Sợi chỉ đỏ Chúa nhật Phục Sinh - Năm B

Thứ tư - 27/03/2024 19:14      Số lượt xem: 929

Chủ đề: Chúa đã sống lại

 

 

Phêrô và Gioan chạy ra mồ Chúa.

* Sợi chỉ đỏ:
- Bài đọc I (Cv 10,34.37-43): Tại nhà ông Cornêliô, Thánh Phêrô tuyên bố Đức Giêsu dù đã bị giết chết nhưng đã sống lại thật.
- Bài Tin Mừng (Ga 20,1-9): Sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho bà Maria Mađalêna.
- Bài đọc II (Cl 3,1-4): Thánh Phaolô dạy: Kitô hữu là người đã chết với Đức Giêsu và sống lại với Ngài.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
“Chúa đã sống lại rồi”, đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của Phaolô và của mọi thế hệ Kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo Hội. Cho dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn và ai cũng phải chết, nhưng cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau khi chết là sống lại, và ai chết trong Chúa thì sẽ được sống lại với Ngài.
Trong Thánh lễ này, xin Chúa cho chúng ta càng ngày càng xác tín hơn về điều ấy.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên chúng ta sống như mục đích của cuộc đời chỉ là ở thế gian này.
- Vì chưa xác tín vào việc sống lại nên khi gặp gian nan thử thách, chúng ta ngã lòng, thất vọng.
- Cuộc sống chúng ta chưa là một bằng chứng trước mặt người thế về niềm tin có sự sống lại.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I: Cv 10,34.37-43
Lời rao giảng này của Phêrô được các nhà Thánh Kinh gọi là Kerygma, tức là bài giảng truyền giáo. Lần đầu tiên ngỏ lời với một nhóm thính giả mới, các tông đồ luôn giảng Kerygma.
Mỗi Kerygma, cho dù có khác nhau trong những chi tiết phụ, nhưng luôn gồm những yếu tố chính về Đức Giêsu : a/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Đức Giêsu ; b/ Cái chết của Ngài ; c/ Việc Ngài sống lại ; d/ Kêu gọi tin vào Ngài để được cứu độ.
Tin vào nội dung Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản để trở thành Kitô hữu.
2. Đáp ca: Tv 117
Thánh vịnh này là tâm tình của người đã cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa. Quyền năng và tình thương ấy đã chiến thắng tất cả, cho dù là khổ đau, là chết chóc. Tác giả muốn sống mãi để có thể ca tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
3. Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9
Những chi tiết quan trọng nhất của bài tường thuật này là ngôi mộ trống và 3 phản ứng trước hiện tượng ấy.
- Maria Mađalêna nghĩ rằng “Người ta đã lấy mất Chúa rồi”. Bà hoang mang chạy đi báo tin “chẳng lành” ấy cho các tông đồ khác. Phải chờ đến khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với bà thì bà mới tin Ngài sống lại.
- Phêrô nhìn thấy những hiện tượng nhưng chưa có phản ứng nào cả.
- “Người môn đệ kia” khi thấy thì nhớ lại những lời Đức Giêsu đã nói trước nên đã tin ngay.
4. Bài đọc II: Cl 3,1-4
Thánh Phaolô dạy cách sống của người thực sự tin vào việc Đức Giêsu sống lại:
- Kitô hữu là người đã chết với Đức Giêsu và sống lại với Ngài.
- Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới.
- Hãy hướng lòng trí về những gì thuộc về thượng giới.
IV. GỢI Ý GIẢNG
1. Hai cách nhìn
Trước ngôi mộ trống của Đức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy khác nhau:
- Cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi tình cảm: chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ !” Cái nhìn tình cảm này không giúp thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà buồn rầu, lo lắng, khóc lóc.
- Cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Đức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui : “Ông đã thấy và đã tin”.

* * *

Có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt thường không trông thấy.
Theo định nghĩa, “tín hữu” là người tin. Vì thế, tín hữu vừa có cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.
Chẳng hạn, Thánh Phaolô trong lúc đang ngồi tù và sắp bị đem ra xử, ông nghĩ đến hai tình huống có thể xảy ra: một là bị xử tử, hai là được tự do.  Bằng cái nhìn đức tin, ông đã thấy sống hay chết đều tốt cả: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21). Còn thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu sau khi đã nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong đời mình bằng cặp mắt đức tin, đã kết luận “Tất cả là hồng ân”.
Đức Giêsu Phục Sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục Sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này: Halleluia !
2. Tin là thế nào ?
Đức tin của các tín hữu thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc: tin có Thiên Chúa; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự và điều hành mọi sự…
Đức tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau: tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.
Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa: Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô”.
3. Làm chứng là thế nào ?
Chỉ có các tông đồ là những “chứng nhân” đúng nghĩa: các ngài đã cùng sống với Đức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.
Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh theo cách thứ hai này: sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.
4. Tâm thức kiêu căng của kẻ chiến thắng
Nhiều người trách rằng những người Công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người… Tiếng Pháp là “triomphalisme”. Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không ? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không ?
Chúng ta xác tín rằng chúng ta có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Đức Giêsu Phục Sinh, và cũng xác tín rằng nếu có Ngài phù trợ thì chúng ta sẽ vượt thắng tất cả. Những câu đáp ca hôm nay trích từ Thánh vịnh 117 tuyên bố niềm xác tín đó: “Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa làm”.
Thế nhưng, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người khác không có được niềm xác tín của chúng ta. Đúng hơn, chúng ta cần làm chứng cho họ và chia sẻ với họ niềm xác tín ấy, một niềm xác tín vẫn giúp con người lạc quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp chết.
5. Mộ mở toang
Gioan “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó… Ông đã thấy và đã tin”.
Nhưng ông thấy gì ? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.
Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì ? Một hố sâu thăm thẳm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang khăn tang chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái chết có bộ mặt một cuộc phục sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật.
Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ đâu có trống. Vì Gioan đã thấy chân dung thực sự của Đức Giêsu, bạn ngài.
Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không ? Vì sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.
Dưới nhãn quan của não trạng hiện đại, đã thấm nhiễm vào ta, chết là hết. Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta.
Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên chỗi dậy. Phục sinh.
Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức tin. Sau cùng ta hiểu rằng Đức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến đá che mộ, đã hoàn thành cuộc Phục sinh báo trước. (G. Boucher, “Le ciel sur terre”, được trích trong Fiches dominicales, năm A, trang 122-123).
6. Tin mừng Phục Sinh
Bà Regina Riley hằng cầu nguyện cho hai cậu con trai đã xa rời đức tin nhiều năm… Bỗng một sáng Chúa nhật, bà không thể tin vào mắt mình, hai đứa con bước vào nhà thờ ngồi ghế đối diện với bà. Tan lễ, bà liền hỏi lý do nào khiến các con trở về với Chúa. Đứa con nhỏ mau mắn kể lại:
Thời gian nghỉ hè tại Colorado, vào một sáng Chúa nhật, chúng con đang lái xe thả dốc trong cơn mưa tầm tã. Bỗng nhiên, một cụ già không dù che, người ướt sũng đang vội vã bước đi, dáng điệu khập khiễng. Chúng con dừng lại mời cụ lên xe, mới được biết cụ đang đi lễ, đến một nhà thờ cách đó 5 cây số. Chúng con liền đưa cụ đến dự lễ. Nhưng vì trời vẫn mưa nên hai anh em quyết định vào xem lễ rồi cùng đón cụ về. Lạ thay, sau khi lắng nghe Lời Chúa chúng con rất xúc động, tâm hồn như được đổi mới hoàn toàn. Mẹ biết không, lúc bấy giờ chúng con như được trở về nhà sau một chuyến đi dài đầy mệt mỏi.

* * *

Câu chuyện hai anh em gặp gỡ cụ già xa lạ sẽ minh họa cho chúng ta bài Tin mừng Phục Sinh hôm nay.
Bà Maria Macđala, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê là ba phụ nữ nhân đức từng theo giúp Đức Giêsu và các môn đệ. Các bà đã từng được Thầy Giêsu dạy dỗ, yêu thương. Nhưng giông tố kinh hoàng của chiều thứ Sáu Tuần Thánh đã cướp đi người Thầy rất đáng kính yêu của họ. Giờ đây, Thầy đã nằm yên trong mộ đá. Còn lại gì ? hay chỉ còn bao kỷ niệm thân thương và nước mắt. Để vơi đi nỗi sầu, các bà chỉ biết mua dầu thơm về ướp xác Thầy. Nhưng “Ai sẽ lăn dùm tảng đá ra cho chúng ta ?” (Mc 16,3).
Kinh ngạc thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và xác Thầy cũng không còn nữa. Chỉ còn đó sứ thần chờ để loan báo Tin mừng: “Đấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại Galilê” (x. Mc 16,7). Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống đã bừng lên.
Hai anh em trong câu chuyện trên cũng đã một thời tin theo Chúa. Nhưng giông tố của thời niên thiếu đến, đã cướp đi bao kỷ niệm đạo đức thuở ấu thơ. Thế rồi, cụ già đã xuất hiện loan báo một Tin mừng, không phải bằng lời mà bằng gương sáng đạo đức: “Thầy Giêsu hẹn gặp lại các con nơi thánh đường”.
Tin mừng chính là: Hễ có giông tố của chiều thứ Sáu Tuần Thánh, thì cũng có bình an của sáng Chúa nhật Phục Sinh.
Tin mừng chính là: Hễ có bình an là có niềm hy vọng, có trở về và có đổi mới.
Tin mừng chính là: Nếu ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng được sống lại với Người.
Tin mừng chính là: Nếu có tình yêu quằn quại trên thập giá, thì cũng có tình yêu rạng rỡ sáng Phục Sinh.

* * *

Lạy Chúa,
Xin cho chúng con, luôn xác tín rằng:
Mỗi lần chúng con trở về sau những lầm lỗi, là chúng con đang phục sinh với Chúa.
Mỗi lần chúng con tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con đang sống lại với Người.
Mỗi lần chúng con tiếp tục cố gắng sau những lần thất bại đắng cay, là chúng con đang ra khỏi mồ trống.
Xin giúp chúng con biết mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng Phục Sinh của Chúa. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế: Anh chị em thân mến, hôm nay toàn thể Hội Thánh long trọng mừng Đức Giêsu Kitô sống lại vì đó là nền tảng cho niềm tin của Hội Thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo. Chúng ta hãy phấn khởi dâng lên Chúa những lời cầu nguyện sau đây:
1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người trong Hội Thánh/ đã được chết cho tội lỗi và sống lại trong Đức Kitô nhờ Bí tích Thanh tẩy/ biết mau mắn từ bỏ tội ác/ và sống theo đời sống mới của con cái Thiên Chúa.
2. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người không tin Chúa, chống lại Chúa và sống trong tình trạng tội lỗi/ biết mở lòng mở trí đón nhận ánh sáng của Chúa Phục Sinh/ để tìm được chân lý và hy vọng cho đời mình.
3. Chúng ta cầu xin Chúa cho những người đang sống trong nghèo đói, thất nghiệp không nhà không cửa/ gặp được nhiều người giúp đỡ ủi an/ và nhận ra Đức Giêsu là đã chết và sống lại vì yêu thương họ.
4. Chúng ta cầu xin Chúa cho anh chị em giáo hữu trong họ đạo chúng ta/ biết dùng lời nói và việc làm để làm chứng về Đức Giêsu Phục Sinh/ cho những người lương dân sống chung quanh chúng ta.
Chủ tế: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã đem niềm vui Phục Sinh đến cho chúng con hôm nay, xin cho chúng con biết chia sẻ niềm vui và niềm tin ấy cho mọi người chúng con gặp để tất cả được chung hưởng niềm vui của con cái Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. TRONG THÁNH LỄ
- Trước kinh Lạy Cha: Đức Giêsu Phục Sinh đã thiết lập cơ sở vững chắc cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin cho Nước ấy được mở rộng khắp nơi, trong lòng mọi người.
- Sau kinh Lạy Cha: “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an, sự bình an mà Đức Giêsu Phục Sinh đã ban cho các môn đệ. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp, chúng con trở thành những con người mới, sẽ luôn luôn thoát khỏi tội lỗi và được an toàn khỏi mọi biến loạn…”
- Trước khi rước lễ: “Đây Chiên Thiên Chúa… phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng ban cho chúng ta một sự sống mới“.
VII. GIẢI TÁN
Đức Kitô đã sống lại và đang sống mãi. Ngài sống trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới này. Chúng ta hãy làm những chứng nhân nhiệt tình cho Ngài, mang niềm vui và an bình đến cho mọi người. Halleluia, Halleluia.
 

 

Tác giả bài viết: Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

  Ẩn/Hiện ý kiến

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

DC VC NVB Tach nen
BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM
THÁNH CA
HỌC HỎI LỜI CHÚA
  •   Đang truy cập 196
  •   Máy chủ tìm kiếm 42
  •   Khách viếng thăm 154
 
  •   Hôm nay 35,305
  •   Tháng hiện tại 1,165,667
  •   Tổng lượt truy cập 81,098,567