Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sau 6 năm trùng tu

Thứ sáu - 24/03/2023 09:31      Số lượt xem: 795

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn hiện đạt 50% tiến độ trùng tu, một phần mái ngói được lợp lại, tường sạch hơn, dự kiến hoàn thành năm 2027.


Sau 6 năm trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (quận 1) đạt khoảng 50% tiến độ, sẽ hoàn thành cuối năm 2027. Ban đầu công trình dự kiến xong trong năm nay nhưng Covid-19 kéo dài hơn hai năm làm đứt gãy nguồn cung cấp vật tư từ châu Âu, giá tăng 30-40%.
"Khi đánh giá lại với đơn vị trùng tu đến từ Bỉ, chúng tôi thống nhất việc này không thể vội vàng mà cần làm thật cẩn thận để đảm bảo kéo dài tuổi thọ nhà thờ", linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu, cho biết.
So với năm 2017, hiện toàn bộ nhà thờ được lắp rào chắn cao khoảng 3 m xung quanh. Mặt trước lắp giàn giáo cao hơn 60 m lên tới đỉnh hai tháp để trùng tu.
Nhà thờ xây năm 1877, hoàn thành sau ba năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Đây là công trình do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế.

 
 
 
 
 
Hệ thống mái ngói là một trong những phần được trùng tu đầu tiên, mới lợp được một phần, giúp mái nhà thờ khang trang hơn 6 năm trước.
Theo linh mục Hồ Văn Xuân, hiện chưa có hạng mục nào trùng tu xong vì từng kết cấu đều có liên kết với nhau, cần phải hoàn thành đồng bộ. Việc phục chế được thực hiện theo nguyên tắc cái gì tốt sẽ giữ lại, thay thế những phần hư hỏng quá nặng.

 
 
 
Hệ thống máng xối bên ngoài nhà thờ được trùng tu một phần, các mảng tường không còn ẩm mốc, cây mọc kín như trước.
 
 
 

Nhà thầu đang tập trung sửa chữa hai tháp chuông và hai tháp kẽm. Trên 4 góc của các tháp có hàng trăm khối đá vôi Pierre de Paris, bị xói mòn, hư hỏng. Mỗi khối nặng khoảng 4 tấn nên nhà thầu phải chẻ nhỏ các phiến còn 500 kg, đưa xuống bằng thang máy.
Sau khi tham khảo chuyên gia, Ban trùng tu quyết định dùng loại đá thay thế là Pierre de Massengis. Loại này cứng, đẹp hơn, đặt mua ở Pháp sau đó chuyển sang nhà máy ở Bỉ để chế tác theo hình mẫu của các khối đá cũ. Tổng trọng lượng của các khối đá được nhập về để lắp trên các tháp nặng gần 90 tấn. Hiện, một phần các khối đá đã được đưa lên tháp.

 
 
 
Tháp kẽm được quây kín bởi giàn giáo, nhiều tấm lợp bị oxy hóa, ăn mòn qua hơn 140 năm. Vật liệu thay mới là các tấm kẽm mỹ thuật Azengar plus để lợp lại hai tháp này.
 
 

Hồi đầu tháng 3, nhà thờ đã tháo dỡ hai Thánh giá từ ở trên nóc tháo xuống để mang sang Bỉ trùng tu. Hai Thánh giá 127 tuổi, chiều ngang hơn 1,8 m, cao gần 4 m, nặng 600 kg, bị rỉ sét sau thời gian dài. Ảnh: Tổng giáo phận TP HCM
 
 

Nhóm công nhân dùng xe kéo các viên đá Pierre de Massengis từ kho vật liệu, vật tư đến điểm thi công. Toàn bộ vật liệu đều mang từ châu Âu, vận chuyển bằng đường biển, hàng không. Các vật tư yêu cầu phải có nét tương đồng với chất liệu cũ để không làm thay đổi diện mạo.
Hiện có khoảng 40 người tham gia trùng tu, đều phải qua đào tạo, thi tuyển. Phần lớn thợ làm ở phía trong, tại khu vực tháp chuông. Nhiều ngày các họ phải làm hơn 8 tiếng, có khi thêm giờ để kịp tiến độ.

 
 

Các phiến đá được chằng lại để đưa lên hai tháp bằng thang máy. Mỗi ngày nhà thờ phải chụp ảnh báo cáo để chuyên gia ở Bỉ đánh giá tình hình trùng tu.
 
 

Các bức tường, vách gạch bên ngoài hư hỏng, bị vẽ bậy sẽ được thay thế hoặc làm sạch. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian và tốn kém do có đến hàng trăm nghìn viên gạch cần phải thay thế. Để tránh tình trạng vẽ bậy, tác động công trình, nhà thờ sẽ đề nghị thành phố cho làm hàng rào mở, mỹ thuật dọc bên lề nhà thờ.
 
 
 
 
Ngoài khuôn viên là bộ chuông 25 chiếc gồm 16 chuông nhỏ và 9 chuông lớn ở Đức, lắp đặt vào dịp Giáng sinh năm 2022. Dàn chuông sẽ thay thế tạm bộ chuông cổ trong thời gian trùng tu.
Bộ chuông cổ gồm 6 chiếc, hơn 30 tấn, cao trung bình 3 m, đúc tại Pháp năm 1879, được đặt ở hai tháp của nhà thờ. Hệ thống chuông còn nguyên vẹn, sử dụng tốt, song giá đỡ bằng gỗ bị hư hỏng, mục nát. Bộ chuông cũ ngưng đổ từ tháng 1/2020 để trùng tu, sửa chữa hệ thống giá đỡ.

 
 

Sau khi kiểm tra tổng thể, đơn vị thi công đánh giá móng và kết cấu nhà thờ còn rất tốt nên khu vực bên trong vẫn sinh hoạt tôn giáo được. Theo linh mục Hồ Văn Xuân, bên trong nhà thờ, hệ thống thông gió sẽ được làm lại để giáo dân khi dự thánh lễ vào mùa nóng sẽ thoải mái hơn. Trên Cung Thánh dự kiến đặt đàn đại phong cầm (đàn ống), giống như nhiều nhà thờ ở châu Âu.
Sau trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sẽ kéo dài tuổi thọ ít nhất 100 năm. Nhà thờ sẽ thành lập đội bảo trì giống như nhiều nhà thờ ở châu Âu để sửa chữa khi cần.

 

Nguồn tin: vnexpress.net


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 374
  •   Máy chủ tìm kiếm 12
  •   Khách viếng thăm 362
 
  •   Hôm nay 69,071
  •   Tháng hiện tại 768,525
  •   Tổng lượt truy cập 80,701,425