Chú giải Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C

Thứ sáu - 01/04/2022 07:00      Số lượt xem: 954

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Mùa Chay gợi lên quyền năng giải thoát của sự tha thứ: đoạn tuyệt với quá khứ để mà hướng đến một cuộc sống mới.

CN 5 Chay C 3

Is 43:16-21
Qua ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, Đức Chúa loan báo rằng Ngài sẽ thực hiện những điềm thiêng dấu lạ để giải thoát dân Ngài khỏi cảnh giam cầm ở Ba-by-lon: quên đi quá khứ ô nhục, nước hằng sống sẽ tuôn trào trong miền đất khô cằn.
Pl 3: 8-14
Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, thánh Phao-lô rút ra cho chúng ta một bài học vĩ đại: đoạn tuyệt với quá khứ gắn bó với luật Mô-sê để kết hợp với chỉ một mình Đức Ki-tô. 
Ga 8: 1-11
Tin Mừng thuật câu chuyện người phụ nữ ngoại tình có nguy cơ bị ném đá. Khi ban cho chị ơn tha thứ của Thiên Chúa, Đức Giê-su giải phóng chị khỏi tội lỗi và sự nhục nhã, đồng thời mở ra cho chị một cuộc sống mới.

BÀI ĐỌC I (Isaiah 43:16-21)
Đoạn văn này được trích từ “Sách An Ủi” của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 40-55), vị ngôn sứ ở giữa những người lưu đày thời Ba-by-lon. Ông an ủi họ khi loan báo rằng họ sắp được giải phóng và hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem.
Những người lưu đày bất hạnh này nghi nan ngờ vực. Một biến cố như thế làm thế nào có thể xảy đến được? Họ đã mỏi mòn ngóng trông đợi suốt năm mươi năm rồi. Vị ngôn sứ cũng nhắc họ nhớ đến những điều kỳ diệu Đức Chúa đã thực hiện để giải phóng cha ông họ khỏi cảnh đời nô lệ bên Ai-cập: Đấng đã mở lối đi giữa sóng nước oai hùng để cho dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ và đã chôn vùi chiến mã với kỵ binh hùng mạnh của Pha-ra-ô trong lòng biển cả, lại không thể đánh bại đế quốc Ba-by-lon với binh hùng tướng mạnh sao?
Cuộc xuất hành ra khỏi Ai-cập được ghi khắc trong tâm trí của dân Ít-ra-en như biến cố tiêu biểu, bảo chứng cho những lần Thiên Chúa can thiệp trong tương lai để ra tay cứu giúp dân Ngài, đó là nền tảng đức tin và đức cậy của họ. Đó là những ý tưởng mà vị ngôn sứ gợi mở cho đồng bào của mình: Đức Chúa sẽ ra tay cứu độ họ. Không có lý do gì phải thất vọng cả.
1. Một thế giới mới:
Ngôn sứ I-sai-a kêu mời dân chúng đừng nhìn lại quá khứ như một niềm hối tiếc, nhưng hãy đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa để thấy một điều kỳ diệu Thiên Chúa sắp làm cho dân Ngài: “Đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Nay Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?”. Ngôn sứ I-sai-a đặt mọi niềm hy vọng của mình vào vua Ba Tư, vị vua tiến quân như vũ bão và chắc chắn sẽ sớm đánh bại Ba-by-lon.
Bằng những biểu tượng, vị ngôn sứ gợi lên giờ hồi hương trở về trong vinh quang, những giây phút lạ lùng đến mức sa mạc sẽ không còn vùng đất hoang vu khô cằn nữa, những loài dã thú sẽ không còn hung tợn nữa. Đó sẽ là như một cuộc tạo dựng mới.
2. Biểu tượng của nước:
Thế giới mới này sẽ sinh ra dưới dấu hiệu của nước: “Vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sống tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta được tuyển chọn được giải khát”. Vị ngôn sứ biết rất rõ rằng trên đường hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem, một trong những khó khăn sẽ là băng qua sa mạc Sy-ri Pa-lét-tin. Chẳng sao cả, Thiên Chúa sẽ cho nước tuôn tràn. Trong Kinh Thánh, đề tài nước không chỉ gợi lên yếu tố tự nhiên đem lại sự sống cho thiên nhiên, nhưng còn là biểu tượng sức sống thần thiêng. Đề tài này chạy xuyên suốt Cựu Ước; chúng ta có thể trích dẫn biết bao ví dụ. Mối liên hệ giữa nước và thần khí được gặp thấy trong Cựu Ước (Ed 47: 9) và sẽ được được lấy lại trong Tin Mừng (Ga 7: 37-39).
3. Cuộc trở về cùng Thiên Chúa:
Linh đạo mà vị ngôn sứ gợi lên ở đây là cuộc trở về cùng Thiên Chúa, Ngài sẽ tha thứ và đổ tràn muôn phúc lộc của Ngài. “Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta”. Vào Chúa Nhật V Mùa Chay này, Phụng Vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của vị ngôn sứ, và qua những hình ảnh tiên trưng, hiểu cuộc sống phong phú của các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Tẩy.

BÀI ĐỌC II (Pl 3: 8-14)
Đoạn thư thánh Phao-lô gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê này được trích từ chương 3, trong đó thánh nhân cảnh giác những người Ki-tô hữu gốc Do Thái, đừng gắn bó với luật Mô-sê và tìm cách áp đặt vài đòi hỏi luật này trên những Ki-tô hữu gốc lương dân.
Từ kinh nghiệm cá nhân của mình, thánh nhân trình bày cho họ làm thế nào ngài đã được hướng dẫn để đoạn tuyệt với lề luật. Cung giọng vừa tâm sự vừa xác tín là nét đặc trưng của bức thư gởi cho các tín hữu Phi-líp-phê này, vì thánh nhân đã kinh qua những dằn vặt đau đớn mới có thể đoạn tuyệt với luật Mô-sê.
1. Đoạn tuyệt với quá khứ:
Thánh Phao-lô vừa mới kể ra tất cả những tước hiệu mà xưa kia thánh nhân đã tự hào tự phụ: “Tôi chịu cắt bì ngày thứ tám, thuộc dòng dõi Ít-ra-en, họ Ben-gia-min, là người Híp-ri, con của người Híp-ri; giữ luật thì đúng như một người Pha-ri-sêu; nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” (3: 5-7). Cũng vào thời kỳ này, thánh nhân viết cho các tín hữu Ga-la-ta: “Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gl 1: 14).
Thánh nhân nhắc lại cuộc sống xưa kia của mình đã khiến đồng bào của Ngài phải nể phục. Tất cả những mối lợi này cho phép thánh nhân được liệt vào hàng công chính, thì nay thánh nhân công bố với các tín hữu Phi-líp-phê ngài xem như đồ bỏ đi, như đồ rác rưởi kể từ khi được biết Đức Ki-tô.
Cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh trên đường Đa-mát (thánh nhân ám chỉ một cách kín đáo) đã khiến cho niềm kiêu hãnh trước đây của thánh nhân bổng chốc tan thành mây khói. Thánh Phao-lô quả quyết rằng được như vậy, không phải do công trạng của thánh nhân trong việc tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng nhờ niềm tin vào Đức Ki-tô, đó là sự công chính nhưng không do Thiên Chúa ban. Một lời tự thú huy hoàng nhưng biết bao đớn đau.
2. Sự công chính là một thiên ân:
Ở đây, chúng ta gặp thấy đề tài cốt yếu về sự công chính do lòng tin chứ không do việc tuân giữ Lề Luật, đề tài mà thánh Phao-lô sẽ khai triển rộng lớn trong thư của ngài gởi cho các tín hữu Rô-ma. Thư gởi cho các tín hữu  Phi-líp-phê mô tả cho chúng ta nguồn gốc tâm lý và hiện sinh về đề tài này, nhờ đó tránh mọi lời giải thích sai lầm.
Đức tin mà thánh nhân đề cao là một đức tin huy động toàn thể con người. Người Ki-tô hữu được sánh ví như một lực sĩ chạy đua trên thao trường, nhất quyết dồn hết mọi sức lực của mình, lao mình về phía trước, chạy thẳng tới đích để mong chiếm lấy phần thưởng. Thay vì tuân giữ nghiêm nhặt những huấn thị nghi thức của Lề Luật, người Ki-tô hữu nhắm một điều thiện tuyệt mức: được biết Đức Ki-tô.
3. Biết Đức Ki-tô:
Thuật ngữ “biết” phải được hiểu theo nghĩa Kinh Thánh mà thánh Gio-an sẽ thường hằng sử dụng: một chuyển động của cả trí tuệ lẫn tâm tình, một sự kết hợp của cả khối óc lẫn con tim, một sự hiểu biết không suy luận nhưng dẫn đến mối tâm giao: “Vấn đề là được biết Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người”. Tiến trình hiểu biết này là tiến trình mà thánh Phao-lô theo đuổi. Lộ trình thông thường của người Ki-tô hữu thì ngược lại. Thánh Phao-lô cũng định nghĩa lộ trình ngay liền: “nhờ đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”. Vả lại, đây là điều mà thánh nhân miệt mài sống trong sứ mạng của mình, khi theo đuổi cuộc đua vẫn chưa đến đích, nhưng “đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt”.
4. Bài học:
Bài học mà thánh Phao-lô muốn rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của ngài, gởi đến các Ki-tô hữu Phi-líp-phê gốc Do Thái này nhằm khai mở cho họ hiểu vấn đề đức tin của họ: đức tin là kết hợp với Đức Ki-tô chứ không gắn bó với những hình thức bên ngoài. Nguồn mạch và nguyên lý của sự tự do người Ki-tô là ở đó. Về sự tự do tối thượng này, thánh nhân có thể nói ở nơi khác, khi nhắc nhở rằng điều cốt yếu của Lề Luật từ nay được chứa đựng ở nơi một nguyên lý duy nhất: mến Chúa và yêu người. Về vấn đề này, lời nhận xét trong sách “Mỗi Ngày Một Tin Vui” thật thích đáng: “Ki-tô giáo thiết yếu không chỉ là một hệ thống luân lý gồm những điều phải giữ hay phải tránh. Quan niệm Ki-tô giáo như thế dễ đưa người tín hữu đến thái độ tính toán so đo, tự phụ; sống đạo dể trở thành một thứ biểu dương bên ngoài. Chúa Giê-su đưa chúng ta vào cốt lõi của đạo: đạo thiết yếu là tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với con người; sống đạo là đón nhận tình yêu ấy và đáp trả với tất cả lòng tín thác và quảng đại” (trích từ: Mỗi Ngày Một Tin Vui: Mùa Vọng-Giáng Sinh, Mùa Chay-Phục Sinh, tr. 158).

TIN MỪNG (Ga 8: 1-11)
Câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” này là một trong những câu chuyện rất rất cảm động về tấm lòng từ bi nhân hậu của Đức Giê-su; tuy nhiên, đề tài này là đề tài rất tâm đắc của thánh Lu-ca chứ không của thánh Gio-an. Xét về phương diện văn phong, ngôn từ của câu chuyện này gần với Tin Mừng Lu-ca hơn Tin Mừng Gio-an. Ngoài ra, câu chuyện này không được gặp thấy trong các bản sao chép cổ nhất của Tin Mừng Gio-an. Hơn nữa, các Giáo phụ Hy-lạp dường như đã không biết đến đoạn văn này, ngoại trừ thánh Giê-rô-ni-mô (thế kỷ thứ tư) biết và chú giải câu chuyện này. Trong bản dịch La-tinh của thánh nhân, câu chuyện cảm động này được đưa vào vị trí của Tin Mừng Gio-an như hiện nay.
1. Bối cảnh:
“Sau đó, ai nấy trở về nhà mình. Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống và giảng dạy họ”. Bài trình thuật bắt đầu từ buổi chiều sau một ngày Chúa Giê-su thuyết giáo trong Đền Thờ: “ai nấy trở về nhà mình” (7: 53). Còn Chúa Giê-su lên núi Ô-liu qua đêm một mình, và sáng sớm Người trở lại Đền Thờ tiếp tục giảng dạy cho dân chúng như thói quen của Người.
Bối cảnh này rất phù hợp với Tin Mừng Lu-ca: “Ban ngày, Đức Giê-su giảng dạy trong Đền Thờ; nhưng đến tối, Người đi ra và qua đêm tại núi gọi là núi Ô-liu. Sáng sớm, toàn dân đến với Người trong Đền Thờ để nghe Người giảng dạy” (Lc 21: 37-38). Ngoài ra, các nhà chú giải lưu ý rằng Tin Mừng Gio-an chưa bao giờ nói “Chúa Giê-su ngồi xuống và giảng dạy”.
Nếu câu chuyện người phụ nữ ngoại tình này thuộc về Tin Mừng Lu-ca, nó được định vị vào những ngày cuối cùng Đức Giê-su giảng dạy ở Đền Thờ, trước cuộc Tử Nạn của Ngài, và báo cho biết những cạm bẫy mà những đối thủ của Ngài giăng ra cho Ngài: nguồn gốc về quyền bính của Ngài, nộp thuế cho Xê-da, kẻ chết sống lại (Lc 20: 1-47).
2. Tiến thoái lưỡng nan:
“Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang”. Chúng ta ghi nhận rằng việc liên kết kinh sư và Pha-ri-sêu là nét đặc trưng của các Tin Mừng Nhất Lãm chứ không của thánh Gio-an.
Luật Mô-sê rất nghiêm khắc đối với tội ngoại tình, được đặt vào số những hành vi gây thiệt hại đến người thân cận. Người thân cận bị thiệt hại ở đây là người chồng. Tội không chung thủy của người chồng chỉ bị trừng phạt trong trường hợp gian díu với một người phụ nữ đã lập gia đình, vì làm thiệt hại đến người chồng của người phụ nữ này. Theo Luật Mô-sê, người phụ nữ ngoại tình, cũng như người tòng phạm, bị kết án ném đá (Đnl 22: 22-23). Tuy nhiên, vào thời Chúa Giê-su, không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt nghiêm khắc này được thi hành phổ biến. Người chồng có những cách khác để từ bỏ người vợ không chung thủy, thường là trao “chứng thư ly hôn”.
Cạm bẫy mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu giăng ra cho Chúa Giê-su tương tự với vấn đề nộp thuế cho Xê-da (Lc 20: 21-25). Nếu Ngài khuyên nên khoan dung tha thứ, thì Ngài vi phạm luật Mô-sê. Nhưng nếu Ngài tán thành việc ném đá người phụ nữ ngoại tình này, thì Ngài vi phạm luật Rô-ma theo đó người Do Thái không được phép thi hành án tử (Ga 18: 31). Ngoài ra, nếu Ngài chấp nhận ném đá người phụ nữ ngoại tình này, thì Ngài mâu thuẫn với chính mình: tiếp đón những người tội lỗi và rao giảng tấm lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Như vậy, câu hỏi của họ“Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” đặt Chúa Giê-su vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
3. Thái độ của Chúa Giê-su:
“Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất”. Việc Chúa Giê-su giữ thái độ thinh lặng nêu lên biết bao điều. Trước hết, xem ra Ngài không quan tâm đến vấn đề này, vì có những quan tòa ở Giê-ru-sa-lem, Ngài không phải thay thế vai trò của họ; đó không là vai trò của Ngài. Tuy nhiên, lập luận này không thể đứng vững, vì trái ngược với cách hành xử thông thường của Ngài: làm thế nào Ngài có thể khoanh tay đứng nhìn để cho người ta hành động ngược lại tấm lòng từ bi nhân hậu của Ngài được chứ.
Chúng ta thử nghĩ đến tình cảnh thật ê chề nhục nhã mà người phụ nữ này phải đối mặt. Người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị dẫn đến vào tảng sáng; đám người đến nghe Chúa Giê-su trong lòng Đền Thờ đã đông rồi. Mọi ánh mắt, chất chứa những điều đê hèn, dã tâm, nhìn chòng chọc vào người phụ nữ. Đối với người phụ nữ này, những ánh mắt kia đã là những lời xét đoán rồi, hơn những lời xét đoán, còn là những lời kết án nữa; vì thế, việc Chúa Giê-su giữ thái độ im lặng cúi xuống viết trên đất là để tránh cho người phụ nữ đáng thương này thêm một ánh mắt xét đoán nữa. Tuy nhiên, Chúa Giê-su có sứ điệp phải truyền đạt cho chị; nhưng trước tiên, Ngài phải có việc cần tính sổ với những kẻ đòi lên án chị. Cái thinh lặng của Ngài là cái thinh lặng hùng hồn của các bậc hiền nhân. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu đắc chí, cố nài ép Ngài trả lời.
4. Đặt mỗi người đối diện với tiếng lương tâm của mình:
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Câu trả của Đức Giê-su là câu trả lời bất ngờ nhất, nằm ngoài mọi dự đoán của mọi người. Chúa Giê-su không phải không thừa nhận Lề Luật; thậm chí khi phát biểu ý kiến của mình như vậy, Ngài dựa trên các bản văn của sách Đệ Nhị Luật: “Các nhân chứng phải là người đầu tiên phải tra tay giết nó, rồi toàn dân tiếp theo sau” (x. Đnl 13: 10 và 17: 7). Nhưng đồng thời, Ngài đặt mỗi người đối diện với tiếng lương tâm của mình. Thái độ này hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Ngài: nội tâm hóa luật luân lý.
Đoạn, tiếp tục từ chối ánh mắt phán xét của quan tòa, Đức Giê-su lại cúi xuống viết trên đất, để cho tâm trí mình chìm sâu trong cõi xa xăm nào đó như thử chẳng quan tâm đến những gì đang diễn ra chung quanh Ngài. Ở đây nữa, Ngài không muốn đưa ánh mắt nghiêm khắc nhìn những người mà Ngài mời gọi họ hãy tự phán xét chính mình; Ngài không muốn gây áp lực trên sự tự do của bất kỳ ai.
5. Chỉ còn lại một người đáng xót thương và một Đấng đầy lòng xót thương:
Mọi người đều đã bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi nhất, những người sáng suốt nhất hay những người có tiếng lương tâm nhạy bén nhất do từng trải cuộc đời. Thánh Âu-tinh nhận xét rất tinh tế: “Chỉ còn lại hai người: một người đáng xót thương và một Đấng đầy lòng xót thương”.
Quả thật, cuộc đối thoại ngắn gọn sau cùng giữa Chúa Giê-su và tội nhân thật cảm động, không bút mực nào diễn tả được:
- “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”
- “Thưa Ngài, không có ai cả”.
- “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Chỉ mình Ngài là Đấng sạch tội mới có thể ném đá người phụ nữ ngoại tình này; ấy vậy, Ngài đem đến cho chị sự tha thứ của Thiên Chúa. Sự tha thứ đem đến sự giải phóng. Một cái nhìn đầy yêu thương cho phép một khởi điểm mới. Đó là thế quân bình tế nhị giữa hai nhân đức gần như mâu thuẫn nhau. Đức công bình không cho phép Chúa Giê-su dung thứ tội lỗi, nhưng lòng từ bi nhân hậu bắt buộc Ngài tha thứ tội nhân. Luật không bị loại bỏ như vài người lo sợ, nhưng trở nên “nhân đạo” hơn, mở ra con đường sống và cứu độ.

 

Tác giả bài viết: Lm. Inhaxiô Hồ Thông


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 143
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 137
 
  •   Hôm nay 45,091
  •   Tháng hiện tại 1,045,830
  •   Tổng lượt truy cập 79,794,514