Đôi nét tiểu sử mẹ Têrêsa Calcutta

Thứ bảy - 06/08/2016 08:29      Số lượt xem: 6981

Mẹ Têrêsa Calcutta có tên thật là Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910, tại Skopje, thủ đô nước cộng hòa Albani thuộc Macedonia. Ngày 05 tháng 9 năm 1997, Mẹ Têrêsa được Chúa gọi ra khỏi thế gian, tại thành phố Calcutta, Ấn Độ.

 
Mẹ Têrêsa có tên thật là Gonxha Bojaxhiu sinh ngày 26 tháng 8 năm 1910, tại Skopje, thủ đô nước cộng hòa Albani thuộc Macedonia. Bé Gonxha được chịu phép rửa ngay hôm sau và đặt tên thánh bổn mạng là Agnes. Gonxha là con út trong ba người con của gia đình ông Nikola và bà Drana. Đây là một gia đình Công giáo đạo đức thuộc cộng đồng người Anbani. Mặc dù đa số người dân ở đây theo Hồi Giáo nên việc giữ và sống đạo rất khó khăn, nhưng tất cả gia đình vẫn thường cầu nguyện mỗi đêm và đi nhà thờ dự lễ hằng ngày. Khi Agnes Gonxha lên 9 tuổi, cha cô qua đời một cách đột ngột. Bà Drana phải một mình bươn trải hầu nuôi dạy các con khôn lớn. Mặc dù lao động cực nhọc, bà vẫn dành thì giờ để giáo dục con cái. Vì thế, nhờ thừa hưởng sự dạy dỗ của mẹ, Agnes Gonxha đã sớm hòa nhịp chung theo từng nỗi vất vả của lớp người cùng khổ. Cô thường theo mẹ đi tình nguyện chăm sóc một phụ nữ nghiện rượu ở trong làng, đồng thời tắm rửa và lo cho con bà ăn uống. Những ngày bà Drana không đi được, thì Agnes Gonxha thay mẹ đi làm các việc bác ái đó. Chính điều này đã dạy cho Agnes những bài học bác ái đầu tiên ngay từ thời còn thơ ấu.

Những năm trung học, Agnes dùng phần lớn thời gian để hoạt động trong hội Đạo Binh Đức Mẹ (Legio Mariae). Ngoài ra, cô cũng giúp một linh mục gặp khó khăn trong việc làm quen ngôn ngữ địa phương. Không chỉ có vậy, cô còn dạy giáo lý và đọc rất nhiều sách về các nhà thừa sai Slovenia và Croatia ở Ấn Độ. Khi lên 12 tuổi, lần đầu tiên cô có ý nguyện dâng đời mình để phục vụ ước muốn của Chúa. Agnes cầu nguyện rất nhiều nhưng mãi đến khi cô 18 tuổi thì lời cầu nguyện mới được thành sự thật. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời năm 1928, cô đến Letnice cầu nguyện xin Đức Mẹ chúc lành trước khi lên đường chuẩn bị gia nhập dòng Đức Mẹ Lorette, một hội dòng đang hoạt động tích cực tại Ấn Độ. Trên hành trình đến nhà mẹ của Hội Dòng, Agnes Gonxha tạm thời dừng lại ở Dublin để làm thủ tục tại cơ sở chính của Hội Dòng Đức Mẹ Lorette. Tại đây, cô học nói tiếng Anh và làm quen với đời sống tu trì. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Mẹ Mary-bề trên nhà dòng ở đó nên Agnes Gonxha tiến bộ rất nhanh.

Tháng 12 năm 1928, Agnes Gonxha cùng với một nhóm nữ tu lên đường đi Ấn Độ. Đầu năm 1929, họ đến Colombo, rồi đến Madras và cuối cùng là Calcutta. Sau đó, họ tiếp tục chuyến đi đến Darjeeling, dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, nơi mà người nữ tu trẻ sẽ hoàn tất thời gian huấn luyện. Ngày 23 tháng 5 năm 1929, Agnes Gonxha vào tập viện. Ngày 24 tháng 5 năm 1931, chị khấn lần đầu và chọn tên là Têrêsa, để tưởng nhớ chị thánh Têrêsa Hài Đồng ở Lisieux. Ngay sau đó, chị được chuyển đến Bengali để giúp đỡ các chị trong một bệnh viện nhỏ hầu chăm sóc các bà mẹ đau yếu, đói khát và không nơi nương tựa. Một thời gian sau, chị được gửi đến Calcutta để học sư phạm. Khi ra trường, chị trở thành cô giáo dạy ở trường cấp hai. Với lòng yêu mến các học trò, chị không những tận tình dạy chữ cho các em mà còn dạy lòng yêu thương mọi người. Cảm nhận được sự chăm sóc và tình yêu của chị, các em gọi chị là ‘ma’ nghĩa là ‘mẹ’.

Ngày 24 tháng 5 năm 1937, Têrêsa thực hiện lời khấn trọn đời tại Darjeeling. Sau đó, chị được nhà dòng gửi đến Calcutta để điều hành một trường nữ tư thục của nhà dòng tại thành phố này. Trong suốt thời gian sống ở nơi đây, Têrêsa là giáo viên và sau đó làm hiệu trưởng trường trung học Sainte Mary dành riêng cho các nữ sinh Bengali tại thị trấn Entally. Thế rồi một biến cố bất ngờ đã xẩy đến với chị đó là ngày 10 tháng 9 năm 1946, trên một chuyến xe lửa từ Calcutta tới Darjeeling để tham dự khóa tĩnh tâm, chị thực sự nghe được tiếng Chúa mời gọi từ sâu thẳm trong tâm hồn mình rằng: “Hãy đến làm ánh sáng của Ta”. Chị xác tín đó là sứ điệp rất rõ ràng khi Người muốn chị phải rời tu viện để giúp đỡ những kẻ khốn khổ nhất và cùng sống với họ: “Đấy là một mệnh lệnh, một bổn phận, một xác tín tuyệt đối. Tôi biết mình phải làm gì, nhưng không biết phải làm thế nào”. Sau này, mỗi khi có dịp nhắc lại về chuyến đi ngày 10 tháng 9 năm 1946, chị Têrêsa thường nói đó là chuyến đi quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

Khi nhận ra thánh ý Chúa, Têrêsa cầu nguyện, đồng thời trình bày cho vài chị khác và tham khảo ý kiến mẹ bề trên. Mẹ bề trên bảo chị đến gặp Đức Cha Perrier - Tổng giám mục Calcutta. Chị giải thích cho ngài về ơn gọi của mình và muốn ngài cho phép chị được rời khỏi dòng tu Loretto. Đức cha khuyên chị cầu nguyện một năm nữa trước khi thực hiện quyết định này. Một năm sau, khi chị Têrêsa trình lên ý định mình, Đức Tổng Giám mục muốn cho phép, nhưng ngài bảo tốt hơn là chị hãy xin phép Tòa thánh và Mẹ bề trên tổng quyền của chị ở Dublin. Chị lại phải chờ đợi một thời gian khá lâu để nhận được quyết định từ trung ương. Tháng 8 năm 1948, chị Têrêsa mới được sự chấp thuận của Tòa thánh cho phép rời dòng tu Loretto với điều kiện là tiếp tục tuân giữ các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Ngay sau đó, Têrêsa từ giã chiếc áo nữ tu Loretto và thay vào đó bằng chiếc áo vải thô với viền xanh nhạt trị giá chỉ một đồng tiền Ấn Độ.

Sau khi học một khóa huấn luyện kỹ càng về làm thế nào để sống, để chăm sóc cho những người nghèo và bệnh tật, Têrêsa trở lại Calcutta, đi vào các khu ổ chuột và giúp đỡ dân chúng cùng khổ ở đó. Chị tắm cho các em bé, lau chùi các vết thương của bệnh nhân, chăm sóc những người sắp chết với phương tiện duy nhất là đôi bàn tay, một cục xà phòng nhỏ và vài chiếc khăn. Chị làm việc âm thầm một mình như thế trước sự ngạc nhiên của mọi người. Họ bàn luận với nhau không biết người đàn bà Châu Âu trong bộ đồ vải trắng đó là ai? Còn đối với các trẻ em nghèo bắt đầu gọi chị bằng tên rất trìu mến là Mẹ Têrêsa.

Dần dần với những công việc mà Mẹ Têrêsa tận tụy làm đã khiến nhiều thiếu nữ cũng muốn được như Mẹ. Vì thế, ngày 19 tháng 3 năm 1949, một cô gái tìm đến và xin ở lại với Mẹ. Ước muốn của cô được Mẹ Têrêsa chấp nhận. Mẹ Têrêsa dùng tên cũ của mình để đặt tên cho cô gái đó: Agnes. Cứ như thế, tháng 5 có thêm ba người gia nhập và sang năm sau có thêm bảy người. Hội của những Nữ Tu Bác Ái với 12 nữ tu đầu tiên được thành lập và được Đức Giáo Hoàng Piô XII chấp thuận vào ngày 07 tháng 10 năm 1950 (ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi) với danh xưng Dòng Thừa Sai Bác Ái (The Mission Of Charity). Cùng với việc hội dòng được thành lập, Mẹ Têrêsa cũng chọn tu phục cho mọi người trong dòng là chiếc áo sari trắng của người Ấn Độ, nhưng đặc biệt có viền xanh dương. Mẹ thích viền xanh dương vì đó là màu của Đức Mẹ và có một thánh giá nhỏ cài bên ngực trái.

Với nguyên tắc căn bản của dòng Thừa Sai Bác Ái là hiến dâng chính mình để phục vụ người nghèo trong tình yêu của Chúa nên năm 1952, Mẹ Têrêsa thành lập Nhà Lâm Chung – Nirmal Hriday để săn sóc những người hấp hối ngoài hè phố, hầu giúp họ có nơi để nằm chết trong yêu thương, bình an và xứng với phẩm giá con người hơn. Năm 1957, Viện Cô Nhi – Shishu Bhavan được thành lập để nuôi dưỡng và giáo dục những trẻ bị bỏ rơi hoặc không ai thừa nhận. Tiếp theo, Mẹ Têrêsa lập Làng Phong Cùi Prem Nivas tại ngoại ô thành phố Calcutta và nhiều nhà khác của hội dòng ở khắp nơi để chăm sóc những người nghèo khổ.
Trước ảnh hưởng lớn lao của hội dòng và để tỏ lòng biết ơn, các chính phủ, các tổ chức quốc tế đã hoan nghênh, ngưỡng mộ các công tác từ thiện đáng quí ấy. Năm 1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt dòng Thừa Sai Bác Ái trực tiếp dưới sự kiểm soát của Tòa Thánh. Đức Giáo Hoàng cũng đề nghị Mẹ Têrêsa mở rộng dòng tu sang các quốc gia khác ngoài Ấn Độ. Năm 1970, Đức Giáo Hoàng nhận Mẹ Têrêsa vào quốc tịch Vatican. Năm 1971, Đức Giáo Hoàng trao tặng Mẹ Têrêsa giải thưởng Hòa Bình Giáo Hoàng Gioan XXIII cao quý. Năm sau, chính phủ Ấn Độ trao tặng Mẹ Têrêsa giải thưởng quan trọng Jawaharial Nehru – tên của vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, đây là giải thưởng được trao có những người có công thăng tiến nền hòa bình và sự thông cảm trên thế giới. Năm 1978, chính phủ Ấn Độ lại tặng Mẹ Têrêsa và nhà dòng huân chương Bharat Ratma (Viên Kim Cương của Ấn Độ) là huân chương cao cấp nhất của quốc gia này. Năm 1979, chính phủ Thụy Điển trao tặng Mẹ giải thưởng Nobel Hòa Bình (The Nobel Prize of Peace), đó là giải thưởng nổi tiếng nhất thế giới. Năm 1996, chính phủ Hoa Kỳ trao tặng Mẹ tước hiệu Công Dân Danh Dự Mỹ Quốc và Huân Chương Vàng Quốc Hội.
28Hinh3

Dù nhận bao huân chương và giải thưởng như vậy, nhưng Mẹ Têrêsa đón nhận chúng trong khiêm tốn như lời Mẹ nói: “tất cả vì vinh danh Thiên Chúa và nhân danh người nghèo”. Trong những năm cuối đời, mặc cho sức khoẻ càng ngày càng giảm sút, Mẹ vẫn tiếp tục điều hành hội dòng và đáp ứng các nhu cầu của người nghèo và của Giáo Hội. Tháng 03 năm 1997, Mẹ chúc phúc cho vị bề trên tổng quyền mới của hội dòng Thừa Sai Bác Ái (chị Nirmala Joshi). Ngày 05 tháng 9 năm 1997, Mẹ Têrêsa được Chúa gọi ra khỏi thế gian, tại thành phố Calcutta, vì cơn bệnh tim đột ngột, sau hơn 50 năm phục vụ những người cùng khổ. Ngày 13 tháng 9 năm 1997, nước Ấn Độ đã tổ chức quốc tang Mẹ trọng thể giữa muôn ngàn nỗi tiếc thương của toàn thế giới. Đến tháng 9 năm 2003, dòng Thừa Sai Bác Ái của Mẹ Têrêsa đã có 4690 nữ tu và tập sinh, hoạt động trong 710 nhà tại 132 quốc gia trên toàn thế giới. Vào ngày 19 tháng 10 năm 2003, ngày Khánh nhật Truyền giáo, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Chân phúc cho Mẹ Têrêsa để nêu cao tấm gương là chứng nhân của Chúa trong sứ mạng dấn thân phục vụ người nghèo với một trái tim tràn đầy yêu thương.
 
MẸ TÊRÊSA CALCUTTA – CHỨNG NHÂN CỦA CHÚA
TRONG SỨ MẠNG PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO

 
Mẹ Têrêsa Calcutta đã dành trọn đời mình cho những người nghèo, những người bất hạnh nhất trong cuộc sống, từ những trẻ em mồ côi sống lang thang vất vưởng, cho đến những người khổ đau, bệnh tật, cùng cực ở khắp nơi…

“Giáo Hội có được đời sống chân thực khi tuyên xưng và phổ biến lòng thương xót, thuộc tính kỳ diệu nhất của Đấng Tạo Thành và Đấng Cứu Chuộc, cũng như khi dẫn đưa con người đến các nguồn mạch của lòng thương xót nơi Đấng Cứu Thế, lòng thương xót được gìn giữ và phân phát bởi chính Giáo Hội”. Điều này cho chúng ta thấy, “sứ mạng của Giáo Hội là loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, là trái tim sống động của Tin Mừng, đang muốn nhờ lòng thương xót để chạm được đến con tim và khối óc của con người. Hiền Thê của Đức Kitô phải noi theo cách sống của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến phục vụ mọi người, không loại trừ ai”. Bên cạnh đó, “Giáo hội nhận ra nơi mọi người, nhất là những người nghèo khó và đau khổ hình ảnh của Đấng Sáng Lập để cố gắng làm giảm bớt nỗi khổ của họ, đồng thời nỗ lực phục vụ Đức Kitô trong họ”.

Khi trích dẫn điều này cho thấy lòng yêu thương mà Giáo hội dành cho người nghèo được lấy cảm hứng từ Tin Mừng, từ đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo. Noi gương Chúa Giêsu, Giáo hội cũng mời gọi con cái mình và hết thảy những ai thành tâm thiện chí sẵn sàng dấn thân phục vụ người nghèo. Quả thật, người nghèo là những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần; là người đau khổ vì bệnh tật, hoạn nạn; người bị bóc lột, áp bức, tù đày; người bị ruồng bỏ, loại trừ, cô thân cô thế trong xã hội… nên rất cần được chúng ta quan tâm, nâng đỡ và ủi an. Trong lịch sử Giáo hội, ta thấy những mẫu gương hết lòng phục vụ người nghèo như Thánh Gio-an Thiên Chúa, Thánh Ca-mi-lô Len-li, Thánh Phê-rô Cơ-la-ve, Thánh Vinh-sơn Phao-lô, Thánh nữ Ma-ga-ri-ta, Thánh nữ Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri…Đặc biệt trong thế kỷ XX, Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng đã cho xuất hiện một chứng nhân của Chúa đó là Mẹ Têrêsa Calcutta (1910 – 1997) một người phụ nữ bình thường như bao người khác nhưng mẹ trở thành chứng nhân thời đại về sự dấn thân phục vụ người nghèo. Vì thế, khi tìm hiểu về Mẹ Têrêsa Calcutta, chúng ta thấy nơi mẹ là biểu tượng của một người phụ nữ thánh thiện và vĩ đại. Quả thật, Mẹ Têrêsa Calcutta đã dành trọn đời mình cho những người nghèo, những người bất hạnh nhất trong cuộc sống, từ những trẻ em mồ côi sống lang thang vất vưởng, cho đến những người khổ đau, bệnh tật, cùng cực ở khắp nơi…

Thế giới có thể nhắc về Mẹ Têrêsa Calcutta như một phụ nữ vĩ đại với nhiều giải thưởng cao quý, trong đó có giải Nobel Hòa bình. Nhưng điều khiến mẹ vĩ đại hơn cả đó là sự giản dị và tấm lòng nhân ái. Mẹ đã sống một cuộc đời nghèo khó, vì như Mẹ nói: phải sống giữa người nghèo, nếm trải sự đói khổ cùng họ mới có thể thấu hiểu, và từ đó, mới có thể giúp xoa dịu nỗi đau của họ.

Với sự dấn thân của Mẹ trong sứ mạng phục vụ người nghèo như vậy, Mẹ đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân phúc ngày 19 – 10 – 2003. Và ngày 04 tháng 9 tới đây, Mẹ sẽ được Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên phong hiển thánh. Biến cố quyết định phê chuẩn việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta của Đức Thánh Cha Phanxicô diễn ra tại Công nghị Hồng y thường lệ của Điện Tông Tòa Vatican về việc phong thánh cho các vị chân phúc do ngài chủ sự vào ngày 15 tháng 3 năm 2016. Ngay sau buổi cầu nguyện phụng vụ Giờ Ba, Đức Thánh Cha công bố tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta được ấn định vào ngày 04 tháng 9 năm 2016 tại Roma. Chúng ta cùng hân hoan vui mừng vì Giáo Hội chuẩn bị có thêm một vị thánh dành trọn cả cuộc đời để phục vụ người nghèo. Và để hướng tới ngày đó, chúng ta cũng cầu nguyện cho mọi sự chuẩn bị được diễn tiến tốt đẹp trong sự yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.
 
Nguồn: sưu tầm
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 141
  •   Máy chủ tìm kiếm 13
  •   Khách viếng thăm 128
 
  •   Hôm nay 13,188
  •   Tháng hiện tại 653,960
  •   Tổng lượt truy cập 80,586,860