An bình và niềm vui

Thứ năm - 23/05/2019 18:18      Số lượt xem: 3748

Bình an và niềm vui Chúa hứa ban không giống như bình an và niềm vui của người đời. Chính những lúc đối diện với đau khổ, bệnh tật hoặc gian nan thử thách, nhờ lời cầu nguyện và lòng tín thác nơi Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy bớt cô đơn tiêu cực. Ơn của Chúa sẽ giúp chúng ta bớt đau đớn tinh thần cũng như thể xác.


Bình an là quà tặng của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ. Theo Thánh sử Gioan, ngay chiều ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện đến với các môn đệ. Người ban tặng các ông  bình an và Chúa Thánh Thần. Món quà lãnh nhận từ Đấng Phục sinh đã giúp các ông can đảm mạnh mẽ. Mặc dù bị đe dọa và cấm đoán, các ông vẫn can đảm rao truyền Đức Giêsu sống lại với niềm tự hào và phấn khởi.
 
Thực ra, bình an là món quà Chúa đã hứa trước đó với các môn đệ: “Thày để lại bình an cho các con. Thày ban cho anh em bình an của Thày. Thày ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Lối hành văn lặp đi lặp lại như một vũ điệu “Rondo” quen thuộc của Tin Mừng Thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa bình an được gọi là của Người với bình an người đời thường cầu chúc cho nhau. Bình an của Chúa Giêsu là bình an trong tâm hồn. Đó không phải là những niềm vui hời hợt nhất thời, nhưng lâu dài bền vững. Bình an của Chúa có sức lan tỏa tới môi trường sống xung quanh, như hoa thơm trái ngọt làm dịu mát tâm hồn những người chiêm ngưỡng và thưởng thức.
 
Cũng trong bữa tiệc ly, Chúa hứa ban cho các ông niềm vui. Đó là niềm vui của một bà mẹ sau khi sinh con, dù đau đớn trăm bề, nhưng vui vì đã sinh ra cho nhân loại một người con. Cường độ của niềm vui ấy lớn lao hơn sự đau khổ trước đó bội phần. Đó còn là niềm vui của sự kết hợp mật thiết với Chúa, được sánh ví như cành nho với thân nho. Người môn đệ sẽ hưởng niềm vui trọn vẹn khi thực sự kết hợp và gắn bó với Chúa (x.Ga 15,11). Niềm vui như hoa thơm trổ ra từ thập giá. Biết nhìn cuộc đời với cái nhìn của Chúa, chúng ta sẽ hái hoa thơm nơi khổ đau và gặt trái ngọt nơi nước mắt.
 
Bình an và niềm vui đều là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã liệt kê 9 hoa trái của Chúa Thánh Thần: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gl 5, 22-23). Đây là những đức tính căn bản làm nên một con người hoàn thiện. Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, soi sáng và ban sức mạnh cho các môn đệ. Chúa Thánh Thần có nhiệm vụ giúp các môn đệ nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã giảng dạy. Nhờ can thiệp của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ có thể làm được những phép lạ như Chúa Giêsu đã làm khi Người còn sống ở trần gian. Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm ấy, Chúa Thánh Thần đến để ở với Giáo Hội, như dòng suối mát tắm gội các tín hữu trong ân sủng, niềm vui và sức mạnh. Khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, Chúa Thánh Thần đổ tràn ân sủng của Ngài vào tâm hồn người thụ phép. Nhờ Chúa Thánh Thần, người tín hữu phụng thờ Chúa trong niềm vui, kiên trung vượt qua mọi gian nan thử thách, can đảm làm chứng cho Ngài giữa dòng đời.
 
Cuộc sống xung quanh chúng ta vốn dĩ phức tạp. Điều đó chẳng có chi lạ, vì từ khi con người hiện hữu trên trái đất, thì đã có những ghen tương đố kỵ rồi. Đối diện với những phức tạp này, có người đón nhận nó với cái nhìn lạc quan, bao dung quảng đại; người khác lại đón nhận với thái độ hằn học, ghen tương thù hằn. Dù đón nhận cuộc sống với thái độ nào, những khó khăn phức tạp vẫn còn đó. Tuy vậy, người đón nhận cuộc sống với thái độ lạc quan sẽ tìm thấy sự an bình. Lúc đó, bóng đêm sẽ bớt dần, ánh sáng sẽ ló rạng và tình yêu sẽ lên ngôi. Chúng ta chỉ sống có một lần trên thế gian, không có lần thứ hai. Hằn học căm thù, sẽ chuốc lấy cho chính bản thân mình những đau khổ và tiêu cực.
 
Chúa Giêsu đã hứa ban bình an và niềm vui cho những ai tin vào Người, vậy tại sao trong cuộc sống của chúng ta vẫn gian nan, đau khổ? Phải chăng đó là một lời hứa suông? Phải chăng quyền năng của Người không thắng nổi sự dữ? Đó là những câu hỏi không ngừng dằn vặt chúng ta. Nhiều người đã lung lạc đức tin khi đối diện với những gian nan thử thách. Những vấn nạn trên xuất phát từ quan niệm thiếu chính xác về bình an và niềm vui theo nhãn quan Kitô giáo. Như trên đã nói, bình an và niềm vui Chúa hứa ban không giống như bình an và niềm vui của người đời. Chính những lúc đối diện với đau khổ, bệnh tật hoặc gian nan thử thách, nhờ lời cầu nguyện và lòng tín thác nơi Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy bớt cô đơn tiêu cực. Ơn của Chúa sẽ giúp chúng ta bớt đau đớn tinh thần cũng như thể xác. Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã tâm sự: “Khi trên đời này không còn ai nghe tôi nữa, thì có Chúa vẫn kiên nhẫn nghe tôi. Vì thế, cầu nguyện với Chúa giúp tôi tìm lại bình an trong đau khổ”. Bình an và niềm vui Chúa ban còn là sự thanh thản trong tâm hồn, sẵn sàng chấp nhận ý Chúa trong cuộc đời, nhìn cuộc đời với cái nhìn lạc quan vui mừng hơn, bao dung quảng đại đối với xúc phạm của người khác. Như vậy, bình an và niềm giúp chúng ta có sức mạnh siêu nhiên, thực hiện được những gì chúng ta không ngờ tới. Trong khi các tông đồ não nề ủ dột vì nghe Chúa nói về cuộc khổ nạn và sự phản bội của một thành viên trong nhóm Mười Hai, Chúa Giêsu trấn an các ông: “Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,20-22). Như thế, bình an và niềm vui là hoa trái ngọt ngào mà ai muốn hưởng thì phải khó nhọc vun trồng. Đau khổ gian nan hôm nay chính là những nỗ lực vun trồng chăm bón, để chúng ta được hưởng hoa trái dồi dào.
 
“Vinh quang Thiên Chúa là con người sống vui”, Thánh Irênê, vị Giáo phụ lừng danh người Hy Lạp đã viết như thế. Quả vậy, khi chúng ta sống vui tươi thánh thiện, là chúng ta phản ánh vinh quang Thiên Chúa giữa đời thường. Đón nhận bình an của Đấng Phục sinh, Kitô hữu cũng là người loan báo và gieo trồng bình an trong mọi môi trường họ đang sống. Quả vậy, niềm vui sâu xa tự tâm hồn là động lực thúc đẩy chúng ta làm việc thiện, hòa giải mâu thuẫn, tránh mọi xung đột. Khi thiện chí thực hiện những điều này là chúng ta loan báo an bình và niềm vui của Chúa Giêsu, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta. Niềm vui là một trong những điểm nhấn quan trọng trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxiccô, vị Giáo Hoàng người Achentina. Theo Đức Thánh Cha, không thể loan báo Đức Giêsu với một tâm trạng u buồn bi quan, vì chính Người là Tin Mừng của Thiên Chúa Cha. Người đến trần gian để đem cho con người niềm vui cứu độ. Vì thế, mỗi thành phần Dân Chúa phải tiếp tục sứ mạng của Chúa, đem đến cho con người mọi thời đại niềm vui và an bình.
 
Mùa Phục Sinh 2019
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 128
  •   Máy chủ tìm kiếm 4
  •   Khách viếng thăm 124
 
  •   Hôm nay 3,102
  •   Tháng hiện tại 968,890
  •   Tổng lượt truy cập 80,901,790