Ngày 01/06: Thánh Jus-ti-nô, Tử đạo (khoảng năm 165)

Thứ ba - 31/05/2022 12:58      Số lượt xem: 457

Sau cùng ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần, Thánh Justinô trả lời: “Người có suy nghĩ đúng đắn không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật”.

01062020 143646

Ngày 1 tháng 6
THÁNH JUSTINÔ, TỬ ĐẠO

 
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
 
Thánh Justinô là một giáo dân và triết gia Kitô Giáo đầu tiên đã có những sáng tác vĩ đại để bảo vệ đức tin Kitô Giáo. Nhờ các bản văn bản này mà chúng ta biết được về cuộc đời ngài.

Thánh Justinô sinh ở Flavia Neapolis, Samaria vào khoảng năm 100. Cha mẹ ngài là người ngoại giáo, gốc Hy Lạp. Ngài được giáo dục kỹ lưỡng và đặc biệt yêu thích khoa hùng biện, thi ca và sử học. Khi còn trai trẻ, ngài bị thu hút bởi triết thuyết Platon. Tuy nhiên, ngài nhận thấy chỉ có Kitô Giáo mới là giáo thuyết có thể trả lời được những thắc mắc lớn lao về đời sống và sự hiện hữu của con người.

Nhờ tìm hiểu những tài liệu Kitô Giáo cũng như qua việc quan sát gương sáng các anh hùng tử đạo, mà thánh Justinô đã trở lại Kitô Giáo khi ngài 30 tuổi. Ngài tiếp tục mặc áo choàng của các triết gia thời bấy giờ, và trở nên triết gia Kitô Giáo đầu tiên. Ngài tổng hợp Kitô Giáo với các yếu tính đặc sắc nhất của triết lý Hy lạp. Theo quan điểm của ngài, triết lý là một nhà mô phạm của Ðức Kitô, một nhà giáo dục dẫn đưa người ta đến với Ðức Kitô.

Thánh Justinô nổi tiếng là một nhà hộ giáo thời bấy giờ. Ngài đi đây đi đó, tranh luận với các người ngoại giáo, lạc giáo và Do Thái Giáo. Khi người Kitô tiếp tục bị bách hại bởi nhà cầm quyền lúc đó, ngài đã công khai bảo vệ Kitô Giáo qua lời giảng dạy cũng như các bài ngài viết của Ngài. Trong các sáng tác của ngài, hiện nay, chúng ta vẫn còn giữ được hai bản văn gửi cho hoàng đế Rôma và cho Thượng Viện.

Sau cùng ngài bị bắt và bị đưa ra trước quan tổng trấn Rôma là Rusticus. Khi được yêu cầu thờ cúng tà thần, Thánh Justinô trả lời: Người có suy nghĩ đúng đắn không vì sự giả trá mà chối bỏ sự thật”.

Thánh Justinô bị chém đầu ở Rôma năm 165.

 
II. BÀI HỌC

Bài học chúng ta có thể tìm thấy qua cuộc đời của thánh Justinô là bài học: Đi Tìm Và Gắn Bó Với Chân Lý.

 
Trong tác phẩm “Đối thoại với Tryphon” (Dialogus cum Tryphone), chính thánh Justinô kể lại cuộc tìm kiếm Chân Lý của mình như sau:

- “Trước hết, tôi tin tưởng vào một người theo phái khắc kỷ. Những người này chẳng dạy gì về Thiên Chúa cả. Ông ta nói rằng sư hiểu biết ấy không cần thiết gì.

Sau đó, tôi đến với một người theo thuyết của Aristotle. Người này đòi thù lao quá cao, khiến một sinh viên trẻ như tôi phẫn uất: tại sao mà người ta rao bán cả đến triết học.

Một người theo lý thuyết của Pythagore hỏi tôi :

- Anh đã học âm nhạc, thiên văn và địa lý chưa? Bởi vì để chiêm ngưỡng điều góp phần tạo nên hạnh phúc thì cần phải biết học giải thoát tâm hồn khỏi các đối tượng hữu hình để có thể tiếp nhận được những đối tượng trong trí khôn và cho phép thấy được sự thiện mỹ nội tại.

Tôi chưa biết gì về những môn học ấy, nhưng lại thấy mình bị thúc bách đi tìm kiếm Thiên Chúa hơn. Sau đó tôi gặp một người theo phái Platon, tôi thấy:

- Sau nhiều cuộc đàm luận, tôi hiểu được những điều vô hình ở mức độ cao hơn. Việc chiêm ngưỡng thế giới tư tưởng chắp cánh cho tinh thần của tôi.

Dầu vậy, không có gì làm cho tôi thỏa mãn được cơn khát khao đi tìm chân lý. Tại Êphêsô, tôi gặp được một cụ già đầy khôn ngoan. Ông trách tôi đã thích lý sự về từ ngữ hơn sự kiện. Ông đã cho tôi một lời khuyên cáo cả là hãy tìm đọc Kinh Thánh: phải vượt qua những giới hạn của trí khôn, phải đi xa trong thời gian hơn các triết gia, phải nghe các tiên tri là những người nói bởi Chúa Thánh Thần, nhất là phải cầu nguyện vì: - Không ai có thể thấy hay nghe được những điều này nếu Thiên Chúa và đức Kitô không cho họ hiểu biết.

Theo lời khuyên này, tôi đã khám phá ra Kitô giáo là tôn giáo hoàn hảo và bảo đảm hơn triết học nhiều. Từ đấy tôi lấy đức tin là qui luật xử thế và là sự thánh thiện lý tưởng của tôi. Tôi đã mở một trường học tại Rôma và sống đời tông đồ đích thực. - Tôi sẽ nói sự thật, không một đắn đo sợ sệt, cả vào lúc bị phân thây thành trăm mảnh.”

Hãy Đi Tìm Và Gắn Bó Với Chân Lý. Chân lý sẽ giải phóng anh em.

Trong một cuộc thi hùng biện hồi còn là một học sinh, Lý quang Diệu người đã làm nên những “phép lạ” biến hòn đảo Singapore trở thành một trong những con rồng ở Châu Á, đã nói với các bạn của ông bằng những lời như thế này: “Thưa các bạn, cha mẹ cho chúng ta cuộc sống nhưng chúng ta sống vì mục đích gì? Câu hỏi đó không phải là dễ đối với nhiều người. Có người trả lời: tôi sống vì tiền của và mong trở thành một thương gia cự phách. Có người vì địa vị quyền uy mà phấn đấu. Mục tiêu cuối cùng của tôi là đại quan. Có người nỗ lực cho những gì mình ưa thích để sau này sẽ là nhà khoa học, nhà văn, nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ v.v.. Tôi không hề hoài nghi là sự lựa chọn của họ có điều gì không thỏa đáng nhưng tôi nghĩ rằng trong lúc bươn chải cho những hoài bão lớn lao đó, họ đã thiếu vắng một linh hồn cao thượng đó là CHÂN LÝ.

Sau đó ông nói tới Tân Ước để giúp cho những người nghe biết giá trị chân lý là gì. Ông nói tiếp: “Bạn hãy mở lại chương thứ 18 Phúc Âm thánh Gioan của Kinh Thánh Tân Ước mà xem” Trong chương này Chúa Giêsu Chúa của chúng ta đã nói về chân lý nhưng những người trong cuộc hầu như chẳng ai hiểu được chân lý là gì kể cả con người có quyền uy vào hạng tuyệt đối trên đất nước Do thái lúc đó tức là Philatô, đại diện cho uy quyền của cả một đế quốc rộng lớn bao la. Muốn hiểu được chân lý con người phải có một cái tâm trong sáng, phải có một cái nhìn không bị vẩn đục bởi những giá trị phàm trần.

Rồi ông dõng dạc nhấn mạnh từng tiếng để kết thúc bài diễn thuyết của ông. Ông nói: Dũng cảm đi tìm chân lý là thiên chức của con người. Người bạn vĩ đại nhất của chân lý là thời gian. Kẻ thù ác độc nhất của chân lý là thiên kiến và khiêm tốn chính là người tình vĩnh hằng nhất của nó. Các bạn đồng học thân mến! Hãy sống vì chân lý. Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý”

Những lời này tự nhiên làm cho tôi liên tưởng đến những lời của Chúa Giêsu: Chân lý sẽ giải phóng anh em” “Ai thuộc về chân lý thì nghe tiếng của tôi”

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn tìm đến chân lý, nghiên cứu chân lý và cống hiến cho chân lý. Hãy sống vì chân lý.”

Và tôi lại nhớ tới một lời dạy khác của Chúa Giêsu. Chúa nói với các môn đệ: “Thầy là đường, là chân lý và là sự sống” Và tôi muốn thay đổi một chút lời kết thúc bài diễn văn của Ông Lý quang Diệu:

“Trên đường đời muôn dặm hãy luôn đi tìm Chúa Giêsu, nghiên cứu những lời dạy của Người và cống hiến cuộc đời làm nhân chứng cho Người. Hãy sống cho Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu.” Làm được như thế chúng ta sẽ xứng đáng là thần dân của Người. Amen.

 
Lm. Giuse Đinh Tất Quý

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 213
  •   Máy chủ tìm kiếm 10
  •   Khách viếng thăm 203
 
  •   Hôm nay 28,131
  •   Tháng hiện tại 1,060,139
  •   Tổng lượt truy cập 79,808,823