Niềm tự hào của người tin Chúa (Chúa nhật XXII Thường niên – Năm B)

Thứ năm - 26/08/2021 06:27      Số lượt xem: 1901

Cũng như dân Do Thái và còn hơn thế nữa, Giáo Hội của Chúa Kitô đã hoà nhập vào nền văn hoá của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hỏi, có thần linh nào kỳ diệu như Thiên Chúa của chúng ta? Người là Cha chung của gia đình nhân loại, là Đấng hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường.

 
Lịch sử dân tộc Do Thái có nhiều điều kỳ diệu. Chiến tranh Do Thái đã nổ ra vào năm 70 sau Công nguyên, hậu quả là Đền thờ bị tàn phá bình địa, người Do Thái phải tản mác khắp nơi. Nhà nước Israel chỉ tuyên bố độc lập và được Liên hiệp quốc công nhận chính thức vào ngày 14-5-1948, tức là sau 19 thế kỷ bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Một điều kỳ lạ, 19 thế kỷ tha hương và phân tán, thậm chí bị diệt chủng trong thời Đức Quốc Xã, Đức tin vào Thiên Chúa vẫn tồn tại nơi những người con cháu Abraham. Nơi đâu có người Do Thái, nơi đó có Hội đường và các buổi tập hợp vào ngày Sabát để lắng nghe Lời Chúa và tôn vinh Ngài.
 
Những gì ông Môisen nói về dân tộc này đã được thực hiện trong suốt bề dày của lịch sử: “Có dân tộc nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?”. Đây là niềm tự hào của mọi thế hệ người Do Thái. Bất kỳ đi đến đâu và trong hoàn cảnh nào, người Do Thái không quên niềm tự hào ấy.
 
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, người Kitô hữu được tháp nhập vào dân Israen mới, tức là Giáo Hội. Cũng như dân Do Thái và còn hơn thế nữa, Giáo Hội của Chúa Kitô đã hoà nhập vào nền văn hoá của tất cả các quốc gia trên thế giới. Hỏi, có thần linh nào kỳ diệu như Thiên Chúa của chúng ta? Người là Cha chung của gia đình nhân loại, là Đấng hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường.
 
Để đền đáp tình thương trời bể của Thiên Chúa, nhưng ai tin vào Ngài phải tuân giữ giáo huấn Ngài truyền dạy. Ông Môisen khuyên nhủ những người Do Thái trong hành trình sa mạc, rằng nếu họ tuân giữ thánh chỉ của Chúa, họ đã được đến Đất hứa. Người Do Thái đã chiếm Đất hứa sau 40 năm, kể từ khi rời Ai Cập. Họ đã chứng kiến những điềm thiêng dấu lạ Thiên Chúa đã làm, trước mặt Pharaon và các dân tộc mà người Do Thái giao tranh trong hành trình này.
 
Mục đích của lề luật là hướng lòng con người về với Thiên Chúa, giúp họ sống thiện lương theo giáo huấn của Ngài. Nhưng nhiều người lại lạm dụng lề luật theo kiểu “suy bụng ta ra bụng… Chúa”. Họ nghĩ Chúa cũng giống như con người, cũng nhỏ nhen, cũng chấp nhặt, cũng thù oán và nhất là cũng nhận hối lộ, “tốt lễ dễ kêu” giống như nơi con người. Đức Giêsu mong muốn trả lại cho nghi thức thờ phượng ý nghĩa đích thực của nó. Đây chẳng phải là điều gì mới mẻ, mà đã in sâu trong giáo huấn của các ngôn sứ. Chúa Giêsu trích dẫn ngôn sứ Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa ta. Chúng có thờ phượng ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.
 
Những người được nêu trên, Chúa lên án họ là đạo đức giả. Trong Phúc Âm, nhiều lần Chúa Giêsu chỉ trích họ nặng lời và ví họ giống như những mồ mả tôi vôi. Với lời giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã đảo ngược quan niệm “thanh sạch và ô uế” của người đương thời. Trong khi những người này chủ trương những gì ở ngoài sẽ gây ô uế cho con người, Chúa Giêsu lại khẳng định, chính bên trong con người là nguồn gốc của sự ô uế và tội lỗi. Quả vậy, con người là nguyên nhân của biết bao tội lỗi từ khởi đầu của lịch sử cho đến ngày nay. Những tham vọng, ích kỷ và mưu mô từ bên trong con người đã gây nên biết bao đau khổ cho bản thân và cho những người xung quanh. Cuộc sống thường ngày của chúng ta đã chứng minh những gì Chúa nói.
 
Khi phê phán những biệt phái và luật sĩ, Chúa Giêsu mời gọi những ai nghe Người hãy đổi mới quan niệm của mình về việc thờ phượng, để có thể tôn thờ Chúa với tâm hồn ngay thẳng và với thiện chí sống tình bác ái với những người xung quanh. Một thứ thờ phượng môi mép giả hình sẽ biến người ta thành những con rối. Của lễ Chúa muốn, đó chính là tấm lòng chân thành và yêu mến dành cho Ngài, với thiện chí quyết tâm đổi mới cuộc đời.
 
Biết bao lần chúng ta tham dự các nghi thức phụng vụ mà tâm hồn chúng ta xa Chúa. Có nhiều khi chúng ta giống như những người kinh sư và người biệt phái, chỉ chú trọng đến những nghi thức bề ngoài mà coi nhẹ tâm tình cầu nguyện, là điều cốt lõi để làm thành việc tôn thờ đích thực. Thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Hãy khiêm tốn đón nhận Lời được gieo vào lòng chúng ta… Hãy đem Lời ấy ra thực hành chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Bài đọc II). Đối với thánh nhân, lòng đạo đức thật phải sinh ra hoa trái là lòng bác ái và dấn thân phục vụ người nghèo, giúp họ tìm được niềm vui trong cuộc sống.
 
Trong một xã hội mà tiếng nói của Chúa dễ bị lấn át bởi cơn lốc hưởng thụ, ước chi niềm tự hào của người tin Chúa luôn chiến thắng những đam mê, chia rẽ hận thù. Chính niềm tự hào vì là người Kitô hữu sẽ giúp chúng ta có nghị lực để không ngừng vững bước thăng tiến trong sứ mạng làm chứng cho Chúa giữa dòng đời.
 
“Là một Kitô hữu không chỉ là tuân giữ các giới răn, nhưng còn có nghĩa là sống trong Đức Kitô, suy nghĩ như Người, hành động như Người, yêu như Người; có nghĩa là để Người làm chủ cuộc đời chúng ta và thay đổi nó, biến đổi nó, để giải thoát nó khỏi bóng tối sự dữ và tội lỗi” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô).
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 216
  •   Máy chủ tìm kiếm 8
  •   Khách viếng thăm 208
 
  •   Hôm nay 38,192
  •   Tháng hiện tại 1,025,109
  •   Tổng lượt truy cập 79,773,793