"Con người mới" (Bài suy niệm Tin mừng Chúa nhật Phục sinh năm B của Đức TGM Giuse Vũ Văn Thiên)

Thứ ba - 26/03/2024 19:54      Số lượt xem: 1006

Nghi thức Vọng Phục sinh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng rất sinh động. Tất cả điều diễn tả những thực tại mới mẻ: Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua cái chết của Con Một Ngài; Đức Giêsu Phục sinh biến đổi sang một trạng thái hiện hữu mới. Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian như trước đây; Những ai tin vào Đức Giêsu, từ nay trở thành con người mới. Họ sống trong ánh sáng kỳ diệu siêu nhiên, chứ không còn đắm chìm trong tối tăm nữa.

screenshot 1711457804

Lễ Phục Sinh
Con người mới
 
Nghi thức Vọng Phục sinh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng rất sinh động. Tất cả điều diễn tả những thực tại mới mẻ: Thiên Chúa thực hiện một cuộc sáng tạo mới qua cái chết của Con Một Ngài; Đức Giêsu Phục sinh biến đổi sang một trạng thái hiện hữu mới. Người không còn bị giới hạn bởi thời gian và không gian như trước đây; Những ai tin vào Đức Giêsu, từ nay trở thành con người mới. Họ sống trong ánh sáng kỳ diệu siêu nhiên, chứ không còn đắm chìm trong tối tăm nữa. Nghi thức Vọng Phục sinh mời gọi người tín hữu cùng nhìn lại quá khứ, để thấy những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm trong lịch sử. Ngài can thiệp vào lịch sử nhân loại bằng quyền năng mạnh mẽ và bằng tình yêu thương. Hôm nay, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tực thực hiện những điều kỳ diệu trong thế giới của chúng ta. Khi mừng lễ Phục sinh, người tín hữu được mời gọi cố gắng không ngừng để thực sự trở nên con người mới trong Đức Giêsu Kitô.
 
Lâu nay, thi thoảng chúng ta cũng nghe thấy cụm từ “con người mới” trong các văn bản của xã hội. Theo quan điểm này, con người mới là con người văn minh, tri thức và có văn hoá. Nét văn hoá ấy thể hiện trong ngôn từ, cách ứng xử, cộng tác bảo vệ môi trường sinh thái và có tinh thần trách nhiệm với công ích.
 
Theo nhãn quan Kitô giáo, “Con người mới” đương nhiên là phải có những đức tính căn bản nêu trên. Tuy vậy, để được gọi là con người mới thực sự, thì người tin Chúa phải “ở trong Người”. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu ai ở trong Đức Giêsu Kitô, thì người ấy là thụ tạo mới” (2 Cr 5,17). Ở trong Đức Kitô là lối diễn tả sự gắn bó mật thiết với Người, nên một với Người và chỉ nói hay làm những gì phù hợp với giáo huấn của Người. Những ai ở trong Đức Giêsu lúc nào cũng cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong mọi bối cảnh của cuộc sống. Họ sẽ không còn suy nghĩ, nói năng hay làm những điều khuất tất, vì họ luôn sống dưới cái nhìn yêu thương của Người. Nói tóm lại, người sống trong Đức Giêsu như thể đã được nếm hưởng thiên đàng khi còn ở dương thế.
 
Chúa Giêsu là “Con Người Mới”. Thánh Phaolô gọi Chúa Giêsu là Ađam mới, đối nghịch với Ađam ở khởi đầu của lịch sử. Thánh nhân viết: “Cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thanh người công chính” Rm 5,19-19). Nhiều nhà thần học thích dùng thuật ngữ “Ađam cuối cùng” để nói về Chúa Giêsu, vì sau Người, nhân loại không còn phải chờ đợi một vị Thiên sai nào nữa.
 
Là Con Người Mới, Chúa Giêsu là mẫu mực cho hết thảy chúng ta. Người là “Thần Tượng”, là “Anh Cả” của mọi Kitô hữu. Nói cách khác, con người chỉ đạt được tầm vóc “con người mới” khi trở nên giống Đức Giêsu. Thánh Phaolô đã diễn tả bằng một động từ “mặc lấy”, như thể người Kitô hữu được bao trùm bởi chính Đức Giêsu. “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xa xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối. Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Đương nhiên đây không chỉ là sự bao trùm bề ngoài, mà là sự thấm đượm tận căn và có sức biến đổi chúng ta. Như thế, để được nên con người mới, chúng ta phải đoạn tuyệt quá khứ còn nhiều bất toàn, để nên giống Đức Giêsu, Đấng đã sống lại vinh quang. Thánh Phaolô (trong Bài đọc II) diễn tả một cách cụ thể hơn: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Con người sống trên trần gian luôn bị giày vò và giằng xé giữa hai thế lực: giữa thượng giới và hạ giới; giữa bản năng và ý chí. Tiến trình trở nên con người mới là tiến trình phấn đấu không ngừng để vươn tới thượng giới, như Đức Giêsu đã đạt tới thượng giới và đang ở bên Chúa Cha. Nói cách khác, hành trình nên thánh là những nỗ lực để gần với trời và xa khỏi đất.
 
Biến cố Phục sinh đã làm cho hai môn đệ là Phêrô và Gioan mang một cái nhìn hoàn toàn mới. Trước đó, khi nghe mấy người phụ nữ nói Chúa đã sống lại, hai ông còn bán tín bán nghi. Chỉ khi tận mắt nhìn thấy ngôi mộ trống, hai ông mới tin và hồi tưởng lại những gì Thầy mình đã nói trước. Hai ông đã trở nên con người mới, trước ngôi mộ trống của ngày Phục sinh và hai ông đã lấy chính mạng sống mình để làm chứng cho Chúa Phục sinh.
 
Mừng lễ Phục sinh, mỗi chúng ta cũng phải trở nên người mới, con người của ân sủng và mặc lấy Chúa Giêsu. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Biến cố Phục sinh là một cái gì mới đi vào trần thế, và từ đó Giáo Hội đã có thể hình thành. Và trong thực tế, Phục sinh là cộng đoàn của những người tin vào Chúa Kitô, cộng đoàn của Dân Thiên Chúa mới” (Thiên Chúa và trần thế, Tr. 347). Như thế, trong Đức Giêsu Phục sinh, tất cả tín hữu làm thành một dân hoàn toàn mới, một dân tộc thánh thiện, nhân ái và cùng nhau tiến về Quê Trời.
 
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên.
 
 
 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 186
  •   Thành viên online 1
  •   Máy chủ tìm kiếm 19
  •   Khách viếng thăm 166
 
  •   Hôm nay 38,318
  •   Tháng hiện tại 1,168,680
  •   Tổng lượt truy cập 81,101,580