưng đó không là một điều hiển nhiên.
Đức Giê-su sẽ trấn an các môn đệ theo hai cách: khi gợi lên rằng họ sẽ hội ngộ với Ngài trong nhà Cha Ngài (Tin Mừng Chúa Nhật tuần này) và khi loan báo cho họ rằng Ngài sẽ hiện diện bên cạnh họ theo hình thức khác qua việc sai phái Thần Khí của Ngài (Tin Mừng Chúa Nhật tuần tới).  
2. Họ sẽ hội ngộ với Ngài trong nhà Cha Ngài:
“Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở”. Căn nhà ở miền Pa-lét-tin có kích thước nhỏ bé, vì thế để làm cho các môn đệ hiểu rằng có chỗ cho nhiều người trong nhà Cha Ngài, Đức Giê-su gợi lên nhiều chỗ ở, nhưng Ngài không đặt bất kỳ thứ bậc của những chỗ ở này, không nói về nhiều cấp độ khác nhau trong hạnh phúc thiên giới. Ngài xác định rằng chính Ngài sắp xếp: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.
“Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Đức Giê-su không hứa hẹn một cuộc hội ngộ với các môn đệ vào thời cánh chung, nhưng cái chết sắp đến của Ngài sẽ mở rộng nhà của Cha Ngài, như thế cái chết là lối vào sự sống. Chúng ta đọc các bản văn này chính xác sau lễ Vượt Qua bởi vì biến cố vượt qua soi sáng những lời này. Tuy nhiên, các môn đệ chưa nhận được ánh sáng này, vì thế họ không hiểu, họ xao xuyến. Thánh Tô-ma là một con người thực tiễn, thích những chính xác cụ thể, hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu?”.
Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su gặp phải sự ngộ nhận này. Ngài thường lợi dụng sự ngộ nhận này để khai triển cuộc đối thoại đi xa hơn và dẫn đưa người đối thoại của Ngài vào trong thế giới của những thực tại vô hình.
3. “Chính Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”:
Chữ “đường” thuộc từ vựng tôn giáo của Do Thái giáo: chữ này chất nặng lịch sử, nhắc nhớ cuộc hành trình băng qua sa mạc và đám mây sáng chói soi lối chỉ đường về Đất Hứa. Vào thời trở về từ cuộc lưu đày, một sứ giả “đã chuẩn bị con đường cho Đức Chúa”. Đức Giê-su đã lấy lại hình ảnh này lần đầu tiên khi gợi lên rằng “con đường dẫn đến sự sống” thì chật hẹp, trong khi con đường dẫn đến họa diệt vong thì rộng mở thênh thang (x. Mt 7 : 8).
Trong Tin Mừng Gioan, chữ “đường” chỉ một thực tại sâu xa hơn. “Thầy là đường”: Chính Đức Giê-su là đường, không phải chỉ bởi giáo huấn của Ngài, nhưng bởi vì con người của Ngài là sự hiện diện thần linh. Ẩn dụ “Đường” nối kết với ẩn dụ Cửa: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10 : 9).
“Thầy là Sự Thật”. Đức Giê-su đã mặc khải Chúa Cha và kế hoạch cứu độ của Cha Ngài cho con người. Ngài là phát ngôn viên của Cha: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra”. Ngài là chứng nhân của Sự Thật.
“Thầy là Sự Sống”. Đức Giê-su là Thiên Chúa đang sống giữa con người, vị Mục Tử đến cho chiên “được sống và sống dồi dào” (Ga 10 : 10). Ngài là “bánh ban sự sống” và Lời Ngài cũng là sự sống: “Ai tuân giữ lời tôi sẽ không chết bao giờ”, ...
Nói cho cùng, Đức Giê-su là “Đường” dẫn chúng ta đến “Sự Thật và Sự Sống”. Nhưng Ngài cũng là “Sự Thật và là Sự Sống”. Vì thế, ai đi theo Ngài, thật sự sống trong “Sự Thật và  Sự Sống” ngay khi còn sống trong trần thế rồi.
4. Biết Đức Giê-su chính là biết Cha Ngài:
Vì muốn các môn đệ Ngài thấu hiểu hơn nữa mầu nhiệm con người của Ngài, Đức Giê-su tiếp tục gợi lên chân tính của mình. “Ấy vậy, chân tính của Ngài chính là Con Thiên Chúa”.
“Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy”. Trong Tin Mừng thứ tư, động từ “biết” có một ngữ nghĩa rất mạnh: động từ này diễn tả một nhận thức của trí tuệ được tình yêu soi sáng, một sự thông hiệp trong mối tâm giao thật sự. Sự hiểu biết tròn đầy là sự hiểu biết hổ tương giữa Cha và Con. Sau này, trong lời cầu nguyện của Ngài, Đức Giê-su nói : “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17: 3). Các môn đệ nhận biết Cha rồi vì họ tin vào Con, và sống trong tình yêu của Ngài. Đức Giê-su, nên một tròn đầy với Cha, nói: “Nếu anh em biết Thầy, thì cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ anh em biết và đã thấy Ngài”.
Chính lúc đó thánh Phi-lip-phê góp phần vào câu chuyện. Chúng ta biết vị Tông Đồ này chỉ qua Tin Mừng Gio-an, trong đó ông xuất hiện bốn lần: ơn gọi của Phi-líp-phê (x. Ga 1 : 43), bánh hóa nhiều (x. Ga 6 : 5), những người Hy Lạp xin được gặp Đức Giê-su (x. Ga 12 : 21) và đoạn Tin Mừng hôm nay (Ga 14 : 8). Phi-líp-phê vốn bản tính ngay thẳng và nhiệt thành, ông đòi hỏi một cuộc “thần hiển”, ông muốn “thấy Thiên Chúa”. Như thế là mãn nguyện lắm rồi. Khát vọng này là khát vọng của tất cả mọi người: thấy Thiên Chúa, biết chắc chắn Ngài hiện hữu, thấu hiểu mầu nhiệm cao vời nhất.
Như khát vọng của tất cả mọi nguời Do Thái, ông ao ước được thấy Thiên Chúa hiện diện trong uy nghi sáng chói như cuộc thần hiển trên núi Xi-nai xưa. Thế nhưng cuộc thần hiển theo kiểu ấy không còn nữa kể từ ngày Ngôi Lời Nhập Thể. Thiên Chúa sẽ không còn xuất hiện trong sấm chớp chói lòa khiến con người khiếp sợ không dám đến gần, nhưng hiện diện trong hình hài nhân loại của Đức Ki-tô, để từ đây ai thấy Chúa Giê-su là thấy Đức Chúa Cha.
5. Công việc của Ngài chính là chứng nhân:
Sau khi nhấn mạnh sự đồng nhất giữa Ngài và Cha Ngài, Đức Giê-su nói tiếp: “Anh em cứ tin Thầy đi: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không, thì ít ra hãy tin vì công việc Thầy làm”. Đức Giê-su nhắc cho những tâm trí quá thực tiễn này nhớ công việc mà Ngài đã làm: đây không ám chỉ đến những dấu lạ của Ngài cho bằng sứ vụ và hành động cứu độ của Ngài. Đức Giê-su hứa với các môn đệ Ngài rằng họ sẽ làm những việc Ngài làm, nhưng còn làm những việc lớn lao hơn thế nữa, bởi vì công việc của họ sẽ được mở rộng khắp cùng cõi đất.
Từ nay, không ai có thể tin vào Thiên Chúa mà không tin vào Đức Ki-tô. Lời dạy này tóm gọn tất cả Tin Mừng.

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 372
  •   Máy chủ tìm kiếm 11
  •   Khách viếng thăm 361
 
  •   Hôm nay 54,013
  •   Tháng hiện tại 1,086,021
  •   Tổng lượt truy cập 79,834,705