"Đến gần Thiên Chúa" (Bài giảng Chúa nhật 5 TN- Năm C)

Thứ năm - 03/02/2022 17:46      Số lượt xem: 2064

Trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, người tín hữu không những được đến gần Thiên Chúa, mà còn được trở nên nghĩa từ của Ngài. Đức tin cho phép chúng ta chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên khí cụ tình thương bao la của Ngài. Ước mong mỗi chúng ta có thể nói như ngôn sứ Isaia: "Dạ con đây, xin sai con đi", hoặc như các tông đồ, sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo và làm môn đệ của Chúa.

cn 5
Chúa nhật 5 thường niên - Năm C

"Đến gần Thiên Chúa"
 
Từ rất xa xưa, có lẽ từ lúc con người hiện diện trên trái đất, ý niệm về sự cao cả thánh thiện của Thượng đế đã hình thành trong suy nghĩ của họ. Nếu Đấng Tối cao là Đấng Thánh, thì con người phàm trần lại mang nhiều tội lỗi. Nếu “Ông Trời” là cao cả, thì con người lại quá thấp hèn. Giữa Thượng đế và con người, có sự cách biệt rất xa, như trời với đất. Vì vậy, con người phải luôn khiêm tốn nhận mình là tội nhân và không dám đến gần thánh nhan Ngài. Chúng ta thấy tư tưởng này nơi ngôn sứ Isaia (Bài đọc I). Theo quan niệm của người Do Thái, vì Thiên Chúa là Đấng chí thánh, nên ai thấy Ngài thì sẽ phải chết. Khi nhìn thấy Chúa, Isaia đã hoảng sợ, nghĩ mình sắp chết nên la lên: "Khốn thân tôi, tôi chết mất, vì tôi là người môi miệng ô uế". Nhưng, Isaia không chết mặc dầu được nhìn thấy Thiên Chúa. Trình thuật việc Chúa gọi ông Isaia là một bước tiến quan trọng trong tiến trình mạc khải của Cựu ước: tức là con người có thể đến gần Thiên Chúa để gặp gỡ Ngài mà vẫn bảo toàn tính mạng. Thiên Chúa yêu thương bao dung, đón nhận con người mặc dù họ tội lỗi bất xứng. Isaia không những không phải chết, mà Chúa còn chọn và gọi ông cộng tác với Chúa để truyền đạt sứ điệp của Ngài cho dân chúng, kêu gọi họ vững tâm cậy trông vào Chúa và thực thi những điều Ngài truyền dạy. Từ tâm trạng lo sợ hãi hùng, ông đã mạnh dạn thân thưa với Chúa: "Dạ con đây, xin sai con đi".
 
Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái vẫn giữ quan niệm về sự cách biệt giữa Thiên Chúa với con người. Khi chứng kiến mẻ lưới lạ lùng, Phêrô cũng thốt lên như ngôn sứ Isaia năm xưa: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Đức Giêsu đã đến trần gian để khai mở một kỷ nguyên mới. Từ nay, Thiên Chúa và con người không còn cách biệt nhau, vì Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Trước sự kinh hoàng của Phêrô và những người dân chài, Đức Giêsu đã trấn an: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Không những Đức Giêsu xoá bỏ hàng rào ngăn cách giữa Thiên Chúa với con người, Người còn mời gọi họ cộng tác với Người trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, để quy tụ mọi con cái Thiên Chúa về một mối. Thiên Chúa, Đấng chí thánh, đã đến gặp gỡ con người. Đức Giêsu rảo khắp các thành phố làng mạc để loan báo Tin Mừng cứu độ. Mầu nhiệm nhập thể là một bước tiến mới nữa trong tiến trình mạc khải của Chúa. Thiên Chúa đã làm người, và con người có thể chạm tới Người, có thể nghe tiếng Người và chiêm ngưỡng dung nhan của Người. Thiên Chúa đã trở nên gần gũi con người để lắng nghe, tha thứ và chúc lành cho họ. Hơn thế nữa, con người được gọi để trở thành những bạn hữu và cộng sự viên của Chúa. Những người dân chài đơn sơ chất phác này đã trở thành những môn đệ đầu tiên của Chúa. Sau khi đã chứng kiến mẻ lưới lạ lùng, Phêrô và các đồng nghiệp đã bỏ mọi sự mà theo Người. Cuộc gặp gỡ với vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã hướng cuộc đời của các ông sang một ngã rẽ mới. Từ nay, họ được mang danh là “tông đồ”, tức là người được sai đi. Họ không còn chỉ loay hoay với tấm chài lưới và nước lên nước xuống, nhưng họ đã trở thành những người chinh phục người khác, giúp họ đón nhận Tin Mừng cứu độ. Đây là một sứ mạng cao quý, vì tiếp nối sứ mạng của chính Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai.
 
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người tín hữu được trao ban ba chức năng: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta điều Người đã nói với Phêrô: “Đừng sợ, từ nay con sẽ là người thu phục người ta”. “Thu phục người ta” là cảm hoá người khác bằng sự thánh thiện toả lan từ chính cuộc đời Kitô hữu. Mỗi tín hữu đều là người loan báo Tin Mừng. Người thời nay không nhìn thấy Chúa Giêsu, nhưng họ có thể gặp thấy Người qua các môn đệ của Người là chúng ta. Đứng trước sứ mạng lớn lao, có lẽ mỗi chúng ta cũng giống như ngôn sứ Isaia và bác thuyền chài Phêrô, đó là do dự, sợ hãi và ngại ngùng. Hãy cùng đọc tiếp trình thuật của thánh Luca: vào thời điểm Chúa Giêsu truyền lệnh cho Phêrô thả lưới, theo kinh nghiệm nghề nghiệp, lúc đó không phải là lúc thuận tiện để bắt được cá. Các ông đã đang giặt lưới sau một đêm vất vả và không bắt được con cá nào. Vào chính lúc ấy, Chúa Giêsu lại truyền cho các ông thả lưới chỗ nước sâu. Thánh Luca viết: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới”. Mẻ lưới lạ cho thấy kết quả của sứ vụ tông đồ không đến từ sự khôn ngoan của con người, nhưng đến từ quyền năng của Thiên Chúa. Qua phép lạ này, Chúa Giêsu cũng muốn khẳng định, dù được chọn gọi và sai đi, các ông cũng chỉ là những dụng cụ Chúa dùng và là những cánh tay nối dài của Người.
 
Nhờ Đức tin vào Chúa, chúng ta không còn mặc cảm thân phận tội lỗi, nhưng xác tín vào tình Chúa yêu thương. Ngài là Cha nhân hậu, không bỏ rơi bất cứ ai kêu cầu Thánh Danh Ngài. Như thế, dầu là thân phận tội lỗi thế nào đi nữa, chúng ta cũng được Chúa kêu gọi. Tông đồ Phaolô đã gặp Chúa trong bối cảnh rất lạ kỳ: cú ngã ngựa trên đường đi Đamát đã khiến ông bừng tỉnh, vì trước đó ông ngu muội và căm hờn đối với các Kitô hữu. Trong thư gửi giáo dân Corinhtô (Bài đọc II), Phaolô khẳng định Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và là Đấng Cứu độ. Ông khuyên các tín hữu hãy vững tin, mặc dù còn nhiều khó khăn thử thách.
 
Trong Đức Giêsu và nhờ Đức Giêsu, người tín hữu không những được đến gần Thiên Chúa, mà còn được trở nên nghĩa từ của Ngài. Đức tin cho phép chúng ta chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa, đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên khí cụ tình thương bao la của Ngài. Ước mong mỗi chúng ta có thể nói như ngôn sứ Isaia: "Dạ con đây, xin sai con đi", hoặc như các tông đồ, sẵn sàng bỏ mọi sự để đi theo và làm môn đệ của Chúa.
 
Chúng ta đang sống những ngày đầu của xuân Nhâm Dần, Đầu xuân mới là dịp chúng ta tạ ơn Chúa và cầu xin ơn bình an. Trong những ngày này, người Việt chúng ta thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Xin Chúa luôn đồng hành với chúng ta trong từng bước đi của cuộc đời, nhờ đó chúng ta cảm nhận vinh dự của những người con Chúa. Kính chúc Quý Vị một mùa xuân an khang thịnh vượng, thấm đượm tình Chúa tình người. Mặc dù cuộc sống còn nhiều âu lo, nhưng chúng ta xác tín vào lời hứa của Chúa: ai xin thì sẽ được; ai tìm thì sẽ thấy; ai gõ cửa thì sẽ mở cho. Nguyện xin Chúa mở lòng nhân từ, nhìn đến thế giới đang điêu đứng do đại dịch Covid-19 và ban ơn chữa lành. Xin Ngài chúc phúc cho tất cả chúng ta. Xin cho mỗi Kitô hữu trở nên những chứng nhân của lòng Chúa thương xót giữa cuộc đời. Amen.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 214
  •   Máy chủ tìm kiếm 6
  •   Khách viếng thăm 208
 
  •   Hôm nay 48,021
  •   Tháng hiện tại 1,080,029
  •   Tổng lượt truy cập 79,828,713